Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Truyện Kiều - Những bình giải

TRUYỆN KIỀU –
Những bình giải

Tác giả: Lê Thanh Long
Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014, 224 trang.


Lời giới thiệu

   Rượu ngon phải có bạn hiền cùng uống, thơ hay phải có bạn thơ cùng bình phẩm, trận bóng đá hay phải có đông bạn bè cùng xem. Đọc thơ mà không có bạn thơ cùng trao đổi thì chẳng khác gì ngồi uống rượu một thân, xem bóng đá một mình.
   Sách “Truyện Kiều – Những bình giải” của Lê Thanh Long là Người bạn thơ cùng giao lưu với chúng ta khi đọc Truyện Kiều, một thi phẩm nói mãi cũng không hết, bình giải mãi cũng không cạn. Để không bị lạc vào việc bình giải riêng rẽ từng từ, từng câu thơ như cách chú giải theo thông lệ ở các sách Truyện Kiều, Lê Thanh Long chọn ra 35 chủ đề để bình giải. Đó là những chủ đề nóng, vì thường có những cách bình giải khác nhau, theo những cảm nhận khác nhau. Đọc Truyện Kiều – Những bình giải ta thấy tác giả như trải lòng mình trên từng câu, từng từ trong thơ Kiều, như muốn hòa mình sống với các nhân vật của một xã hội bi thương cách xa chúng ta hàng trăm năm về thời gian, nhưng lại gần gũi về cảnh ngộ, để cảm nhận những ý thơ trong các từ, các câu của Nguyễn Du khi bình giải.
   Là nhà thơ, Lê Thanh Long có những cảm nhận tinh tế, sinh động, song ở góc độ là nhà khoa học, Lê Thanh Long lại có cách bình giải logic, hợp lý, chặt chẽ, có tính hệ thống trước sau của Kiều học , khoa học nghiên cứu Truyện Kiều.
   Có thể ở đâu đó trong các đoạn bình giải có những cái mới, khác lạ chưa dễ được ai đó chấp nhận, do những cảm nhận khác nhau về thơ Kiều, song chính những cái mới, cái khác lạ ấy đã đưa đến cho sách Truyện Kiều – Những bình giải sự hấp dẫn và chú ý.
   Hy vọng sách Truyện Kiều – Những bình giải của Lê Thanh Long sẽ đưa đến cho bạn đọc những giây phút ngạc nhiên và thú vị như tác giả mong muốn.
TS. Phan Tử Phùng
Phó Chủ Tịch

Hội Kiều học Việt Nam

Bạn đọc muốn tìm hiểu xin liên hệ: 
Lê Thanh Long, số điện thoại 01292098772



                                   LÊ THANH LONG                                             


Mấy lời cùng bạn đọc

     Truyện Kiều của Nguyễn Du đã có hàng trăm nhà Kiều học có học vị cao, có tên tuổi nghiên cứu, hiệu đính, bình giải, bình luận… trong hàng trăm năm nay như Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Vĩnh, Đào Duy Anh, Nguyễn Can Mộng, Vân Hạc Lê Văn Hòe, Tản Đà, Phan Ngọc, Nguyễn Thạch Giang,Vũ Ngọc Khánh, Lê Văn Hoàn… và nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi khác đã tạo ra một khối lượng đồ sộ các công trình nghiên cứu có giá trị. Tuy vậy, có nhiều vấn đề, nhiều câu chữ…  trong Truyện Kiều vẫn còn tranh cãi, còn phải bàn bạc… cho đến tận bây giờ còn chưa ngã ngũ. Thế mới biết Truyện Kiều hay và sâu sắc đến nhường nào!
    Từ ngữ trong Truyện Kiều là những viên ngọc quý lấp lánh nhiều màu sắc. Hiểu thật thấu đáo, thật sâu sắc, thật chính xác chữ nghĩa Truyện Kiều không phải là điều dễ dàng.
    Nói khác với những “cây đa, cây đề” về Kiều học như Đào Duy Anh, Lê Văn Hòe… và hàng trăm nhà Kiều học tên tuổi là một việc làm không dễ dàng gì, nhưng để giải đáp được những câu thơ khó, cần phải có cách tiếp cận mới, hướng giải quyết khác, mới mong  tìm ra điều gì đó còn ẩn giấu.
Tìm hiểu ý nghĩa từng câu, từng chữ trong Truyện Kiều, cho đúng với thâm ý của Nguyễn Du là một việc làm cực kỳ khó khăn, nhưng rất thú vị, để cho độc giả hiểu một cách sâu sắc thấu đáo Truyện Kiều
   Tìm hiểu ý nghĩa từng câu thơ trong Truyện Kiều là phải theo đúng nguyên bản (theo các bản hiện có). Ta không nên thay đổi văn bản khi bình giải, dù đó có thể là hay hơn, dễ hiểu hơn nguyên bản, nhưng đó không phải là thơ của Nguyễn Du. Vì vậy khi bình luận chúng tôi bám sát văn bản hiện hành, tất nhiên là chọn những văn bản chúng tôi cho là hợp lí, vì chưa có một văn bản nào chính thức được thừa nhận và cũng chưa tìm thấy bản gốc ban đầu của cuốn “Đoạn trường tân thanh”.
   GS. Hà Minh Đức cho rằng trong đổi mới hiện nay, cái quý nhất là những tác phẩm có giá trị đỉnh cao. Hiện nay có khuynh hướng làm mới cái cũ, có người đã làm mới Truyện Kiều bằng cách thay chữa câu chữ của Nguyễn Du. Cách làm đó rất đáng phê phán (Phát biểu tại hội thảo khoa học quốc gia”Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế”, 15.5.2014)
   Tác giả chỉ tập trung vào một số câu thơ, mà những bình giải trước đây còn chưa làm thỏa mãn người đọc và những câu thơ chưa được bình giải, hoặc bình giải chưa được cặn kẽ.
Tác giả đặc biệt chú ý đến phong cách dùng từ ngữ
khác lạ của Nguyễn Du so với cách dùng từ ngữ thông thường từ trước đến nay ta vẫn hiểu, xem xét một cách thận trọng, để có thể đưa ra những bình giải hợp lí.
   Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đứng trên những góc độ, những quan điểm chính trị khác nhau phân tích, phê phán Truyện Kiều. Tác giả đứng trên quan điểm, góc độ của Nguyễn Du thời đó, đặt mình vào vị trí của Nguyễn Du và xã hội thời Nguyễn Du để lý  giải sự việc, để nghiên cứu, đánh giá, phê bình, nhận xét, nhằm làm sáng rõ thêm Truyện Kiều, chứ không phê phán hay đứng trên góc độ kiến thức ngày nay để đánh giá.
Những bình giải, nhận xét bám sát vào chính những câu thơ trong Truyện Kiều, để tự bản thân câu thơ của Nguyễn Du nói lên những điều Nguyễn Du muốn nói.
   Tất cả những người say mê nghiên cứu Truyện Kiều, dù ý kiến đúng hay còn chưa đúng, đều rất đáng trân trọng. Người làm thơ không đọc Truyện Kiều, hoặc không nghiên cứu kỹ Truyện Kiều là một thiệt thòi lớn.
Những vần thơ tuyệt diệu làm nên thành công của Truyện Kiều, là thành quả của sự tích lũy kiến thức và kinh nghiệm cả đời cũng như thiên tài trời phú của thi hào Nguyễn Du.
   Truyện Kiều ca ngợi giá trị của cuộc sống con người, ca ngợi hạnh phúc có thực và phải đấu tranh để giành lấy hạnh phúc. Nó là tiếng nói chống lại bất công, áp bức, ca ngợi sự thủy chung, cái đẹp, cái thiện. Nó cũng cho thấy sự nghèo khổ, sự may rủi, sự buồn chán, sự tàn nhẫn, sự lừa lọc, sự đố kỵ… của con người là có thực và luôn luôn hiện hữu trong cuộc sống.
    Bạn đọc sẽ có những phút giây ngạc nhiên thú vị và không phải mất nhiều thời gian mà vẫn tìm hiểu được Truyện Kiều một cách đầy đủ, thấu đáo và sâu sắc.








Xuân và cuộc đời, Nguyễn Du và Truyện Kiều

LÊ THANH LONG

Xuân và cuộc đời


Liễu buồn
xõa tóc
chờ thu
Lá bàng xanh
thức
để ru cõi tình
Cuối đông
sẽ cựa mình
Kìa
đôi mắt lá
em xinh nở bừng

Hoa
còn tung tẩy chưa dừng
Mà xuân như đã
ngập ngừng sang ngang
Đời
như một ngọn gió  hoang
Xuân thì như sóng
mở ngàn cánh bay

Xuân mang
bóng đổ xuống ngày
Tình
như nước chảy,
sao đầy được sông
Xuân đi
chầm chậm trong lòng
Trời xuân hé mở,
thinh không trong ngần

Tình
như quầng sáng Thiên Thần
Đứng nhìn thì đẹp,
đến gần lại tan.

Sóng tình
trôi
giữa nhân gian
Nhẹ như gió thoảng,
nặng ngàn vạn cân
Xuân ai
rồi cũng một lần
Mặn chua mấy cuộc phong trần
nhớ quên!


LÊ THANH LONG


Nguyễn Du và Truyện Kiều

Ông ngồi bút mực cầm tay
Ngước xem thời thế đổi thay nhường nào
Đường thơ mài sắc hơn dao
Ba đào nhân thế thấm vào thẳm sâu

Phong trần phủ trắng mái đầu
Khúc Kiều nối nhịp cây cầu thiên thu
Trăm năm gió cuốn Tố Như
Bánh xe thế sự cuốn mù mịt bay

Để đời một áng thơ hay
Hai trăm năm lẻ còn say lòng người
Tố Như ơi! Khóc lẽ đời
Khúc đàn “bạc mệnh” ngậm ngùi thế gian

Kiếp người chìm nổi, hợp tan
Câu thơ nhỏ máu, nỗi oan nàng Kiều
Trăm người yêu, chẳng được yêu
Lênh đênh một cánh đò chiều, lênh đênh

Phận người giữa chốn xông xênh
Một đời mắc nợ duyên tình đớn đau
Một thiên tình sử nát nhàu
Thiên thu còn động nỗi sầu nhân gian.