Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Đại hội Hội Đá quý Việt Nam lần thứ III

Đại hội Hội Đá quý Việt Nam lần thứ ba


   Ngày 18/12/2016 Hội Đá quý Việt Nam đã tiến hành Đại hội lần thứ ba nhiệm kỳ 2016 – 2021 bầu ra 48 Ủy viên BCH. Ông Hoàng Thế Ngữ tái cử chức Chủ tịch, các ông (bà) Ngô Thế Học, Nguyễn Nhân Phượng, Nguyễn Trọng Toàn, Phạm Nhật Minh, Tô Thị Chinh trúng cử chức Phó Chủ tịch Hội Đá quý Việt Nam. Đại hội đã thành công rực rỡ, đề ra nhiều phương hướng hoạt động mới mẻ và các hoạt động thiết thực nhằm phát triển hội ngày càng vững mạnh. Sau đây trích đăng một số phóng sự ảnh tiêu biểu:


Văn nghệ chào mừng Đại hội


Chủ tịch đoàn Đại hội


Toàn cảnh Đại hội


Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Mẹ ngồi đếm lá

Mẹ ngồi đếm lá

Những chiều buông
Lối về chùa trong
Còng còng dáng mẹ
Vuông vức mảnh vá trên lưng áo
Như mảnh ruộng giữa đồng ngày nào
Mẹ vun trồng cấy hái.

Hai thế kỷ trên vai
Nhẹ tênh như gánh lá đầy vơi
Mẹ đặt quang ngồi đếm
Chẳng nhầm, chẳng lẫn
Vẫn đủ chục, đủ trăm
Mẹ nâng niu vuốt ve từng lá
Những chiều buông!

Tác giả: Nguyễn Thanh Long
Lời bình: Lê Thanh Long

T
hơ tự do từ trước năm 1975 là loại hình thơ có hình tượng, biểu tượng nhưng vẫn còn dễ hiểu, có vần điệu, nhạc tính… Sau năm 1975 quan điểm về thơ tự do dần dần thay đổi theo trào lưu thơ thế giới. Ngày nay thơ tự do được gắn cho nhiều cái tên như thơ Hiện đại, thơ Hậu hiện đại… Nói chung sự đổi mới của thơ ngày nay chủ yếu là đi tìm cái lạ, cái mới… bỏ qua hết thảy các tiêu chí của thơ trước đây như bỏ vần điệu, bỏ nhạc tính, bỏ qua cả văn phạm chấm, phẩy, cách kết cấu câu thơ… nghĩa là hoàn toàn tự do trong suy nghĩ, cảm hứng và sáng tác.
   Thơ tự do ngày nay đề cao ý nghĩa sâu xa của bài thơ, tạo ra những nét khác lạ, khó hiểu để tạo ra tâm lí cho độc giả khi hiểu ra, sẽ có cảm giác thích thú. Chính vì khó hiểu, nên người đọc “nản chí” với thơ tự do và thường bỏ qua không đọc.
   Bài thơ “Mẹ ngồi đếm lá” của Nguyễn Thanh Long thuộc loại hình thơ tự do hiện đại, bài thơ đã được đăng trong báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) số 32 ngày 10/5/2013, trang 21.
   Khổ thơ đầu nói về người mẹ nông thôn bình dị:
Những chiều buông
Lối về chùa trong
Còng còng dáng mẹ
Vuông vức mảnh vá trên lưng áo
Như mảnh ruộng giữa đồng ngày nào 
Mẹ vun trồng cấy hái.


   Hàng ngày vào “những buổi chiều” ánh nắng mặt trời dần tắt “buông“ những tia nắng cuối cùng xuống con đường “trong” “lối về chùa”, người ta lại thấy một bà “mẹ” “dáng còng còng”, trên lưng tấm áo đã cũ có một mảnh vá “vuông vức” “như mảnh ruộng giữa đồng ngày nào”“mẹ từng vun trồng cấy hái”. Diễn tả đoạn thơ ra như vậy để thấy đoạn thơ cũng không có gì là khó hiểu.
   Nhưng đoạn thơ này muốn nói lên điều gì? Bà mẹ thời trẻ  là nông dân ở nông thôn đã từng “vun trồng cấy hái” để nuôi những đứa con khôn lớn, bây giờ mẹ đã già yếu “dáng” “còng còng”, nhưng vẫn tự mình vá áo cho mình “mảnh vá” vẫn “vuông vức”, chứng tỏ mắt mẹ vẫn còn tinh tường, minh mẫm. Những đứa con của mẹ bây giờ ở đâu để mẹ phải tự vá áo, sống cuộc sống thanh bạch, bần hàn và hàng ngày mẹ vẫn gánh lá đi bán, rồi mỗi khi “chiều buông” mẹ lại xuất hiện “trong lối về chùa”. Mẹ “về” chùa chứ không phải mẹ đến chùa. Có thể mẹ vẫn có nhà, nhưng mẹ lại muốn sống ở chùa. Vậy mẹ sống ở chùa để làm gì? Không khó khăn lắm chúng ta cũng hiểu ra được ý tác giả là mẹ ở chùa để hàng ngày mẹ cầu nguyện cho người chồng và những đứa con của mẹ đã hy sinh được siêu thoát, tìm thấy sự thanh thản, yên bình trong màn sương khói của tiếng mõ tụng kinh và vòng tràng hạt.


   Đoạn thơ thứ hai:
   Hai thế kỷ trên vai
   Nhẹ tênh như gánh lá đầy vơi


   Mẹ đặt quang ngồi đếm
   Chẳng nhầm, chẳng lẫn
   Vẫn đủ chục, đủ trăm
   Mẹ nâng niu vuốt ve từng lá
   Những chiều buông!
   Mẹ đã sống xuyên qua “hai thế kỷ”, hai cuộc chiến tranh đè nặng “trên” đôi “vai” nhỏ bé, những bà mẹ Việt Nam đã vượt qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại một cách “nhẹ tênh như gánh lá” cũng như mẹ đã từng “gánh” vác công việc nuôi những đứa con do mẹ sinh ra khôn lớn bằng “gánh lá” vô cùng vất vả “đầy vơi”. Tác giả không nói rõ loại lá nào: lá trầu không, lá dong, lá sen, lá chuối… đó là chiếc lá hình tượng như chiếc lá “diêu bông” của Hoàng Cầm.
Mẹ đặt quang ngồi đếm
Chẳng nhầm, chẳng lẫn
Vẫn đủ chục, đủ trăm
   Mẹ vẫn minh mẫn, tinh tường, không nhầm lẫn, mẹ vẫn xếp những tệp lá ngay ngắn, “đủ chục, đủ trăm”.
   Mẹ cũng không nhầm lẫn khi để chồng con ra mặt trận bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, đến bây giờ dù đã già yếu mẹ vẫn tỉnh táo minh mẫn trong suy nghĩ và hành động như trước đây khi để chồng con ra chiến trận và bây giờ vẫn tin tưởng vào việc làm đúng đắn của mình.
   Giờ đây mẹ vẫn nâng niu trân trọng hành động yêu nước của chồng, của con, vuốt ve những chiếc lá đã nuôi những đứa con khôn lớn, như từng vuốt ve yêu mến những người thân yêu, họ còn sống mãi trong lòng những người mẹ, người vợ Việt Nam, đối với mẹ những người chồng, người con hy sinh cho Tổ quốc, cho đất nước là vinh quang, là bất diệt:
   Mẹ nâng niu vuốt ve từng lá
   Những chiều buông!
   Sự lặp lại của câu thơ đầu "Nhưng chiều buông" ở cuối bài, mô tả cuộc sống vẫn tiếp diễn, dù nó có xẩy ra thế nào đi chăng nữa thì con người ta vẫn cứ phải sống, phấn đấu và tồn tại.
   Bài thơ “Mẹ ngồi đếm lá” lời thơ giản dị, nhưng hàm chứa một ý nghĩa nhân văn sâu sắc và sự hy sinh cao cả của những bà mẹ Việt Nam chân chất, anh hùng.
   Nguyễn Thanh Long sinh năm 1941, là một nhiếp ảnh gia khoa học. Anh đến với thơ ca cũng đã hơn chục năm, đã xuất bản được ba tập thơ: Trăng Tích Giang (NXB Hội Nhà văn, 2008, Vòng trăng con gái (NXB Hội Nhà Văn, 2010), Nẻo trăng về (NXB Hội Nhà văn, 2012). Thơ anh đa phần là thơ tự do, có chiều sâu và mang tính sáng tạo, tìm tòi thể hiện.
   Chúc anh có nhiều bài thơ, tập thơ hay, sức khỏe, vui vẻ và hạnh phúc.
Hà Nội ngày 09/12/2016
Lê Thanh Long
Chủ tịch Thi đàn Bình thơ Trường Xuân Việt Nam

ĐT: 01292.098.772 

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Mời gửi bài đăng tập san Trường Xuân số 14

Mời bạn thơ gửi bài đăng Trường Xuân tập 14

     Từ ngày 6/12/2016 Tập san Trường Xuân số 14 bắt đầu nhận bài gửi đăng, xin mời các bạn yêu mến văn chương thơ ca gửi bài, Ban Biên tập rất hân hạnh tiếp nhận bài của các bạn yêu mến văn chương trong toàn quốc theo các danh mục sau: Thơ, Giới thiệu chân dung, Bình thơ, Giới thiệu tác phẩm… Chúng tôi rất trân trọng sự tham gia, đóng góp của các bạn.
     Bài vở gửi Bưu điện theo địa chỉ: Lê Thanh Long: phòng 1101, nhà CT7 A, Khu Đô thị mới Dương Nội, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội.
     Hoặc theo Email: lethanhlong123@yahoo.com.vn
     Điện thoại liên hệ: 01292098772
     Thay mặt Ban Chấp hành Thi đàn Bình thơ Trường Xuân Việt Nam
     Trưởng Ban Biên tập

     Lê Thanh Long


Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Trao giải cuộc thi thơ Lục bát

TRAO GIẢI CUỘC THI THƠ 

   Ngày 22/11/2016 Thi đàn Bình thơ Trường Xuân đã tổ chức trao giải cuộc thi thơ chủ đề “Tình yêu và gia đình”. Trong không khí ấm áp, chân tình, hồ hởi, vui vẻ của một ngày trời thu nắng đẹp cuộc trao giải đã thành công rực rỡ. Những giọng ngâm thơ mượt mà, giọng ca quyến rũ và nhất là những điệu múa ngập tràn sắc màu huyền diệu đã để lại những ấn tượng không thể nào quên cho các đại biểu và các bạn thơ tới dự. Sau đây là một vài hình ảnh ấn tượng của buổi lễ thân mật này:





















Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

LÊ THANH LONG

Non thiêng Yên Tử

Trên đỉnh Yên Sơn mây bay gió thổi (1)
Ai ngồi thiền lẳng lặng giữa trời Nam
Qua bao bậc mới tới đỉnh thượng ngàn
Mà mỗi bậc đều cao vời tâm thế














Người trải qua bao thăng trầm dâu bể
Để một lòng hướng tới cõi thiện tâm
Vi vút ngàn thông tựa tiếng nguyệt cầm














Gió như lưỡi kiếm
               gọt mòn ngàn viên bạch ngọc (2)
Như kết tụ từ kinh luân Phật học
Của ngàn đời đốt nóng khối thạch nham
Một trái tim rực lửa của Phật Hoàng
Lập nên Thiền phái Trúc Lâm
                       tỏa muôn ánh hào quang
Soi rọi bốn phương đông tây nam bắc
Lên non thiêng phải trải qua bao nhiêu bậc
Ngay Phật Hoàng cũng không biết bao nhiêu
Trái tim thương dân biết chia sẻ thương yêu
Cứ tuôn chảy như sông như biển














Mong tâm nguyện Người mãi còn hiển hiện
Để rọi soi muôn thế hệ mai sau
Người Việt như tre trúc ngẩng cao đầu
Sức sống như thông như tùng như bách
Và ngàn đời xanh mãi nước non thiêng!

(1)Đỉnh Yên Sơn cao nhất vùng Đông bắc Việt Nam (1068m)
(2) Đá Yên Sơn tạo thành bởi ngàn vạn viên đá trắng nằm trong khối nham thạch nóng chảy

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

Về

LÊ THANH LONG

Về


Lầu son gác tía đã từng
Mà sao Người đến với rừng hoang sơ
Trời không bến, đất không bờ
Một ngôi bán mái, nước chờ chén con


















Củ rừng, măng trúc, đường mòn
Chon von một mái nhà con giữa rừng
Non xanh, thông trúc bạn cùng
Cõi tâm hướng tới mấy từng trời xanh


















Trí đã thanh, lòng đã lành
Lập nên Thiền phái Trúc lâm giữa đời
Đến đây để hiểu lẽ trời
Cái gì là cái cao vời xưa nay

Quyền uy rồi cũng như mây
Của như nước chảy, có ngày cũng tan
Thôi về với núi trăng ngàn
Ngàn năm mở rộng tâm can giữa trời.

YÊN SƠN - YÊN TỬ

LÊ THANH LONG


Sóng

Yên Sơn liệu có yên lòng
Bao tầng đá núi chất chồng ngổn ngang
Tiếng chuông - thức tỉnh - Phật Hoàng
Bến nhân gian, sóng đại ngàn lòng dân.

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Bình luận

Sự cảm nhận từ
các giác quan trong thơ ca

                    LÊ THANH LONG
     
   Người ta thường ví von thưởng thức thơ như thưởng thức các món ăn. Nhưng tôi lại thích ví thưởng thức thơ như thưởng thức món Cocktail (coc tai). Cocktail là một loại thức uống được pha trộn chứa rượu thường bao gồm một hay nhiều loại rượu và hương như rượu mùi, trái cây, mật ong, sữa, kem… Cocktail là một đồ uống pha trộn hỗn hợp đa mùi vị chua có, mặn có, ngọt có, thậm chí có cả vị chát nữa, màu sắc thì vô cùng đa dạng, có tới mười ngàn công thức pha chế khác nhau, cốc đựng cũng rất đa dạng và có ở hầu khắp các nước trên thế giới. Kể ra như vậy để thấy Cocktail rất giống với thơ ca về chủng loại, màu sắc, mùi vị, cách chế biến cũng như thưởng thức. Làm và thưởng thức món Coctail này và món Cocktail thơ phải vận dụng cả 5 giác quan. Đó là Thị giác thưởng thức sự bắt mắt của các màu sắc phối hợp kỳ ảo, Thính giác nghe tiếng lanh canh của chiếc thìa kim loại va khẽ vào chiếc cốc thủy tinh trong suốt, Khứu giác ngửi những hương vị đa dạng của hoa quả và hương liệu tỏa ra ngào ngạt hoặc phảng phất nhè nhẹ, dìu dịu, Vị giác thưởng thức hương vị ngọt ngào chầm chậm ngấm vào từng tế bào vị giác và Súc giác  cảm nhận cái lành lạnh tỏa ra từ bề mặt chất lỏng từ cái cốc thủy tinh trong vắt. Nhưng sử dụng cả năm giác quan đó để làm thơ và bình luận thơ vẫn còn là chưa đủ. Khi đọc thơ trong chúng ta ai cũng có lần bắt gặp những bài thơ đọc lên chúng ta thấy hay, nhưng không nói ra được là nó hay ở chỗ nào?! Vậy tại sao chúng ta lại nói nó hay và thực tế là nó hay thật! Có điều đó xẩy ra, bởi vì chúng ta đã sử dụng đến cái giác quan vô hình. Đó là “giác quan thứ sáu” để xét đoán bài thơ. “Giác quan thứ sáu” vô hình đó chính  là sự cảm nhận. Đối với các nhà thơ và nhà bình luận thơ thì giác quan thứ sáu là quan trọng nhất, rồi tiếp đến là Thị giác và Thính giác.


   Khi ta đọc thơ bằng mắt, vẫn như thấy vang lên đâu đây cái âm thanh, nhịp điệu của câu chữ. Thơ có nhạc tính, nhạc điệu thì ai ai cũng nhận thấy. Và cái nhạc tính trong thơ tất nhiên là nghe bằng tai (thính giác) khi ta đọc lên, ngâm lên nhưng dù ta có đọc không thành tiếng thì vẫn như vang lên những âm thanh toát ra từ những con chữ và sự sắp xếp của những con chữ. Đó là sự cảm thụ trong tưởng tượng do đã hằn sâu vào trong trí não ta, tâm hồn ta khi ta tiếp nhận những từ ngữ đó nó gợi lên từ tấm bé cho đến suốt cả cuộc đời. Người đọc diễn cảm là người hiểu và tiếp nhận được đúng nội dung bài thơ.
   Trong thơ có họa thì các nhà thơ đều đã biết từ lâu “thi trung hữu họa”. Người ta tiếp nhận sự vật, sự vịêc, cảnh đẹp… trước hết là bằng thị giác (mắt nhìn) và người sáng tác thơ dù ít, dù nhiều đều vận dụng thị giác để “họa” lại những phong cảnh, sự vật, sự việc… nhưng khác văn xuôi ở chỗ nhà thơ đã lựa chọn những nét điển hình để xây dựng các hình tượng, biểu tượng cho bài thơ của mình.
   Khi làm thơ và khi viết lời bình người ta phải vận dụng tất cả sáu giác quan đó. Sau đây chúng tôi đưa ra một số ví dụ mà các nhà thơ đã vận dụng trong sáng tác và sáng tạo thơ như thế nào.
   Nguyễn Du đã quan sát một cách tinh tế và mô tả bằng vài nét chấm phá quang cảnh nơi Thúy Kiều gặp Kim Trọng:
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Hay tả buổi chiều tà đang “thoi thót” dần tắt và trăng lưỡi liềm đang nhô lên khỏi chân trời trong lúc Thúy Kiều đang đợi Sở Khanh đưa đi trốn:
Chim hôm thoi thót về rừng
Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành
Và cái không gian buồn:
…Một vùng cỏ áy bóng tà
Vi lô hiu hắt một và bông lau
Thị giác là cơ quan tiếp nhận cảnh vật từ xa và bao quát được Trần Duy Quý mô tả rất khéo và ấn tượng:
Bao mùa lá rụng bên thềm
Bao mùa trăng đổ bạc trên tóc gầy
Hoặc như câu thơ của Khuất Bình Nguyên tả về cái xứ Đoài nhỏ bé gắn bó đời người và tượng trưng cho cả nền văn chương của đất nước:
Lang thang mây trắng xứ Đoài
Chưa ra khỏi ngõ đã vài trăm năm.
    Người ta còn vận dụng việc trình bày con chữ trên mặt phẳng giấy để gây ấn tượng thị giác trong Thơ tự do cũng như cách trình bày thơ Lục bát theo cách vắt dòng.
   Thính giác là cơ quan tiếp nhận âm thanh từ gần đến xa, từ nhỏ đến lớn… của các hiện tượng và sự vật diễn ra trước mắt. Nó là giác quan quan trọng bậc nhất, mà không một nhà thơ nào bỏ qua mà không tận dụng một cách hiệu quả để người đọc có thể cảm nhận được âm thanh của câu thơ khi đọc lên. Lúc này người đọc tiếp nhận âm thanh thông qua con chữ khi đọc lên hình dung và tưởng tượng quang cảnh, sự vật, sự việc do con chữ gợi lên. Nó sôi nổi, hào hùng, chát chúa, mãnh liệt, sôi động hay êm dịu du dương trầm bổng, thiết tha… Âm thanh do con chữ tạo ra  đi vào lòng người dễ dàng và sâu lắng như khi ta nghe các giai điệu trầm bổng của bài hát hoặc du dương trầm bổng, ngọt ngào, êm ái qua giọng ngâm thơ, bản nhạc…
   Ta hãy đọc mấy câu thơ của Nguyễn Du nói về nỗi lòng tương tư của Kim Trọng sau khi gặp Thúy Kiều ở hội Đạm Thanh:
253.Phòng văn hơi giá như đồng,
254.Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan
255.Mành Tương phất phất gió đàn
256.Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình
Ở đây ta thấy sự kết hợp cả súc giác (253), thị giác (254), thính giác (255), khứu giác và vị giác (256).
   Hay như câu thơ tả tiếng đàn Thúy Kiều gảy cho Kim Trọng nghe:
481.Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
   Nguyễn Du tả quang cảnh Mã Giám Sinh đưa Thúy Kiều đi thật ấn tượng chỉ bằng hai câu thơ:
907. Đùng đùng gió giục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay
   Nhưng tất cả những thu thập của các giác quan cũng chỉ là nguyên liệu để cuối cùng tất cả nhằm hướng tới một cái đích là mô tả, diễn tả nội tâm của con người – một món ăn tâm hồn, thông qua các giác quan mà người viết tiếp nhận được và sau khi được hình tượng hóa, biểu tượng hóa… thành các câu thơ qua chiều sâu tâm hồn, sự rung động của trái tim nhà thơ khi sáng tác để làm bật lên cái nội dung sâu xa của tư tưởng mà tác giả cần trình bày.
   Nguyễn Du với khả năng quan sát bằng các giác quan một cách tinh tế, với kinh nghiệm trường đời thâm hậu đã diễn tả một cách khéo léo, sâu sắc tâm tư, tình cảm, cõi lòng của nhân vật Thúy Kiều trong đoạn một mình ngồi ở lầu Ngưng Bích - Cách phân tích tâm lý nhân vật siêu đẳng đó gây cho người đọc một ấn tượng thật khó quên:
1033. Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống hãy rày trông mai chờ!
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm!”
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông ngọn cỏ dàu dàu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh
1059. Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
   Sự biến động của đời sống xã hội và tình cảm riêng tư sẽ mở tung cánh cửa tâm hồn nhậy cảm của nhà thơ để nhà thơ đi vào thế giới của thi ca. Thơ là không gian của thế giới đa dạng muôn màu muôn sắc, kỳ ảo, huyền bí, mơ hồ… mà chỉ nhà thơ mới nhìn thấy nó và ghi lại bằng ngôn ngữ.
   Tuy nhiên có cả sáu giác quan vốn có đó của con người cũng chưa làm nên được cái gì đáng nói, đó chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ của nhà thơ và nhà bình luận là phải có kiến thức, có tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động, chia sẻ và cảm thông với số phận và hoàn cảnh con người, có lòng yêu thương con người. Những người có tâm hồn khô cứng khó có thể làm thơ và trở thành nhà thơ. Tất nhiên người làm thơ và nhà bình luận phải có chút năng khiếu và tài năng về lĩnh vực đó.
   Để bình giải một bài thơ nhà bình luận trước hết phải thích thú và đồng cảm với bài thơ đó, tìm ra những ẩn ý còn giấu kín, bóc tách lớp vỏ mơ hồ, khó hiểu bên ngoài, để bài thơ nở ra rực rỡ và tỏa hương thơm ngát cho độc giả thưởng thức. Những bài thơ đã rõ cả rồi thì còn gì để mà bình giải nữa. Giới thiệu tập thơ và bình giải một bài thơ nói đúng sự thật và hay mới là nhà bình luận có hạng. Nếu nói quá lên quá nhiều, tập thơ nào cũng hay, bài thơ nào cũng hay, thơ hay  thơ không hay đều như nhau thì hòa cả làng rồi, giống như cả cơ quan đều đạt lao động tiên tiến, làm như vậy người bình luận sẽ tự đánh mất mình. 

                                                       Hà Nội ngày 01/11/2016

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Trúc Lâm Yên Tử

LÊ THANH LONG

Trúc Lâm Yên Tử

Đến đây mới hiểu Phật Hoàng(1)
Vì sao Người bỏ ngai vàng về đây
Người về với gió với mây
Trúc Lâm Yên Tử sương dày thông reo

Chim ca vượn hót lưng đèo
Từ tâm thánh thiện bước theo chân Người
Trải bao sóng gió đầy vơi
Ngai vàng một thuở - Một trời quyền uy












Trong lòng sẵn mối từ bi
Hay vì nhân thế nỗi gì, mà thôi!
Thông reo vi vút lưng trời
Người đem ánh sáng tỏa ngời ngàn năm

Núi thiêng Thiền phái Trúc Lâm
Non sông chẳng thẹn tao nhân yên lòng
Cõi bờ con cháu Lạc Hồng
Vẫn vang một khúc trống đồng ngàn xưa














Chùa Đồng sương gội nắng mưa
Phật Hoàng đứng đó sao thưa bóng người.
-----------------------
(1)Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308)

Lê Thanh Long: Thông báo về cuộc thi thơ lục bát lần 2

Lê Thanh Long: Thông báo về cuộc thi thơ lục bát lần 2: THÔNG BÁO VỀ CUỘC THI THƠ LỤC BÁT LẦN 2    Thi đàn Bình thơ Trường Xuân Việt Nam phát động cuộc thi thơ lục bát lần 2, chủ đề “Quê hươn...

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Thông báo về cuộc thi thơ lục bát lần 2

THÔNG BÁO VỀ CUỘC THI THƠ LỤC BÁT LẦN 2

   Thi đàn Bình thơ Trường Xuân Việt Nam phát động cuộc thi thơ lục bát lần 2, chủ đề “Quê hương yêu dấu”.
Thời gian nhận bài dự thi:
Từ 22/11/2016 đến 22/5/2017
Mỗi cá nhân dự thi gửi tối đa 5 bài, mỗi bài đánh máy riêng một mặt trên khổ giấy A4, ghi rõ: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại.
Đối tượng dự thi: Những người yêu mến thơ ca.
Giải thưởng: Giải nhất, giải nhì, giải ba, giải khuyến khích.
Bài gửi theo địa chỉ: Phòng 1101, nhà CT7A, khu đô thị Dương Nội, P. Dương Nội, Q. Hà Đông, Hà Nội.

Hoặc gửi theo đường Email: lethanhlong123@yahoo.com.vn

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Vô đề


LÊ THANH LONG

Vô đề


Người về thành thị mà say
Ta về với núi mây bay bốn mùa
Dẫu không cản được gió lùa
Giang tay là bắt được mưa giữa trời

Kìa em! Mây trắng đang cười
Trời xanh đến tận mắt người xa quê.



Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

Động người xưa

Động người xưa*


Người nay
tìm gặp người \xưa
Hoa cài trong nắng,
gió đưa ngọt ngào
Người xưa
đến
tự thuở nào
Còn ghi dấu ấn
mãi vào đông xanh

Nghìn vạn năm,
động long lanh
Bước chân mòn đá
đã thành thiên thu
Vạn năm
động
gió mãi ru
Hồn người thăm thẳm,
xanh như sao trời
  
Cha ông đã mở cõi người
Vạn năm
đá
cất thay lời người xưa
Mỗi năm
một khắc giao thừa
Vạn năm trôi chậm,
như vừa đâu đây

Người nay chắp cánh vút bay
Nghiêng mình hồn chạm
bóng mây Tổ mình.


* Động Người Xưa ở Cúc Phương. Nơi đây đã tìm thấy bộ xương hóa thạch của người tiền sử cách nay 7.500 năm.

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

Thông báo về cuộc thi thơ lục bát lần 1

THÔNG BÁO VỀ GIẢI THƯỞNG CUỘC THI THƠ LỤC BÁT LẦN 1
  
   Ban Biên tập Thi đàn Bình thơ Trường Xuân xin trân trọng thông báo về cuộc thi thơ lục bát chủ đề “Tình yêu và gia đình”. Ban Biên tập qua việc thảo luận lựa chọn, đánh giá một cách công bằng, nghiêm túc đã bình chọn được các tác giả trúng giải sau đây:
1.Giải nhì: Nhà thơ, nhà bình luận Hoài Yên (tên thật là Nguyễn Du) với chùm thơ ba bài: Thơ say, Đang đêm, Gặp em.
2.Giải nhì: Nhà thơ, nhà bình luận Nguyễn Thị Bình (Hội Nhà văn Hà Nội) với chùm thơ ba bài: Đêm đông, Rượu sầu, Đêm nhớ
4.Giải khuyến khích:
4.1. Nhà thơ Bành Phương Lan (Hà Nội) với chùm thơ ba bài: Mẹ quê, Nín đi em, Đám cưới mẹ.
4.2. Nhà thơ Vũ Thị Minh Thu (Hà Nội) với chùm thơ ba bài: Mắc nợ, Viết cho anh bên bờ biển cả, Tiếng “Bà”.
4.3. Nhà thơ Nguyễn Anh Hòa (Thái Nguyên) với chùm thơ ba bài: Chị tôi, Lời ru thuở ấy, Ngọt ngào tháng ba.
4.4. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Cơ (Hà Nội) với chùm thơ bốn bài: Một vườn hoa đẹp, Bồi hồi xao xuyến, Ngày xưa ấy, Ngát hoa hương chiều.
4.5. Nhà thơ Đào Nguyên (Trần Tử Bình) (Hưng Yên) với chùm thơ ba bài: Nỗi lo cuối cùng, Trăng muộn, Vu vơ.

Trân trọng kính mời các nhà thơ được giải đến nhận giải vào 8h ngày 22/11/2016, tại Nhà Văn hóa tổ 31, số 8, ngõ 119, phố Trung Kính, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
  
   

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Thơ "Lục bát huyền ảo hiện đại"

Thơ
“Lục Bát huyền ảo hiện đại”

   Trong cuốn sách “Thơ ca và sự chuyển động” (Tiểu luận - Phê bình) NXB Hội Nhà văn, 2015, tác giả có bài viết nói về thơ “Lục Bát huyền ảo”, nhưng sự chuyển động và phát triển của Lục Bát không chỉ dừng lại ở đó, Lục Bát ngày nay được làm mới, ngày càng đa dạng, ngày càng được các nhà thơ chú tâm phát triển những hình thức Lục Bát mới hay hơn và đa dạng hơn. Lục Bát ngày nay không chỉ huyền ảo mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn, có chất của thơ hiện đại, ngôn ngữ thơ hiện đại, ý nghĩa đa dạng, hình thức đa dạng. Muốn sáng tạo thì ở môi trường nào, hình thức nào, loại hình nào, thời đại nào cũng sáng tạo được, không nhất thiết phải bắt chước trào lưu của thế giới đương thời mới là sáng tạo, mới là mới và hiện đại. Tác giả tạm gọi loại hình thơ này là “Lục Bát huyền ảo hiện đại”.
   Tác giả bài viết xin trích dẫn ra đây mấy bài thơ thuộc loại này. Đầu tiên xin giới thiệu ba bài thơ của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh hiện là Tổng biên tập Báo Đời sống và Pháp luật:
ĐƯA 
Đưa Quen về cuối con đường
Nghe hun hút gió vô thường trong tim
Đưa Thương về cuối cô miên
Tóc mưa thăm thẳm rủ trên siêu hình

Đưa Yêu về cuối yên bình
Rơi câu thơ - vỡ tan tình bâng khuâng
Đưa Đau về cuối thanh xuân
Tháng hoang mang đợi, ngày phân vân chờ.

Đưa Quên về cuối con đò
Nhờ mây trắng chở câu hò sang ngang
Đưa Thơ về cuối mênh mang
Lục bình ơi có nhớ tràng giang xưa...

Đưa Em về cuối cơn mưa
Cỏ hoang lối cũ đã thưa thớt rồi
Đưa Ta về cuối chân trời
Còn đâu những vết chân vời vợi xa... 
FACEBOOK (1)
Người về chém gió trên "phây"
Thì ta tóc xoã ngang mây cuối đèo
Tháng năm trôi, lá bay vèo
Post lên mực tím ngập chiều phố xưa...

Người về nắng tắt, mưa thưa
Những comment cắt qua mùa không tên
Nhớ nhiều thêm, để mà quên
Tuổi hoa niên héo trên thềm heo may...

Người về úa tóc, run tay
Thì ta áo trắng cũng phai bụi đời
Khát đam mê, đói chân trời
Ngàn năm khất thực những lời tram năm…
BỞI VÌ MÂY BAY
Ta chôn vực thẳm ven đời
Gieo thơ lục bát ngang trời thị phi
Nhớ là quên, đến là đi
Chắc mây vẫn trắng bởi vì mây bay

Đã nghe gió bấc lưu đày
Hanh hao tóc úa dọc ngày chớm đông 
Tỉnh là mê, sắc là không
Chốn nhân gian có nâu sồng cõi tu?

Trĩu vai một gánh sương mù
Nát tim từng giọt mưa phù vân rơi
Thấy ngày mai lững thững trôi….
    Tiếp theo dòng thơ này xin giới thiệu bài thơ của nhà thơ
Nguyễn Hữu Quý:  
Hạ thủy những giấc mơ 2
Theo cha ra biển, mở buồm
mây bay như nhớ cội nguồn về non
hải trình không dấu chân mòn
ngàn năm ngực vạm vỡ còn mặn theo.

Lời ru mẹ mắc cheo leo
gừng cay đầu sóng, muối neo lòng rừng
đói lòng ăn đọt lá mưng
gánh non sông giữ điệp trùng vẹn nguyên.

Biển Đông sóng cả, con thuyền
mái chèo cắt gió giữa miền mênh mông
đảo hoang ghé hạt lửa hồng
mọc lên ấm áp muôn vòng sinh sôi.

Làng trên sóng ngóng mưa rơi
ăn nằm kẽo kẹt mù khơi nổi chìm
mắm tôm, cà xổi, cá rim
thương nhau lục bát đi tìm ca dao.

Nhỏ nhoi đảo bão giông gào
ngọn rau mỏng mảnh nép vào trẻ trai
lặng im giọng hót đầu thai
bợc san hô nhú một vài líu lo.

Bát nhang trăm dặm xa bờ
trái cây chén nước đặt thờ tổ tiên
trùng khơi nối với đất liền
cầu mong biển lặng, trời yên xa gần…

Dậu phên làng lính, làng dân
khắc lên đảo bài thơ Thần linh thiêng
mái chùa một nét Việt riêng
hoa văn ngọn lửa thắp miền viễn khơi…
   Trong báo Văn nghệ số 11 (2016) Ngô Minh có bài Qua cầu:
Dập dềnh lục bát sang sông
giữa ngày hạ cháy mà đông se về
buồn ơi
buồn
mắt tái tê
tóc miên man
gió nhà quê
dãi dầu!

tình yêu như nước qua cầu
thôi em đừng hỏi những câu…
răng đành
em đi về phía
không anh
anh đi về phía
thác ghềnh trắng phau…!
   Xuân Diệu rất ít làm thơ lục bát, nhưng bài thơ của Xuân Diệu viết từ năm 1967 cũng rất “hiện đại”, xin giới thiệu để bạn đọc thưởng thức:
      ( Ca khúc)
Sáo vi vu thổi trong veo
Lên non là gió, qua đèo là mây;
Ngả bên dòng suối là cây;
Vương trong ánh mắt là dây tơ hồng.

Sáo ngân nga mãi bên lòng,
Vững trơ là đá, thắm hồng là son
Núi cao chót vót chon von
Anh xây, xây mãi chưa tròn tình yêu.

Sao nồng đượm biết bao nhiêu!
Mơn man với cảnh, thân yêu với người.
Quanh ta ríu rít là đời;
Bên em ai hát ai cười – là anh…
                                        27-8-1967
                                         Xuân Diệu
(Tuyển tập Xuân Diệu I – NXB Văn Học 1986)
   Hãy đọc bài thơ “Đồng chiều” khá lạ của Đỗ Vinh:
Đôi sừng đã chạm cổng làng
Chân còn bì bõm chưa sang khỏi chiều
Cái đuôi sau rốt vòng vèo
Còn vung vẩy nốt chút heo may đồng.
Không gian, thời gian, cũ và mới, truyền thống và hiện đại, thực và ảo hòa quyện trong một bức tranh chiều quê thật lạ lùng hư ảo.
   Ngôn ngữ thơ luôn luôn đổi mới và phát triển, các nhà thơ thời hiện đại sẽ sáng tạo và đưa những ngôn ngữ thơ hiện đại vào thơ Lục Bát như đã từng đưa vào thơ tự do hiện đại, nên trong tương lai có lẽ thơ Lục Bát cũng sẽ khó hiểu như thơ tự do hiện đại. Người yêu thơ ca cần làm quen với ngôn ngữ thơ hiện đại để hiểu được thơ hiện đại cũng như hiểu được “Lục Bát huyền ảo hiện đại”.
   Những nhà thơ sáng tạo thơ tự do hiện đại có thể sẽ bị cô đơn, đơn độc nhiều khi là cô độc, ngược lại những nhà thơ sáng tạo thơ Lục Bát sẽ dễ dàng đi vào lòng độc giả - người yêu thơ ca hơn. Mỗi nhà thơ có sự lựa chọn cho con đường đi của riêng mình, dù cho con đường đó có thể đầy chông gai, gian khổ và không biết được tương lai sẽ đi đến đâu và có thể là vô vọng…
   Cũng như bất cứ loại hình văn hóa nào, Lục Bát cũng phải làm mới, thay đổi để phát triển và tồn tại.
   Nhân đây xin kính tặng những nhà thơ một đời tâm huyết đổi mới thơ ca mấy câu thơ với lòng yêu mến và kính trọng chân thành:
Tóc xưa lốm đốm hai màu
Nắng vàng vẫn đổ trên đầu trang thơ
Nước ra biển, nắng vô bờ
Văn thơ chuyền động sững sờ thế gian.
                   Hà Nội ngày 27/2/2016