NGUYỄN
DU VÀ PHẬT GIÁO
TRONG
TÁC PHẨM TRUYỆN KIỀU
LÊ THANH LONG
guyễn Du sống trong một xã hội nhiều biến động, rối ren, trong đại
gia đình nhiều thăng trầm ở giai đoạn suy thoái, họ Nguyễn Tiên Điền sa sút,
tiêu điều. Ngay từ nhỏ Nguyễn Du đã gặp nhiều biến cố, cuộc sống long đong, lận
đận. Ông đọc nhiều, biết nhiều, chịu ảnh hưởng của nhiều luồng tư tưởng, triết
lý đương thời. Ông sống trong một xã hội chế độ phong kiến đã mục nát, lung lay
và trong hoàn cảnh bản thân không thể nói ra chính kiến của mình. Ông thu mình
lại. Vì vậy trong Truyện Kiều các luồng tư tưởng, triết lí nhân sinh cứ trộn lẫn,
hòa vào nhau, khó phân định ra rạch ròi.
Truyện Kiều của Nguyễn Du
thực chất là một tác phẩm thơ hiện thực, phản ánh xã hội thời Nguyễn Du đang sống,
phản ánh hiện thực sinh động tư tưởng, triết lí nhân sinh của Nguyễn Du. Tuy
không đưa ra một triết lí xuyên suốt, nhưng phản ánh các triết lí nhân sinh mà
Nguyễn Du đã tiếp nhận được trong sách vở, trong thực tế xã hội đương thời và
quan niệm sống của nhân dân cũng như bản thân ông. Nho giáo, Phật giáo, Lão
giáo và giáo lý, đạo lý của xã hội Việt Nam thời Nguyễn Du sống hòa quyện trong
Truyện Kiều.
Phật giáo không chỉ là một
tôn giáo với hệ thống thần linh và nghi lễ thờ cúng mà còn là một học thuyết
triết học sâu sắc lí giải về quan niệm sống của con người và những vấn đề liên
quan đến con người và cuộc sống con người. Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc đến quan
điểm sống của Nguyễn Du trong khi viết Truyện Kiều thông qua khái niệm nhân quả,
nghiệp báo, tâm… thể hiện trong cuộc đời của Thúy Kiều và các nhân vật khác. Phật
giáo hướng con người tới các giá trị chân - thiện - mỹ làm việc tốt, tránh xa
cái ác. Triết lý nhân sinh của Phật giáo thể hiện trong quan niệm về nhân quả,
nghiệp báo, luân hồi. sống trong luân hồi, thoát khỏi luân hồi, chấm dứt sinh tử,
có được Niết bàn an vui.
Về cõi Niết bàn thực chất
là một sự tự an ủi của con người sau bao biến cố, đau khổ, vui buồn ở cõi trần
gian, thanh thản mà nhắm mắt, xuôi tay. Thuyết nhân quả thực chất là để răn đe
con người đừng làm việc xấu, việc ác và phải luôn cố gắng trong mọi việc để đạt
được kết quả tốt đẹp, để lại lộc trời, lộc đời cho con cháu. Cho mình sướng là
mình sướng, cho mình khổ là mình khổ. Phật giáo là chỗ dựa tinh thần của con
người trong cuộc sống đầy bất trắc và đầy cám dỗ.
Theo Phật giáo thì ở đời
không có gì là không có nhân duyên, nhân duyên đó kết hợp thành cái nghiệp. Mọi
khổ đau của con người là do mình gây ra. Đó là cái nghiệp, là cái số của Thúy
Kiều. Nghiệp theo Phật giáo là cái mà ta yêu thích, mong ước và làm theo, đó là
căn nguyên của mọi khổ đau. Trái với cái định mệnh (của Nho giáo) là cái sức mạnh
xa lạ từ bên ngoài đè nén ta.
Nghiệp là cái số mệnh do
mình làm ra, Làm việc thiện thì được hưởng thiện nghiệp, làm việc ác thì phải
chịu ác nghiệp hay nghiệp chướng, nghiệp báo hay quả báo là một trong 24 nhân
duyên của kiếp người.
Triết lý luân hồi của đạo
Phật: “Kiếp xưa đã vụng đường tu/ Kiếp
này chẳng kẻo đền bù mới xuôi” hoặc “Kiếp
này trả nợ chưa xong/ Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau”. Trước cám dỗ của cuộc sống người ta tạm
thời quên đi lời răn dạy của Phật, sau những thất bại trầm luân, khổ ải người
ta tìm đến cứu cánh của Phật làm chỗ dựa tinh thần, an ủi, động viên… để tiếp tục
sống. Giữa cuộc sống đời thường và đạo lý nhà Phật cứ xung đột, thăng trầm
trong bản thân mỗi con người, nhất là trong xã hội hiện đại có biết bao cám dỗ,
ham muốn hưởng thụ. Cái sung sướng, giầu sang hưởng thụ lên đến tột đỉnh và cái
khổ xuống đến tận đáy sâu thẳm. Thiên đàng và địa ngục tồn tại ngay trong thực
tế dương gian, chứ không còn là trong tưởng tượng nữa. Triết lí Phật giáo cũng
biến đổi và sự tiếp nhận, quan niệm lời răn dạy của Phật trong lòng người hiện
đại cũng thay đổi theo cách nghĩ, cách hiểu của bản thân họ. Cá nhân được đề
cao, đồng tiền thống trị và có lẽ lời Phật dạy là cứu cánh cuối cũng khi sa cơ,
lỡ bước.
Mệnh của Nho giáo là thiên
mệnh (mệnh trời). Số phận của con người đã được Trời sắp đặt sẵn, làm trái ý Trời
sẽ bị phạt. Vua là Thiên tử (con Trời) thay Trời trị dân: “Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt
phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Nói về
cái số (phận) của con người “Có trời mà
cũng hại ta? Khi nên trời cũng chiều người”. Ngược lại Nguyễn Du cũng có
câu thơ không tin vào trời: “Xưa nay nhân
định thắng thiên cũng nhiều”.
Còn Lão giáo với triết lí vô vi phóng khoáng, sống tự do phiêu lãng
nơi mây bay hạc lánh.
Trong Tuyện Kiều trước
tiên Nguyễn Du thể hiện tư tưởng, triết lí nhân sinh “Tài mệnh tương đố”: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh
khéo là ghét nhau/ Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Trời cao quen thói má hồng đánh
ghen”.
Trong một xã hội phụ nữ phải tuân thủ lễ giáo “Công dung ngôn hạnh”
theo thuyết “Tam tòng tứ đức” của Khổng Tử mà Thúy Kiều dám: “Xăm xăm bằng lối vườn khuya một mình/ Vì
hoa nên phải đánh đường tìm hoa”. Vì tình yêu Thúy Kiều vượt qua cả lễ giáo
phong kiến đương thời, tư tưởng tư do yêu đương chưa từng có thời đó, nên Thúy
Kiều bị một số nhà nho lên án, tẩy chay Truyện Kiều, cho rằng Thúy Kiều đĩ
thõa. Nhưng thực ra quan điểm về tình yêu, hôn nhân và gia đình của Thúy Kiều rất
nghiêm túc: “Đạo tòng phu lấy chữ Trinh
làm đầu/ Đã nguyền hai chữ đồng tâm/ Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai”.
Cho đến bây giờ tư tưởng tự do hôn nhân, tự do tìm hiểu ở giới nữ trẻ mới đạt đến
tư tưởng tiến bộ như Thúy Kiều thời ấy, sau khoảng 150 năm Truyện Kiều ra đời.
Theo quy luật tự nhiên mọi
sự vật đều không ngừng biến đổi, Phật giáo cũng vậy và Nguyễn Du cũng vậy. Ông
viết Truyện Kiều trước tiên theo tiếng gọi của tình cảm lòng mình, theo luân lí
của hiện thực xã hội đương thời trước khi nghĩ đến triết lý và giáo lý nhà Phật
và các giáo lí khác.
Có lẽ trong khi viết Truyện
Kiều những tư tưởng có sẵn trong người Nguyễn Du cứ bộc lộ ra. Ta thấy Nguyễn
Du khi viết Truyện Kiều không có một tư tưởng chủ đạo xuyên suốt mà nó cứ đan
xen, trộn lẫn các luồng tư tưởng, quan điểm, triết lí nhân sinh khác nhau: Phật
giáo, Nho giáo, Đạo giáo… đến tư tưởng hiện thực trong xã hội đương thời.
Quy luật của tự nhiên là
thay đổi, biến đổi để thích nghi, con người, Phật giáo và xã hội cũng vậy. Tư
tưởng, cách sống, cách nghĩ và nhân sinh quan của con người hiện đại khác xa so
với thời Nguyễn Du, cách hiểu của con người thời nay về Phật giáo cũng khác
xưa. Trong thực tế khi viết Truyện Kiều liệu Nguyễn Du có thực sự muốn đưa ra một
triết lí nhân sinh nào đó của cá nhân mình hay chỉ nêu ra những tư tưởng, triết
lý nhân sinh trong xã hội thời ông đang
sống theo cách nhìn - nhân sinh quan của riêng ông.
Nho giáo, Phật giáo, Lão
giáo và giáo lý, đạo lý của xã hội Việt Nam hòa quyện trong xã hội, trong mỗi
con người. Nổi bật nhất trong giáo lý, đạo lý của xã hội Việt Nam là chữ hiếu đối
với cha mẹ, điều này còn được răn dạy trong Nho giáo (Trung hiếu tiết
nghĩa, Công dung ngôn hạnh). Thúy Kiều
được ca ngợi, yêu quý chính là lòng hiếu thảo, liều thân bán mình chuộc cha: “Thà rằng liều một thân con/ Hoa dù rã cánh
lá còn xanh cây/ Hổ sinh ra phận tơ đào/ Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong”.
Tình yêu và sự chung thủy truyền thống: “Nhớ
lời nguyện ước ba sinh/ Còn duyên may lại còn người/ Còn vầng trăng cũ còn lời
nguyền xưa/ Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng/ Dẫu
rằng vật đổi sao dời/ Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh”.
Triết lí nhân sinh của Nguyễn Du trong Truyện Kiều thể hiện một
cách sáng rõ trong nội hàm câu thơ: “Mới
hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân”. Mỗi người sinh ra
đều có một thân phận. Muôn sự đều do trời. Trời ở đây là trời trong Nho giáo,
thiên mệnh do giai cấp thống trị chi phối (con trời) thay trời trị dân, trời
trong Phật giáo là cái số mình như vậy, trời của Lão giáo là tự do phiêu lãng
nơi mây bay hạc lánh, cuối cùng trời là giáo lý, đạo lý của xã hội Việt Nam -
nơi mình đang sống, là thiên thời, địa lợi, nhân hòa mình có được.
Trong xã hội Việt Nam Nho
giáo chỉ còn lại là những thuần phong mỹ tục, đối nhân xử thế theo đạo lý truyền
thống của dân tộc. Phật giáo dần trở thành đạo đức về từ bi bác ái, tu nhân
tích đức.
Nho giáo, Phật giáo, Lão
giáo đã để lại dấu ấn trong tâm lý, tính cách của người Việt Nam cùng với đạo
lý truyền thống dân tộc trở thành đạo đức văn hóa riêng của con người, dân tộc
Việt Nam. Các triết lý nhân sinh hòa quyện vào nhau vừa có thể cầu trời vừa có
thể khấn Phật, song vẫn tự tin ở bản thân mình.
Cuối cùng Nguyễn Du chốt lại
triết lý nhân sinh của riêng mình: “Phúc
họa đạo trời/ Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra/ Có trời mà cũng hại ta/ Thiện
căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia với bằng ba chữ tài”. Tất cả cội nguồn mọi sự
cũng là do mình, ở mình mà ra. Cái mà Nguyễn Du có được trong Truyện Kiều được
dẫn dắt bởi chính hiện thực xã hội và tình cảm yêu ghét của ông đối với cuộc đời,
đối với cái đẹp. Những câu thơ hay là tự đáy lòng ông bộc lộ ra một cách tài
tình: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng
bạc mệnh cũng là lời chung”. Đâu chỉ có riêng Thúy Kiều đau khổ, tủi nhục
mà đó là nỗi khổ chung của phụ nữ thời ông sống. Chỉ có người thông cảm, yêu
thương con người sâu sắc và có lòng vị tha mới có thể rung động để viết ra được
những câu thơ hay đến vậy.
Mối tình đầu sâu sắc của
Thúy Kiều với Kim Trọng là cái chìa khóa mà Nguyễn Du dựa vào để mô tả tâm trạng,
nỗi lòng, trạng thái tâm lý đặc biệt của Thúy Kiều, làm bộc lộ ra bản chất tốt
đẹp của Thúy Kiều 15 năm ở chốn lầu xanh (chung thủy, nhớ thương, hiếu thảo… )
và từ đó thể hiện được cái tài kiệt xuất của ông trong từng câu thơ. Truyện Kiều
nổi tiếng trước hết vì nó là tác phẩm thơ với những vần thơ sâu thẳm, thăng hoa
tuyệt diệu: “Dặm khuya ngất tạnh, mù
khơi/ Thấy trăng mà thẹn những lời non sông/ Long lanh đáy nước in trời/ Thành
xây khói biếc non phơi bóng vàng/ Bốn phương mây trắng một màu/ Trông vời cố quốc
biết đâu là nhà/ Phận bèo đâu quản nước sa/ Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh
đênh”.
Truyện
Kiều đã sống được khoảng 150 năm (1871-2017) và sẽ còn sống mãi với nhân dân Việt
Nam.