Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021
HAI NỬA NHÂN GIAN Sinh ra là đã của nhau/ Xin nhau thì có gì đâu chúng mình/ Xin em một chút yên bình/ Để anh kể hết chuyện tình cùng em/ Xin em một chút êm đềm/ Để anh đi hết một miền hương hoa./ Xin em một chút giao hòa/ Để anh say đắm món quà thiên nhiên./ Xin em một chút triền mien/ Để anh tận hưởng cõi tiên giữa đời./ Xin em một chút rạng ngời/ Nụ cười tỏa nắng giữa trời xanh trong./Xin em một chút hương long/ Để anh đi hết một vòng vô vi (1). / Em cười thì hãy cười đi/ Cỏ hoa (2) đâu có thần kỳ như em./ Trải qua nắng đỏ mưa mềm/ Tình yêu vẫn nở êm đềm trong nhau. Hà Nội 16.5.2021 L.T.L. _________ (1). Vô vi: Có nguồn gốc từ tư tưởng của Lão Tử - Triết gia cổ đại Trung Quốc. “Vô vi” có nghĩa là không làm gì mà không gì không làm. Triết lý sống “vô vi” là thuận theo tự nhiên (2). Kỳ hoa dị thảo
Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021
NGẪM LỜI VĨ NHÂN Hà thành mưa gió đầy trời Ta ngồi suy ngẫm những lời vĩ nhân Nàng Kiều trong giá trắng ngần (1) Bùn nhơ vấy bẩn cõi trần làm đau Dập vùi trong chốn bùn nâu Chút lòng trinh bạch còn đâu giữa đời (2) Mặc cho gió tuyết tơi bời Một bông mai trắng giữa trời bung hoa (3, 4, 5) Mong sao trời đất giao hòa An lành ta đứng giữa hoa và người. Trần gian gió tuyết tơi bời Một bông mai đứng giữa trời gió rung. LÊ THANH LONG Truyện Kiều (Nguyễn Du): (1).(1191). Tiếc thay trong giá trắng ngần Đến phong trần cũng phong trần như ai. (2). (1147). Thân lươn bao quản lấm đầu Chút lòng trinh bạch từ sau cũng chừa. (3). (17). Mai cốt cách, tuyết tinh thần Một người một vẻ mười phân vẹn mười. (4). Thập tải luân giao cầu cổ kiến Nhất sinh đê thủ bái mai hoa Dịch nghĩa: Mười năm đi tìm gươm báu Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai. (Cao Bá Quát) (5). Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. Dịch thơ: Đừng tưởng đông tàn hoa rụng hết Đêm qua sân trước một nhành mai. (Mãn Giác Thiền Sư (1052 - 1096) mô tả sức sống mãnh liệt của mai). GHI CHÚ: 1.Mai là hình ảnh tiêu biểu của người quân tử: Trung tín, ngoan cường, khí phách. Cao Bá Quát cúi đầu trước mai là cúi đầu trước biểu tượng của người quân tử, cúi đầu trước khí phách hiên ngang, bất khuất của người quân tử. 2. CÂU ĐỐI (4)" LÀ CỦA AI? a. Lâu nay nhiều người, kể cả sách giáo khoa, đều cho rằng tác giả của 2 câu đối “Mười năm đi tìm gươm báu/ Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai” là của Cao Bá Quát. b. Theo cứ liệu thì đôi câu đối trên có xuất xứ như sau: Theo “Như Thanh Nhật ký” năm Mậu Thìn (1868) vua Tự Đức cử đoàn sứ bộ sang triều cống nhà Mãn Thanh. Cầm đầu là chánh sứ Lê Tuấn (đỗ Hoàng Giáp năm 1853); phó sứ là Nguyễn Tử Giản (Hoàng Giáp năm 1884); phó sứ thứ 2 là cử nhân Hoàng Tịnh. Hành trình của sứ bộ theo lối xưa từ ải Nam Quan đến Yên Kinh “bộ khôn bằng ngựa, thuỷ khôn bằng thuyền” mất 181 ngày (lưu trú 64 ngày đi 117 ngày trong đó 44 ngày đường bộ, 73 ngày đường thuỷ). Khởi hành ngày 1/8 Mậu Thìn, sau 125 ngày thì đến huyện thành Hà Dương tỉnh Hồ Bắc, ở đó đoàn Sứ bộ Việt Nam được viên tri phủ Hán Dương là Ngải Tuấn Mỹ đón tiếp và tặng đôi câu đối cho chánh sứ Lê Tuấn: “Hữu Khẩu tu ngôn thiên hạ sự/ Kháng hoài bất nhượng cổ chi nhân”. Dịch nghĩa: “Có miệng nên nói việc thiên hạ/ Nghị lực không chịu nhường người xưa”. Câu đối tặng Nguyễn Tử Giản: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Dịch nghĩa: “Mười năm chọn bạn như tìm thanh kiếm cổ/ Một đời chỉ biết cúi đầu lạy hoa mai”. Câu đối tặng Hoàng Tịnh: “Truyền thần cổ hữu Lý Tư Huấn/ Vấn tự kim vô Dương Tử Vân”. Dịch nghĩa: “Truyền thần xưa có Lý Tư Huấn/ Hỏi chữ nay không Dương Tử Vân”. Sự kiện trên được chép trong “Yên thiều bút lục” của Nguyễn Tử Giản (1823-1890) sách viết tay của Thư viện Khoa học Trung ương, số A.852 tờ 18a-b. Cứ liệu trên đã được các học giả Tảo Trang và Hoa Bằng đưa ra trên tạp chí văn học số 2, Hà Nội năm 1972, trang 61 và 64). Câu đối của Ngải Tuấn Mỹ tặng Nguyễn Tử Giản là vào năm 1868, trước đó 14 năm, Cao Bá Quát đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (Giáp Dần 1854) ... phải chăng người đời do quá yêu Cao Chu Thần nên cứ thích tương truyền câu “nhất sinh đê thủ bái mai hoa” là của Cao Bá Quát như một giai thoại để đời? (Nguyễn Khôi). c. Hoàng Phủ Ngọc Phan thì cho rằng câu đối (4) là của Cao Bá Quát dựa trên khẩu khí, văn chương chứa đầy tâm tư hoài bão sâu kín là dạng tự bạch của Cao Bá Quát, ngược lại câu đối này không phù hợp với cuộc sống tư chất của Nguyễn Tư Giản.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)