LÊ THANH LONG
Nghi
vấn văn chương
về
tác giả dịch Nôm Chinh phụ ngâm
Có lẽ, Vũ Hoạt là người đưa ra vấn
đề dịch giả cuốn Chinh phụ ngâm hiện hành là của Đoàn Thị Điểm. Trong bài tựa
cuốn Chinh phụ ngâm khúc in năm 1902, Vũ Hoạt viết: “ Nhớ xưa, Đặng Tiên sinh làm ra sách ấy, Đoàn phu nhân diễn ra quốc
âm”. Từ đó, mọi người vẫn đinh ninh là bản Chinh phụ ngâm hiện hành là của
Đoàn Thị Điểm dịch ra chữ Nôm.
Sau đó, Thuần Phong Ngô Văn Phát, giáo sư
Dương Quảng Hàm trong “Việt Nam học sử yếu”
và Nguyễn Đỗ Mục trong “ Chinh phụ ngâm dẫn
giải”, Đặng Thái Mai (1950) cũng khẳng định bản Chinh phụ ngâm hiện hành là
của Đoàn Thị Điểm.
Đột nhiên, vấn đề dịch giả của bản Chinh
phụ ngâm hiện hành được các học giả, nhà nghiên cứu… quan tâm lật lại vấn đề là
vào năm 1926.
Nguyên do là báo Nam Phong số ra 106 tháng
6 năm 1926 có đăng một bài nhan đề “Phan
Dụ Am tiên sinh văn tập” của ông Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến. Trong bài đó,
tác giả viết: “Chinh phụ ngâm khúc bấy
lâu nay ta vẫn truyền là bà Điểm diễn Nôm, dễ thường không phải, mà chính là của
cụ Phan Huy Ích diễn ra đó chăng?’
Bài báo trên ra đời, do ông Phan Huy
Chiêm, chắt 5 đời của tiến sĩ Phan Huy Ích có viết cho Đông Châu Nguyễn Văn Tiến
một bức thư nói rằng, theo tộc phả họ Phan Huy , cùng lời các bô lão trong họ
truyền lại, thì bản dịch Chinh phụ ngâm hiện hành là do Phan Huy Ích “diễn ra văn Nôm, hiện giờ (1926) còn giữ đượng
bản chính vừa chữ, vừa Nôm”. Ông Chiêm còn đưa ra bài thơ chữ Hán, Phan Huy
Ích làm, sau khi hoàn thành bản dịch Nôm Chinh phụ ngâm khúc, đó là bài “Ngẫu thuật”. Tuy nhiên ông chỉ gửi bài
thơ “Ngẫu thuật” làm, sau khi dịch
xong Chinh phụ ngâm, chứ không đưa ra được bản Chinh phụ ngâm vừa chữ Hán, vừa
chữ Nôm như đã nêu.
Sau đây là nguyên văn bài thơ “Ngẫu thuật”:
Ngẫu thuật
Nhân Mục tiên sinh
“Chinh phụ ngâm”,
Cao tình dật diệu bá từ
lâm.
Cận lai khoái trá
tương truyền tụng,
Đa vĩ thôi xao vi diễn
âm.
Vận luật hạt cùng văn
mạch túy,
Thiên chương tu hướng
nhạch thanh tầm.
Nhà trung phiên dịch
thành tân khúc,
Tự tin suy minh tác giả
tâm.
( Phan Huy Ích)
Dịch nghĩa:
Bài Chinh phụ ngâm của
Đặng tiên sinh người làng
Nhân Mục,
Tình cao điệu lạ đã được
truyền bá khắp rừng văn.
Gần đây mọi người truyền
tụng lấy làm thích thú lắm,
Đã có nhiều người tìm
cách diễn ra quốc âm.
Nhưng theo về âm luật
thì dịch sao cho hết được
cái tinh túy
trong mạch văn,
Vậy phải theo từng
thiên chương và hiệp với âm nhạc
mà diễn
ra thì mới được.
Nay nhân buổi nhàn hạ,
ta dịch ra thành khúc mới
(tân khúc),
Chắc tin rằng đã suy
minh được lòng tác giả.
Năm
1943, ông Hoa Bằng trong bài “Dịch phẩm
Chinh phụ ngâm phải chăng của bà Đoàn Thị Điểm?” đăng trong tạp chí Tri
tân, số 113, dựa trên ba tài liệu chủ yếu (Lịch Triều hiến chương loại chí,
Tang thương ngẫu lục và Đoàn thị thực lục), cũng chỉ đưa đến xác nhận Đoàn Thị
Điểm và Phan Huy Ích đều có dịch Chinh phụ ngâm khúc. Còn bản Chinh phụ ngâm hiện
hành là của ai, thì không giải quyết được.
Năm 1944 Trúc Khê về nhà họ Đoàn, tìm
trong bộ Đoàn thị thực lục – Gia phả của họ Đoàn, không tìm thấy thông tin bà
Đoàn Thị Điểm dịch Chinh phụ ngâm. Ông viết: “Bản Chinh phụ ngâm khúc có thể
không phải của bà Đoàn Thị Điểm” (Trúc Khê: Những tài liệu mới về Đoàn Thị Điểm,
Tiểu thuyết thứ bảy, 9 – 1944).
Đến năm 1953, trong cuốn “Chinh phụ ngâm
bị khảo”, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã sưu tầm được 4 bản dịch Chinh phụ ngâm
khúc, được sắp xếp đánh dấu theo thứ tự A, B, C, D.
Bản A, là bản dịch thành công nhất và phổ
biến nhất xưa nay, theo thể song thất lục bát, có độ dài 412 câu (theo bản chữ
Nôm cũ hiện còn, ký hiệu
1902.AB.26)
hoặc 408 câu (một bản in khác lưu tại thư viện Paris).
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn khẳng định:
Bản A, bản chinh phụ ngâm khúc hiện hành,
là của Phan Huy Ích.
Bản B là của Đoàn Thị Điểm, vì bản này ở
đầu sách có ghi hai chữ “nữ giới”, ý nói là do đàn bà diễn ca (tr.27).
Bản C, bản của Nguyễn Khản.
Bản D, không biết là do ai dịch. Bản này
chỉ là một bản đã phiên âm ra quốc ngữ, lời văn kém hơn các bản kia.
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho rằng, bản B là
của Đoàn Thị Điểm, vì bản này ở đầu sách có hai chữ “nữ giới”, ý nói đó là do
đàn bà diễn ca, là không đủ sức thuyết phục.
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và nhà nghiên cứu
Nguyễn Ngọc Cang dựa trên cơ sở con cháu họ Phan nhớ thuộc lòng Chinh phụ ngâm,
đọc thuộc lòng được bản Chinh phụ ngâm gần giống với bản hiện hành, cũng không
có sức thuyết phục. Vì con cháu họ Phan bây giờ đã sống rất xa thời Phan Huy
Ích (đã 200 năm rồi) và ở Việt Nam
thiếu gì người thuộc lòng Chinh phụ ngâm.
Có ý kiến cho rằng bà Đoàn Thị Điểm là
người đầu tiên dịch nôm tác phẩm này với thể song thất lục bát, văn chương rất
điêu luyện. Bản dịch của Phan Huy Ích ra đời muộn hơn đến 45 năm, cũng dùng
chính thể thơ đó và chịu ảnh hưởng rất nhiều của bản dịch trước. Có thể nói
Phan Huy Ích đã nhuận sắc lại bản dịch trước kia của Đoàn Thị Điểm, vì vậy mà bản
dịch
của ông hoàn hảo hơn. Thực ra, ý kiến này cũng chỉ là suy luận đơn thuần, mới
nghe có vể có lý, nhưng xét kỹ cũng không có cơ sở.
GS Nguyễn Lộc cũng cho rằng bản dịch
Chinh phụ ngâm đầu tiên là của Đoàn Thị Điểm.
Năm 1972, giáo sư Nguyễn Văn Xuân tìm được
ở Huế bản Nôm “Tân san Chinh phụ ngâm diễn
Nôm từ khúc”, ấn hành từ năm Gia Long 14 (1815). Bản Nôm này cơ bản phù hợp
với bản mà giáo sư Hoàng Nguyên Hãn cho là của Phan Huy Ích, cũng có nghĩa là
phù hợp với bản nhà nghiên cứu Lại Ngọc Cang đã ghi được ở Sài Sơn từ hậu duệ của
Phan Huy Ích. Đáng chú ý trong đó có bài tựa của Nhà xuất bản “Chính Trực đường”
và đặc biệt có bài nguyên tựa của dịch giả Phan Huy Ích. Giáo sư Nguyễn Văn
Xuân xác quyết “ Dịch giả đích thực của
cuốn sách là tiến sĩ Phan Huy Ích, với tên sách đầy đủ là “ Tân san Chinh phụ
ngâm diễn âm tân khúc”.
Đến
đây, tưởng rằng đã rõ, có thể kết thúc một nghi vấn văn chương đã kéo dài một
thế kỷ, vì đã “nói có sách, mach có chứng”. Nhưng tại sao vẫn chưa kết thúc được?
Có lẽ, các nhà nghiên cứu, khảo luận vẫn chưa tin tưởng, ngay cả bài nguyên tựa
của dịch giả Phan Huy Ích, coi đó cũng chỉ giống như bài tựa của Vũ Hoạt năm
1902, cho rằng Chinh phụ ngâm là của Đoàn Thị Điểm chăng?
Đến nay, các nhà nghiên cứu, giảng dạy
môn văn trong nhà trường như Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Đăng Na, Lã Nhâm Thìn…
vẫn coi Đoàn Thị Điểm là tác giả bản diễn Nôm thông dụng hiện hành.
Còn các ông Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Ngọc
Cang, Nguyễn Văn Xuân… thì cho là bản Chinh phụ ngâm thông dụng hiện hành là của
Phan Huy Ích.
Theo ý kiến chúng tôi, có thể không cần
đi đâu xa, ta có thể tìm thấy sự thật cho câu trả lời, ngay trong hai bản A và
bản B. Để xác định bản nào là của Đoàn Thị Điểm, bản nào là của Phan Huy Ích,
có thể dựa trên hai tiêu chí:
1. Thứ
nhất dựa trên quan điểm về dịch thuật.
2. Thứ
hai dựa trên chất nữ tính và nam tính trong từng câu, từng chữ của hai bản dịch.
Đọc hai bản dịch A và B, ai cũng phải
công nhận bản A dịch hay hơn bản B.
Bản A văn phong thanh thoát, vần điệu hết
sức chỉnh, ta có cảm giác dịch giả có thể bỏ ý mà không buông vần điệu, nên người
đọc có cảm giác du dương, êm đềm mê đắm, ngay cả khi không hiểu hết từ ngữ chữ
Hán và ý thơ. Dịch giả hết sức lưu tâm đến từng câu, từng từ… Câu thơ dịch mà tự
nhiên, không bị gò ép, có hình thức nghệ thuật cao, đậm đặc chất thơ. Ta có cảm
giác thơ dịch mà như thơ sáng tác, câu chữ phóng túng, cảm xúc dâng trào. Chính
điều này đưa ta đến một nhận xét bản A hàm chứa tình cảm của người dịch nhiều
hơn hẳn bản B. Bản A mang đậm sắc thái nữ tính, nỗi lòng người chinh phụ gần với
người phụ nữ hơn, chỉ có thể là phụ nữ mới viết được như vậy. Điểm đặc biệt nữa,
là có lẽ người dịch cũng có tâm trạng như người chinh phụ xa chồng, mà gửi tình
cảm đó vào trong văn cảnh. Có thể bà Đoàn Thị Điểm dịch Chinh phụ ngâm trong thời
gian ông Nguyễn Kiều, chồng bà, đi sứ sang Trung Quốc. Cái tâm trạng xa chồng của
bà chẳng khác gì người chinh phụ, nhất là khi bà lấy ông Nguyễn Kiều chưa được
bao lâu, thì ông đã phải nhận lệnh đi sứ sang Trung Quốc.
Trong khi đó, bản B truyền tải được nhiều
ý của nguyên bản, giống ý của nguyên bản hơn bản A, thậm chí giống từng chữ, từng
lời, vì vậy bị gò bó, không được thanh thoát. Còn bản A dịch phóng túng hơn,
không lệ thuộc quá vào nguyên bản, sáng tạo những từ mới khác với nguyên bản,
và thậm chí có những từ ngữ còn hay hơn nguyên bản.
Có một điều đặc biệt, mà các nhà nghiên cứu,
khảo luận… chưa thấy đề cập tới. Đó là trong bài “Ngẫu thuật” Phan Huy Ích có
viết: “Thiên chương tu hướng nhạch thanh tầm”, dịch nghĩa là: Vậy phải theo từng
thiên chương và hiệp với âm nhạc mà diễn ra thì mới được. Như vậy, theo Phan
Huy Ích khi dịch phải chia thành từng chương tiết. So sánh với bản B, ta thấy bản
B đúng là có chia thành các chương tiết cẩn thận (13 chương và nhiều tiểu tiết).
Câu thứ 5 trong bài “Ngẫu thuật” có câu:
“Vận luật hạt cùng văn mạch túy”. Điều này chứng minh được một điều quan trọng,
là bản B có thể là của Phan Huy Ích, dịch nghĩa là: nhưng theo về âm luật thì dịch
sao cho hết được cái tinh túy trong mạch văn. Có nghĩa là, ông Phan Huy Ích chê
những người dịch trước quá nặng về âm luật, câu chữ chải chuốt, mà không dịch hết
được ý của nguyên bản. Vì vậy trong khi dịch ông theo sát nguyên bản, không quá
câu nệ vào vần điệu, chữ nghĩa. So sánh hai bản A và bản B, ta thấy bản B theo
sát nguyên bản hơn bản A.
Từ hai ví dụ nêu ra ở trên, ta có thể đi
đến một ý kiến gợi ý, là bản B có thể là bản dịch Chinh phụ ngâm của Phan Huy
Ích.
Để làm sáng tỏ thêm, sau đây chúng tôi xin
dẫn ra một số câu ở hai bản A và bản B, để so sánh xem bản nào dịch sát, gần với
nguyên bản hơn:
1.Sứ
tinh thiên môn, thôi hiểu phát,
Hành
nhân trọng pháp, khinh biệt ly.
Sứ trời sớm giục đường mây, (bản A)
Phép công là trọng, niềm tây sá nào?
Sứ
tinh sớm giục lên đường (bản B)
Người
đi sợ phép, xem thường biệt ly.
Bản
B gần như là chuyển dịch từng chữ trong nguyên bản sang, ý văn thể hiện quan điểm,
suy nghĩ của đàn ông. Còn bản A, dịch rất thoáng, không sử dụng lại các chữ như
trong nguyên bản, có nội tâm và quan điểm của người dịch là phụ nữ.
Các câu sau đây cũng có nội dung tương tự:
2.Lương
nhân nhị thập Ngô môn hào,
Đầu
bút nghiễn hề sự binh đao.
Chàng tuổi trẻ, vốn dòng hào kiệt, (bản A)
Xếp bút nghiên, theo việc đao cung.
Chàng
hai mươi tuổi, cửa Ngô (bản B)
Gác
bồ nghiên bút, giở đồ cung đao.
3.Dục
bả liên thành hiến minh thánh,
Nguyện
tương xích kiếm trảm thiên kiều.
Thành liền mong tiến bệ rồng, (bản A)
Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời.
Đem
thành liền ngưỡng trao Minh thánh, (bản B)
Xin
tấc gươm dẹp lĩnh Thiên kiêu.
Tiếp theo, chúng tôi xin dẫn ra một số
câu để so sánh chất nữ tính và chất nam tính của hai bản A và bản B:
1.Thiên
địa phong trần
Hồng nhan đa truân.
Thuở trời đất nổi
cơn gió bụi,(bản A)
Khách má hồng nhiều
nỗi truân chuyên.
Trời đất thuở gió bay, bụi nổi (bản B)
Khách hồng nhan nhiều nỗi truân chuyên.
Hai
câu này, hai bản dịch có nội dung và câu chữ tương tự, chứng tỏ ông Phan Huy
Ích trước khi dịch có đọc bản A, như lời ông nói trong bài thơ “Ngẫu thuật”: “Đã có nhiều người tìm cách diễn ra quốc âm”.
Nhưng hai câu thơ ở hai bản có khác nhau một chữ quan trọng: Khách má hồng (bản A) và khách hồng nhan (bản B). Ông Nguyễn Thạch
Giang đã phân tích rất rõ và cho rằng: Trong quan niệm của nhân dân ta “má hồng”
và “hồng nhan”có chỗ khác nhau rất rõ. Hai tiếng này không bao giờ lẫn lộn được.
“Hồng nhan” nghe như có cái gì khinh bạc, rẻ rúng ở bên trong. “Hồng nhan” bao
giờ cũng đi đôi với “bạc mệnh”. Như vậy, rõ ràng là khi dịch chữ “má hồng” người
dịch rất có ý thức về giới phụ nữ và rất từng trải, thể hiện mối thông cảm sâu
sắc về thân phận người phụ nữ. Còn người dịch chữ “hồng nhan” (bản B), là quan
niệm của người đàn ông, quen xem nhẹ đàn bà, bàng quan trước mọi tâm tư tủi nhục
của họ trong xã hội cũ. Sự lý thú ở đây còn ở chỗ, ở bản C mà GS. Hoàng Xuân Hãn cho là của Nguyễn Khản
cũng dịch chữ “hồng nhan”:
Nẻo trời đất nổi cơn gió bụi,
Kẻ hồng nhan nhiều nỗi truân chuyên.
Chúng ta đọc tiếp câu thơ sau đây:
2.Tư mệnh bạc, tích niên hoa,
Ty ty thiếu phụ cơ thành bà?
Nghĩ mệnh
bạc, tiếc niên hoa, (bản A)
Gái tơ
mấy chốc sảy ra nạ dòng?
Tiếc tuổi hoa cùng than phận bạc (bản B)
Ả thuyền quyên mấy đạc nên già?
Bản A, tác giả dịch phải là nữ giới mới
nói được một cách chân thực nỗi lòng và sự thật tình cảnh người chinh phụ đợi
chồng phải gánh chịu. Đặc biệt ta chú ý đến chữ “Ả”. Chữ “Ả” để chỉ người phụ nữ
với ý coi thường, có vẻ khinh miệt. Rõ ràng tác giả dịch phải là nam giới, người
từng làm quan, kẻ trên nhìn xuống kẻ dưới. Bà Đoàn Thị Điểm không thể tự khinh
miệt giới mình.
3.Tương
cố bất tương kiến
Thanh thanh mạch thượng
tang
Mạch thượng tang, mạch
thượng tang,
Thiếp ý, quân tâm,
thùy đoản tràng?
Cùng trông lại mà
cùng chẳng thấy, (bản A)
Thấy xanh xanh những
mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một
màu,
Lòng chàng, ý thiếp,
ai sầu hơn ai?
Trông nhau mà chẳng thấy nhau, (bản B)
Xanh xanh những thấy bóng dâu trên đường.
Dâu mấy hàng, có hay chăng nhẽ,
Lòng
đấy đây, ai kẻ vắn, dài?
Liệu có người phụ nữ nào nói với chồng
quan: Lòng đấy đây, ai kẻ vắn, dài?
Câu thơ này chắc chắn là do đàn ông viết, coi mình là người bề trên mới viết như
vậy.
4.Cung
tiễn hề tại yêu,
Thê noa hề biệt quyết.
Đường
giong ruổi, lưng đeo cung tiễn
Buổi
tiễn đưa, lòng bịn thê noa (bản A)
Lưng trẩy đi cung tên mang mẻ, (bản B)
Áo phân tay, xem nhẹ tình duyên.
Câu thơ ở bản A có chất nữ tính, do phụ nữ
viết. Câu thơ ở bản B có chất nam tính, chỉ có đàn ông mới viết “xem nhẹ tình
duyên”, phụ nữ không nói như vậy.
5.Liên
hiệp tinh kỳ hề xuất tái sầu,
Huyên huyên tiêu cổ hề từ gia oán.
Hữu oán hề phân huề,
Hữu sầu hề khế khoát.
Bóng cờ,
tiếng trống xa xa, (bản A)
Sầu
lên ngọn ải, oán ra cửa phòng.
Ngọ cờ ra ải đeo phiền, (bản B)
Trống còi ong ỏng, dẹp bên, giã nhà.
Câu
thơ bản A là lời oán trách, đầy tâm trạng của người trong giới nữ. Còn câu thơ
bản B dửng dưng với sự việc mà mình đang mô tả, thể hiện tính đàn ông bàng
quang với sự việc trước mắt, câu thơ thiếu cái tình người ở trong đó.
Những ví dụ tiếp theo sau đây, đều chứng tỏ
người dịch bản A là nữ giới, và người dịch bản B là nam giới:
6.Khách phong lưu đương chừng niên thiếu (bản
A)
Sánh nhau cùng dan díu chữ duyên
Nỡ nào đôi lứa thiếu niên,
Quan sơn để cách hàn huyên sao đành?
Tuổi
chưa nhiều, đấy phong lưu khách, (bản B)
Đây trẻ trung muôn dịch vừa quen.
Bao kham đôi trẻ thiếu niên,
Đều riêng ấm lạnh, dặm nghìn ai hay?
Lễ giáo phong kiến đã ăn sâu vào máu thịt,
dịch giả là nữ, và người vợ thời xưa, liệu có dám xưng với chồng quan là: “đấy
phong lưu khách” và “đây trẻ trung muôn dịch vừa quen”, một
cách “bình đẳng” và có vẻ “hơi hỗn” như vậy không?
7.Mẹ già phơ phất mái sương (bản A)
Con thơ
măng sữa, vả đương phù trì.
Lòng
lão thân buồn khi tựa cửa,
Miệng
hài nhi chờ bữa mớm cơm.
Ngọt
bùi thiếp đã hiếu nam,
Dạy
con đèn sách, thiếp làm phụ thân.
Tóc dường sương, mẹ chàng tuổi tác, (bản B)
Mà con chàng trứng nước tuổi thơ.
Mẹ già ngoài cửa đứng chờ,
Con thơ ngồi chực sớm trưa bữa thường.
Nuôi mẹ chàng, thiếp khôn làm gái,
Dạy con chàng, thiếp phải làm cha.
Bà Đoàn Thị Điểm được học hành, được giáo
dục cẩn thận, lễ giáo phong kiến nghiêm khắc, bà không thể dịch “mẹ chàng”,
“con chàng” được. Đọc mấy câu thơ bản A, ta có cảm giác như chính công việc của
bà Đoàn Thị Điểm vẫn phải làm, khi cha và anh mất sớm, bà phải làm nhiều việc để
nuôi mẹ và các cháu.
8.Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu (bản A)
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.
Chẳng hay muôn dặm ruổi giong,
Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng?
Ngoảnh
trông dương liễu nơi nào, (bản B)
Ấn
phong hầu, giận khát khao nỗi gì?
Nẻo
trẩy đi, dặm nghìn cách trở,
Biết
lòng chàng có tựa thiếp chăng?
Ở bản A, người phụ nữ tỏ ra ân hận, khi đồng
ý để chồng nhận tước phong ra trận. Đây là tâm lý rất phụ nữ, chỉ phụ nữ mới có
thể dịch được như vậy.
Còn rất nhiều câu thơ tương tự, ở đây
chúng tôi chỉ đưa ra một số ví dụ.
Thơ là người. Trong thơ mang hình bóng
tác giả. Ngay cả thơ dịch, cũng thể hiện phong cách, tâm hồn, vốn sống, sự từng
trải, quan điểm (quan điểm sống, xử thế, nghệ thuật văn chương…). Và đặc biệt
trong thơ (kể cả thơ dịch) thể hiện cái chất nữ tính và nam tính rất rõ.
Đọc kỹ bản B, đúng như lời ông Phan Huy
Ích đã nói trong bài “Ngẫu Thuật”, là ông đã cố gắng truyền tải hết ý của tác
giả Đặng Trần Côn vào trong bản dịch Nôm của ông, và không thật coi trọng việc
chuốt từ, tìm vần… Vì vậy khi đọc bản B, ta cảm thấy văn chương hơi bị gò ép, lời
văn thiếu khoáng đạt, trau chuốt, nhiều khi dùng luôn câu chữ của tác giả Đặng
Trần Côn. Đôi khi ông còn lấy cả ý thơ của bà Đoàn
Thị
Điểm. Ví dụ câu thơ dịch sau đây của bà Đoàn Thị Điểm rất hay, rất chỉnh:
Sương như búa bổ mòn gốc liễu,
Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô.
Còn
câu của ông Phan Huy Ích:
Rụng đùng đùng lá dương, sương bổ,
Cây ngô đồng mưa nọ chẻ tan.
Nguyên
tác:
Sương
phủ tàn hề dương liễu,
Vũ cứ
tổn hề ngô đồng.
Bà
Đoàn dùng từ “bổ mòn” và “xẻ héo”, còn ông Ích dùng từ “bổ” và “chẻ” (gần giống xẻ). Hai chữ “bổ
mòn” và “xẻ héo” không có trong
nguyên tác của Đặng Trần Côn. Phải chăng, ông Phan Huy Ích đã học hai chữ này của
bà Đoàn Thị điểm?! Và nếu đúng như vậy, thì bản A đích thị là của bà Đoàn Thị
Điểm dịch.
Từ những nhận xét và dẫn chứng nêu ra ở
trên, nhìn nhận một cách tổng thể, trên cơ sở phân tích chất nữ tính trong bản
A, chất nam tính trong bản B và quan điểm dịch thơ của hai tác giả Phan Huy Ích
và Đoàn Thị Điểm, cũng như trình độ, tầm cỡ, bề dầy thơ ca, cuộc sống và gia
đình… , chúng tôi cho rằng bản A mới là bản dịch của Đoàn Thị Điểm, còn bản B
là bản dịch của Phan Huy Ích.
----------------
Viết thêm:
Trong cuốn “Chinh phụ ngâm bị khảo”, GS.
Hoàng Xuân Hãn nghi bản C là của Nguyễn Khản. Ông Thế Anh, vào tháng 7 năm
2012, có đăng một bài nói rằng, ông có đọc được một cuốn sách Hán – Nôm chép
tay ở Thư viên Quốc gia, ký hiệu R1674, có nhan đề là “Nam phong giải trào”. Ở phần cuối cuốn sách này có chép bản dịch
Chinh phụ ngâm ghi rõ người dịch là Nguyễn Khản, nhưng không phải là bản C, mà
là bản F (bản thứ 6), mà GS. Hoàng Xuân Hãn đã ghi người dịch là vô danh. Bản của
TVQG có 192 câu, bản thứ 6 có 200 câu.
Như vậy bản C không phải là của Nguyễn Khản
thì là của ai?
Bản dịch của Nguyễn Khản là một bản phỏng
dịch, rút gọn lại rất nhiều so với nguyên bản. Bản chữ Hán của Đặng Trần Côn có
480 câu, bản dịch của Nguyễn Khản chỉ có 192 câu, viết theo thể lục bát, lời
văn chải chuốt, có những đoạn bám sát nguyên bản.
Ông Thế Anh đưa ra dẫn chứng một số câu
trong bản dịch của Nguyễn Khản giống bản dịch của Đoàn Thị Điểm. Và ông đưa ra
nhận định: “Phải chăng bài dịch của Nguyễn Khản đã chịu ảnh hưởng của bài dịch
Đoàn Thị Điểm, vì Đoàn Thị Điểm (1705) hơn Nguyễn Khản (1734) gần 30 tuổi, nên
có nhiều khả năng bài dịch của Đoàn Thị Điểm ra đời trước”.