Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

"Có nỗi buồn bay qua lỗ kim"



“Có nỗi buồn bay qua lỗ kim”

      Đây là câu thơ mở đầu trong bài thơ “Buồn…” của Bằng Việt, gồm 8 câu. Một câu thơ rất sâu sắc.
      Nghĩa đen của câu thơ này ai cũng hiểu được, đó là “nỗi buồn bay qua” một cái “lỗ kim” nhỏ bé. Nhưng tại sao lại là “bay” mà không phải là “chui” hay “luồn” “qua lỗ kim”? Có bao giờ “nỗi buồn” xuất phát từ trong lòng ta mà ra không? Chắc chắn là không. Ta không buồn vô cớ. Nỗi buồn bao giờ cũng từ bên ngoài, từ nơi khác đưa đến. Có rất nhiều nguyên nhân làm ta “buồn”: Do chia tay người yêu, do thất bại trong công việc, do mất mát người thân, có khi chỉ là những cãi cọ nhỏ, không hài lòng về một câu nói, một việc gì, có khi chỉ là do xa nhà… vân vân và vân vân.
      “Nỗi buồn” không đi đến, không chạy đến một cách từ từ, nó đến một cách đột ngột, tức thời, không kể khoảng cách xa gần… tức là nó từ đâu đó ở ngoài “bay” đến làm ta “buồn”, như từ một cuộc điện thoại cách xa hàng ngàn, thậm chí hàng vạn cây số, từ một mẩu tin nhắn, từ một bài báo, từ một hình ảnh trên TV… Tác giả dùng từ “bay” thật là tài tình, nó là “thi nhãn” (mắt thơ) – tức là chữ quan trọng hay và “đắt” nhất trong câu thơ.     
      “Nỗi buồn” nó “bay qua” cái “lỗ kim” nhỏ bé. Tức là nó đến mọi ngõ ngách của cuộc đời: từ ông già bà cả, từ các em học sinh nhỏ tuổi, từ chị lao công đến ông giám đốc, từ người bần cùng nhất trong xã hội đến người có quyền lực cao nhất trên cõi đời này… Nó luồn sâu vào trong trí óc ta, trong trái tim ta, đến từng tế bào, từng dây thần kinh nhỏ bé… Có “nỗi buồn” làm tê liệt mọi suy nghĩ, mọi cử động, bóp nghẹt trái tim ta, rồi bùng lên từ sâu thẳm cõi lòng, trào ra những giọt nước mắt đau thương. Có “nỗi buồn” chảy ngược vào trong, đau đớn tột cùng, như “nỗi buồn” của những người mẹ thương nhớ những đứa con máu thịt thân yêu của mình, đã nằm lại nơi chiến trường, mà không bao giờ trở về được nữa. Thậm chí có “nỗi buồn” gây ra những hành động bi quẫn, không kiểm soát được bản thân, đó là “Có nỗi buồn lướt trên miệng vực” (câu thơ thứ hai trong bài “Buồn…” )
      Một “nỗi buồn” từng trải, qua biết bao thăng trầm trong suốt cuộc đời nhà thơ, đúc kết lại chỉ trong một câu thơ. 


Thiên thần



THIÊN THẦN


Bé ôm vú mẹ ngủ khì
Chẳng cần biết, cái chi chi trên đời
Bé nằm rốn ngửa lên trời
Đạp không gian, toét miệng cười thế gian.

Bé bò vào dưới gầm bàn
Ngó chân thế sự, ngủ tràn cung mây
Bé dẫm lên trái đất này
                           Lon ton
                                       vịn
                                            ánh sáng ngày
                                                                  đứng lên!


"Chìa khóa" để "mở" bài thơ "Đây thôn vĩ dạ" của Hàn Mặc Tử



ĐÂY THÔN VĨ DẠ

Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Lời bình của LÊ THANH LONG

      Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Hàn Mặc Tử cùng với Mùa xuân chín…
      Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ có một số câu khó hiểu, nhiều nhà phê bình đã đưa ra những ý kiến khác nhau, đặc biệt câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” đã tốn nhiều giấy mực và tâm huyết của những nhà phê bình muốn làm sáng tỏ. Có những câu bị bỏ qua như “Áo em trắng quá nhìn không ra”…
      Đã có nhiều người bình bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” như bài của Mã Giang Lân (1,2), của Trần Văn Lý (3), của Trần Ngọc Hưởng (4)…Nhưng tôi vẫn chưa thỏa mãn về những bài bình đó, mặc dù bài bình của Mã Giang Lân công phu và đã sưu tầm được những tư liệu quý. Sau đây tôi xin đưa ra một số ý kiến cá nhân về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, những vấn đề chưa thấy đề cập tới và đưa ra cái “chìa khóa” mà mình dựa vào để “mở” bài thơ này.
      Thi sĩ họ Hàn làm bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ sau khi nhận được tấm bưu ảnh chụp phong cảnh bến Vĩ Dạ. Trong thư trả lời nhà thơ Quách Tấn ngày 15.4.1971 bà Hoàng Thị Kim Cúc nói rõ: Theo sự gợi ý của người em thúc bá, bạn của Hàn Mặc Tử, “để an ủi một tâm hồn vô cùng đau khổ” bà gửi cho nhà thơ một tấm bưu ảnh chụp phong cảnh có mây, nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước, kèm theo mấy lời thăm hỏi nhà thơ lúc này đang mắc bệnh hiểm nghèo, thăm hỏi nhưng không ký tên. Sau khi nhận được tấm bưu ảnh và mấy lời thăm hỏi của Hoàng Cúc, Hàn Mặc Tử viết mấy hàng chữ gửi Hoàng Cúc: “Túc hạ , có nhận được bức ảnh: Bến Vĩ Dạ lúc hừng đông ( hay là một đêm trăng?) và mấy hàng chữ của túc hạ gửi thăm. Muôn vàn cảm tạ. Túc hạ còn nhớ tới mười năm xưa, thế là phúc hậu lắm rồi. Mong ơn trên xuống lộc cho túc hạ thật đầy đẫy. Và mong rằng một mùa xuân nào đấy được gặp lại túc hạ mới phỉ tình cho. Thăm túc hạ bình an vui vẻ” (1,2).
      Để hiểu rõ hơn về bài thơ, ta cần biết một vài tư liệu liên quan. Hồi làm nhân viên Sở Đạc điền Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử thầm yêu trộm nhớ một cô gái Huế tên là Hoàng Thị Kim Cúc, con ông chủ Sở Đạc điền (một tình yêu đơn phương). Một thời gian sau Hàn Mặc Tử vào Sài Gòn làm báo, khi trở lại Quy Nhơn thì Hoàng Cúc đã theo gia đình về ở Vĩ Dạ. Thôn Vĩ Dạ nằm ngay bên bờ sông Hương thơ mộng.
      Bức ảnh thi sĩ họ Hàn nhận được từ Hoàng Cúc là ảnh chụp cảnh thôn Vĩ Dạ và con sông Hương. Bức bưu ảnh và mấy lời thăm hỏi của Hoàng Cúc là nguồn cảm hứng và khơi dậy “tình yêu đơn phương” mười năm về trước để thi sĩ nẩy sinh những câu thơ tài hoa làm nên tuyệt tác “Đây thôn Vĩ Dạ” (11.1939).
      Tôi xin nói ngay chiếc “chìa khóa” tôi dựa vào để “mở” bài thơ này là tấm Bưu ảnh của Hoàng Thị Kim Cúc gửi thi sĩ Hàn Mặc Tử, thư của bà Cúc gửi nhà thơ Quách Tấn (15.4.1971) với mô tả của bà về tấm bưu ảnh và mấy hàng chữ thi sĩ họ Hàn gửi Hoàng Thị Kim Cúc sau khi nhận được bức bưu ảnh (1,2). Ta thử đứng ở góc độ Hàn Mặc Tử khi xem bức bưu ảnh bến Vĩ Dạ mới nhận được và dựa trên bức bưu ảnh đó để sáng tác bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, như thế sẽ hiểu được ý nghĩa sâu xa của từng câu thơ, vấn đề sẽ trở nên rõ ràng và dễ dàng hơn.
      Thi sĩ họ Hàn không chắc tấm bưu ảnh chụp “Bến Vĩ Dạ lúc hừng đông” hay “một đêm trăng?”. Nên khổ thơ đầu tiên ông tả cảnh thôn Vĩ Dạ lúc “hừng đông”:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
      Khi nhận bức bưu ảnh của người “yêu trong mộng” gửi đến , thi sĩ họ Hàn chắc là mừng lắm, trong thâm tâm mong mỏi có một lời mời. Tấm bưu ảnh này có phải là một lời mời “ngầm” không?: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Nhưng thực ra đó chỉ là câu tự vấn lòng mình (thi sĩ biết rằng chẳng có một lời mời nào cả): “Sao anh không về chơi thôn Vĩ” đi?  Để: “ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên / Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc”.
 “Nắng mới lên” không phải là nắng buổi sáng hàng ngày, mà sau suốt một mùa đông lạnh giá, sang xuân những tia nắng đầu mùa hiếm hoi sưởi ấm mùa xuân, cái “nắng mới lên” đầu mùa làm cây cối nẩy mầm xanh lá, cây cối như bừng tỉnh “Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc”. Cái ý “ngầm” ở đây là sau một thời gian dài mười năm thi sĩ không nhận được  bất kỳ một tin tức nào của “người yêu trong mộng tưởng”, trái tim nhà thơ dường như đã “băng giá”  như mùa đông dài lạnh lẽo và bây giờ nhận được tấm bưu ảnh “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”. Cái “nắng mới lên” ấm áp ấy bừng dậy trong lòng, sưởi ấm trái tim muôn vàn đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần của thi sĩ, một hy vọng mới mẻ, mơ hồ, thức dậy trong tâm hồn dường như đã bị “đóng băng”.
      Tiếp câu thơ sau: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” thì lạ quá. Đang tả những hàng cau thẳng tắp, nắng mới chiếu lên lấp lánh trên những tàu lá, “vườn ai” đó xanh “mướt” “như ngọc”, cái “lá trúc” ở đâu mà lại “che ngang mặt chữ điền”. Vì câu thơ này mà nhiều nhà phê bình đã tốn bao giấy mực, tâm huyết để phân tích, tìm hiểu nó. Có người cho rằng “mặt chữ điền” là gương mặt tác giả đang “thập thò” nhìn ngắm “Vườn ai” bị “lá trúc che ngang” (“Vườn ai” là từ mở đầu của câu thơ: “Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc”). Có người cho rằng “mặt chữ điền” là chữ “điền’ vẫn được khắc lên ở cổng nhà và bị “lá trúc che ngang”. Có người cho rằng Hàn Mặc Tử chiết tự chữ “điền”. Có người bình luận: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” là có con người xuất hiện, thiên nhiên bỗng trở nên sinh động hẳn lên. Cảnh đẹp, người đẹp.
      Theo tôi, câu thơ này đơn giản thôi, nó không phức tạp như chúng ta từng suy đoán, nếu chúng ta chú ý đọc kỹ nội dung tấm bưu ảnh Hoàng Cúc mô tả và mấy dòng trả lời Hoàng Cúc của Hàn Mặc Tử.  Đồng thời chú ý đến từ “Nhìn” trong câu “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”.Tại sao lại “nhìn”? Ai nhìn? Tất nhiên là thi sĩ họ Hàn rồi. Vì ông tự vấn mình: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?/ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. Không biết thi sĩ họ Hàn đã bao giờ đến thôn Vĩ Dạ chưa? Hay ông chỉ “nhìn” vào tấm bưu ảnh mà tưởng tượng ra tất cả? Cứ cho là như thế đi. “Nhìn” vào bức bưu ảnh không thấy “người yêu trong mộng” mà ông mong mỏi ao ước muốn thấy, nhưng chỉ thấy “một khóm tre” trước mặt “che ngang”, nên ông đã dùng hình ảnh rất “thơ” để diễn tả điều đó: “Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc / Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Điều này cho thấy một nỗi nhớ nhung da diết muốn thấy hình ảnh “nàng” đến mức như thế nào? Ta muốn “nhìn” thấy hình bóng “em”, nhưng trước mặt ta đã bị “lá trúc che ngang” mất “hình bóng em”, mọi thứ đã bị một tấm màn vô hình chắn ngang mất rồi! Trong trường hợp “cụ thể” của Hàn Mặc Tử lúc đó chỉ có thể nói “xa xôi” như vậy thôi.
      Khổ thơ thứ hai là những câu thơ triết lí về cuộc đời:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay;
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
     Lẽ thường “mây” phải theo “gió”, gió thổi mây bay, nhưng đó là trường hợp mây gió gần nhau, cặp kè bên nhau. Còn ở đây “gió” một phương “mây’ một nẻo, xa nhau vời vợi, nên “gió theo lối gió, mây đường mây”. Mỗi người một phương trời, mỗi người do hoàn cảnh, nên phải đi theo những hướng khác nhau mà cuộc đời tạo nên. “Em” “theo lối” “em”, “anh” theo “đường” “anh”. Cảnh đời thật trớ trêu. Buồn thật! “Dòng nước” trong tấm bưu ảnh “em” gửi cũng “buồn thiu”, chỉ thấy “hoa bắp lay” phơ phất.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
      Đọc hai câu thơ này, một lần nữa cho thấy thi sĩ Hàn Mặc Tử đã nhìn vào tấm bưu ảnh để sáng tác bài thơ. Bây giờ trong tâm tưởng thi sĩ họ Hàn cảnh vật trong tấm bưu ảnh ở bến Vĩ Dạ là một đêm trăng, chứ không phải lúc hừng đông. Như trong mấy hàng chữ ông gửi Hoàng Cúc: “Túc hạ, có nhận được bức ảnh: “Bến Vĩ Dạ lúc hừng đông (hay là một đêm trăng)”… “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó” thì rõ rồi. Đó là chiếc đò ngang với cô chèo đò, có mây nước trong tấm bưu ảnh. Còn câu “Có chở trăng về kịp tối nay?” là “chở trăng về” đâu? Và “chở” ai? “Trăng” là ai? “Trăng” là đặc trưng của thơ họ Hàn không lẫn vào đâu được, ông viết về trăng rất hay, trăng trong thơ ông biến ảo vô cùng. Ông là “thi sĩ trăng”, thơ ông có rất nhiều bài viết về trăng như: Uống trăng, Đà Lạt trăng mờ, Sáng trăng, Trăng vàng trăng ngọc, Ngủ với trăng, Say trăng, Rượu trăng, Trăng tự tử, Chơi trên trăng, Một miệng trăng, Một nửa trăng, Vầng trăng, Ưng trăng…
Trăng, Trăng, Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
                                                       (Trăng vàng trăng ngọc)
Ta đuổi theo trăng
Trăng bay lả tả ngã lên cành vàng
Tới đây là tôi được gặp nàng
                                               (Rượu trăng)
Đêm qua trăng vướng trong cành trúc
Cô láng giềng bên chết thật rồi
                                                 (Cô gái đồng trinh)
Tôi ưng quá! Tôi ưng nàng,
Nàng xa xa lắm, ơi nàng Trăng ơi!
                                             (Ưng trăng)
“Trăng” là “nàng”, là “em”, là “người yêu trong mộng” của thi sĩ. Bây giờ ta biết “trăng” là ai rồi.“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó / Có chở trăng về kịp tối nay?”. “Chở trăng về kịp tối nay”cho ai? Còn ai vào đây nữa, “chở trăng về”, chở “em” về cho “người thơ”, cho thi sĩ họ Hàn chứ còn ai nữa.
      Đến khổ thơ thứ ba, khổ thơ cuối cùng:
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Mộng và đời, mơ và thực cứ hòa quyện với nhau trong khổ thơ này. Một giấc “mơ” xa vời, vô vọng, đau đớn, “mơ” về người “yêu trong mộng” ở thôn Vĩ Dạ xa xôi, “mơ” một cuộc gặp mặt với “khách đường xa”. Thi sĩ “mơ” về cái thời “nàng” còn là học sinh “áo trắng”, lúc mới gặp “em” cách đây mười năm. “Áo em trắng quá” là nói về thời học sinh trong trắng, tinh khiết, lóng lánh như pha lê của “nàng”, mà thi sĩ trong lòng vẫn “tôn thờ” bấy lâu nay. Nhưng “Áo em trắng quá nhìn không ra” là sao? Tại sao “Áo em trắng quá” lại “nhìn không ra? Thi sĩ “nhìn không ra” cái gì? Thực ra lúc này thi sĩ đang nhìn bức bưu ảnh, trên bức bưu ảnh Hoàng Cúc gửi tặng, thi sĩ họ Hàn chỉ nhìn thấy cô lái đò, mà hình ảnh thi sĩ muốn thấy là “nàng” thì lại không “nhìn” thấy, “nhìn không ra”. Tại sao không có hình ảnh “em” trong bức bưu ảnh này, anh “nhìn” không thấy “em’. “Ở đây” (ở trong bức bưu ảnh) “sương khói mờ nhân ảnh”, “sương khói” của cuộc đời, của trầm luân kiếp người, của những thăng trầm, chìm nổi, cảnh đời đau khổ, hình ảnh con người mờ mịt trong “sương khói”, trong nỗi ly tán, trong đau khổ, dằn vặt,  hình ảnh của “em” cũng mờ mịt, xa vời…
      “Ai biết tình ai có đậm đà?”, chỉ là một “mối tình đơn phương” của chàng “thi sĩ đa tình”, chẳng có ước hẹn, không hẹn hò, đã mười năm trôi qua, thế mà vẫn tự vấn lòng mình, hỏi mình, hỏi người: “Ai biết tình ai có đậm đà?”. “Tình yêu đơn phương” càng tha thiết, càng nặng lòng, thì càng đau khổ thất vọng đến khốn khổ.
      Để hiểu đến tận cùng của bài thơ là điều không dễ dàng gì. Bài thơ khép lại, để lại trong lòng người đọc một nỗi buồn man mác, xen lẫn xót xa, cảm phục và cũng thật buồn cho số phận con người.

1.Thơ Quê hương và những lời bình, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009, trang 189.
2.Mã Giang Lân, Thơ hiện đại Việt Nam những lời bình, NXB Giáo dục, 2005, trang 85.
      3.Trần Văn Lý, Cảm nhận thi ca, NXB Thanh niên, 2006, trang 9.
4.Trần Ngọc Hưởng, Đến với thơ hay, NXB Đồng Nai, 2004, trang 94.


"Chìa khóa" để "mở" bài thơ Đây thôn vĩ dạ của Hàn Mặc Tử

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Tính triết lí của bài thơ "Con cóc"

                                                                             
     Người đời thường lấy bài thơ “Con Cóc” để phê phán những bài thơ dở và những người làm thơ dở. Vì bài thơ quá đơn giản, mô tả hành động của con cóc mà ai cũng biết. Ai cũng cho rằng bài thơ “Con Cóc” là bài thơ dở. Dở đến nỗi lấy nó làm bài thơ mẫu để nói về một bài thơ dở. Bài thơ “Con Cóc” còn gắn liền với một câu chuyện tiếu lâm nổi tiếng của ba anh học trò dốt ( 1 ). Nhưng có một điều rất lạ là hầu như người Việt Nam ai cũng thuộc bài thơ này. Bài thơ chỉ đọc qua một lần là thuộc. Và một điều ngạc nhiên nữa là bài thơ “Con Cóc” đã có từ rất lâu rồi, có lẽ còn lâu hơn cả “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du. Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên sưu tập, in trong quyển “Chuyện đời xưa”, xuất bản lần đầu tiên năm 1866.
      Nhất Linh và Xuân Diệu đã coi tính chất “Vượt thời gian” là cơ sở chắc chắn nhất để xác định một tác phẩm lớn. Bài thơ “Con Cóc” về tính chất “Vượt thời gian” có lẽ đã hơn cả “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du. Vậy tại sao bài thơ “Con Cóc” lại có thể “Vượt thời gian” và “Vượt cả không gian” như vậy? Thật ra bài thơ “Con Cóc” tuy đơn giản, nhưng mang tính triết lí rất cao siêu, chứ không phải như ta vẫn nghĩ. Ta thử phân tích xem tính triết lí của nó ở chỗ nào?
      Bài thơ “Con Cóc” vẻn vẹn có sáu câu thơ bốn chữ, trong đó có tới hai câu được nhắc lại, như vậy bài thơ chỉ còn có bốn câu khác nhau
Con cóc trong hang
                                                  Con cóc nhảy ra
Con cóc đang ở trong hang, tại sao nó phải nhảy ra? Thứ nhất cái hang chật hẹp, tù túng quá, ở lâu ngày nó không chịu nổi, nó phải nhảy ra tìm nơi rộng rãi, tự do, phóng khoáng hơn. Thứ hai, do điều kiện nào đó nó phải náu mình, chờ thời cơ, chờ cơ hội thuận lợi để hành động và bây giờ thời cơ đã đến, nên nó nhảy ra.
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đấy
Con cóc nhảy ra, rồi ngồi đấy. Nó ngồi đấy làm gì? Nó ngồi đấy nhìn trời, nhìn đất, nhìn nơi nó mới đến. Nó quan sát, đánh giá tình hình nơi nó mới đến. Nơi mới đến này có phù hợp với điều kiện sống của nó không? Có cơ hội phát triển nòi giống không? Có đủ điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển tài năng không? Nó ngồi đấy ngẫm nghĩ, tìm hiểu. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả cố ý nhắc lại hai lần câu “Con cóc ngồi đấy”, để diễn đạt một quá trình đắn đo suy nghĩ sâu sắc, cẩn trọng, trước khi quyết định bước tiếp theo                       
                                                     Con cóc ngồi đấy
         Con cóc nhảy đi
      Và sau khi ngẫm nghĩ, cân nhắc, nó thấy ở đây không đủ những điều kiện cho nó tồn tại và phát triển như ý muốn, nên nó lại nhảy đi tìm một phương trời mới tự do hơn, một phương trời mới có điều kiện phát triển tốt hơn. Đó chính là triết lí cao siêu của ông cha ta, của những con người không cam tâm ở nơi tù túng, chật hẹp, mà cố gắng thoát ra, đi tìm một miền đất hứa, một miền đất tự do hơn, mầu mỡ hơn để phát triển sự nghiệp, gia đình và đất nước. Con người chỉ lấy hình tượng con cóc để biểu đạt quan điểm của mình mà thôi. Cái độc đáo của bài thơ Con Cóc là không ai nghĩ sẽ làm một bài thơ như vậy! Nhưng chính cái đơn giản đó đã làm cho nó trường tồn.
      Biết đâu đấy, sau khi làm bài thơ “Con cóc”, các cụ xưa, lại chẳng nghĩ ra câu chuyện “Ba anh học trò dốt”, để thử phản ứng của người đời chăng!

( 1 ). Câu chuyện như sau:
      Có ba anh học trò dốt, một hôm nhìn thấy một con cóc, nổi hứng rủ nhau làm thơ vịnh. Anh thứ nhất đọc: Con cóc trong hang / Con cóc nhảy ra. Anh thứ hai gật gù: Con cóc nhảy ra / Con cóc ngồi đấy. Anh thứ ba tiếp lời: Con cóc ngồi đấy / Con cóc nhảy đi. Làm xong bài thơ ba anh trầm trồ khen mình giỏi, rồi sực nhớ lời người xưa nói kẻ tài hoa thường mệnh yểu, ba anh rất lo, sai tiểu đồng ra phố mua sẵn ba cái quan tài. Ngoài phố, nghe lời tiểu đồng kể lại, một khách qua đường dặn: - Mày mua luôn cho tao một cái nữa, kẻo lỡ cười quá tao chết mất.




Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Lời bình của Lê Thanh Long về bài thơ Hãy lên xứ Lạng

             Hãy lên xứ Lạng

      Một thời non nước bão giông
Anh đi- nửa cái giường không gió lùa
      Em như gái bị bỏ bùa
Cứ ngơ ngẩn trước cửa chùa cầu mong
    Một đêm…đã gái có chồng
Vạn đêm sống với cõi lòng xót xa
    Trái ngang - Ôi ! Phận đàn bà
Chính chuyên son sắt mới là thủy chung
     Hãy lên xứ Lạng mà trông
Nàng Tô Thị đợi được chồng nữa đâu
     Cô đơn đá núi còn đau
Mà người vẫn hát những câu dối lòng
“ Vọng Phu “ hai tiếng hãi hùng
Trong em cả một mùa Đông chưa tàn.

NGUYỄN THỊ BẰNG

Tình quê

Ảnh internet

Đêm thanh em gánh trăng vàng
Gánh về nước mát trăng tan vào lòng
Tiếng lòng ngân sợi nhớ mong
Duyên quê đằm thắm tơ hồng trời se

Hai thôn một lối đi về
Lòng vui chân bước tóc thề bên anh
Tơ mềm nối sợi tình xanh
Tình quờ dưới ánh trăng thanh hẹn hò

Đón em trên một con đò
Đưa em về với câu hò ngát xanh

Vài nét về Nhà thơ Lê Thanh Long

Bút danh: Lê Thanh Long, Lê Long Ẩn, Tạ Lê Thanh, Thanh Tùng, Ngọc Lễ
Sinh Năm: 1941
Quê quán : Xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình
Chỗ ở hiện nay: Phòng 1132, nhà HH03C, Khu đô thi Thanh Hà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Điện thoại: 0822098772
E-mail: lethanhlong321@gmail.com
Website: www.lethanhlong.nghesi.vn
Nguyên cán bộ nghiên cứu khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Nguyên giám đốc Xí nghiệp Khoa học Vật liệu bảo vệ
Huân chương kháng chiến hạng hai
Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Khoa học kĩ thuật của Bộ Khoa học và Môi trường
Ủy viên thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Kiều Học Việt Nam
Tác phẩm in riêng:
1.Nhân gian, thơ, NXB Hội Nhà văn, 2011
2.Bạn thơ và tôi  (Thi cảm), NXB Lao Động 2012
3.Đén với thi ca (Tiểu luận), NXB Văn hóa Dân tộc, 2013
4.Bụi thời gian, Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2013
5.Dòng đời vẫn chảy, Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2014
6.Truyện Kiều - Những bình giải, NXB Hội Nhà văn, 2014
7.Thơ ca và sự chuyển động (Tiểu luận - Phê bình), NXB Hội Nhà văn, 2015
8.Truyện Kiều chuyển sang văn xuôi, NXB Hồng Dức, 2019.
9.Gió sương ấm lạnh Truyện Kiều, (Phân tích và bình luận), NXB Hồng Đức, 2019.
10.Sắp xuât bản: Theo dấu Nguyễn Du.


Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Nỗi Lòng Người Mẹ

Ảnh: internet


    Xưa kia thuốc phiện bàn đèn
Ngày nay ma túy đổ đen cuộc đời
    Buồn thay số phận con người
Bước vào vòng xoáy, vào rồi khó ra.

    Trời cao, đất rộng, trăng xa
Buốt đau lòng mẹ, xót xa trái sầu.

    Tai ương đổ ập xuống đầu
Tóc đen phút chốc pha mầu sương bay
    Nước không rửa được oan này
Gió không mang được đắng cay cho lòng.

    Nỗi đau cao chín tầng không
Một mình mẹ nuốt vào trong cõi lòng.

Hồ Hoàn Kiếm

Ảnh: internet



     Long lanh đáy nước kiếm hoàn hồ
 Tháp Rùa in bóng giữa Kinh Đô
        Ngọc Sơn trầm tư nhìn bóng nguyệt
 Mười năm Lê Lợi dựng cơ đồ.

Tháo Bút trời xanh viết hòa ca
  Ngàn năm lịch sử cháy sáng lòa
    Lộc vừng cổ thụ vươn mình ngọc
  Tóc xõa đung đưa đỏ cánh hoa.

Xanh ngắt lăn tăn sóng vỗ bờ
Cụ Rùa trăm tuổi cứ ngẩn ngơ
    Nước biếc non xanh giờ thay đổi
   Ngàn năm nhẹ lướt tựa giấc mơ.

Hồ Tây Khoe Sắc

Ảnh: internet


      Thu về, vàng lá vàng hoa
Trắng gương hồ biếc nước hòa ngọc xanh.

      Xuân sang, mướt lá xanh cành
Hoa đào đỏ cánh tình xanh nắng hồng.

      Đông tàn, rắc hạt tơ lòng
Nhớ miền mây trắng Sông Hồng ven đê.

      Trời xanh phượng đỏ gọi hè
Nắng vàng chiều biếc thuyền về lối quen.

Em buông một dải tóc mềm
Chiều buông nhành liễu dịu êm Tây Hồ.

Sen

Ảnh: internet


     Mặt trời thả lửa xuống ao
Để bông sen nẩy sắc đào thắm tươi.

     Lá sen xanh hứng hương trời
Gạo sen ướp cánh trà cười đón xuân.

     Phật Bà thỉnh tiếng chuông ngân
Tòa sen thức tỉnh lòng trần tịnh yên.

Chải Tóc Mây

Ảnh: internet


     Chiều nhàn tóc rũ xuống cười
Em ngồi vê gió, em cơi nắng vàng
     Em đem mấy sợi trái ngang
Giấu vào vạt áo em chan xuống đồng

     Tóc em ngả xuống bờ ong
Lời ru mượt tựa như trong câu Kiều
     Em ngồi chải tóc trong chiều
Vi vu gió đẩy cánh diều  chao mây.

     Em ơi! Trên thế gian này
Mắt người thì mở, bàn tay nắm vào
     Tóc mây óng mượt ngạt ngào
Mà em lại phải cuộn vào lòng tay.

     Gió vờn tóc ngả xuống bay
Em ngồi vuốt sợi tóc mây, mắt cười.