Thứ Ba, 5 tháng 11, 2019

SÁCH MỚI RA "Gió sương ấm lạnh Truyện Kiều"


SÁCH MỚI RA
“Gió sương ấm lạnh Truyện Kiều”
Truyện Kiều ra đời cách nay 200 năm, thời gian như nước chảy mây trôi, đã có biết bao nhiêu sự biến đổi về lịch sử, văn hóa, con người… Truyện Kiều như một cây tùng xanh vẫn sừng sững bên trời.
Hai trăm năm - một tác phẩm với hàng ngàn công trình nghiên cứu khen chê lớn nhỏ, trải dài trong suốt hơn hai trăm năm từ khi ra đời cho đến nay. Không ai có thể nói hết được cái hay, cái huyền bí, kỳ lạ của Truyện Kiều. Sự tranh luận khen chê làm nên sự hấp dẫn của nó.

Cuốn sách “Gió sương ấm lạnh Truyện Kiều” nội dung chủ yếu nêu lên sự khác biệt giữa Kim Vân Kiều truyệnTruyện Kiều trên phương diện ngôn ngữ thơ và trả lời ông Đổng Văn Thành, Trung Quốc về những đánh giá không đúng của ông về một số câu thơ trong Truyện Kiều.


Trong những năm gần đây có cuộc tranh luận giữa giáo sư Đổng Văn Thành với các học giả Việt Nam. Cuộc tranh luận bắt đầu nổ ra khi giáo sư văn học Trung Quốc tại trường đại học Liêu Ninh cho công bố lần đầu tiên trên Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng, số 4 (tháng 6.1986) và số 5 (tháng 9.1987) bài viết “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam”. Bài viết này đã được nhà nghiên cứu PGS. Phạm Tú Châu dịch sang tiếng Việt. Bản dịch lúc đầu chỉ được lưu hành dưới dạng bản thảo đánh máy và sau đó mới được in trong cuốn “200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều”, NXB Giáo dục, Hà Nội 2005. Mặc dù không được công luận văn học rộng rãi biết đến, bài viết của học giả Trung Quốc này đã gây ra những chấn động lớn trong giới nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu về Truyện Kiều ra đời trong thời gian này ở Việt Nam là những “đối thoại ngầm” với tác giả Đổng Văn Thành.
Từ khi ông Đổng Văn Thành đưa ra vấn đề so sánh Kim Vân Kiều truyện với Truyện Kiều đến nay cũng đã 32 năm trôi qua (1986 - 2018) và bài viết này cũng phải qua 19 năm mới được công bố chính thức ở Việt Nam (1986 - 2005). Qua đó ta thấy vấn đề này khá tế nhị, có nhiều điều phải đắn đo, lo ngại, thận trọng…
Đến nay các công trình nghiên cứu mới đã làm sáng tỏ được nhiều vấn đề và góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng nghiên cứu giá trị đích thực của Truyện Kiều và Nguyễn Du. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều vấn đề cần được bàn thảo thêm.
Do đây là cuốn sách viết có tính chất phổ thông cho rộng rãi quần chúng yêu Truyện Kiều và Nguyễn Du đọc, nên tác giả chỉ trich dẫn những tài liệu chính.
Cuốn sách được chia làm 18 chương.
Trong đó chương I nói về tác giả và tác phẩm Thanh Tâm Tài Nhân và Nguyễn Du.
Chương II nói về bài viết của ông Đổng Văn Thành và chương IV là những trả lời của tác giả về những câu thơ trong Truyện Kiều mà ông Đổng Văn Thành hiểu không đúng.
Mười bốn chương còn lại nói về nghệ thuật Truyện Kiều. Đó là phần chính của cuốn sách, phần này là những nghiên cứu riêng của bản thân tác giả về Truyện Kiều và Nguyễn Du.
Sự khác biệt giữa Kim Vân Kiều truyệnTruyện Kiều, nếu nói một cách hình ảnh, thì Nguyễn Du chỉ lấy bộ khung của Kim Vân Kiều truyện, rồi đắp thêm da, thêm thịt, thay bộ não mới để thành một Truyện Kiều toàn mỹ. Cũng tương tự như thế, cô Kiều trong Kim Vân Kiều truyện được thay hình đổi dạng, bồi đắp thêm tri thức, tấm lòng nhân văn yêu mến con người và nội tâm đa dạng, để thành một cô Thúy Kiều mới đa diện của Truyện Kiều Nguyễn Du.
Nghệ thuật Truyện Kiều là nghệ thuật của thơ lục bát, những đặc trưng ngôn ngữ thơ của riêng Nguyễn Du. Thơ lục bát Nguyễn Du là thơ tả thực, thơ tượng trưng, ước lệ, ẩn dụ, câu chữ tinh diệu, cảnh có tình, phân tích tâm lý nhân vật và miêu tả nội tâm một cách tài tình…
Hai khác biệt quan trọng nhất là diễn tả nội tâm và ngôn ngữ thơ của Nguyễn Du so với Thanh Tâm Tài Nhân.
Đọc Truyện Kiều ta nhận ra, bất kỳ loại hình nào từ tả cảnh, tả tình, miêu tả tâm lý nhân vật, miêu tả hình dáng, tính cách nhân vật, độc thoại, kể chuyện, trần thuật… không nhiều thì ít, Nguyễn Du đều dùng phương pháp tượng trưng, ước lệ, ẩn dụ tu từ, vì vậy đọc hết 3254 câu thơ lục bát ta không hề thấy chán, từ đầu đến cuối luôn thấy mới và hấp dẫn.
Nguyễn Du là bậc thầy phân tích tâm lý. Thơ độc thoại miêu tả nội tâm, tâm trạng, nỗi lòng nhân vật thần diệu trong Truyện Kiều tràn ngập khắp nơi, lên tới 578 câu, chiếm trên 17,76%; một tỉ lệ rất cao và hết sức đặc biệt trong một truyện thơ.
Nguyễn Du đã sáng tạo ra một loại hình thơ lục bát mới. Ông là một thiên tài thơ - một đại thi hào dân tộc. Truyện Kiều đã tồn tại 200 năm và sẽ còn tồn tại mãi mãi là minh chứng cho giá trị đích thực của Truyện Kiều - một kiệt tác văn chương.
Thơ lục bát là loại hình thơ của riêng dân tộc Việt Nam được Nguyễn Du nâng lên tầm cao tuyệt đỉnh. Nguyễn Du xứng đáng được UNESCO vinh danh danh nhân văn hóa thế giới.
Ngoài ra, đời thực và nội tâm sâu kín của Nguyễn Du qua những vần thơ chữ Hán cũng được tác giả phân tích làm sáng rõ những nội dung ẩn chứa sau những con chữ.
Cuốn sách ra đời, mong có thêm một vài món ăn tinh thần khác khẩu vị. Độc giả sẽ được đọc những điều mới mẻ bổ ích, lý thú, chưa từng được đọc.
“Gió sương ấm lạnh Truyện Kiều”
Thời gian mới tỏ sáng điều ẩn sau.
Trăm năm mấy cuộc bể dâu
Những điều Người thấy còn đau đến giờ!

Liên hệ: Lê Thanh Long 0822098772

Sau đây chúng tôi đăng tóm tắt một đoạn trong cuốn sách:

CHỮ NGHĨA TRONG TRUYỆN KIỀU
                                                                      
Truyện Kiều ra đời cách nay 200 năm, thời gian như nước chảy mây trôi, đã có biết bao nhiêu sự biến đổi về lịch sử, văn hóa, con người… Truyện Kiều như một cây tùng xanh vẫn sừng sững bên trời.
Hai trăm năm - một tác phẩm với hàng ngàn công trình nghiên cứu khen chê lớn nhỏ, trải dài trong suốt hai thế kỉ từ khi ra đời cho đến nay. Không ai có thể nói hết được cái hay, cái huyền bí, kỳ lạ của Truyện Kiều. Sự tranh luận khen chê làm nên sự hấp dẫn của nó.
Trong phạm vi bài viết này tôi xin đưa ra ý kiến riêng của mình về một vài câu chữ đang còn có nhiều ý kiến khác nhau. Đó là các từ ngậm gương, dàu dàu, áy, các câu thơ “Khi khóe hạnh khi nét ngài”, “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”.
1. Ngậm gương là gì?
Các từ ngữ Nguyễn Du sáng tạo trong Truyện Kiều hết sức độc đáo, vẫn làm cho người đọc ngày nay ngỡ ngàng, thán phục, như câu thơ:
1091. Chim hôm thoi thót về rừng
Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành
Chữ “thoi thót” cho đến ngày nay chưa có ai dùng.
Hai câu thơ trên Nguyễn Du tả thời khắc Thúy Kiều đợi Sở Khanh đến đón đi trốn khỏi lầu Ngưng Bích.
 “Thoi thót” chỉ sự vội vã, lẻ tẻ, rời rạc từng con, từng đôi chim đang gấp gáp bay về tổ. “Thoi thót” chỉ buổi chiều hôm chập choạng, ánh sáng sắp tắt, đêm tối sắp ập đến, ánh ngày sắp tắt.
Thúy Kiều đợi Sở Khanh từ lúc hoàng hôn, khi “Chim hôm thoi thót về rừng”, đến lúc trăng mọc, lên cao dần và đến khi “Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành”.
Câu thơ này không phải là câu thơ dễ hiểu. “Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành” là thế nào? “Đóa trà mi” làm sao có thể “ngậm” được “gương nửa vành” - tức là vành trăng khuyết.
Thúy Kiều đợi Sở Khanh từ chiều hôm, cho đến tối, rồi trăng mọc từ chân trời, nhô dần lên. Trước mặt Thúy Kiều có một khóm trà mi, nhô lên cao là một bông hoa trà mi. Khi trăng từ từ nhô lên, đến một lúc nào đó, mắt Thúy Kiều, đóa trà mi và mặt trăng hạ huyền nằm trên một đường thẳng, lúc này Thúy Kiều nhìn thấy “đóa trà mi đã” nằm lọt trong “gương nửa vành”, tức là đóa trà mi đã che khuất một phần ánh sáng mặt trăng “nửa vành”. Nguyễn Du muốn diễn tả trăng nửa vành mới ló lên ở chân trời, Thúy Kiều nhìn thấy ngang với đóa trà mi.
Nguyễn Du dùng từ “ngậm gương” với ý nghĩa là “che khuất ánh sáng” của mặt trăng. Gương nga là hình ảnh ánh sáng mặt trời phản chiếu từ mặt trăng xuống trái đất, mặt trăng như một cái gương phản chiếu ánh sáng.
Sau đây là những câu thơ Nguyễn Du dùng từ “ngậm gương” với ý nghĩa là che khuất.
1119. Đêm thâu khắc lậu canh tàn
Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương
Câu thơ này nằm trong đoạn Sở Khanh đang đưa Thúy Kiều đi trốn. Thúy Kiều và đoàn người ngựa đang đi ở bìa rừng. “Lậu” là đồng hồ nước nhỏ giọt, bên trong chứa nước, có mũi tên khắc độ, xem đó biết thời khắc của ngày.
Ở đây “trăng ngàn” không phải là trăng ở rừng núi, từ ghép. “Trăng ngàn ngậm gương” là trăng đã bị rừng núi “ngậm gương”, tức là trăng đã bị rừng núi che khuất, hay trăng đã lặn xuống dưới núi.
425. Ngày vui ngắn chẳng đầy gang,
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài
Ác là mặt trời. Mặt trời đã lặn xuống dưới dãy núi phía tây, hay dãy núi phía tây đã che khuất ánh sáng mặt trời.
1370. Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương
Thỏ là mặt trăng. Mặt trăng đã lặn xuống dãy núi phía tây, hay là dãy núi phía tây đã che khuất ánh sáng mặt trăng.
2. Dàu dàu
Nguyễn Du mô tả mộ Đạm Tiên:
57. Sè sè nấm đất bên đàng,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
Dàu dàu được chú thích: Trạng thái cỏ bị héo úa tàn tạ.
Sè sè và dàu dàu là hai từ láy song đôi. Sè sè là nấm đất (nấm mồ) thấp lè tè, hơi nhô lên khỏi mặt đất. Dàu dàu là cỏ mới mọc, mới nhô lên còn thấp lè tè lá nửa đã xanh nửa còn vàng nõn chuối (còn non), chứ không phải cỏ bị héo úa, tàn tạ, đã héo úa tàn tạ thì làm gì còn “nửa vàng nửa xanh” nữa.
Ở phần trên Nguyễn Du tả quang cảnh lễ tảo mộ và hội đạp thanh:
41. Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Nguyễn Du tả rõ ràng cả một vùng là “cỏ non”.
Sau đó khi Kim Trọng trở lại chỗ gặp Thúy Kiều thì giờ đã:
261. Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu.
Một vùng chỉ có “cỏ non”, rồi “cỏ mọc xanh rì”, làm sao trên nấm mộ lại lẫn vào một đám cỏ bị héo úa, tàn tạ được.
3.Áy
97. Một vùng cỏ áy bóng tà,
Gió hiu hiu thổi một và ngọn lau
Các sách chú thích: Cỏ áy là cỏ úa vàng.
Theo ý chúng tôi, “Cỏ áy” là cỏ bị ánh chiều tà (bóng tà) chiếu vào ánh lên một màu vàng nhợt nhạt. “Một vùng cỏ áy bóng tà” là cả một vùng cỏ bị ánh chiều tà chiếu vào làm ánh lên một màu vàng nhợt nhạt. Và “gió hiu hiu thổi” làm lay động “một và ngọn lau”. Nguyễn Du vẽ nên một quang cảnh buồn hiu hắt, lúc chiều tà.
4. Khi khóe hạnh, khi nét ngài
Câu thơ này đã tốn khá nhiều giấy mực của các nhà khảo cứu và chú giải Truyện Kiều, nhưng đến nay cũng chưa thể thống nhất ý kiến được.
Câu thơ này nằm trong đoạn bí quyết Tú Bà dạy cho Thúy Kiều và các cô gái lầu xanh.
Các nhà bình luận thắc mắc tại sao bí quyết dạy làm tình của Tú Bà lại lọt vào một câu thơ hay như vậy?
Đoạn thơ đó như sau:
1205. Mụ rằng: “Ai cũng như ai,
Người ta ai mất tiền hoài đến đây.
Ở trong còn lắm điều hay,
Nỗi đêm khép mở nỗi ngày riêng chung.
Này con thuộc lấy làm lòng,
Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề.
Chơi cho liễu chán hoa chê,
Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời.
1213. Khi khóe hạnh, khi nét ngài,
Khi ngâm ngợi nguyệt khi cười cợt hoa”.
Câu thơ “Khi khóe hạnh khi nét ngài”, chia hai vế: khi… thế này, khi… thế kia.
Vậy “khi khóe hạnh” là gì?
Theo cách viết của Nguyễn Du, ta có thể hiểu từ “khóe hạnh”, nó là từ ghép của hai từ “mánh khóe” và “đức hạnh”. Vậy “khi khóe hạnh” là “khi mánh khóe đức hạnh”.
Vậy “khi mánh khóe đức hạnh” là gì? Đây không phải là hành động chinh phục khách làng chơi, mà là thủ đoạn chinh phục. “Khi mánh khóe đức hạnh” tức “khi khóe hạnh” là cách đóng kịch, dùng lời nói, dùng hành động của mình, dùng tài ứng biến, thuyết phục khách làng chơi rằng mình là con nhà lành, đức hạnh, thùy mị, lỡ cơ, bị ép buộc bán vào lầu xanh, làm mủi lòng, làm mê hoặc những kẻ giầu có, nhẹ dạ cả tin, giống như ngày nay các cô cave đóng giả là sinh viên, nghệ sĩ, hoa khôi, á hậu…
Còn cụm từ “khi nét ngài” lại là phương thức hành động, cách thức hành động. Đó là cách dùng đường nét cơ thể, cử động cơ thể, những bộ phận cơ thể nhậy cảm… để chinh phục khách làng chơi. “Nét ngài” là hình dáng, đường nét cơ thể, sẽ được trình bày trong câu thơ “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” ở mục 5 bên dưới.
Câu thơ:
“Khi ngâm ngợi nguyệt khi cười cợt hoa”
Là khi đàn hát, ngâm thơ dưới trăng, khi nở nụ cười làm duyên, nụ cười đẹp như hoa. Khi đàn hát, ngâm thơ là thể hiện người có học thức, có kiến thức, có tài năng, thể hiện phẩm chất xuất thân từ con nhà quyền quý, con nhà lành, khi các cô gái tiếp đón khách làng chơi con nhà giầu có quyền quý, có học vấn. “Khi cười cợt hoa” là hành động quyến rũ khách làng chơi bằng nụ cười xinh xắn, đẹp đẽ.
5. Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Câu thơ này Nguyễn Du không tả khuôn mặt và lông mày Thúy Vân, mà ông tả hình thể của cô Thúy Vân.
“Khuôn trăng” là chỉ cặp vú đẹp, tròn trĩnh như nửa vầng trăng. “Khuôn trăng đầy đặn” là chỉ cặp vú vừa “đầy đặn” thôi, vừa đẹp của cô gái mới lớn; tuổi trăng tròn (15 tuổi - cái tuổi được cài trâm). “Khuôn trăng đầy đặn” là Nguyễn Du tả bộ ngực của cô Thúy Vân.
Con ngài có cái eo thon nhỏ, có cái bụng phình to, giống như con ong. “Nét ngài” là chỉ hình dáng, đường nét uốn lượn của eo và hông Thúy Vân giống như đường nét con ngài, từ “nở nang” trong trường hợp này mới hợp với từ “nét ngài” và bổ sung cho từ “nét ngài”. Như vậy, “nét ngài nở nang” là chỉ hình dáng uốn lượn cái eo thon nhỏ, cái mông nở nang của cô Thúy Vân rất đẹp. Theo từ ngữ thời hiện đại ngày nay thì Nguyễn Du tả hình thể cô Thúy Vân: vòng 1: cặp vú “khuôn trăng đầy đặn”, vòng 2: cái eo thon nhỏ như con ngài, con ong, vòng 3: cặp mông nở nang như nét con ngài “nét ngài nở nang”. Nhan sắc của cô Thúy Vân này chắc phải đứng vào hàng ngũ các hoa hậu.
Truyện Kiều hấp dẫn, lôi cuốn là ở sự kì bí của văn chương, những câu chữ có thể ví như những kì hoa dị thảo và cũng chính điều đó kích thích sự nghiên cứu tìm hiểu và tranh luận kéo dài hàng thế kỉ nay.





GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH MỚI IN "Truyện Kiều chuyển sang văn xuôi"


GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH MỚI IN
“Truyện Kiều chuyển sang văn xuôi”

Ai đọc Truyện Kiều cũng phải công nhận là Truyện Kiều hay ở văn chương, ở việc phân tích tâm lý, miêu tả nhân vật như thật, y hệt như trong đời sống thực. Và cái hay, cái kỳ lạ của văn chương đó chính là lời thơ lục bát. Thơ Kiều là loại thơ ước lệ, tượng trưng, tu từ… nên càng đọc, càng ngấm, càng thấy hay. Nhưng chính điều kỳ bí văn chương này lại làm cho người đọc khó hiểu và gây ra nhiều cuộc tranh luận, phân tích về những điều kỳ bí đó.
Tác giả chuyển cuốn Truyện Kiều sang văn xuôi theo cách giữ nguyên lời thơ của Nguyễn Du, chỉ thêm vào những từ ngữ, những chỗ, những đoạn, mà ông đã lược bớt cho phù hợp với luật thơ lục bát. Tác giả cố gắng thêm câu chữ vào cho đúng theo nguyên ý Nguyễn Du và giữ nguyên văn cảnh, đồng thời giải thích những từ cổ, từ Hán ngữ sang tiếng Việt hiện đại, để bạn đọc phổ thông hiểu được Truyện Kiều một cách dễ dàng.



   

 



Đọc cuốn sách “Truyện Kiều chuyển sang văn xuôi”, chúng ta sẽ hiểu rõ tường tận chính xác trực tiếp ý nghĩa và nội dung tác phẩm do chính Nguyễn Du xây dựng nên, do Truyện Kiều mang lại. Nguyễn Du viết Truyện Kiều theo ý riêng của mình, theo cách của ông, chứ không dịch Kim Vân Kiều truyện. Nó khác biệt rất lớn so với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.
Mặc dù Nguyễn Du dựa vào cốt truyện Kim Vân Kiều truyện, giữ nguyện tuyến nhân vật chính, nhưng thay đổi tính cách nhân vật, hình dáng nhân vật để thể hiện tính cách mới của nhân vật, thay đổi trình tự câu chuyện, nội dung câu chuyện, tiết tấu câu chuyện nhanh, hấp dẫn, hết sự kiện nọ, chuyển ngay sang sự kiện kia, không rườm rà, dài dòng. Đặc biệt Nguyễn Du thêm vào phần tả cảnh, cảnh gắn với tình rất tuyệt vời, rất ấn tượng, mà trong Kim Vân Kiều truyện không hề có.
Cốt truyện được sắp xếp lại, ngắn gọn hơn, chọn lọc hơn, sự kiện nối tiếp nhau. Các tình tiết đảo lộn trước sau.
Nguyễn Du chỉ lấy khoảng 1/4 sự kiện trong Kim Vân Kiều Truyện để viết ra 1.313 câu thơ, còn lại 1.941 câu thơ là do ông sáng tác ra, trong tổng số 3254 câu thơ lục bát trong Truyện Kiều.
Để dễ theo dõi khi đọc, chúng tôi chia cuốn sách ra làm 35 đoạn, đặt đầu đề phù hợp với nội dung câu chuyện.
Diễn Truyện Kiều sang văn xuôi trên cơ sở dẫn giải, giải thích và đôi khi bình giải chi tiết từng câu thơ, kể cả những từ khó, những câu thơ khó, trên quan điểm mới, hiện đại, mong muốn độc giả ngày nay đọc hiểu Truyện Kiều một cách dễ dàng hơn và hiểu sâu sắc hơn.
Cuốn sách được viết một cách nhẹ nhàng, dễ đọc. Bằng cách chuyển một đoạn thơ thành một đoạn văn dễ hiểu. Những kiến thức mới nhất đã được cập nhật kịp thời.
Để không làm mất đi những tinh hoa của Truyện Kiều, giữ được tinh túy và bản sắc của Nguyễn Du, chúng tôi giữ lại gần như nguyên vẹn lời thơ của Nguyễn Du, chỉ thêm vào những câu chữ Nguyễn Du lược bớt do hạn chế về vần điệu và giới hạn số chữ của thơ lục bát, đồng thời chúng tôi sắp xếp lại theo cách hành văn thông thường của văn xuôi.
Lúc nào rảnh rỗi hoặc muốn thư giãn các bạn mở sách ra đọc và như Nguyễn Du đã nói “mua vui cũng được một vài trống canh”.
Thơ Kiều Nguyễn Du đầy bí ẩn và mênh mông, không phải ai cũng có thể thấu hiểu căn kẽ Truyện Kiều, mặc dù có thể đã đọc đi đọc lại nhiều lần, đó chính là sự kỳ lạ, bí hiểm của Truyện Kiều. Truyện Kiều càng đọc kỹ, càng thấm, càng thấy hay.
Trong Truyện Kiều các nhân vật gắn liền với con người và tâm lý trong xã hội… giống thật đến nỗi người Việt Nam tưởng đây là câu chuyện xẩy ra ở Việt Nam, ngược lại người Trung Quốc lại nghĩ đó là câu chuyện ở đất nước Trung Hoa.
Đọc cuốn sách này bạn đọc sẽ hiểu được từng chữ, từng câu thơ trong Truyện Kiều.
Tác giả viết cuốn sách này như một món quà chân thành, một món ăn tinh thần mới mẻ, dành cho lớp trẻ và những người yêu mến Truyện Kiều đọc và tiếp nhận Truyện Kiều một cách dễ dàng. Cũng là một cách để tri ân Đại thi hào Nguyễn Du, đã để lại cho đời một thiên tuyệt bút, đã vang vọng ra năm châu bốn biển, làm rạng rỡ, vẻ vang cho nền văn chương, cho tiếng Việt nước nhà.
Hy vọng cuốn sách sẽ thỏa mãn được mong muốn của độc giả, bạn sẽ có nhiều hứng thú khi đọc Truyện Kiều chuyển sang văn xuôi. Cuốn sách sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tìm hiểu Truyện Kiều.
Cuốn sách được chia thành 35 đoạn, sau đây chúng tôi xin trích đăng đoạn đầu trong cuốn sách
I
Gia đình Vương Viên ngoại
tài sắc Thúy Vân, Thúy Kiều

                          Làn thu thủy, nét xuân sơn
                     Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
                     Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
                     Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.

Ngẫm trong cõi người chúng ta đang sống, đời người sống được trăm năm, “trăm năm trong cõi người ta”, tài và mệnh rõ khéo là hay ghen ghét nhau, tài năng và số mệnh, số phận của mỗi con người không phải lúc nào cũng đi đôi song hành với nhau, tài và mệnh hay đố kỵ nhau một cách lạ lùng, “chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”.
Không còn xa lạ gì với cái lẽ thường tình ở đời là được mặt này hơn thì kém mặt kia, “lạ gì bỉ sắc tư phong”, hơn về tài sắc thì lại kém về mệnh số, được mặt này thì mất mặt kia, người có tài không phải lúc nào cũng thành công. Đó là quy luật bù trừ của tạo hóa. Con tạo, tạo hóa xưa nay vốn quen với việc đánh ghen với khách má hồng”, người đàn bà đẹp “trời xanh quen với má hồng đánh ghen”. Tạo hóa tạo ra thế giới muôn loài, tạo ra người đàn bà đẹp sao phải đánh ghen, mà chỉ đánh ghen với khách má hồng, chứ không phải đánh ghen với đàn bà nói chung?
Trời xanh, con tạo, tạo hóa… cái thế lực vô hình đó là gì, là ai, mà lại hay đánh ghen với khách má hồng. Ông xanh, con tạo… là cách nói tượng trưng, ước lệ, thực tế ra đây là một thế lực xã hội, đó là thói đời thường hay ghen tỵ, đánh ghen lẫn nhau, nhất là với những người đàn bà tài sắc và vì đẹp nên được nhiều người đàn ông để ý, yêu thương, tranh giành, nên hay gặp chuyện rắc rối, long đong, gian truân. “Đã cho lấy chữ hồng nhan/ Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân”/ Đã đầy vào kiếp phong trần/ Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi”.
Ta đọc câu thơ sau đây sẽ hiểu từ “con tạo” mà Nguyễn Du muốn nói đến là gì: “Cũng liều nhắm mắt đưa chân/ Để xem con tạo xoay vần đến đâu”. “Con tạo” ở đây nghĩa là “sự đời”. Cũng liều nhắm mắt đưa chân, để xem sự đời nó xoay vần đến đâu?
Trong đời một con người trải qua những sự biến đổi của thời cuộc, bãi bể biến thành nương dâu, “trải qua một cuộc bể dâu”. Nhìn thấy những sự đảo lộn, đau thương của đời người trong xã hội, mà đau đớn lòng, “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Nguyễn Du mở pho sách thơm, pho sách hay, đọc từng trang, nghiền ngẫm từng trang trước ngọn đèn, câu chuyện tình yêu nam nữ, có màu xanh, được truyền lại trong sử sách, “cảo thơm lần giở trước đèn”, “phong tình có lục còn truyền sử xanh”. Hai câu thơ này Nguyễn Du muốn ám chỉ ông viết cuốn truyện thơ “Đoạn trường tân thanh” tức Truyện Kiều là dựa theo câu chuyện tình nam nữ, đã được sử sách chép lạị.
Vào năm Gia Tĩnh triều Minh (niên hiệu Minh Thế Tông, 1522 - 1566) bên Trung Quốc bốn phương yên bình, phẳng lặng, hai kinh đô là Bắc Kinh và Nam Kinh đất nước vững vàng, “rằng năm Gia Tĩnh triều Minh”, “bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”. Có một gia đình Vương viên ngoại, “có nhà viên ngoại họ Vương”, của cải trong nhà, cũng vào loại bậc trung, “gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung”, sinh hạ được ba người con. Đầu lòng là hai cô con gái đẹp, “đầu lòng hai ả Tố Nga”, “thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân”, một con trai út, tên chữ là Vương Quan theo nghiệp nho gia, “vương Quan là chữ nối dòng nho gia”.
Cô chị Thúy Kiều tính cách như cây mai, cô em Thúy Vân đức tính trong sạch như tuyết trắng, “mai cốt cách, tuyết tinh thần”, “một người một vẻ mười phân vẹn mười”.
Cô em Thúy Vân xem ra trang trọng khác người, “Vân xem trang trọng khác vời”, đôi gò bồng đảo đầy đặn, đẹp đẽ, đường nét cơ thể nở nang, khỏe mạnh, “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”, cười tươi như hoa, nói năng đoan trang, “hoa cười ngọc thốt đoan trang”. Mái tóc mềm mại, óng mượt như mây, mà “mây” còn “thua nước tóc” , da trắng như tuyết, mà tuyết vẫn còn phải nhường nhịn chịu thua màu da của Thúy Vân.
“Kiều càng sắc sảo, mặn mà” có duyên, so về mặt tài sắc còn hơn cả cô Thúy Vân, “so bề tài sắc lại là phần hơn”. Đôi mắt nàng Kiều mơ màng trong như nước mùa thu, nét lông mày xanh như núi mùa xuân, “làn thu thủy nét xuân sơn”, hoa đẹp như vậy, cũng phải ghen, vì thua sắc thắm của đôi môi và đôi má hồng, liễu cũng phải ghen và hờn giận vì thua kém về màu xanh, “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”.
Sắc đẹp của Thúy Kiều liếc nhìn một cái có thể làm cho mất nước, liếc nhìn hai cái có thể làm nghiêng đổ cả thành trì, “một hai nghiêng nước nghiêng thành”, sắc đẹp nhiều lắm trên đời này cũng chỉ có một, còn tài họa ra có được hai người, “sắc đành đòi một, tài đành họa hai”.
Về trí thông minh vốn tính trời phú cho sẵn có, “thông minh vốn sẵn tính trời”, vừa biết làm thơ, vừa biết vẽ tranh, ngoài ra còn biết ca hát và ngâm thơ đủ vẻ, “pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”.
Về âm nhạc thì âm luật lầu lầu ngũ cung: cung, thương, giốc, chùy, vũ, “cung thương lầu bậc ngũ âm”, có nghề riêng gảy đàn hồ cầm, hơn hẳn mọi người, “nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”, trương là cây đàn.
Hồ cầm là đàn nguyệt, còn gọi là đàn Nguyễn do người họ Nguyễn bên Trung Quốc làm ra.
Thúy Kiều còn tự soạn ra khúc nhạc riêng, bài đàn riêng để đánh đàn, “khúc nhà tay lựa nên chương”, đó là một thiên “Bạc mệnh”, tấu lên nghe não lòng người, “một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”.
Thúy Kiều có đời sống phong lưu, thanh nhàn, sang trọng vào bực nhất trong đám khách hồng quần, “phong lưu rất mực hồng quần”, tuổi xuân xấp xỉ tới thời kỳ cài trâm, “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”.
Phụ nữ khá giả xưa bên Trung Quốc thường mặc quần màu đỏ. Thiếu nữ Trung Quốc xưa 15 tuổi là đến thời kỳ được cài trâm, dấu hiệu đến tuổi lấy chồng.
Tuy vậy Thúy Kiều vẫn “êm đềm trướng rủ màn che”. “tường đông ong bướm đi về mặc ai”, nàng cấm cung không giao lưu với con trai, tường đông là tường nhà phía đông, phương Đông chỉ nam giới, Thúy Kiều chưa bận tâm tới điều đó.
Sắc đẹp của Thúy Kiều là số một, còn tài thơ văn, nhạc, họa may ra còn có người hơn, một cô gái còn trinh trắng.
Thúy Kiều là một cô gái thuộc tầng lớp trung lưu, có văn hóa, cao sang, được giáo dục đến nơi đến chốn.


THỜI GIAN TRONG TRUYỆN KIỀU

                                                    LÊ THANH LONG

Trong Truyện Kiều nhiều lần Nguyễn Du nói đến thời gian và khoảng thời gian chỉ mốc thời gian xẩy ra các sự kiện, vậy thời gian và khoảng thời gian đó thể hiện ra như thế nào và chính xác đến mức nào?
1. Thời gian Kim Trọng về hộ tang chú
Nguyễn Du viết câu thơ rất hay mà ai cũng thích:
2747. Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
Nhiều người đọc câu thơ này nghĩ rằng sau một năm Kim Trọng mới trở lại, vì câu thơ có chữ “năm ngoái”. Nhưng thực ra chữ “năm ngoái” ở đây không phải để chỉ thời gian cái năm ngoái lúc hai người gặp nhau khi hoa đào đang nở. Mà “hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” là nói về bông hoa đào Thúy Kiều, lúc gió đông về, tức gió xuân về, lúc đó đang nở đẹp rực rỡ, mà bây giờ không thấy bông hoa đào ấy đâu nữa.
Khi Kim Trọng chia tay Thúy Kiều về hộ tang chú, Kim Trọng nói với Thúy Kiều:
543. Ngoài nghìn dặm chốc ba đông,
Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy!
Ông chú không có con trai, Kim Trọng là cháu thừa tự nên phải về Liêu Dương hộ tang chú ba năm. Ở ngoài xa hàng nghìn dặm, xa nhau ba năm, không bỗng chốc mà có thể trở lại gặp nhau được, mối sầu chia ly này, gỡ cho xong còn lâu lắm đấy. Nhưng thực tế Kim Trọng về hộ tang chú, chỉ sau 6 tháng đã quay trở lại Bắc Kinh:
2741. Từ ngày muôn dặm phù tang,
Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà.
2. Kim Trọng về chịu tang chú và trở lại Bắc Kinh là vào thời điểm nào?
Kim Trọng và Thúy Kiều gặp nhau trong Hội Đạp thanh vào đầu tháng ba:
39.Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Ánh sáng mùa xuân có chín mươi ngày mà đã ngoài sáu mươi ngày là đã bước sang đầu tháng ba:
43. Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ ngày là đạp thanh
Gặp Thúy Kiều ở Hội Đạp thanh về, Kim Trọng thuê trọ ở nhà Ngô Việt thương gia được hai tháng 287. Nhẫn từ quán khách lân la/ Tuần trăng thấm thoát nay đà thêm hai, thì gặp lại Thúy Kiều, hai người hứa hẹn trăm năm và trao nhau của tin, lúc này là vào cuối xuân. Đến đầu hạ Thúy Kiều và Kim Trọng gặp nhau ở nhà trọ của Kim Trọng:
369. Lần lần ngày gió đêm trăng,
Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua.
Nhân dịp cả nhà đi dự sinh nhật bên nhà ngoại, Thúy Kiều đem theo đồ ăn sang gặp Kim Trọng:
377. Thời trân thức thức sẵn bày,
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường
Hai người cắt tóc ăn thề:
447. Tiên thề cùng thảo một chương,
Tóc mây một món dao vàng chia đôi.
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song.
Đôi trai gái gặp nhau được đúng một ngày thì Kim Trọng chia tay Thúy Kiều về hộ tang chú, đó là vào đầu hạ. Sáu tháng sau Kim Trọng trở lại nhà ở Bắc Kinh, đến nhà Thúy Kiều, đó là vào đầu đông. Lúc này nhà Thúy Kiều đã là nhà hoang:
2747. Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Xập xè én liệng lầu không,
Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày.
Như vậy Kim Trọng trở lại là vào đầu đông. Đầu đông hoa đào chưa thể nở được.
3. Từ Hải chia tay thúy Kiều sau bao lâu thì quay về cưới Thúy Kiều?
Từ Hải sống với Thúy Kiều được nửa năm thì “trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương” nên chia tay Thúy Kiều đi tìm sự nghiệp:
2213. Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mông,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng giong.
Thúy Kiều muốn đi theo, Từ Hải nói với Thúy Kiều:
2227. Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì.
Vậy có phải một năm sau Từ Hải đã quay về cưới Thúy Kiều?
Theo ý chúng tôi Từ Hải nói câu này chỉ là để động viên Thúy Kiều ở lại, chứ Từ Hải không thể dự đoán được chỉ một năm sau đã hoàn thành sự nghiệp thu phục non sông. Vậy Từ Hải đi bao lâu thì quay lại cưới Thúy Kiều. Nguyễn Du chỉ nói đến nỗi nhớ của Thúy Kiều hướng về phương trời xa xôi đăm đăm, nhớ đến “mòn con mắt” cái nơi đôi cánh chim hồng hạc đang bay bổng tuyệt vời ở phương trời sự nghiệp:
2247. Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.
Thúy Kiều trong khi nghĩ về bố mẹ có nói một câu:
2239. Chốc đà mười mấy năm trời,
Còn ra khi đã da mồi tóc sương.
Câu thơ này cũng chỉ cho ta biết chung chung là Thúy Kiều đi khỏi nhà đã được hơn chục năm.
Thúy Kiều nhìn thấy Từ Hải lúc trở về cưới Thúy Kiều, nhân xét:
2273. Rỡ mình lạ vẻ cân đại,
Hãy còn hàm én mày ngài như xưa.
Dựa vào những câu thơ nêu ra ở trên và sự nghiệp Từ Hải đạt được, ta có thể dự đoán là Từ Hải đi rồi quay lại cũng khá lâu chứ chắc không phải một năm.
Nguyễn Du nói về sự nghiệp của Từ Hải:
2449. Trước cờ ai dám tranh cường,
Năm năm hùng cứ một phương hải tần.
Trước mặt Hồ Tôn Hiến Thúy Kiều ca ngợi sự nghiệp của Từ Hải:
2555. Năm năm trời bể ngang tàng,
Dấn mình đi bỏ chiến trường như không.
Từ khi đi gây dựng sự nghiệp đến khi chiếm được 5 huyện thành là 5 năm.
Quãng thời gian sau khi Từ Hải giúp Thúy Kiều trả được mối thù riêng đến khi bị Hồ Tôn Hiến lừa và bị chết đứng, Nguyễn Du chỉ mô tả:
2439. Thừa cơ trúc chẻ ngói tan,
Binh uy từ ấy sấm ran trong ngoài.
Triều đình riêng một góc trời,
Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà.
Đòi phen gió quét mưa sa,
Huyện Thành đạp đổ năm tòa cõi nam.
Từ những mô tả trên, ta không thể biết được Từ Hải đã đi bao lâu rồi quay về.
Thời gian Kiều lưu lạc là 15 năm. Từ Hải “năm năm hùng cứ một phương hải tần”. Như vậy khi Từ Hải chia tay Kiều ra đi lập nghiệp thì Kiều đã lưu lạc được trên 10 năm. Trong lời tâm sự nhớ bố mẹ Thúy Kiều nói “chốc đà mười mấy năm trời, còn ra khi đã da mồi tóc sương”. Như vậy lúc này Thúy Kiều đã lưu lạc được mười mấy năm trời rồi, suy ra Từ Hải đã ra đi được mấy năm chứ không phải 1 năm.
Trong Kim Vân Kiều truyện có nói Từ Hải tức Từ Minh Sơn đi ba năm:
“Lại nói, Thúy Kiều thấy Từ Minh Sơn đi luôn ba năm tuyệt nhiên không có tin tức gì cả. Một ngày kia bỗng có tin quân giặc kéo đến rất đông, nhân dân trong vùng đều chạy trốn hết. Bọn người nhà đều giục Thúy Kiều nên rời chỗ ở…”
“Cách ít lâu, bỗng có toán quân đông ước vài nghìn và hơn mười vị tướng, thình lình kéo đến, vây quanh ngôi nhà, rồi hô lớn:
- Vương phu nhân có ở đây không? Chúng tôi phụng mệnh Từ Minh Sơn thiên tuế đến đón phu nhân!”
4. Thúy Kiều bán mình vào lúc nào?
Thúy kiều bán mình cùng thời gian Kim Trọng về hộ tang chú và chỉ sau vài ngày hai người gặp nhau ở nhà trọ của Kim Trọng.
Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng lúc đầu hè:
369. Lần lần ngày gió đêm trăng,
Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua.
Ngay sáng hôm sau Kim Trọng nhận được tin phải về hộ tang chú, vài ngày sau Kim Trọng lên đường về Liêu Dương:
565. Buồn trông phong cảnh quê người,
Đầu cành quyên nhặt cuối trời nhạn thưa.
Ngay sau đó gia đình Vương Ông vướng vào lao lý và Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha:
605. Quyết tình nàng mới hạ tình:
“Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha”
Mã Giám Sinh mua và cưới Thúy Kiều vào đầu hạ. Trên đường Mã Giám Sinh đưa Thúy Kiều đi đã là mùa thu:
911. Nàng thì dặm khách xa xăm,
Bạc phau cầu giá đen rầm ngàn mây.
Vi lô san sát hơi may,
Một trời thu để riêng ai một người.
917. Rừng thu từng biếc xen hồng,
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn.
Mã Giám Sinh đưa Thúy Kiều đến lầu xanh của Tú Bà mất một tháng:
919. Những là lạ nước lạ non,
Lâm Tri vừa một tháng tròn đến nơi
Lúc này có lẽ đã là vào giữa thu. Như vậy từ lúc Thúy Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh đến khi đến lầu xanh của Tú Bà là khoảng 4 - 5 tháng; từ đầu hạ đến khoảng giữa thu.
Sau đó Tú Bà đưa Kiều đến lầu Ngưng Bích. Thúy Kiều làm thơ nói về “nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”. Sở Khanh nghe thấy và họa vần. Lúc này vẫn là mùa thu:
1073. Song thu đã khép cánh ngoài,
Tai còn đồng vọng mấy lời sắt đanh
Sở Khanh đưa Kiều đi trốn vẫn trong mùa thu:
1119. Đêm thu khắc lậu canh tàn,
Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương.
5. Thúc Sinh chuộc và cưới Thúy Kiều vào lúc nào?
Thúc Sinh gặp Thúy Kiều vào đầu xuân và sau đó chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh:
1283. Hải đường mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng.
Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng,
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng!
Đôi trai gái sống với nhau được nửa năm từ đầu xuân cho đến đầu thu:
1385. Nửa năm hơi tiếng vừa quen,
Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng.
Giậu thu vừa nảy giò sương,
Gối yên đã thấy xuân đường tới nơi.
Thúc Ông trở lại nổi giân và đưa đơn kiện lên quan phủ. Quan phủ giảng hòa và còn làm lễ cưới cho đôi trai gái Thúc Sinh - Thúy Kiều. Như vậy là Thúc Sinh cưới Thúy Kiều vào đầu thu. Hai người sống với nhau được một năm từ đầu thu năm nay sang đầu thu năm sau thì Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm vợ cả Hoạn Thư.  
6. Thúc Sinh về nhà thăm Hoạn Thư hai lần vào lúc nào?
Thúc sinh và Thúy Kiều sống với nhau từ đầu thu, qua đông, qua xuân sang đến hạ:
1473. Mảng vui rượu sớm cờ trưa,
Đào đà phai thắm sen vừa nẩy xanh
Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh về thú thật với vợ cả Hoạn Thư là mình lấy vợ lẽ. Đến lúc này hai người đã cưới nhau được một năm:
1487. Mà ta suốt một năm ròng
Thế nào cũng chẳng giấu xong được nào.
Thúy Kiều tiễn Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư là vào mùa thu:
1519. Người lên ngựa kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Thúc Sinh ở nhà được một năm mà không dám nói ra với Hoạn Thư việc mình lấy vợ lẽ Thúy Kiều. Và lúc này trời đã lại sang thu:
1593. Thú quê thuần vược bén mùi,
Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô
Lá ngô đồng đã rụng một vài chiếc lá vàng xuống cái giếng nước quý là trời đã sang thu. Hoạn Thư biết ý Thúc Sinh nhớ Thúy Kiều muốn trở về nên nhắn tin qua là đã một năm rồi cũng phải về mà chăm sóc cha già:
1599. Cách năm mây bạc xa xa,
Lâm Tri cũng phải tính mà thần hôn
Về đến nhà ở Lâm Tri Thúc Sinh được tin Thúy Kiều đã chết. Buồn quá chỉ biết lấy câu vận mệnh mà khuây dần nỗi nhớ thương. Các mùa nối tiếp nhau trôi đi nhanh chóng:
1795. Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
Một năm sau, nhớ quê hương chàng Thúc Sinh lại tìm đường thăm quê:
1799. Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương,
Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê
Lúc này là vào mùa thu, nên Hoạn Thư nói câu:
1833. Khen rằng: “Hiếu tử đã nên,
Tẩy trần mượn chén giải phiền đêm thu”.
Như vậy tổng số thời gian từ khi Thúc Sinh gặp Thúy Kiều cho đến khi gặp lại Thúy Kiều ở nhà Hoạn Thư là 3 năm 6 tháng.
7. Thúy Kiều bị bắt khi nào và ở nhà Hoạn Thư bao lâu?
Ngay khi Thúc Sinh từ Vô Tích trở về Lâm Tri vào đầu thu, thì Hoạn Thư cũng về bên mẹ là Hoạn Bà trình bày kế hoạch đi bắt Thúy Kiều bằng đường Thủy:
1613. Lâm Tri đường bộ tháng chày
Mà đường hải đạo sang ngay thì gần.
Từ Vô Tích về Lâm Tri thúc Sinh đi bằng đường bộ phải mất cả tháng, đi bằng đường biển thì gần hơn, mất ít thời gian hơn. Hoạn Thư sửa sang thuyền buồm cử Khuyển Ưng đi bắt Thúy Kiều về:
1707. Khuyển Ưng đã đắt mưu gian,
Vực nàng đưa xuống để an dưới thuyền.
Như vậy Thúy Kiều bị bắt về nhà Hoạn Bà là vào đầu thu, làm con hầu, đổi tên thành Hoa nô. Sau đó Kiều được đưa sang nhà Hoạn Thư làm con hầu.
Bốn mùa cứ nối tiếp qua đi, thời gian trôi đi nhanh chóng:
Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
Thúc Sinh:
1799. Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương
Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê
Thúc Sinh gặp Thúy Kiều ở nhà Hoạn Thư và màn “ghen Hoạn Thư” nổi tiếng xẩy ra ở đây, đó là vào mùa thu nên có câu:
1834. Tẩy trần mượn chén giải phiên đêm thu
Đến lúc này Thúy Kiều đã ở nhà Hoạn Thư được một năm.
Và ngay sau đó Thúy Kiều xin được xuất gia và Hoạn Thư cho ở Quan Âm Các “giữ chùa tụng kinh”. Thúy Kiều đã ở đây được vài tháng:
1933. Sồng nâu từ trở màu thiền,
Sân thu trăng đã vài phen đứng đầu.
Nhân lúc Hoạn Thư về nhà mẹ đẻ, Thúc Sinh lẻn đến Quan Âm Các gặp Thúy Kiều, Hoạn Thư bắt được quả tang và khi Thúy Kiều biết Hoạn Thư đã nghe hết mọi chuyện hai người nói với nhau thì kinh sợ và quyết định bỏ trốn.
Thúy Kiều trốn đến ở Chiêu Ẩn Am được khoảng ba tháng từ cuối thu cho đến đầu xuân:
2061. Cửa thiền vừa tiết cuối xuân,
Bóng hoa đầy đất vẻ ngân ngang trời
Thì bị lộ tung tích phải thú thật với sư Giác Duyên mọi chuyện. Giác Duyên sợ bị nhà Hoạn Thư biết thì nguy hiểm, nên thương hại gửi Thúy Kiều sang trốn ở nhà Bạc Bà. Như vậy Thúy Kiều ở Chiêu Ẩn Am từ cuối thu đến đầu xuân được trên ba tháng.
Bạc Bà dọa và lừa buộc Thúy Kiều lấy Bạc sinh, rồi lừa đưa đến Châu Thai bán cho nhà hàng viện, Thúy Kiều lại rơi vào lầu xanh lần thứ hai.
Ở Châu Thai Thúy Kiều gặp Từ Hải.
Như vậy thời gian Thúy Kiều ở lầu xanh của Tú Bà và ở kĩ viện Châu Thai bao lâu thì cả Nguyễn Du và Thanh Tâm Tài Nhân đều không nói.
Từ khi Thúy Kiều bán mình theo Mã Giám Sinh cho đến khi gieo mình xuống sông Tiền Đường là 15 năm:
2643. Mười lăm năm bấy nhiêu lần,
Làm gương cho khách hồng quần thử soi!
Thúy Kiều than trong mười lăm năm đã có không biết bao nhiêu lần bị oan khổ lưu ly
Tóm tắt lại thời gian Thúy Kiều lưu lạc trong 15 năm ấy ta biết được:
1. Thời gian từ khi bán mình lấy Mã Giám Sinh đến khi về đến lầu xanh của Tứ Bà và bị Sở Khanh lừa là khoảng 6 tháng.
2. Thời gian ở lầu xanh của Tú Bà: Không biết bao lâu.
3. Thời gian Thúc Sinh chuộc Kiều ra rồi cưới Kiều, hai người sống với nhau được 1 năm  
     6 tháng.
4. Thời gian Kiều sống một mình ở Lâm Tri chờ Thúc Sinh về quê là 1 năm.
5. Thời gian Kiều ở nhà Hoạn Bà và Hoạn Thư là 1 năm.
6. Thời gian Kiều tu ở Quan Âm Các là vài tháng (vẫn trong mùa thu).
7. Thời gian Thúy Kiều ở Chiêu Ẩn Am là trên 3 tháng.
8. Thời gian Thúy Kiều ở kĩ viện Châu Thai: Không biết bao lâu.
9. Thời gian Từ Hải chuộc Kiều ra khỏi kĩ viện Châu Thai và sống với nhau là 6 tháng.
10. Thời gian Kiều chờ Từ Hải đi tìm sự nghiệp:
       Trong Truyện Kiều Từ Hải nói là 1 năm.
       Trong Kim Vân Kiều truyện là 3 năm.
11. Tổng số thời gian Kiều chờ Từ Hải và sống với Từ Hải là 5 năm 6 tháng.
Tổng số thời gian Kiều lưu lạc ta biết được như đã liệt kê ra ở trên là 10 năm.
Còn trống hai khoảng thời gian Kiều ở lầu xanh của Tú Bà và ở kĩ viện Châu Thai. Thời gian lưu lạc của Thúy Kiều là 15 năm, vậy suy ra thời gian Kiều 2 lần ở lầu xanh là 5 năm.
Qua đây ta thấy Nguyễn Du dùng hình ảnh cây cỏ, hoa lá, chim muông, khí hậu… các mùa để chỉ thời gian và khoảng thời gian xẩy ra các sự kiện, chúng gắn liền với tâm tư tình cảm của Thúy Kiều và các nhân vật. Nguyễn Du có chủ ý mô tả rất chính xác các mùa và các mốc thời gian. Cách mô tả thời gian bằng hình ảnh các mùa làm cho người đọc hứng thú và không bị nhàm chán khi chỉ nói về thời gian một cách đơn thuần. Lấy cảnh bốn mùa để mô tả thời gian sự việc là đặc trưng riêng của thơ Kiều Nguyễn Du.

                                           Hà Nội ngày 2.12.2019