Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

TÂM SỰ NÀNG VÂN



                               LÊ THANH LONG

Nghĩ thương chị lỡ con đò
Mười lăm năm biết bây giờ ở đâu
Chị ơi đời chị khổ đau
Làm sao cho chị thoát mầu oan khiên

“Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên”
“Chị thương kẻ khuất”, chẳng “quên người còn”
“Mấp mô số phận vuông tròn”
Đất không thể nhốt tâm hồn chị yêu

Là em nghĩ vậy, chị Kiều
Đời em thuận, “chị ba chiều bão giông”
“Con đò đời chị về không”
“Chở theo tiếng” sóng trên “sông Tiền Đường”

Biết bao oán giận, yêu thương
Chiếc vành còn thấm mùi hương hẹn hò
Đời em thuận gió không ngờ
Mà thương cho chị bây giờ gian truân

Chàng Kim tìm khắp xa gần
Máu theo nước mắt bao lần ngất xiêu
Cả đời chị chẳng được yêu
Nghĩ cho em chị, Thúy Kiều chị ơi!

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Để cho chị suốt một đời đau thương.

LÊ THANH LONG

Phỏng theo bài thơ “Tâm sự nàng Thúy Vân” của Trương Nam Hương.

Tâm sự nàng Thuý Vân

Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim.

Ơ kìa sao chị ngồi im
Máu còn biết chảy về tim để hồng
Lấy người yêu chị làm chồng
Ðời em thể thắt một vòng oan khiên

Sụt sùi ướt cỏ Ðạm Tiên
Chị thương kẻ khuất, đừng quên người còn
Mấp mô số phận vuông tròn
Ðất không thể nhốt linh hồn đòi yêu!

Là em nói vậy thôi Kiều
Sánh sao đời chị ba chiều bão giông
Con đò đời chị về không
Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Ðường

Chị nhiều hờn giận, yêu thương
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim

Em thành vợ của chàng Kim
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
Giấu đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi, em biết khi nào được yêu!

TRƯƠNG NAM HƯƠNG

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

TÌNH YÊU CỦA CẶP ĐÔI THÚY VÂN - KIM TRỌNG



                                                              LÊ THANH LONG

Trương Nam Hương có bài thơ “Tâm sự nàng Thúy Vân” viết rất hay. Trong bài thơ có bốn câu đóng chốt quan điểm của Trương Nam Hương: Chị yêu lệ chảy đã đành/ Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim vàGiấu đầy đến nỗi khát khao/ Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu?”
Rất nhiều bài viết khen ngợi và bình bài thơ này theo quan điểm của Trương Nam Hương. Tôi đã xem hầu hết các bài viết về vấn đề này, nhưng thấy hơi buồn, vì không thấy có một phản biện nào theo hướng khác.
Tôi viết bài này để minh oan cho Kim Trọng, cho Thúy Vân, cho Thúy Kiều và cho cả Truyện Kiều Nguyễn Du.
Tôi không có ý tranh luận gì với Trương Nam Hương và những người đã viết trước đó về vấn đề này, đó là quyền tự do của mỗi người, mỗi người có một quan điểm riêng, một cách nhìn riêng.
Tôi không đứng trên góc độ tư tưởng của người ngày nay mà xét chuyện ngày xưa, mà đứng trên góc độ, tư tưởng, quan điểm thực tế của người thời xưa, để xem xét chuyện ngày xưa.
Bài viết của chúng tôi là một góc nhìn khác, một cách nhìn khác về vấn đề này.

Sau khi lo xong việc bán mình lấy tiền cứu cha và em, trước khi ra đi, Thúy Kiều còn một việc không thể không làm, đó là trả nghĩa cho chàng Kim.
Sự đời éo le, Thúy Kiều bán mình chuộc cha, đi lấy người khác, để cứu cha và em, nhưng lại mắc vào một lỗi lớn là phản bội lời hứa, mặc dù đã hứa như đinh đóng cột với Kim Trọng “Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai”, suốt đời không lấy ai, trước khi Kim Trọng về hộ tang chú. Vì vậy Thúy Kiều vô cùng ân hận, muốn em mình Thúy Vân và cha trả nghĩa cho Kim Trọng. Thúy Kiều vô cùng đau đớn “Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”. Thúy Kiều không sung sướng gì khi phải nhờ cậy em “Hở môi ra cũng thẹn thùng/ Để lòng thì phụ tấm lòng với ai”. Để việc nhờ cậy của mình nhất định phải thành công, trước khi nói, Thúy Kiều phải quỳ xuống lạy em mình Thúy Vân “Cậy em, em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”. Một màn trao duyên cực kỳ cảm động, đau xót với cả Thúy Vân và Thúy Kiều. Chúng ta không thể không chia sẻ nỗi đau xót đến cùng cực của cả hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều lúc này. Ngày xưa cái nghĩa cử phải trả nghĩa nó cao quý, đẹp đẽ hơn cái cá nhân nhỏ bé rất nhiều, Thúy Kiều đã nói với Thúy Vân “Chị dù thịt nát xương mòn/ Ngậm cười chin suối vẫn còn thơm lây”. Thúy Kiều không phải không đau xót, không tiếc khi phải nhường người yêu cho em “Mai sau dù có bao giờ/ Đốt lò hương ấy so tơ phím này/ Trông ra ngọn cỏ lá cây/ Thấy hiu hiu gió thì hay chị về/ Hồn còn mang nặng lời thề/ Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai/ Dạ đài cách mặt khuất lời/ Rưới xin chén nước cho người thác oan”.
Thúy Kiều nói thẳng với Thúy Vân “Giữa đường đứt gánh tương tư/ Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”. Thúy Kiều nói thẳng với Thúy Vân “keo loan chắp mối tơ thừa” mối tơ duyên thừa của Thúy Kiều để lại, nhưng Thúy Kiều không ép buộc Thúy Vân, mà nói “mặc em” tự quyết định. Không ai ép buộc Thúy Vân phải lấy Kim Trọng, Thúy Vân hoàn toàn có thể từ chối.
Thúy Vân nhận cái lạy của Thúy Kiều và những đoạn sau đó im lặng, không nói gì, tức là đã tự nguyện chấp nhận lời đề nghị của Thúy Kiều. Hoặc giả Thúy Vân không thể nói gì trong trường hợp này.
Ở đây cũng phải nói thêm. Người thời xưa, việc gả chồng cho con gái là do bố mẹ quyết định, chứ người con gái không được chọn, không được tự chọn. Vương Ông đã nói với Thúy Kiều “Nay cha làm lỗi duyên mày/ Thôi thì nỗi ấy sau này đã em”. Thúy Vân không nói một lời nào trong suốt màn trao duyên, vì Thúy Vân không có quyền tự quyết định việc này. Ngày xưa người ta đi “hỏi vợ”, tức là hỏi xem bố mẹ và người con gái ấy có đồng ý lấy mình không, rồi hai người mới được đi lại, tìm hiểu nhau, Chứ không như bây giờ yêu nhau rồi, trước khi cưới mới đi “hỏi vợ”, không biết lúc này hỏi để làm gì, việc “ăn hỏi” ngày nay chỉ là hình thức.
Sau này Kim Trọng đã cứu cả nhà Thúy Vân thoát khỏi cảnh nghèo túng và nhờ vậy Vương Quan mới được học hành đỗ dạt. Thúy Vân và cả nhà Thúy Vân phải hàm ơn Kim Trọng rất nhiều.
Cả nhà Thúy vân đang trong cảnh nghèo túng “Nhà tranh vách đất tả tơi/ Lau treo rèm nát trúc cài phên thưa/ Một sân đất cỏ dầm mưa”. Khi gặp Kim Trọng, Kim Trọng đã đón cả nhà Vương Ông về thay Kiều chăm sóc “Vội về sửa chốn vườn hoa/ Rước mời viên ngoại ông bà cùng sang/ Thần hôn chăm sóc lẽ thường/ Dưỡng thân thay tấm lòng nàng ngày xưa”.
Theo ý kiến chúng tôi Thúy Kiều mất mọi thứ, nhưng Thúy Vân thì được mọi thứ. Được chồng đẹp trai, hào hoa phong nhã, con nhà trâm anh thế phiệt có truyền thống văn chương “Nền phú quý, bậc tài danh/ Văn chương nết đất, thông minh tính trời/ Thiên tư tài mạo tót vời/ Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”, đi đến đâu sáng bừng lên đến đó “Hài văn lần bước dặm xanh/ Một vùng như thể cây quỳnh cành dao”.
Sắc đẹp thúy Vân xứng tầm với Kim Trọng, người con gái có đức tính trong sạch như tuyết trắng “tuyết tinh thần”, đi đứng, ăn nói trang trọng “Vân xem trang trọng khác vời/ Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang/ Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”.
Thúy Vân không yêu, không lấy Kim Trọng thì còn lấy ai đây để hơn được Kim Trọng. Kim Trọng không yêu không lấy Thúy Vân thì còn lấy ai đây để hơn được Thúy Vân (người đứng thứ hai (á hậu) chỉ sau Thúy Kiều (hoa hậu; số 1 về tài sắc).
Không có chứng cứ nào để nói Thúy Vân và Kim Trọng không yêu nhau, cặp đôi như thế không yêu nhau mới là điều lạ. Cặp đôi này không cần ai mối lái, họ cũng sẽ đến với nhau và lấy nhau. Thúy Vân lấy được chồng làm quan, đứng đắn, tài giỏi như thế, Thúy Vân còn mơ ước điều gì hơn thế. Nói Kim Trọng không có tình yêu với Thúy Vân và Thúy vân không yêu Kim Trọng chỉ là suy diễn theo quan điểm, tư tưởng người thời nay.
Ngày xưa các quan lại giầu có thường lấy nhiều vợ. Nguyễn Nghiễm cha Nguyễn Du lấy tới 8 bà vợ. Kim Trọng chỉ lấy một mình Thúy Vân. Điều đó nói lên gì?! Chẳng phải là Kim Trọng rất yêu Thúy Vân đó sao! Tình nghĩa vợ chồng thời xưa sâu nặng, bền vững.
Không có bất cứ lý do gì để hai người Thúy Vân - Kim Trọng không đến với nhau, không yêu nhau, không lấy nhau, cơ trời đã tác hợp cho họ nên duyên vợ chồng.
Các bạn nam trẻ, nếu bạn ở vào địa vị như Kim Trọng, bạn có yêu Thúy Vân không? Các ban nữ trẻ, nếu bạn ở vào địa vị như Thúy Vân, bạn có yêu Kim Trọng không?.
Lấy đoạn Nguyễn Du viết về Kim Trọng nhớ thương Kiều, sau khi biết tin Kiều phải bán mình chuộc cha, để nói rằng Kim Trọng lúc nào cũng tưởng nhớ Kiều là không thuyết phục, không đúng sự thật trong Truyện Kiều.
Kim Trọng đau đơn, xót thương Thúy Kiều đến độ nước mắt chảy ra pha máu hồng “Vật mình vẫy gió tuôn mưa/ Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai/ Đau đòi đoạn/ Ngất đòi thôi/ Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê’“Ruột tằm ngày một héo hon/ Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve/ Thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê/ Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao”. Vương Ông khuyên giải mấy cũng không được “Quá thương chút nghĩa đèo bòng/ Nghìn vàng thân ấy thì hòng bỏ sao/ Dỗ dành khuyên giải trăm chiều/ Lửa phiền khôn dập càng khêu mối phiền”.
Cha Kim Trọng lo sợ cho tính mạng Kim Trọng “Xuân huyên lo sợ xiết bao/ Quá ra khi đến thế nào mà hay!”. Ông đưa ra một giải pháp tuyệt vời là cưới Thúy Vân cho Kim Trọng “Vội vàng sắm sửa chọn ngày/ Duyên Vân sớm đã xe dây cho chàng/ Người yểu điệu, kẻ văn chương/ Trai tài gái sắc xuân đương vừa thì”.
Tuy vậy nỗi đau đớn thương xót Thúy Kiều cũng không một lúc mà quên được “Tuy rằng vui chữ vu quy/ Vui này đã cất sầu kia được nào!/ Khi ăn ở lúc ra vào/ Càng âu duyên mới càng dào tình xưa/ Nỗi nàng nhớ đến bao giờ/ Tuôn châu đòi trận vò tơ trăm vòng/ Có khi vắng vẻ thư phòng/ Đốt lò hương, giở phím đồng ngày xưa/ Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ/ Trầm bay lạt khói gió đưa lay rèm/ Dường như bên chái trước thềm/ Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng/ Bởi lòng tạc đá ghi vàng/Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây”.
Đó thể hiện sự thương nhớ của Kim Trọng thời kỳ đầu, khi biết tin Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha. Điều đó chứng tỏ Kim Trọng là con người chân tình, có tình cảm sâu nặng. Con người như thế không thể nào không yêu Thúy Vân, khi lấy nàng làm vợ. Điều đó cũng chứng tỏ sự miêu tả tâm lý con người tuyệt vời của Nguyễn Du.
Sau đó nỗi thương cảm của Kim trọng cũng nguôi ngoai dần, chàng chăm chỉ học hành và thi đỗ làm quan “Cửa trời rộng mở đường mây/ Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần”.
Nguyễn Du ca ngợi cặp đôi Kim Trọng Thúy Kiều “Một nhà phúc lộc gồm hai/ Thiên niên dằng dặc quan giai lần lần/ Thừa gia chẳng hết nàng Vân/ Một cây cù mộc một sân quế hòe/ Phong lưu phú quý ai bì/ Vầy xuân một cửa để bia muôn đời”.
Kim Trọng và Thúy Vân đã đưa dòng họ Kim ngày càng phát đạt, trường tồn mãi mãi, là tấm gương sáng cho muôn đời sau và trở thành cụ Tổ nhiều đời của dòng họ.
                                                       Hà Nội ngày 28.5.2020
                                                         LÊ THANH LONG

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

Thúy Kiều nghĩ về Thúc Sinh hay Thúc Sinh nghĩ về Thúy Kiều


THÚY KIỀU NGHĨ VỀ THÚC SINH HAY THÚC SINH NGHĨ VỀ THÚY KIỀU?

                                               LÊ THANH LONG
 Câu thơ:
1793. “Mày xanh trăng mới in ngần,
1794. Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa”
Là hai câu thơ đã gây nhiều tranh cãi và lầm lẫn trong giới nghiên cứu và chú giải Truyện Kiều
Trong Truyện Kiều, lúc Kiều bị Khuyển Ưng bắt từ Lâm Tri đưa về Vô Tích nhà Hoạn Bà, rồi Hoạn Bà giao Thúy Kiều cho Hoạn Thư làm con hầu, có đoạn thơ 12 câu từ câu 1783 - 1794:
1783.” Cửa người đày đọa chút thân,
Sớm năn nỉ bóng, khuya ngơ ngẩn lòng.
1785. Lâm Tri chút nghĩa đèo bòng,
Nước non để chữ tương phùng kiếp sau!
Bốn phương mây trắng một màu,
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà?
Lần lần tháng lụn ngày qua,
1790. Nỗi gần, nào biết đường xa thế này.
Lâm Tri từ thuở uyên bay,
Phòng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân.
Mày xanh trăng mới in ngần,
1794. Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa!”
Hai câu thơ:
1793. “Mày xanh trăng mới in ngần
1794. Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa”
có nhiều ý kiến chú thích, bình giải khác nhau.
Bản Quan Văn Đường chép là “Mày xanh”, nhiều bản chép là “Mày ai” để nói bóng về Kiều. Tản Đà chê hai chữ “Mày xanh” là vô vị.
+ Bản của Đào Duy Anh, năm 1979 giải thích: “Uyên bay”: Chỉ tình hình Thúc Sinh mất Thúy Kiều. “Mày ai” (mày xanh): Ý Thúc Sinh nhìn trăng lưỡi liềm mà nghĩ đến lông mày của thúy Kiều. “In ngần”: In dấu (ngần tức là ngấn nói theo giọng bằng. Không giải thích câu 1794.
+ Bản của Vũ Ngọc Khánh, 2010 giải thích:
Uyên bay: Ý nói Thúy Kiều không còn nữa (con chim uyên đã bay mất).
“Trăng mới”: Trăng đầu tháng. Câu này đại ý nói: Thúc Sinh trông thấy mặt trăng lưỡi liềm đầu tháng giống như lông mày người con gái đẹp mà tưởng nhớ đến Kiều. Câu 1794 đại ý nói: Thúy Kiều không còn nữa. Thúc Sinh trông thấy phấn hương của nàng còn sót lại mà thương tâm.
+ Bản của Mai Quốc Liên, 2018 giải thích câu 1793 ý nói: Trăng non đầu tháng còn mờ như một nét lông mày khiến Thúc Sinh nhớ đến Thúy Kiều.
 “Uyên”: Đây là Kiều. “Từ thuở uyên bay”: Từ thuở Kiều không còn nữa (như Thúc Sinh lầm tưởng).
+ Bản của Hội Kiều học, 2015 giải thích:
“Mày xanh… in ngần”: Thúc Sinh ngắm mặt trăng đầu tháng mà nhớ đến hình ảnh đôi lông mày của Kiều vẫn in trong tâm trí.
“Phấn thừa hương cũ”: Xem đến chỗ phấn hương cũ còn sót lại, Thúc Sinh càng xót xa cho thân Kiều.
“Uyên bay”: Chim uyên ương sống thành đôi, chỉ cảnh vợ chồng. “Uyên bay”: Chỉ một con bay đi, ý nói Thúc Sinh mất Kiều.
Theo tôi các nhà chú giải đã có những nhầm lẫn:
+ Cái nhầm lẫn thứ nhất dẫn đến việc các sách chú thích sai là nhầm Uyên là chim mái, nên ví như Kiều, thực ra Uyên là con chim trống, phải ví với Thúc Sinh mới đúng.
+ Nhầm lẫn thứ hai là nhà Thúy Kiều đã bị Khuyển Ưng đốt cháy hết còn đâu phấn hương của Kiều còn sót lại để Thúc Sinh trông thấy, mà nói “Thúc Sinh trông thấy phấn hương của nàng còn sót lại mà thương tâm”.
+ Thứ ba chữ “Mày xanh” mọi người cứ nghĩ là nói về Thúy Kiều, nên Tản Đà nói là “vô vị” và Kiều Mộng Oánh sửa lại là “Mày ai”.
Theo cuốn “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng giải thích “uyên ương” (danh từ) là chim cùng họ với vịt, sống ở nước, con đực [uyên] và con cái [ương] sống không bao giờ rời nhau, thường dùng trong văn chương để ví cặp vợ chồng đẹp đôi, gắn bó, “đôi uyên ương”.



Ảnh: ĐÔI UYÊN ƯƠNG

Hai câu thơ này trong 12 câu thơ nêu trên, theo tôi là Thúy Kiều tự tâm sự với chính mình (Thúy Kiều không biết mình đang ở nhà Hoạn Thư là vợ cả của Thúc Sinh):
“Chút thân” (của Thúy Kiều) hèn mọn, nhỏ bé bị “đầy đọa”“cửa” nhà “người” ta, “cửa người đầy đọa chút thân”, “sớm” thì như một cái “bóng”, “năn nỉ” cầu xin sự thương hại, đêm “khuya” thì nỗi “lòng” “ngơ ngẩn” nghĩ đến người tình Thúc Sinh, “sớm năn nỉ bóng, khuya ngơ ngẩn lòng”.
 Kiều tâm sự: Ở “Lâm Tri” có một “chút” tình “nghĩa” vợ chồng dan díu, tự mang lấy những vương vấn, “đèo bòng”, lời thề nguyền “nước non” son sắt gắn bó, xin “để chữ tương phùng”, gặp lại nhau, đến “kiếp sau” thôi!
Nhìn ra “bốn phương” chỉ thấy “một màu” “mây trắng”, “trông” xa “vời” “cố quốc”, quê hương không “biết” nơi “đâu”, “là nhà” bố mẹ mình nữa.
Cứ “lần lần” tháng hết, “tháng lụn”, “ngày” trôi “qua” đi, “nỗi” niềm nói với nhau khi chàng Thúc về quê nghĩ tưởng “gần”, “nào” đâu “biết” “đường” đi đó lại “xa” xôi đến “thế này!”
“Lâm Tri” “từ” cái “thuở” chim “uyên bay” đi, tức Thúc Sinh, về nhà vợ cả, nghĩ “thương” cho “kẻ” đi đường xa, “phòng không”, “tháng ngày” cô đơn chỉ có một thân một mình, “chiếc thân”, “phòng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân”.
Uyên ương là loài chim rất đẹp trông giống như vịt nhưng có màu sắc sặc sỡ, uyên là chim trống, ương là chim mái, thường sống có đôi.
Người trai trẻ Thúc Sinh, “mày xanh”, với mối tình với Kiều đẹp như “trăng mới in ngần”, còn nàng Kiều lại nghĩ Thúc Sinh chỉ được hưởng chút, “phấn thừa hương cũ” của mình, nên “bội phần xót xa” cho chàng. 
Có tác giả chú giải: “Trăng mới” là trăng đầu tháng, Thúc sinh trông thấy trăng lưỡi liềm giống như lông mày người con gái đẹp mà tưởng nhớ đến Kiều. Thúy Kiều không còn nữa, Thúc sinh trông thấy phấn hương của nàng còn sót lại mà thương tâm.
Những lý giải ở trên không hợp lý, Thúc Sinh từ Vô Tích về Lâm Tri thì thấy: Bước vào chốn cũ lầu thơ/ Tro than một đống, nắng mưa bốn tường”. Biết chắc Thúy Kiều đã chết rồi, Thúc Sinh có thể nhớ và thương tiếc Thúy Kiều, nhưng làm sao có thể nói “Mày xanh trăng mới in ngần/ Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa”. Nhà Thúc Sinh và Thúy Kiều ở đã cháy trụi rồi, thì còn đâu “phấn thừa hương cũ” sót lại nữa mà nhìn thấy.
Các nhà chú thích và chú giải từ trước đến nay vẫn nghĩ hai câu thơ 1793, 1794 là Thúc Sinh nghĩ đến Thúy Kiều, nên mọi chú thích và chú giải đều theo hướng này.
Hai câu thơ này nằm trong đoạn nói về tâm tư của Thúy Kiều trong thời gian Thúy Kiều hầu hạ Hoạn Thư từ câu 1783 - 1794. Đoạn thơ này có 12 câu nói về tâm tư Thúy Kiều nghĩ về thân phận mình, nghĩ đến mối tình với Thúc Sinh ở Lâm Tri và thương Thúc Sinh phòng không một thân một mình khi rời Lâm Tri trên đường về Vô Tích và bây giờ có lẽ đã từ Vô Tích trở lại Lâm Tri. Cặp uyên ương là chỉ cặp tình nhân đẹp như đôi chim uyên ương, từ khi chim uyên (chỉ Thúc Sinh) bay về Vô Tích. Trong 12 câu thơ trên là tâm tư của Thúy Kiều xuyên suốt, không có lý do gì lại lọt vào hai câu 1793, 1794 Thúc Sinh nghĩ về Thúy Kiều.
Hai câu thơ 1793. Mày xanh trăng mới in ngần/ 1794. Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa! Theo ý chúng tôi vẫn là hai câu thơ liền mạch Thúy Kiều nghĩ về Thúc Sinh.
Chữ “Mày xanh” không thể chữa thành “Mày ai” được, vì chữ “Mày xanh” là Thúy Kiều muốn nói về chàng Thúc Sinh tuổi trẻ, đang phải “phòng không” một thân một mình, nên Thúy Kiều mới “thương kẻ tháng ngày chiếc thân”.
“Trăng mới in ngần” là Thúy Kiều muốn nói về mối tình của Thúc Sinh mới chớm nở đẹp đẽ, in dấu ấn vào cuộc đời Thúc Sinh như “trăng mới in ngần”, trăng mới là mối tình mới, mà bị chia lìa, làm cho chàng Thúc Sinh bây giờ phải một thân một mình cô đơn “buồng không”.
Câu thơ trên “Mày xanh trăng mới in ngần” đối nghịch với câu thơ dưới “Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa”. Trong suy nghĩ của Thúy Kiều, nàng nghĩ Thúc Sinh coi mối tình giữa hai người là “trăng mới in ngần”, nhưng với Thúy Kiều thì Thúc Sinh chỉ được hưởng “phấn thừa hương cũ” của mình, nên Thúy Kiều mới “bội phần xót xa”, thương cho Thúc Sinh. Đó là những suy nghĩ thật lòng của Thúy Kiều về mối tình của mình với Thúc Sinh.
Thúy Kiều là người hay nói thẳng ra sự thật, như khi gặp lại Kim Trọng, Kiều đã nói về nỗi xấu hổ của mình:
3149. Riêng lòng đã thẹn lắm thay,
Cũng đà mặt dạn mày dày khó coi.
Và Kiều nói gay gắt với Kim Trọng:
3153. Lại như những thói người ta,
Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa.
Khéo là giở nhuốc bày trò,
Còn tình đâu nữa mà thù đấy thôi!
Hoặc:
3163. Còn nhiều ân ái chan chan,
Hay gì vầy cái hoa tàn mà chơi?
Theo cách viết của Nguyễn Du, cứ kết thúc một đoạn, chuyển sang đoạn khác là Nguyễn Du lại tả cảnh mở đầu cho đoạn tiếp theo đó.
Tiếp theo câu 1794 là câu 1795 chuyển từ tâm sự của Kiều sang nói về Thúc Sinh:
1795. Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
Tìm đâu cho thấy cố nhân?
Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương.
Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương,
1800. Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê.
Đây là ý kiến cá nhân, đưa ra để mọi người cùng tham khảo.
                                     Hà Nội ngày 15.5.2020
                                           Lê Thanh Long

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

MÃ MUA KIỀU


MÃ MUA KIỀU

                                                                LÊ THANH LONG


                           

Mã Giám Sinh là người có trình độ tuyển chọn gái đẹp có hạng. Hắn ngắm sắc đẹp Thúy Kiều, ngắm điệu đi, dáng đứng, thấy Kiều: “Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai”. Rồi hắn “Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ”. “Mặn nồng một vẻ một ưa”, “bằng lòng” rồi, hắn mới tùy cơ mà trả giá, cuối cùng hắn mua được Kiều với giá hơn bốn trăm lạng.
Trong các sách xuất bản, các nhà nghiên cứu văn bản Truyện Kiều đã đưa ra hai cặp lục bát rất khác nhau:
Cặp lục bát 1:
647. “Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”
Cặp lục bát 2:
“Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”
Hai câu thơ đã gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu về Truyện Kiều là:
648. “Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”
648. “giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”
+ Bản Kiều của Bùi Kỷ (1958), Nguyễn Thạch Giang (1973), Đào Duy Anh trong bản Truyện Kiều có sự tham gia hiệu đính của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh (1979) chép là “vàng”.
+ Bản Kiều của Hội Kiều học Việt Nam giải thích: “Vâng ngoài bốn trăm”: Chịu mua với giá ngoài bốn trăm lạng bạc.
+ Bản Kiều của Mai Quốc Liên chọn “vâng” với lý do các bản Nôm cổ đều viết “vâng”, không viết “vàng”. Nhưng giải thích thêm: Một số bản quốc ngữ sau này chọn “vàng” âm vận hay hơn, nghĩa đúng hơn.
+ Các bản Kiều Nôm Liễu Văn đường (1866), Liễu Văn đường (1871), Duy Minh Thị (1872), Trương Vĩnh Ký (1875), Liễu Văn đường (1932) đều chép là: “Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”.
Từ năm 2005, sách Ngữ văn lớp 9 đã chỉnh lại câu 648 thành “Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”, gây nên những thắc mắc, khiến nhiều ý kiến phản đối, có ý kiến tranh cãi phản ứng gay gắt.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ đưa ra lập luận là dựa vào các bản Nôm cổ mà chọn chữ “vâng”. Trong các sách không giải thích rõ ràng chữ “vâng”, nên gây ra tranh cãi.
Sau đây chúng tôi sẽ phân tích một cách rõ ràng hai chữ “vàng”“vâng” trong những câu thơ trên.
Chúng tôi không có ý xem xét câu nào đúng, câu nào sai, đâu đúng, đâu sai, ai đúng, ai sai, mà chỉ có ý phân tích ý nghĩa của hai chữ “vàng” “vâng”.
Về câu:
“Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”
Cô Kiều trong Truyện Kiều là “thiên kim tiểu thư”, tiểu thư ngàn vàng: “Mối rằng: Đáng giá nghìn vàng”. Một cô gái tài sắc vẹn toàn ”Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm”, “Một hai nghiêng nước nghiêng thành”. Kiều là một tuyệt sắc giai nhân, nên Mã đã phải mua Kiều với giá hơn bốn trăm lạng vàng. Nguyễn Du đã viết rõ ràng “Mái ngoài họ Mã vừa sang/ Tờ hoa đã ký cân vàng mới trao”, Kiều và cả nhà phải ký giấy hôn thú trước, Mã mới trao vàng. Như vậy Nguyễn Du đã nói rõ ràng Mã mua kiều với giá hơn bốn trăm lạng vàng. Không có câu nào Nguyễn Du nói đến bạc. Trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Mã mua Kiều với giá 450 lạng bạc. Cô Kiều trong Kim Vân Kiều truyện là một cô gái bình thường, một Mã Kiều nhi, một cô hầu tầm thường trong kỹ viện, không thể sánh với Thúy Kiều trong Truyện Kiều được. Giá của Kiều phải được đổi bằng vàng là Nguyễn Du đã có ý nâng tầm giá trị của Kiều lên đúng với giá trị một cô gái tài sắc vẹn toàn, một thiên kim tiểu thư. Điều đó làm cho những sự kiện sau này của câu chuyện có lý hơn, thuyết phục hơn.
Câu thơ:
“Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”
Mã và mụ mối (thay mặt Kiều) “cò kè bớt một thêm hai”, “giờ lâu” mới thỏa thuận xong về giá cả “ngã giá” “vâng ngoài bốn trăm”. Vậy ai đã nói “vâng” đây? Mã Giám Sinh là người có quyền, có thế, có tiền, tính cách lại trịch thượng “ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, hắn không thể nói “vâng” với Kiều và mụ mối, của kẻ mua xưng hô với bên bán là “vâng” chấp nhận mức giá “ngoài bốn trăm” lạng. Mà người nói “vâng” ở đây phải là mụ mối trung gian, thay mặt cho Kiều, khi đã được Thúy Kiều đồng ý chấp nhận cái giá đó. Với tư cách và phong thái của Thúy Kiều, Kiều cũng không nói “vâng ngoài bốn trăm” trực tiếp với Mã, mà gián tiếp thông qua mụ mối chấp nhận cái giá của người mua trả là Mã.
Câu thơ “vâng” là Kiều tự nói ra, tự chấp nhận cái giá bán mình, Kiều tự bán mình, câu thơ sâu sắc hơn, có sức thuyết phục, cảm hóa người đọc mạnh hơn. Câu thơ cho thấy nỗi đau vô hạn của Thúy Kiều. Câu thơ “vàng” chỉ là câu thơ Nguyễn Du miêu tả lại sự việc mua bán ngã giá giữa Mã và Kiều, nó đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu. Câu thơ “vâng” cao cường hơn câu thơ “vàng”.
Với cách chọn từ ngữ thâm thúy, sâu sắc Nguyễn Du sẽ dùng chữ “vâng”, mà không dùng chữ “vàng”.
                                                  Hà Nội ngày 5.5.2020
                                                  LÊ THANH LONG