Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Trao giải cuộc thi thơ Lục bát

TRAO GIẢI CUỘC THI THƠ 

   Ngày 22/11/2016 Thi đàn Bình thơ Trường Xuân đã tổ chức trao giải cuộc thi thơ chủ đề “Tình yêu và gia đình”. Trong không khí ấm áp, chân tình, hồ hởi, vui vẻ của một ngày trời thu nắng đẹp cuộc trao giải đã thành công rực rỡ. Những giọng ngâm thơ mượt mà, giọng ca quyến rũ và nhất là những điệu múa ngập tràn sắc màu huyền diệu đã để lại những ấn tượng không thể nào quên cho các đại biểu và các bạn thơ tới dự. Sau đây là một vài hình ảnh ấn tượng của buổi lễ thân mật này:





















Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

LÊ THANH LONG

Non thiêng Yên Tử

Trên đỉnh Yên Sơn mây bay gió thổi (1)
Ai ngồi thiền lẳng lặng giữa trời Nam
Qua bao bậc mới tới đỉnh thượng ngàn
Mà mỗi bậc đều cao vời tâm thế














Người trải qua bao thăng trầm dâu bể
Để một lòng hướng tới cõi thiện tâm
Vi vút ngàn thông tựa tiếng nguyệt cầm














Gió như lưỡi kiếm
               gọt mòn ngàn viên bạch ngọc (2)
Như kết tụ từ kinh luân Phật học
Của ngàn đời đốt nóng khối thạch nham
Một trái tim rực lửa của Phật Hoàng
Lập nên Thiền phái Trúc Lâm
                       tỏa muôn ánh hào quang
Soi rọi bốn phương đông tây nam bắc
Lên non thiêng phải trải qua bao nhiêu bậc
Ngay Phật Hoàng cũng không biết bao nhiêu
Trái tim thương dân biết chia sẻ thương yêu
Cứ tuôn chảy như sông như biển














Mong tâm nguyện Người mãi còn hiển hiện
Để rọi soi muôn thế hệ mai sau
Người Việt như tre trúc ngẩng cao đầu
Sức sống như thông như tùng như bách
Và ngàn đời xanh mãi nước non thiêng!

(1)Đỉnh Yên Sơn cao nhất vùng Đông bắc Việt Nam (1068m)
(2) Đá Yên Sơn tạo thành bởi ngàn vạn viên đá trắng nằm trong khối nham thạch nóng chảy

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

Về

LÊ THANH LONG

Về


Lầu son gác tía đã từng
Mà sao Người đến với rừng hoang sơ
Trời không bến, đất không bờ
Một ngôi bán mái, nước chờ chén con


















Củ rừng, măng trúc, đường mòn
Chon von một mái nhà con giữa rừng
Non xanh, thông trúc bạn cùng
Cõi tâm hướng tới mấy từng trời xanh


















Trí đã thanh, lòng đã lành
Lập nên Thiền phái Trúc lâm giữa đời
Đến đây để hiểu lẽ trời
Cái gì là cái cao vời xưa nay

Quyền uy rồi cũng như mây
Của như nước chảy, có ngày cũng tan
Thôi về với núi trăng ngàn
Ngàn năm mở rộng tâm can giữa trời.

YÊN SƠN - YÊN TỬ

LÊ THANH LONG


Sóng

Yên Sơn liệu có yên lòng
Bao tầng đá núi chất chồng ngổn ngang
Tiếng chuông - thức tỉnh - Phật Hoàng
Bến nhân gian, sóng đại ngàn lòng dân.

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Bình luận

Sự cảm nhận từ
các giác quan trong thơ ca

                    LÊ THANH LONG
     
   Người ta thường ví von thưởng thức thơ như thưởng thức các món ăn. Nhưng tôi lại thích ví thưởng thức thơ như thưởng thức món Cocktail (coc tai). Cocktail là một loại thức uống được pha trộn chứa rượu thường bao gồm một hay nhiều loại rượu và hương như rượu mùi, trái cây, mật ong, sữa, kem… Cocktail là một đồ uống pha trộn hỗn hợp đa mùi vị chua có, mặn có, ngọt có, thậm chí có cả vị chát nữa, màu sắc thì vô cùng đa dạng, có tới mười ngàn công thức pha chế khác nhau, cốc đựng cũng rất đa dạng và có ở hầu khắp các nước trên thế giới. Kể ra như vậy để thấy Cocktail rất giống với thơ ca về chủng loại, màu sắc, mùi vị, cách chế biến cũng như thưởng thức. Làm và thưởng thức món Coctail này và món Cocktail thơ phải vận dụng cả 5 giác quan. Đó là Thị giác thưởng thức sự bắt mắt của các màu sắc phối hợp kỳ ảo, Thính giác nghe tiếng lanh canh của chiếc thìa kim loại va khẽ vào chiếc cốc thủy tinh trong suốt, Khứu giác ngửi những hương vị đa dạng của hoa quả và hương liệu tỏa ra ngào ngạt hoặc phảng phất nhè nhẹ, dìu dịu, Vị giác thưởng thức hương vị ngọt ngào chầm chậm ngấm vào từng tế bào vị giác và Súc giác  cảm nhận cái lành lạnh tỏa ra từ bề mặt chất lỏng từ cái cốc thủy tinh trong vắt. Nhưng sử dụng cả năm giác quan đó để làm thơ và bình luận thơ vẫn còn là chưa đủ. Khi đọc thơ trong chúng ta ai cũng có lần bắt gặp những bài thơ đọc lên chúng ta thấy hay, nhưng không nói ra được là nó hay ở chỗ nào?! Vậy tại sao chúng ta lại nói nó hay và thực tế là nó hay thật! Có điều đó xẩy ra, bởi vì chúng ta đã sử dụng đến cái giác quan vô hình. Đó là “giác quan thứ sáu” để xét đoán bài thơ. “Giác quan thứ sáu” vô hình đó chính  là sự cảm nhận. Đối với các nhà thơ và nhà bình luận thơ thì giác quan thứ sáu là quan trọng nhất, rồi tiếp đến là Thị giác và Thính giác.


   Khi ta đọc thơ bằng mắt, vẫn như thấy vang lên đâu đây cái âm thanh, nhịp điệu của câu chữ. Thơ có nhạc tính, nhạc điệu thì ai ai cũng nhận thấy. Và cái nhạc tính trong thơ tất nhiên là nghe bằng tai (thính giác) khi ta đọc lên, ngâm lên nhưng dù ta có đọc không thành tiếng thì vẫn như vang lên những âm thanh toát ra từ những con chữ và sự sắp xếp của những con chữ. Đó là sự cảm thụ trong tưởng tượng do đã hằn sâu vào trong trí não ta, tâm hồn ta khi ta tiếp nhận những từ ngữ đó nó gợi lên từ tấm bé cho đến suốt cả cuộc đời. Người đọc diễn cảm là người hiểu và tiếp nhận được đúng nội dung bài thơ.
   Trong thơ có họa thì các nhà thơ đều đã biết từ lâu “thi trung hữu họa”. Người ta tiếp nhận sự vật, sự vịêc, cảnh đẹp… trước hết là bằng thị giác (mắt nhìn) và người sáng tác thơ dù ít, dù nhiều đều vận dụng thị giác để “họa” lại những phong cảnh, sự vật, sự việc… nhưng khác văn xuôi ở chỗ nhà thơ đã lựa chọn những nét điển hình để xây dựng các hình tượng, biểu tượng cho bài thơ của mình.
   Khi làm thơ và khi viết lời bình người ta phải vận dụng tất cả sáu giác quan đó. Sau đây chúng tôi đưa ra một số ví dụ mà các nhà thơ đã vận dụng trong sáng tác và sáng tạo thơ như thế nào.
   Nguyễn Du đã quan sát một cách tinh tế và mô tả bằng vài nét chấm phá quang cảnh nơi Thúy Kiều gặp Kim Trọng:
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Hay tả buổi chiều tà đang “thoi thót” dần tắt và trăng lưỡi liềm đang nhô lên khỏi chân trời trong lúc Thúy Kiều đang đợi Sở Khanh đưa đi trốn:
Chim hôm thoi thót về rừng
Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành
Và cái không gian buồn:
…Một vùng cỏ áy bóng tà
Vi lô hiu hắt một và bông lau
Thị giác là cơ quan tiếp nhận cảnh vật từ xa và bao quát được Trần Duy Quý mô tả rất khéo và ấn tượng:
Bao mùa lá rụng bên thềm
Bao mùa trăng đổ bạc trên tóc gầy
Hoặc như câu thơ của Khuất Bình Nguyên tả về cái xứ Đoài nhỏ bé gắn bó đời người và tượng trưng cho cả nền văn chương của đất nước:
Lang thang mây trắng xứ Đoài
Chưa ra khỏi ngõ đã vài trăm năm.
    Người ta còn vận dụng việc trình bày con chữ trên mặt phẳng giấy để gây ấn tượng thị giác trong Thơ tự do cũng như cách trình bày thơ Lục bát theo cách vắt dòng.
   Thính giác là cơ quan tiếp nhận âm thanh từ gần đến xa, từ nhỏ đến lớn… của các hiện tượng và sự vật diễn ra trước mắt. Nó là giác quan quan trọng bậc nhất, mà không một nhà thơ nào bỏ qua mà không tận dụng một cách hiệu quả để người đọc có thể cảm nhận được âm thanh của câu thơ khi đọc lên. Lúc này người đọc tiếp nhận âm thanh thông qua con chữ khi đọc lên hình dung và tưởng tượng quang cảnh, sự vật, sự việc do con chữ gợi lên. Nó sôi nổi, hào hùng, chát chúa, mãnh liệt, sôi động hay êm dịu du dương trầm bổng, thiết tha… Âm thanh do con chữ tạo ra  đi vào lòng người dễ dàng và sâu lắng như khi ta nghe các giai điệu trầm bổng của bài hát hoặc du dương trầm bổng, ngọt ngào, êm ái qua giọng ngâm thơ, bản nhạc…
   Ta hãy đọc mấy câu thơ của Nguyễn Du nói về nỗi lòng tương tư của Kim Trọng sau khi gặp Thúy Kiều ở hội Đạm Thanh:
253.Phòng văn hơi giá như đồng,
254.Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan
255.Mành Tương phất phất gió đàn
256.Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình
Ở đây ta thấy sự kết hợp cả súc giác (253), thị giác (254), thính giác (255), khứu giác và vị giác (256).
   Hay như câu thơ tả tiếng đàn Thúy Kiều gảy cho Kim Trọng nghe:
481.Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
   Nguyễn Du tả quang cảnh Mã Giám Sinh đưa Thúy Kiều đi thật ấn tượng chỉ bằng hai câu thơ:
907. Đùng đùng gió giục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay
   Nhưng tất cả những thu thập của các giác quan cũng chỉ là nguyên liệu để cuối cùng tất cả nhằm hướng tới một cái đích là mô tả, diễn tả nội tâm của con người – một món ăn tâm hồn, thông qua các giác quan mà người viết tiếp nhận được và sau khi được hình tượng hóa, biểu tượng hóa… thành các câu thơ qua chiều sâu tâm hồn, sự rung động của trái tim nhà thơ khi sáng tác để làm bật lên cái nội dung sâu xa của tư tưởng mà tác giả cần trình bày.
   Nguyễn Du với khả năng quan sát bằng các giác quan một cách tinh tế, với kinh nghiệm trường đời thâm hậu đã diễn tả một cách khéo léo, sâu sắc tâm tư, tình cảm, cõi lòng của nhân vật Thúy Kiều trong đoạn một mình ngồi ở lầu Ngưng Bích - Cách phân tích tâm lý nhân vật siêu đẳng đó gây cho người đọc một ấn tượng thật khó quên:
1033. Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống hãy rày trông mai chờ!
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm!”
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông ngọn cỏ dàu dàu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh
1059. Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
   Sự biến động của đời sống xã hội và tình cảm riêng tư sẽ mở tung cánh cửa tâm hồn nhậy cảm của nhà thơ để nhà thơ đi vào thế giới của thi ca. Thơ là không gian của thế giới đa dạng muôn màu muôn sắc, kỳ ảo, huyền bí, mơ hồ… mà chỉ nhà thơ mới nhìn thấy nó và ghi lại bằng ngôn ngữ.
   Tuy nhiên có cả sáu giác quan vốn có đó của con người cũng chưa làm nên được cái gì đáng nói, đó chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ của nhà thơ và nhà bình luận là phải có kiến thức, có tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động, chia sẻ và cảm thông với số phận và hoàn cảnh con người, có lòng yêu thương con người. Những người có tâm hồn khô cứng khó có thể làm thơ và trở thành nhà thơ. Tất nhiên người làm thơ và nhà bình luận phải có chút năng khiếu và tài năng về lĩnh vực đó.
   Để bình giải một bài thơ nhà bình luận trước hết phải thích thú và đồng cảm với bài thơ đó, tìm ra những ẩn ý còn giấu kín, bóc tách lớp vỏ mơ hồ, khó hiểu bên ngoài, để bài thơ nở ra rực rỡ và tỏa hương thơm ngát cho độc giả thưởng thức. Những bài thơ đã rõ cả rồi thì còn gì để mà bình giải nữa. Giới thiệu tập thơ và bình giải một bài thơ nói đúng sự thật và hay mới là nhà bình luận có hạng. Nếu nói quá lên quá nhiều, tập thơ nào cũng hay, bài thơ nào cũng hay, thơ hay  thơ không hay đều như nhau thì hòa cả làng rồi, giống như cả cơ quan đều đạt lao động tiên tiến, làm như vậy người bình luận sẽ tự đánh mất mình. 

                                                       Hà Nội ngày 01/11/2016