Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

TRỜI VĂN BIỂN ĐẠO

 

TRỜI VĂN BIỂN ĐẠO

 

Thời nay giông tố trăm bề

Ta đem hồn cốt hỏi về thiên thu

Tố Như ơi, hỡi Nguyễn Du

Ngày xưa đã thế mà như vẫn còn.

 

Thả trôi gió bụi bào mòn

Nước non còn đó, trăng còn ngân không

Kìa xem son phấn chỉ hồng

Tấm thân ngà ngọc dối lòng nhân gian.

 

Huy hoàng một thuở tan hoang

Anh hùng rồi cũng tiêu tan anh hùng

Gió mưa bao nỗi bão bùng

Lương tâm chẳng đậu trong lòng được bao.

 

Đời còn giông tố ba đào

Khiến bao cuộc sống lạc vào bi thương

Biết rằng sống cõi vô thường

Mà nhân loại vẫn, vấn vương cõi trần.

 

Cái xưa rồi cũng xa dần

Cái nay rồi cũng dần dần sẽ xa

Trời văn biển đạo bao la

Biết đâu là đủ, biết sao là vừa.

­­­

Hà Nội ngày 19.10.2020

LÊ THANH LONG

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

TA LÀ GÌ? THỜI GIAN LÀ GÌ?

 

TA LÀ GÌ? THỜI GIAN LÀ GÌ?

 

Mấy trăm năm, mấy xa xăm

Thời gian nước chảy trăm năm là gì

Bạn ta mộ đã xanh rì

Bao người ta biết bỏ đi cả rồi.

 

Trăm năm mấy cuộc đổi dời

Vua quan cũng chỉ một thời vụt qua

Núi đồng, sông biển cũng già

Con người thay đổi, ta là gì đâu!

 

Trẻ trung rồi cũng bạc đầu

Cỏ hoa rồi cũng dãi dầu cỏ hoa

Già nghĩ gần, trẻ tưởng xa

Mười năm gió cuốn, mây sa là gì!

 

Thời gian ngọn bút thần kỳ

Chép ghi được mất những gì xẩy ra

Cái gì đã bị xóa nhòa

Cái gì đã bị phôi pha chẳng còn.

 

Con người cùng với nước non

Sống làm người, chết là con nước mình.

 

HÀ NỘi ngày 2.12.2020

LÊ THANH LONG

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

GIẤC MƠ GẶP NGƯỜI THIÊN CỔ

 

GIẤC MƠ GẶP NGƯỜI THIÊN CỔ

 

                                    (Truyện ngắn lịch sử)

 

Để tiện theo dõi câu chuyện xin liệt kê các nhân vật được nhắc đến trong câu chuyện:

1.    Nguyễn Du (1765 - 1820), tác giả Truyện Kiều

2.    Thần Siêu, tức Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872)

3.    Thánh Quát, tức Cao Bá Quát (1809 - 1855)

4.    Đặng Trần Côn (khỏang 1715 - 1745), viết Chinh Phụ Ngâm khúc bằng chữ Hán

5.    Đoàn Thị Điểm (1705 - 1749), dịch Nôm Chinh Phụ Ngâm

6.    Phan Huy Ích (1751 – 1822), dịch Nôm Chinh Phụ Ngâm

 

Một đêm mông lung. Không ngày, không tháng. Không đầu không cuối. Không gian và thời gian trôi tuột đi, như trượt trên một khe hẹp của tầng vũ trụ huyền ảo. Ánh sáng và bóng tối đan xen nhau. Vô định. Nghi mơ thấy mình đang bay lên nhẹ bỗng, lơ lửng, lướt đi trong không gian sáng lòa, rực rỡ. Anh giang rộng hai cánh tay, phía dưới là những cánh đồng, dòng sông và thảo nguyên xanh mướt.

Nghi đang trôi, đang bay, đang lướt đi trên con sông đời. Dòng sông đời lấp loáng đủ màu sắc: Đen, trắng, vàng, xanh, đỏ, lục, lam, chàm tím… được chiếu sáng không biết từ một ngôi sao nào đó trong vũ trụ xa xăm. Anh đang lướt đi như bay trên con sông đời ấy. Anh đang ngược dòng thời gian trở về với quá khứ xa xôi.

Nghi đang bay lướt trên con sông đời rộng mênh mông như biển, mặt nước lao xao, lấp lánh ánh bạc. Dòng sông mỗi lúc một hẹp lại. Khoảng cách được tính bằng năm. Anh đang bay ngược thời gian trở về với quá khứ xa xăm. Có lẽ anh đã bay ngược về quá khứ được trên hai trăm năm. Anh bay về quá khứ, mong muốn tìm gặp những bậc văn nhân thiên cổ. Mong làm sáng tỏ những nghi vấn của anh và của những người yêu mến văn chương ngày đêm trăn trở.

Đột nhiên trước mắt anh hiện ra một dòng sông bạc lấp loáng với những hạt ngọc lung linh nhấp nhô trên sóng. Dòng sông có nhiều nhánh rẽ lên thượng nguồn. Nghi không biết mình phải đi theo nhánh nào? Anh nhắm mắt cầu khấn, xin các bậc vĩ nhân thiên cổ phù hộ cho anh, đến đúng nơi cần đến. Sau đó, anh rẽ liều vào một nhánh Sông Văn. Dòng sông nhỏ dẫn đến một cái hồ. Mặt hồ xanh như ngọc, ánh sáng bạc lấp lóa trên mặt hồ. nhấp nháy như những ngôi sao nhỏ.

Một con thuyền màu trắng như lụa, đang lướt nhẹ trên mặt hồ. Một giọng ngâm thơ trầm buồn như từ cõi trời xa xôi vọng lại. Rồi một con thuyền trắng toát dần dần hiện ra rõ hơn. Trên thuyền một người đàn ông thấp bé, râu tóc bạc phơ đang ngồi trầm ngâm giữa bồng bềnh mây trắng. Một giọng ngâm cổ trầm và ấm cứ rõ dần, rõ dần. Người trạc ngoại ngũ tuần, nét mặt hiền hậu, đượm buồn, phong cách dân giã, phong trần. Nghi vội vàng lướt đến, nhẹ nhàng hạ xuống sàn thuyền. Hai tay chắp cung kính:

-         Thưa tiền bối, hậu sinh mạn phép đã quấy rầy tiền bối. Xin tiền bối chỉ giáo. Đây là hồ… Nghi cố ý kéo dài giọng như muốn hỏi.

-         Hồ Văn.

-         Hồ Văn ạ? Cái tên nghe thơ mộng quá, thưa tiền bối. Người ở đây đã lâu chưa ạ?

-         Ta ở đây đã được trên hai trăm năm rồi.

-         Ngươi từ đâu tới?

-         Dạ. Thưa tiền bối, hậu sinh từ Hà Nội tới.

-         Hà Nội là ở đâu nhỉ?

-         Dạ. Thưa tiền bối. Trước đây gọi là Thăng Long ạ.

-         Thăng Long à. Ra vậy. Ta nhớ ra rồi. Thăng Long là nơi thời niên thiếu ta đã sống ở đó.

-         Thưa tiền bối. Người thứ lỗi. Người là ai ạ?

-         Ta là ai ư? Ông nhìn Nghi mỉm cười, nụ cười độ lượng, phẳng phất nét buồn sâu thẳm, rồi ông khe khẽ ngâm: “Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Nghi giật mình kinh ngạc, chắp hai tay cung kính:

-         Hậu sinh có mắt như mù. Hóa ra tiền bối là Nguyễn Tiên Điền? Nguyễn Du tiền bối.

-         Hậu sinh có nhiều điều muốn được thỉnh giáo về những tác phẩm của tiền bối.

-         Vậy ư.

-         Thưa tiền bối. Hậu thế đã có hàng nghìn bài viết về “Đoạn trường tân thanh”, mà nhiều điều vẫn còn chưa sáng tỏ. Tiền bối có thể giải thích cho hậu sinh vài điều không ạ?

Người mỉm cười, nụ cười nửa như mãn nguyễn, nửa như phảng phất nét buồn:

-         Ta biết.

Nghi chắp tay cung kính, chờ đợi. Khi ngẩng đầu lên, thì chiếc thuyền bạc đã tan biến vào không gian, không để lại dấu tích gì. Nghi chỉ thấy mình đang lơ lửng trên mặt Hồ Văn.

Nghi bâng khuâng mất một lúc, luyến tiếc, rồi cất mình bay trên mặt hồ, nhằm ngôi nhà ở sườn núi phía đông lướt tới. Mới bay được một lát. Nghi nhìn thấy một ông già râu tóc bạc phơ, đang ngồi, thả cần trúc còn nguyên cả lá ở đầu cành, xuống mặt hồ. Nghi dừng lại chắp tay cung kính lễ phép:

-         Thưa tiền bối. Tiền bối đang làm gì đấy ạ?

-         Ông già vuốt bộ râu dài trắng như cước, rồi khe khẽ ngâm: “Ta ngồi câu chữ hồ Văn/ Văn hồ còn lặng, câu trăng đáy hồ”.

-         Tiền bối nói về thời xưa hay thời nay ạ?

-         Thời nào, thì ngươi phải luận ra chứ?

Rồi ông già trầm ngâm, hồi tưởng:

-         Ngày xưa, hồ Văn còn rất nhỏ. Bây giờ hồ rộng ra nhiều, mênh mông và đầy lên, có cảm tưởng như sắp tràn bờ. Ta đã ngồi câu ở đây hơn trăm năm, nhưng chưa câu được một chữ vàng óng ánh nào cả.

-         Thưa tiền bối. Vì chữ vàng không có, hay vì chữ không cắn câu ạ?

-         Vì chữ Văn không nổi lên, mà đều chìm nghỉm hoặc lơ lửng ở lưng chừng hồ.

-         Thưa tiền bối. Tiền bối có biết Thần Siêu, Thánh Quát không ạ?

-         Ta có biết. Và biết rất rõ là đằng khác.

Rồi ông trầm ngâm kể. Thánh Quát cuộc đời chìm nổi. Không có học vị, chẳng có danh vị. Nhưng thơ thì hay vô cùng, nên người đời mới phong ông là “Thánh”.

Nghi lại lễ phép chắp tay hỏi:

-         Thưa tiền bối. Tiền bối có biết Thần Siêu không ạ?

-         Thần Siêu ư? Ngươi biết gì về ông ta?

-         Thần Siêu đã vận động người Hà Nội trùng tu đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, xây thêm đài Nghiên, Tháp Bút, đắp núi Độc Tôn.

-         Thực sự, là ngươi muốn tìm ai? Ta biết chắc, người ngươi tìm không phải là Thần Siêu, Thánh Quát.

-         Thưa tiền bối, ngài đúng là thần, Thần Siêu rồi.

Nghi chưa nói hết câu, ông đã tan biến vào khoảng không gian huyền bí, không để lại dấu vết gì, kể cả cái cần trúc câu chữ.

Nghi lại cất mình bay bổng lên, hướng đến cái nơi cần đến.

Xa xa, cạnh một cây ngô đồng cảnh, cổ thụ, cao đến ba mét, hoa nở đỏ rực rỡ, có hai ông già râu tóc bạc phơ đang ngồi đánh cờ, quân cờ làm bằng ngà voi đã lên nước bóng của những ngón tay chạm vào. Nghi vội vàng nhẹ nhàng hạ mình xuống, nấp sau cây ngô đồng.

Ông râu ngắn hỏi ông râu dài:

-         Thi huynh có biết tại sao Đặng Trần Côn đoản thọ không?

-         Vì bao nhiêu tinh lực tinh túy trong người ông ấy rút ra hết, đổ vào “Chinh Phụ Ngâm khúc” cả rồi. Ta đã có dự đoán trước là ông ấy sẽ đoản thọ.

-         Thi huynh nói chí phải. Bao nhiêu nguyên khí ông ấy trút ra hết, liệu còn cái gì để tồn tại nữa. Hay là người ta đã vươn tới cái đỉnh cao nhất rồi, nên không còn động lực gì để viết và sống tiếp nữa chăng? Ông râu ngắn đồng tình.

Ông râu dài gật gù:

-         Sao mà biết hết được việc đời, cũng có thể lắm!

Ông râu ngắn dúi một nước tốt qua sông, rồi cười khà khà, không cần nhìn lên:

-         Này anh bạn trẻ, ra khỏi cây ngô đồng đi. Ngươi muốn tìm ai? Sao lại đứng nghe lỏm chuyện của chúng ta?

Ông già râu dài hóm hỉnh:

-         Có phải người muốn tìm gặp Đặng Trần Côn phải không?

-         Hai vị tiền bối đúng là thần thánh, không xưng người cũng biết.

-         Ngươi đi đến cây sung già ở mạn Đông ấy.

Nói xong hai ông già râu tóc bạc phơ biến mất cùng với bàn cờ.

Nghi cất mình bay về hướng Đông. Nơi đó có những dòng Suối Văn. Những dòng Suối Văn óng ánh lấp lánh như thủy ngân. Nghi rẽ liều vào một dòng Suối Văn bên phải. Dòng Suối Văn chảy men theo một ngọn núi xanh như ngọc bích. Nghi nhìn thấy bên trái sườn núi có một người trai trẻ, chưa đến ba mươi tuổi, tóc để dài, đen nhánh. Khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú, ánh mắt trong sáng. Người thanh niên đang múc nước ở Suối Văn, tưới lên một ngọn núi nhỏ, bên cạnh là chiếc bàn đá đã lên nước bóng. Nghi tiến đến trước mặt người thanh niên cung kính:

-         Thưa tiền bối. Tiền bối đang làm gì đấy ạ?

-         À, ta đang tưới nước Núi Văn.

-         Tưới nước lên Núi Văn? Thưa tiền bối, tưới lên núi thì có ích lợi gì ạ?

-         Nếu không thường xuyên tưới nước, núi cũng sẽ khô héo. Cây thơ, hoa chữ không nẩy chồi, ra hoa, kết trái được. Núi Văn cần những dòng nước văn chương luôn luôn tươi mới.

-         Thưa tiền bối. Hậu sinh xin hỏi khí không phải. Có phải Người là… Người đã viết “Thiên địa phong trần/ Hồng nhan đa truân”, phải không ạ?

-         Sao ngươi biết?

-         Hậu sinh đoán vậy, vì thấy tiền bối còn rất trẻ. Hình như Người viết “Chinh Phụ Ngâm khúc” lúc người mới ngoài hai mươi tuổi, phải không ạ?

-         Đúng vậy đó.

-         Thưa tiền bối Đặng Trần Côn, hậu sinh hơi tò mò một chút. Khi viết xong “Chinh Phụ Ngâm khúc”, Người đưa cho ai đọc trước tiên ạ?

-         Ngô Thời Sỹ. Còn người phụ nữ ta gửi đọc đầu tiên là Đoàn Thị Điểm. Bà ấy hơn ta khoảng chục tuổi. Thời đó ta cũng không có nhiều bạn văn chương. Lúc đó bà ấy vừa lấy tiến sĩ Nguyễn Kiều được khoảng một tháng, thì ông ấy được lệnh đi sứ sang Trung Quốc. Ta nghĩ, bà ấy đang buồn, nên ta đưa bà ấy đọc để khuây khỏa.

-         Sau khi bà Đoàn Thị Điểm dịch Nôm “Chinh Phụ Ngâm” xong, có đưa lại cho tiền bối xem không?

-         Tất nhiên là có rồi. Ta rất ngạc nhiên về bản dịch của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Văn chương sáng láng, chữ nghĩa từ gan ruột nấy ra, có nhiều chỗ dịch còn hay hơn cả bản chữ Hán của ta. Chất nữ giới thấm đẫm ở trong bản dịch. Có lẽ nỗi lòng của bà Đoàn xa chồng, chẳng khác gì người chinh phụ chờ chồng ở chiến trận trở về, nên bản dịch của bà mới hay đến vậy.

-         Thưa tiền bối. Bản dịch của bà Đoàn chuyển cho tiền bối có đề tên không?

-         Không. Gửi cho nhau, là biết nhau rồi, việc gì phải đề tên. Anh bạn trẻ hỏi hơi nhiều rồi đấy!

-         Dạ. Thưa tiền bối. Cũng chính vì thế, hậu thế mới vật vã đi tìm lời giải, xem bản dịch nào là của bà Đoàn Thị Điểm, bản nào là của Phan Huy Ích?

Nghi chưa nói hết câu. Đặng Trần Côn đã tan biến đi như một làn hơi, không để lại dấu vết gì.

Nghi đứng lặng hồi lâu, bâng khuâng ngắm ngọn Núi Văn, ngọn núi cao vòi vọi. Rồi chợt nhớ đến mục đích của mình, anh cất mình bay lên, rẽ sang dòng Suối Văn bên cạnh. Dòng suối êm đềm, róc rách những mạch nguồn văn chương của người thiên cổ. Không lâu sau, Nghi nhìn thấy một ngôi nhà xinh xắn, xung quanh là những vườn rau xanh tốt, trước mặt là hồ nước nhỏ. Một phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi tuổi, nhưng trông vẫn còn trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc giản dị với áo vải màu xanh, đoan trang, hiền dịu. Bà đang tưới cho một cây rất lạ, gốc sần sùi như núi đá, bên trên tỏa ra những cành lá sum suê, mỗi cành có một loại hoa màu sắc khác nhau, có hoa màu đỏ như hoa gạo, có hoa màu tím như hoa sim, mấy bông giống như hoa đào, bấy bông giống như hoa mai vàng rực rỡ… Có cành quả còn xanh, có cành quả đã chín vàng.

Nghi đến gần chắp tay cung kính:

-         Thưa tiền bối. Tiền bối đang làm gì đấy ạ?

-         Ta đang tưới cho Cây Văn.

-         Tưới cho Cây Văn. Đây là Cây Văn ạ. Cây Văn của tiền bối quả là đa sắc, đa hình, nở hoa rực rỡ. Thưa tiền bối. Tiền bối có thể cho hậu sinh mấy hạt, mấy cây về trồng được không ạ?

-         Ngươi quả là khôn ngoan, nhưng Cây Văn không xin giống được, nó sẽ không nẩy mầm, mà nếu có nẩy mầm, thì cũng không ra hoa, kết trái được. Phải tự mình lai giống, ghép cây, chăm bón, tạo ra một Cây Văn của riêng mình.

-         Dạ. Hậu sinh hiểu ý của tiền bối. Tiền bối đã từng đọc nguyên bản chữ Hán “Chinh Phụ Ngâm khúc” của Đặng Trần Côn chứ ạ?

-         Ta còn lạ gì “Chinh Phụ Ngâm khúc”, chính Đặng Trần Côn đã tặng cho ta, có lẽ ta là người phụ nữ may mắn được ông gửi tặng.

Nghi mừng như mở cờ trong bụng. Nghi đã tìm gặp được người Nghi cần gặp. Nhưng phải hỏi như thế nào đây? Khó quá! Phải liều thôi!

-         Thưa tiền bối. Tiền bối dịch Nôm “Chinh Phụ Ngâm” trong thời gian bao lâu ạ?

-         Ta dịch trong hai ba tháng gì đó. Ta cũng không nhớ rõ nữa. Đã 260 năm rồi còn gì.

-         Thưa tiền bối. Tiền bối dịch câu “Thiên đia phong trần/ Hồng nhan đa truân” thật là tuyệt bút. Nhưng sao tiền bối không dùng chữ “hồng nhan” như nguyên bản, mà lại thay bằng “Khách má hồng”?

Rồi Nghi cất cao giọng ngâm: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/ Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”.

Bà Đoàn nhìn Nghi mỉm cười:

-         Có phải đây là mục đích ngươi đã vượt gần ba trăm năm trở về quá khứ, chỉ để hỏi mấy điều này phải không?

Nghi toát mồ hôi hột, ấp úng không biết trả lời ra sao. May quá, Bà vui vẻ nói tiếp:

-         Thời đó, đàn ông hay gọi phụ nữ chúng ta là “hồng nhan”. Ta là phụ nữ, ta không thích chữ đó. Hồng nhan thường đi với bạc mệnh. Cụm từ “khách má hồng” mới đặc trưng cho giới phụ nữ thời chúng ta.

-         Thưa tiên bối. Hậu sinh có một câu hỏi nữa, xin tiền bối tha thứ, vui lòng chỉ giáo.

-         Ta cho phép ngươi hỏi.

-         Dạ. Thưa tiền bối. Hai câu dịch Nôm của tiên bối: “Sương như búa, bổ mòn gốc liễu/ Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô”, rất tuyệt vời. Hậu thế chúng tôi rất phâm phục. Nhưng lại nẩy ra thắc mắc, vì trong nguyên tác của Đặng Trần Côn viết “Sương phủ tàn hề dương liễu/ Vũ cứ tổn hề ngô đồng”. Không có từ “búa”, “bổ” và từ “cưa”, “xẻ”.

-         Những từ đó là từ phóng tác của ta, đúng là không có trong nguyên tác. Ta dịch, chú ý đến văn chương và cảm xúc, ta chú ý chuyển tải cho được cái hay của nguyên tác, chứ không phụ thuộc vào từng câu, từng chữ.

-         Thưa tiền bối. Thời tiền bối, khi tặng bản sách mình dịch cho thi huynh, thi hữu, có đề tên người tặng không ạ?

-         Không.

-         Hậu sinh đọc được, có bản chép Nôm “Chinh Phụ Ngâm” đề chữ “Nữ giới’. Điều đó có nghĩa gì ạ?

-         Có thể, đó chỉ là lời khuyên phụ nữ nên đọc, sách cho nữ giới.

-         Hậu sinh xin vạn vạn lần cảm ơn tiền bối. Nếu có điều gì không phải, xin tiền bối xá tội.

Nói xong Nghi ngước lên, thì đã không thấy gì trước mặt nữa. Trước mắt Nghi là bầu trời nửa sáng, nửa tối, những ngôi sao nhấp nháy. Nghi bồi hồi luyến tiếc. Bỗng Nghi nghe thấy một giọng nói từ đâu đó xa xôi vọng tới:

-         Hỡi anh bạn trẻ! Ngươi có tìm gặp Phan Huy Ích cũng không sáng tỏ được gì đâu. Thời gian đã làm mờ đi nhiều sự kiện lịch sử. Muốn biết bản dịch nào của Đoàn Thị Điểm, bản dịch nào của Phan Huy Ích, cách duy nhất là tìm sự thật trong chính những tác phẩm văn học đó còn để lại.

-         Xin cảm ơn các bậc tiền bối đã chỉ dẫn.

Bỗng tiếng chuông đồng hồ báo thức reo vang. Nghi giật mình, choàng tỉnh. Hóa ra là một giấc Nam Kha.

 

Vào một chiều cuối thu, trong một quán cà phê, trong khi chờ đợi những giọt cà phê đặc sánh tí tách rơi. Nhà văn Tô Văn Nghi đã kể lại cho tác giả về giấc mơ kỳ lạ của mình. Tác giả chỉ là người ghi lại, mong mua vui cho độc giả dăm phút khi rảnh rỗi.

 

LÊ THANH LONG