Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

TRUYỆN KIỀU: Đoạn 1 - Cõi người ta




Để giúp các bạn tìm hiểu Truyện Kiều của Nguyễn Du và cũng để giải trí trong những lúc cần thư dãn, chúng tôi sẽ đăng một số đoạn phân tích, giải thích và bình luận toàn bộ 3254 câu thơ trong Truyện Kiều. Mỗi tuần sẽ đăng 2 đoạn vào thứ bảy và thứ tư, bắt đầu vào 22.4.2020.

ĐOẠN 1
Mở đầu
Cõi người ta
1.Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh, khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
5. Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen với má hồng đánh ghen.
Cảo thơm lần giở trước đèn,
8. Phong tình có lục còn truyền sử xanh.
Tám câu thơ đầu tiên, Nguyễn Du đặt vấn đề, khái quát quan điểm của mình mở đầu cho cuốn sách.
Ngẫm trong cõi người chúng ta đang sống, đời người sống được trăm năm, “trăm năm trong cõi người ta”, tài và mệnh sao khéo đố kỵ, ghen ghét nhau, tài năng và số mệnh, số phận của mỗi con người không phải lúc nào cũng đi đôi song hành với nhau, chữ tài chữ mệnh khéo là hay ghét nhau một cách lạ lùng, “chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Không còn xa lạ gì với cái lẽ thường tình ở đời là được mặt này hơn thì kém mặt kia, “lạ gì bỉ sắc tư phong”, nghĩa là hơn về tài sắc thì lại kém về mệnh số, được mặt này thì mất mặt kia, người có tài không phải lúc nào cũng thành công. Đó là quy luật bù trừ của tạo hóa. “Trời xanh”, con tạo, “quen với má hồng đánh ghen”, tạo hóa xưa nay vốn “quen với” việc đánh ghen với khách “má hồng”, người đàn bà đẹp. Tạo hóa tạo ra thế giới muôn loài, tạo ra người đàn bà đẹp sao phải đánh ghen, mà chỉ đánh ghen với khách má hồng, chứ không phải đánh ghen với đàn bà nói chung.
Trời xanh, con tạo, tạo hóa… cái thế lực vô hình đó là gì, là ai, mà lại “quen với má hồng đánh ghen”. Ông xanh, con tạo… là cách nói tượng trưng, ước lệ thôi, thực tế ra đây là một thế lực xã hội, đó là thói đời thường hay ghen tỵ, “đánh ghen” lẫn nhau, nhất là với những người đàn bà tài sắc và vì đẹp nên được nhiều đàn ông để ý, yêu thương, tranh giành, nên hay gặp chuyện rắc rối, long đong, gian truân. “Đã cho lấy chữ hồng nhan/ Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân”/ Đã đầy vào kiếp phong trần/ Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi”.
Ta đọc câu thơ sau đây sẽ hiểu từ “con tạo” mà Nguyễn Du muốn nói đến là gì: “Cũng liều nhắm mắt đưa chân/ Để xem con tạo xoay vần đến đâu”. “Con tạo” ở đây nghĩa là “sự đời”. Cũng liều nhắm mắt đưa chân, để xem sự đời nó xoay vần đến đâu?
Trong đời một con người trải qua những sự biến đổi của thời cuộc, bãi bể biến thành nương dâu, “trải qua một cuộc bể dâu”. Nhìn thấy những sự đảo lộn, đau thương của đời người trong xã hội, “mà đau đớn lòng”.
Nguyễn Du mở pho sách thơm, pho sách hay đọc từng trang trước ngọn đèn, câu chuyện tình yêu nam nữ, “phong tình”, có màu xanh, “có lục”, được truyền lại trong sử sách, “sử xanh”, “Cảo thơm lần giở trước đèn/ Phong tình có lục còn truyền sử xanh”, hai câu thơ này Nguyễn Du muốn ám chỉ ông viết cuốn truyện thơ “Đoạn trường tân thanh” tức Truyện Kiều là dựa theo câu chuyện tình nam nữ, “phong tình”, có màu xanh, “có lục”, đã được sử sách chép lạị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét