Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Hội thảo "Doanh nhân với Truyện Kiều, Truyện Kiều với doanh nhân"

Nhân dịp kỷ niệm 197 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (11/8 AL), Hội Kiều học Việt Nam và Tổng Công ty Havico long trọng tổ chức cuộc Hội thảo «Doanh nhân với Truyện Kiều, Truyện Kiều với doanh nhân» vào ngày 30/9/2017. Tới dự Hội thảo có đông đủ các Giáo sư, nhà nghiên cứu, doanh nhân, BCH, hội viên Hội Kiều học Việt Nam, các nhà báo và những người yêu mến Truyện Kiều. Cuộc Hội thảo do Giáo sư Phong Lê Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam và TS. Phạm Tuần Tổng Giám đốc Công ty Havico chủ trì. Cuộc Hội thảo diễn ra trong bầu không khí chân tình, cởi mở, có tính học thuật cao. Sau đây là một số hình ảnh tiêu biểu:

                   Giáo sư Phong Lê Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam khai mạc Hội thảo



                                         Giáo sư An (Hàn Quốc) phat biểu ý kiến

TS. Phạm Tuần Tổng Giám đốc Tổng Công ty Havico phát biểu




Chủ tịch đoàn Hội nghị





Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

Truyện Kiều riêng một Nguyễn Du

Nhân ngày giỗ Đại thi hào Nguyễn Du 10/8 Âm lịch
Tác giả Lê Thanh Long xin có bài thơ kính dâng lên Cụ.

LÊ THANH LONG

Truyện Kiều riêng một Nguyễn Du

Nguyễn Du ơi! Tố Như ơi!
Ba trăm năm liệu còn người khóc ông!
Truyện Kiều như một dòng sông
Chảy thành biển cả hòa trong lòng người.

Nguyễn Du ơi! Tố Như ơi!
Ba trăm năm liệu còn người khóc ta!
Truyện Kiều như một bông hoa
Nở trong cõi sống, hương xa cõi ngoài.

Nước ta chưa có một ai
Vượt qua được bức tượng đài Nguyễn Du
Truyện Kiều riêng một Nguyễn Du
Lời thơ tuyệt đỉnh ngôn từ thanh tao.

Phận Kiều chìm nổi ba đào
Truyện Kiều phát sáng ánh hào quang xa
Phận ông nghèo dưới mái nhà
Giầu trong trang sách, mấy tòa văn chương.

Nổi chìm trong cõi vô thường
Đến khi khép mắt, chẳng vương bụi trần
Trải đời mấy bậc gian truân
Thâm sâu trang sách, sáng ngần tư duy.

Riêng mình một cõi biên thùy
Câu lục vừa khép, bát thì mở ra
Lục bát mọc lá, thêm hoa
Nguyễn Du luật mới, xem là luật chung.

Nỗi lòng nhớ Cụ rưng rưng
Câu thơ chìm nổi - bỗng dưng khóc mình!
Đa mang quyện với đa tình
Ngàn câu nhỏ lệ chúng sinh, khóc đời.

Con ngồi nước mắt đầy vơi
Mà như nghẹn lại trong lời Cụ than!
Truyện Kiều trong cõi nhân gian
Ngàn năm thưa Cụ, giờ đang mỉm cười!

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Về nơi gió cát

LÊ THANH LONG

Về nơi gió cát

Ta về thăm gió trăng ơi!
Về tìm lại giậu mồng tơi, đâu còn.
Mênh mang đây bến trăng non
Bờ tre mái rạ có còn nhớ ta?

Đường đời mấy nẻo sương sa
Người đi gió bụi mắt nhòa thời gian
Về tìm hạt bụi hòa tan
Trăm năm sương gió ngồi than sóng hồ.

Về tìm lại hạt muối khô
Hạt mồ hôi tự bao giờ còn lăn.
Trăng hồ, chiếu đất, trời chăn
Mình trần, nón lá, tóc khăn, chống trời.











Quê ơi! Một đĩa dầu vơi
Tháng năm giữ ngọn lửa đời thiêng liêng
Chiều vàng nhuộm cánh sầu miên
Thời gian vỗ sóng nhịp thuyền lênh đênh.

Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Thơ là của riêng ta

LÊ THANH LONG

THƠ LÀ CỦA RIÊNG TA

   Thơ ca là nơi để chia sẻ, thể hiện tâm tư, tình cảm. nỗi lòng, mong ước, là nơi để ta giao lưu… và đơn giản đó là nơi để ta viết ra cái ta muốn viết.
   Thời nay những quan điểm, suy nghĩ, nhìn nhận các vấn đề của xã hội và thời cuộc là vô cùng đa dạng và nhạy cảm, thể hiện nó ra như thế nào và bằng cách nào cũng lại vô cùng mênh mông và đa dạng. Mỗi người một ý thích, mỗi người có một cách viết khác nhau, cái tôi được thể hiện một cách tối đa, có người thích viết đơn giản, mộc mạc, mô tả tâm tư tình cảm, sự vật, sự việc một cách chân thành, không cầu kỳ như con người vốn có của họ, có người thích chọn chữ, chọn câu, chọn ý độc đáo, lạ và sâu sắc, có người lại chỉ chú ý đến nội dung ẩn chứa ở đằng sau câu chữ, bỏ qua tất cả vần điệu và hình ảnh… Đó thuộc về bản chất, nội tâm, tính đơn giản, tính hoa lá, sự sâu nặng, nhạy cảm… trong suy nghĩ, trong tâm hồn, tích cách, quan niệm và khả năng tư duy trời phú của mỗi người, không ai giống ai. Sinh ra mỗi người đã là một thực thể khác nhau rồi, đa dạng trong tự nhiên cũng như đa dạng trong thơ ca là điều cần có, cần thiết và cũng là điều hiển nhiên.
   Thơ ca mênh mông, vô định, vô cùng, vô tận và vô ngôn… để có thể nói cho hết được về nó. Thơ ca của mỗi người cứ hiện ra cái hình hài và bản chất của nó một cách tự nhiên, một cách đột xuất, đột biến và đột ngột trong một giây, một thời khắc nào đó của tâm tư, tình cảm của con người, thoáng đến và rồi đột ngột biến mất nhanh đến nỗi có khi không kịp ghi lại… nó được người đời gán cho một từ rất hoa mỹ là sự thăng hoa cảm xúc. Đó chính là sự đa dạng, sự mê hoặc khó nắm bắt, khó đoán định của thơ ca.
   Sự khen chê trong thơ ca cũng tùy vào quan niệm, quan điểm, sự đồng cảm, đồng điệu, đồng cảnh của mỗi người… Ta cứ làm thơ theo cách mà ta thích, theo cách mà ta nghĩ, theo quan điểm mà ta sống và theo cuộc sống mà ta có, đó chính là thơ của riêng ta.

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Một

LÊ THANH LONG

Một

Một lời là mấy xa xăm
Một duyên là mấy mươi năm đợi chờ
Ai xui con nhện giăng tơ
Trăm năm rồi, vẫn còn mơ về người

























Một giây là mấy nhiêu lời
Một năm là mấy đầy vơi nghĩa tình
Một nhìn là mấy đinh ninh
Một mênh mông, một lặng thinh, một buồn!

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Vũ trụ hát

LÊ THANH LONG

Vũ trụ hát

Lang thang trong cõi luân hồi
Bắt câu thương nhớ, bắt lời tri âm
Ngoài kia vũ trụ âm thầm
Trong này lặng một tiếng trầm nhân gian


















Thương nhau ngọt khúc tơ vàng
Nhớ nhau lưu luyến tiếng đàn vọng lâu
Đàn Kiều gẩy khúc tình đâu?
Nguyễn Du thắp lửa ngàn câu thơ thần













Nghe trong vũ trụ trong ngần
Tiếng thơ còn đó xoay vần muôn sau
Ngàn xưa còn đọng chén sầu
Lời xưa vọng lại vẫn nhàu tâm can

Bao giờ tiền bạc tiêu tan
Để nghe vũ trụ ngân vang tiếng đàn!

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Qua

LÊ THANH LONG

Qua

Qua bao nhiêu bậc thời gian
Để lên, để xuống, để sang làm người
Qua bao nhiêu bậc đất trời
Để dân, để nước, để đời bao dung

















Qua bao nhiêu núi, nhiêu rừng
Để chân đứng thẳng, để lưng không còng
Qua bao nhiêu suối, nhiêu sông
Để hồn dân tộc tụ trong đồng bào

















Qua bao cay đắng, ngọt ngào
Để thương để nhớ, để trào tâm tư
Qua bao xiềng xích, ngục tù
Mới giành được chữ tự do của đời

Vượt qua bao bậc thành người
Dại khôn cũng giữ cái trời ban cho.

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Biết


LÊ THANH LONG

Biết

Biết quên để nhớ đất trời
Biết yêu thương để thành người biết hơn
Biết si mê để giận hờn
Biết trong cõi tục vẫn còn thanh tao

Biết yêu ngọn cỏ rì rào
Biết đêm có sáng, biết sao cũng buồn
Biết đâu là ngọn, là nguồn
Sau trăm năm có gì còn cho ta!



















Biết người tâm huyết, tài hoa
Kẻ điên khùng chắc đã là kẻ điên
Biết ai tri kỷ, bạn hiền
Cuộc đời liệu có cái duyên vừa lòng

Biết trong có, vẫn là không
Tưởng không mà có, ấy trong cõi đời
Mênh mông là cõi con người
Biết như không biết là nơi tận cùng!

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Thăm thẳm cõi người

Thăm thẳm cõi người

                         LÊ THANH LONG


T
ừ khi Thi đàn Bình thơ Trường Xuân Việt Nam thành lập đến nay thấm thoát đã gần năm năm, năm năm trôi qua như cánh hạc bay! Tập san Trường Xuân đã ra được 14 số, để ghi lại dấu mốc này chúng tôi xin điểm lại thơ văn của các bạn bè xa gần yêu mến Trường Xuân đã gửi bài đăng trong 14 tập Trường Xuân.
   Thời gian như dòng sông chảy qua bao thăng trầm của thời cuộc. Những cốt lõi của gia đình, cuộc sống, xã hội  thay đổi, cuộc sống cũ, trào lưu mới xen kẽ với những đổi thay mất mát, nuối tiếc và hy vọng, những biến đổi quê hương, làng xóm, những còn mất, những rêu phong của suy tàn bụi phủ và cả những đổi thay nhanh chóng của thời cuộc, những biến đổi gập ghềnh của xã hội, những phát minh kỳ diệu của nhân loại… và cả sự đổi thay của bản thân các nhà thơ, nhà văn, trong những bối cảnh đó thơ ca, văn chương là công cụ hữu hiệu thể hiện được tâm tư, tình cảm, nỗi lòng và suy tư để các nhà thơ, nhà văn  gửi vào những tác phẩm - những đứa con tinh thần của mình.
   Để nói lên được cái thăm thẳm của nỗi lòng, của tâm tư thầm kín, những vui buồn mất mát, những yêu thương trăn trở, những gánh nặng cuộc đời, những trầy trật, trắc trở chông gai… không phải dễ dàng gì. Nhưng để đáp lại tấm thịnh tình của những bạn thơ, văn đã yêu mến Trường Xuân tôi cũng xin cố gắng điểm lại những nét cơ bản nhất trong 14 tập thơ, văn của Trường Xuân đã in.


   Dù muốn dù không cũng không tránh được những con số, 14 tập Trường Xuân, bao gồm 202 lượt tác giả đăng chân dung với 892 bài thơ, tổng số những bài thơ đăng riêng là 846 bài, 101 bài bình thơ, 19 bài trao đổi về nghệ thuật thi ca, 17 bài giới thiệu các tập thơ, 14 trang thơ màu của 14 lượt tác giả với 38 bài thơ, 4 bài tản văn, tùy bút, 3 bài nhàn đàm. Với tổng số 1.773 bài thơ - một con số không hề nhỏ, chứng minh một cách thuyết phục cho sự đam mê, yêu mến và say thơ ca của người yêu thơ biết là nhường nào!      
   Thơ là không gian đa chiều của thế giới nội tâm thăm thẳm, mênh mông không bờ không bến, có lúc nó sâu lắng, êm đềm, có lúc lại cuồn cuộn ào ạt như thác lũ, mưa nguồn, có lúc rả rich như mưa đêm dai dẳng không dứt trong nuối tiếc và hoài vọng…
   Để dễ theo dõi tôi xin điểm thơ theo các chủ đề: Quê hương, đất nước, tình yêu, gia đình, sự đổi thay, mong muốn, hoài vọng và cả những thất vọng khổ đau…
   Quê hương đất nước được đông đảo các nhà thơ đề cập đến với tấm lòng sâu nặng, nhớ thương, hoài vọng, vời vợi, da diết, chân thành:
Muốn làm một chiếc lá xanh
Trải lên đất mẹ dệt thành hồn quê
Muốn làm vạt cỏ triền đê
Nghe sông hát khúc nhạc quê yên bình
              (Muốn làm…, Nguyễn Văn Thích)
   Đại sứ Trần Trọng Toàn tả “Khoang Xanh - Suối Tiên” như “tiếng ru hoài ngàn năm” của quê hương, đất nước làm “ngẩn ngơ” du khách mà “quên lối về”:
Núi đồi cây xanh ngát
Cổ thụ đứng mặc trầm
Suối nước trong lạnh mát
Tiếng ru hoài ngàn năm…
Thác đổ tung bọt nước
Ánh bảy sắc cầu vồng
Vòm cây vương giọt nắng
Từ nôi trời mênh mông
… Đắm say lòng lữ khách
Ngẩn ngơ quên lối về…
   Cảnh xưa ở làng quê đã đổi thay theo thời cuộc, nhưng ký ức thì vẫn vẹn nguyên trong tâm tưởng những người con xa quê:
Cảnh xưa giờ đổi thay rồi
Sông sâu còn đó núi đồi còn đây
Lũy tre vẫn thế ken dày
Bóng đa lẫn với trời mây một màu
Và em vẫn mảnh áo nâu
Sớm chiều đồng cạn đồng sâu cấy cày
(Cảnh cũ người xưa, Nguyễn Ngọc Chiến)
   Nỗi lòng của những người “gần đất xa trời” như một lời nhắn nhủ chân thành với bạn bè, với quê hương trong thơ Phạm Văn Thết:
Hạc xuân chắc chẳng còn dài
Cha về với bạn kẻo mai khó tìm
Quê hương thổn thức con tim
Cha về tạ lỗi tổ tiên đôi lời
         (Về cố hương, Phạm Văn Thết)
   Tạ Duy Phán “uống ân tình”, “uống” trời đất, “uống” quê hương đất nước  như một cách bày tỏ nỗi lòng mình rất độc đáo:
Ngửa mặt thì uống áng mây
Cúi lưng lại uống đất dày màu xanh
Uống ân tình đã vây quanh
Nằm ngồi đi đứng đã thành hồn tôi
Xuống sông thấm nỗi lở bồi
Lên rừng uống cả sương rơi gió ngàn
                 (Uống và say, Tạ Duy Phán)
   Người mẹ là chủ đề được nhắc đến trong rất nhiều bài thơ gây xúc động, để lại nhiều ấn tượng cho người đọc:
Dòng đời lớp lớp sóng triều
Tình người thổn thức bao điều ngày xưa
Mẹ từng năm nắng mười mưa
Tóc con giờ cũng bạc phơ bóng chiều
Ru con mẹ khóc phận Kiều
Ru đời; Mẹ cũng bấy nhiêu phong trần
(Thanh minh nhớ mẹ, Nguyễn Khắc Khoan)
   Nguyễn Đình Triển “thắp nén hương trầm”, mà rưng rưng một nỗi nhớ thương người mẹ đã khuất:
“Rưng rưng… thắp nén hương trầm
Gửi về cõi mẹ muôn phần nhớ thương
Biết đời là cõi vô thường
Mà sao vẫn nghẹn nỗi buồn cách xa.
(Thắp nén hương tâm, Nguyễn Đình Triển)
   Dù có đi cuối đất cùng trời, cuối cùng người ta cũng hướng về nơi “chôn nhau cắt rốn”, thời thơ ấu, nơi bố mẹ mình an nghỉ với nỗi nhớ khôn nguôi:
Bao năm sống ở phương xa
Vẫn đau đáu nhớ quê nhà khôn nguôi
        (Về quê tảo mộ, Phạm Nhật Minh)
   Con người ta trong cuộc đời có lúc thăng, lúc trầm, có lúc lên cao, có lúc sa cơ, lỡ bước… nhưng “bến nhân gian” bao giờ cũng mở rộng vòng tay thân thương đón những đứa con lỡ bước quay về:
Trăm năm mấy cuộc đổi dời
Bến nhân gian, đó là nơi của mình
             (Bến nhân gian, Lê Thanh Long)
   Vũ Duy Hưởng nói về cái “Chợ quê”  cũng là nói về cuộc sống nghèo khổ của người dân xưa một cách rất chân thực, giản dị nhưng gây được ấn tượng cho người đọc:
Chợ quê mua bán cái nghèo
Con cua cũng óp, con heo cũng gầy
Nắm rau lang, mớ bèo tây
Người mua, người bán đong đầy nỗi lo
   Con người, cuộc sống, làng quê đổi thay, những hồ ao sông ngòi bị san lấp, có những con sông vẫn còn nhưng coi như đã chết vì bị ô nhiễm nặng nề, Xuân Thật luyến tiếc những kỷ niệm từng gắn bó với bao nỗi niềm vui buồn xen lẫn:
Tôi ngồi khóc một dòng sông
Dòng sông đang chết bởi không tình người
(Tôi ngồi khóc một dòng sông, Xuân Thật)
   Ta hãy nghe Đàm Quyên nói về những người thơ như cười cợt với chính mình, chị cười một cách hóm hỉnh, vui vẻ:
Tiêu xài bằng mấy câu thơ
Bán thời gian bán cả giờ nghĩ suy
… Sóng đời như thể từng cơn
Lô xô từng khúc dập dồn từng giây
Có khi phẳng lặng bàn tay
Chân không buồn bước nhíu mày cũng không
Tiêu xài ai có mua không
Câu thơ lội cạn vớt dòng ưu tư
                            (Tiêu xài, Đàm Quyên)
   Có một điều lạ trên đời là có người thơ   lại uống rượu “nhắm” với thơ nữa đấy:
… Ta tìm nhắm lại lời thơ
Làm mồi cho rượu, lơ mơ những chiều
… Người làm rơi ánh mắt cười
Ta đem gói lại, giấu người cất đi
Bây giờ nước mắt tràn mi
Ta đem ra nhắm cùng ly rượu đầy
                      (Rượu sầu, Nguyễn Thị Bình)
   Nguyễn Thị Bình nói về thơ như đôi tình nhân bên nhau không thể tách rời:
Ta cùng thơ mỗi chiều mơ
Đắm vào nhau nỗi mơ hồ thực hư
Niềm vui nếm trải mơ hồ
Những gì dẫu mất, riêng thơ vẫn còn!
Đêm dài cùng ngắm trăng non
Thơ cùng ta, mặc mất còn, cứ say!
   Lê Đức Trưởng nói về cái “chiếu văn chương” của những người thơ:
Tươi giòn rồi cũng tàn hoa
Thấp cao rồi cũng chỉ là khói sương!
Đã ngồi chung chiếu văn chương
Thì dù dưới đất trên giường vẫn vui
         (Thơ hai câu, Lê Đức Trưởng)
   Nói về con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, Trần Duy Quý ví dáng lan như dáng mỹ nhân, hay mỹ nhân đẹp như hoa lan:
Thăm vườn lan sáng xuân nay
Muôn hồng ngàn tía đắm say tình người
Hương thơm quyến rũ tuyệt vời
Dáng lan như cả một trời mỹ nhân
             (Thăm vườn lan, Trần Duy Quý)
   Nói về những thăng trầm lịch sử, những rêu phong thành quách một thời với nỗi lòng hoài cổ, với nỗi buồn, hụt hẫng như chính mình mất mát đi một cái gì thiêng liêng, sâu đậm.
   Nguyễn Văn Doanh nói về thành đá Nhà Hồ rêu phong, đổ nát:
Hỏi đá! Đá im lời
Vẹt đêm ngày thương nhớ
Quyền uy rồi sụp đổ
Thành mờ trong sương rơi
         (Đừng làm đau phiến đá, NVD)
Người vùi bãi bể nương dâu
Kẻ nằm gửi xác hang sâu suối ngàn
Ta về mờ mịt nhân gian
Chùa xa cứ đổ chuông tàn giọt rơi…
   Trong cuộc sống vui ít, buồn nhiều, con người nhiều lúc cô đơn, cô đơn trong tâm tưởng và cả trong cuộc sống, mùa đông gió lạnh xạc xào, nỗi trống trải lại càng xâm chiếm tâm hồn:
Đêm đông gió lạnh tràn về
Mong manh áo mỏng, ta về nhà ta
Nhà ta gần với người ta
Cách vài con ngõ mà xa vời vời
          (Đêm đông, Nguyễn Thị Bình)
   Nguyễn Thị Tuấn Uyển nói về một tình yêu đã xa vời vợi, nhưng vẫn còn thổn thức trong ký ức hôm nay:
Gió đồi mua miên man ai gọi
Lại rung lên nhịp đập ban đầu
Gối ký ức để lên lồng ngực
Hoa sữa lại bay về ngập khoảng trời riêng
(Bâng khuâng gửi gió,
                         Nguyễn Thị Tuấn Uyển)
   Quỳnh Mai nói về nỗi cô đơn của hai hồn người; của “một mảnh trăng nghiêng” “Ghé thăm hồn cô quạnh”:
Có một mảnh trăng nghiêng
Ghé thăm hồn cô quạnh
Nhớ người, lòng tê điếng
Ta, một mảnh trăng nghiêng
                (Viếng mộ, Quỳnh Mai)
   Còn Phạm Văn Thết lại nói về kỷ niệm xưa với “một khóm hoa hồng”:
Đường đời còn lắm chông gai
Say tàn cơn mộng, hồng ai vẫn còn
           (Khóm hoa hồng, Phạm Văn Thết)
   Trần Duy Quý tâm sự về sự chia ly, mất mát, cô đơn của người phụ nữ trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại:
Bằng lăng tím sẫm một màu
Chiến tranh qua vẫn trên đầu mình em
Bao mùa lá rụng bên thềm
Bao mùa trăng đổ bạc trên tóc gầy
   (Bằng lăng tím, Trần Duy Quý)
   Thời gian trôi đi, con người và xã hội  đổi thay, Bành Phương Lan nói về một thực trạng xã hội ngày nay trong bài “Đám cưới mẹ”:
Thêm lần bước xuống đò ngang
Bồng theo cả tiếng ru sang nhà người
Mẹ đi tìm lại nụ cười
Con về nhặt tiếng à… ơi của bà…
   Vũ Thị Minh Thu trong bài “Hoa cỏ may” nói về cô gái xưa đi lấy chồng như giọt mưa rơi, như con đò “sang sông” nhìn bông cỏ may mà nghĩ đến phận mình làm thân con gái 12 bến nước biết bến nào đục, bến nào trong, may thì được nhờ, rủi thì phải chịu, như kiếp cỏ hoa “Loài trong bình quý, kẻ hòa gió sương”:
Cỏ may hoa dại ven đường
Người qua, người lại chẳng vương tơ lòng
Hôm nay có khách má hồng
Sang sông nhìn thấy mà lòng xót xa
Cũng là một kiếp cỏ hoa
Loài trong bình quý… kẻ hòa gió sương
          (Hoa cỏ may, Vũ Thị Minh Thu)
   Tình yêu luôn luôn hiện hữu trong thơ ca, một đề tài muôn thuở, không có tận cùng, không có kết thúc:
Anh nghe tiếng nước sông Cầu
Lơ thơ… như lời em hát
Câu ca dao nào xanh mát
Cho anh thương đến bây giờ
            (Sông Cầu, Nguyễn Đình Triển)
   Phùng Tường trong bài “Về miền thương nhớ” nghĩ về Đông Côi, chợ Hà, về “cô hàng xén” ở cái thời như đã quá xa vời:
Đã lâu rồi không về Đông Côi
Sông Đuống xuôi trôi, chợ Hà thầm nhắc
Anh có về với tiếng gọi Luy Lâu
Những cô hàng xén bây giờ ở đâu?!
Và:
Em lấy chồng rồi ở tận mãi đâu đâu…
Chỉ còn mình sông Đuống -
           Đôi bờ vẫn ngát nương dâu…!
   Mảng thơ thế sự, được nhiều người quan tâm, rút ra từ trong chính cuộc sống của  mình từng trải qua và những điều mắt thấy tại nghe:
Tôi trở về nghe tiếng mẹ đưa nôi
Câu hát ru cánh cò bay trong nắng
Ngôi nhà xưa vẫn còn… giờ trống vắng
Dòng sông xưa trẻ nhỏ vẫn đùa vui
Mà trong tôi lòng dạ bùi ngùi
Năm tháng qua đi giờ tôi trở lại
Ngô xanh mướt trên bãi bờ thoai thoải
Tiếng ai xa… Vọng lại gọi đưa đò.
      (Có một dòng sông, Đào Kim Quy)
   Mai Văn Hoan trong bài “Rượu quê” lấy rượu để nói về cái “chất men quê nhà”, về thế sự, về nỗi lòng mình:
… Đã từng nếm rượu trăm miền
Vẫn không quên được chất men quê nhà
… Men quê đã ngấm vào hồn
Rưng rưng còn mất, chập chờn hợp tan…
Mặc đời bao nỗi bi hoan
Gặp nhau ta cứ say tràn cung mây!
Khi nào về với cỏ cây
Chỉ xin rưới một chén đầy… rượu quê!
            (Rượu quê, Mai Văn Hoan)
   Quá khứ, hoài niệm trong kí ức xa xôi nhiều lúc nổi lên cồn cào trong tâm tưởng những người thơ một nỗi buồn luyến tiếc khôn nguôi:  
Ta về tìm lại bóng ta
Của ngày xưa ấy còn là hôm nay
… Về tìm sợi tóc trên đầu
Hoa tầm xuân nở trắng phau cả rồi
(Tìm lại ngày xưa, Nguyễn Văn Doanh)
   Quy luật tự nhiên là vô cùng khắc nghiệt, cái cũ mất đi để cái mới ra đời, ta phải chấp nhận, không có gì cưỡng lại được:
Cái mất nuôi sống cái còn
Giầu nghèo rồi cũng bước mòn thời gian
Anh đem tuổi trẻ tặng nàng
Em đem hoa trái nở vàng muôn sau
        (Lê Thanh Long, Em và anh)
   Trong bài “Tiễn Xuân” Trần Đức Trí nói về cái xuân thì, xuân sắc, tuổi thanh xuân - mùa xuân cuộc đời đang dần trôi đi, mất đi, không gì cưỡng lại được quy luật của tạo hóa, hình ảnh “hoa đào” là vẻ đẹp tuổi xuân của con người, “chôn hoa đào” là cách nói hình tượng về sự mất mát của tuổi thanh xuân:
Ai ngồi đếm tiếng chuông rơi
Vẳng nghe tiếng nhạn lạc trời mà đau
Xa xôi đứt mấy nhịp cầu
Vườn xưa còn ngát hương cau quê nhà
Áo em mờ tím hoa cà
Mẹ già ngả bóng như là hoàng hôn
Xuân đi lành lạnh trong hồn
Mưa phùn gió bấc về chôn hoa đào
   Vẫn còn rất nhiều bài thơ, câu thơ mà  tác giả bài viết muốn điểm qua, muốn nói tới, nhưng bài viết đã dài, để kết thúc xin được gửi đến bạn đọc bài thơ “Trường Xuân gửi bạn xa gần” như một lời tri ân, một lời cảm ơn chân thành:
Trường Xuân đứng giữa cõi đời
Bao người gửi gắm, bao người mến yêu
Câu thơ bay dọc ngọn triều
Bài văn ấp ủ một chiều thoát thai

Em như hoa bưởi hoa nhài
Gửi người nắng ấm ban mai mặn nồng
Trường Xuân cuồn cuộn tóc bồng
Còn như cô gái tuổi hồng đang xuân

Nắng vàng nâng nhẹ bước chân
Đã yêu thì đến chớ ngần ngại xa
Trường Xuân trong ngọc trắng ngà
Xuân em mãi mãi vẫn là mãi Xuân

Trường Xuân kết bạn xa gần
Dắt tay nhau đến cõi thần tiên thơ.
                  Hà Nội ngày 02/4/2017
                         Lê Thanh Long

Chủ tịch Thi đàn Bình thơ Trường Xuân Việt Nam

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Gió đông, gió xuân hay gió mùa?

GIÓ ĐÔNG, GIÓ XUÂN HAY GIÓ MÙA…?
(Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông)

   Câu thơ “Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” được chú giải là: Dùng ý câu thơ của Thôi Hộ để nói không thấy bóng dáng nàng Kiều ở đây, chỉ thấy hoa đào vẫn cười với gió đông như năm xưa mà thôi. Thôi Hộ đời Đường, nhân tiết Thanh minh, đi đến nơi kỳ ngộ, tìm người con gái đã gặp gỡ năm trước thì chỉ thấy cửa đóng, người đi đâu vắng, nhân đó mà làm bài thơ, trong có câu: “Nhân diện bất tri hà xứ khử, hoa đào y cựu tiếu đông phong”. Nghĩa là: “Mặt người không biết đi đằng nào, hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ”.
   Ta chú ý tới sự kết hợp chặt chẽ, gắn bó giữa hai câu thơ lục bát trên của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. “Trước sau nào thấy bóng người” là chỉ sự vắng vẻ, ở nơi đây không “thấy” một “bóng người” nào. “Bóng người” ở đây là ám chỉ ai? Nguyễn Du tả Kim Trọng đứng đó mà không thấy “bóng người” xưa, không thấy Thúy Kiều, không thấy bất cứ ai! Liên kết câu thơ trên với câu “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” rõ ràng “hoa đào” ở đây không phải để tả bông hoa đào mà để chỉ Thúy Kiều năm xưa; lúc Kim Trọng gặp như một bông “hoa đào” rực rỡ bung nở như “cười” với gió đông. Cô gái đẹp tuổi trăng tròn Thúy Kiều như “hoa đào” mùa xuân nở ra một vẻ đẹp kiều diễm, phơi phới trước “gió” đông. Cái “gió” đông đánh thức mọi vẻ đẹp của người thiếu nữ đang tuổi dậy thì. Cái “gió” đông đó chính là chàng trai Kim Trọng - cái luồng “gió” tình yêu say đắm, cũng như hoa đào khi có gió đông thì bung nở.
   “Gió đông” hay là “gió xuân”? Trong văn chương và nhất là trong thơ người ta hay nói một cách hình tượng thì dùng “gió xuân” là cách nói hay chung chung, dễ được chấp nhận, người đọc muốn hiểu “gió xuân” thổi từ đâu tới, thổi từ hướng nào tới thì hiểu, cần gì phải nói cụ thể ra là “gió đông”. “Gió đông” người đọc có thể hiểu là “gió” từ hướng “đông” thổi tới, hay “gió” mùa “đông” và trong thực tế liệu gió ở Trung Quốc vào mùa xuân , khi hoa đào nở, có phải là “gió đông” chỉ thổi theo một hướng “đông” hay không? Vậy tại sao Thôi Hộ cứ phải khăng khăng nói “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Hoa đào còn cười với gió đông như cũ).
   Về phái gió xuân tìm thấy ở sách Đường Thi của cụ Lệ Thần. Cụ Lệ Thần đã chép rất rõ là xuân phong ở cả hai dạng Quốc ngữ và chữ Nho. Tuy nhiên khi dịch bài thơ của Thôi Hộ bằng thể thơ lục bát cụ Lệ Thần vẫn dịch là: “Hôm nay, năm ngoái, cửa cài/ Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi/ Mặt người chẳng biết đâu rồi/ Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.
   Ta lại có dịp liên hệ đến câu thơ của Nguyễn Du “Tường đông ong bướm đi về mặc ai”. Trai thanh, gái lịch - “ong bướm” chẳng có thể đi qua được bức “tường đông” cái bức “tường” vô hình, mà muốn vào đến chỗ phòng các cô gái ở phía “đông” thì đều buộc phải đi qua cổng chính. “Tường đông” là cách nói hình tượng, vậy “gió đông” cũng chỉ là cách nói hình tượng, cái “gió” thổi đến căn phòng của các cô gái ở phía “đông”, mà ở đây là chỉ cô Thúy Kiều - cái cô “hoa đào năm ngoái” “còn cười” với “gió đông” là anh Kim Trọng đã tìm đến cái phía “đông” chỗ cô Kiều ở.
   Trong truyện Tam quốc diễn nghĩa Gia Cát Lượng nói với Chu Du: Muốn đánh Tào Công/ Phải dụng hỏa công/ Muôn việc đã đủ/ Chỉ thiếu gió đông.
   Trận Xích Bích là một trận đánh lớn cuối thời Đông Hán có tính chất quyết định đến cục diện chia ba thời Tam Quốc. Trận đánh diễn ra vào mùa đông năm Kiến An thứ 13 (tức năm 208) giữa liên quân Tôn Quyền - Lưu Bị với quân đội lấy danh nghĩa triều đình của Tào Tháo. Trận Xích Bích kết thúc với chiến thắng quyết định của phe Tôn - Lưu, tạo cơ sở cho việc hình thành hai nước Thục Hán và Đông Ngô. Vị trí chính xác của trận Xích Bích cho đến nay vẫn là điều gây tranh cãi. Phần lớn các học giả cho rằng Xích Bích nằm ở đâu đó trên bờ nam Trường Giang giữa Tây Nam Vũ Hán ngày nay và Đông Bắc Ba Khâu (nay là thành phố Nhạc Dương)  
   Trước khi lâm trận trong một đêm đông ở thủy trại, Tào Tháo ngồi uống rượu và nhân hứng làm bài thơ “Đoản ca hành kỳ 1” (Bài hát ngắn kỳ 1) có đoạn: “Trước rượu nên hát/ Đời người bao lâu?/ Giống như sương sớm/ Ngày qua khổ đau/ Nghĩ tới ngậm ngùi/ Buồn lo suốt đời/ Lấy gì quên được?/Chỉ rượu mà thôi/ Xanh xanh áo ai/ Lòng ta bồi hồi/ Chỉ vì ai đó…”
   Thời điểm diễn ra trận Xích Bích là vào thời tiết mùa đông rõ rệt, khi đó chỉ có gió Tây - Bắc, nên Tào Tháo hết sức an tâm. “Thời điểm rét nhất chỉ có gió Tây Bắc chứ làm gì có gió Đông Nam. Quân ta ở hướng Tây Bắc, quân địch ở bờ nam, nếu chúng châm lửa chẳng phải tự đốt quân mình hay sao, ta sợ gì?”
   Mọi sự chuẩn bị cho trận Xích Bích đã sẵn sàng nhưng chỉ thiếu gió đông. Một hôm, Chu Du đứng quan sát động tĩnh quân Tào thì gió Tây - Nam nổi lên, đập cả cờ phướn vào mặt.
   Chu Du vì quá lo lắng nên thổ huyết mà ngã xuống bất tỉnh. Nghe tin, Gia Cát Lượng mượn cớ đến thăm và viết mật thư 16 chữ: “Dục phá Tào công, nghi dụng hỏa công; Vạn sự cụ bị, chỉ kiếm đông phong”. Câu này có nghĩa là muốn đánh bại Tào tháo thì nên dùng hỏa công, mọi sự chuẩn bị đã xong, chỉ chờ gió đông.
   Vui mừng vì Gia Cát Lượng hiểu được nỗi lo lắng của mình, Chu Du hỏi xem Lượng có kế gì hay. Gia Cát Lượng tự tin nói mình có tài “hô phong hoán vũ”, mượn gió đông 3 ngày 3 đêm để giúp Đông Ngô đánh Tào Ngụy.

   Theo yêu cầu của Gia Cát Lượng, Chu Du cho người lập Thất tinh đàn ở phía nam Tịnh Sơn, tạo điều kiện để Lượng hàng ngày cầu khấn. Mặt khác, Chu Du cũng ra lệnh cho Hoàng Cái chuẩn bị sẵn 20 thuyền nhẹ chất đầy vật dễ cháy để chuẩn bị đánh Tào. Nhiều ngày trôi qua mà thời tiết chưa có dấu hiệu biến chuyển khiến Chu du lo lắng. Nhưng đến một ngày, gió Đông Nam bỗng nhiên thổi mạnh. Chu Du chỉ chờ có vậy phất cờ tấn công. Hoàng Cái soái lĩnh đội thuyền hỏa công, vờ ra hàng Tào Tháo để tìm cách đến gần rồi bất ngờ phóng hỏa, thiêu cháy chiến thuyền Tào Ngụy. Gió đông càng thổi mạnh khiến lửa bén nhanh, chỉ trong chốc lát, hàng trăm chiến thuyền chìm trong biển lửa.

   Trên thực tế, Gia Cát Lượng không phải là người giỏi trong việc dự báo thời tiết, ông chỉ có thể đoán ngày nào có gió đông chứ không “mượn” được gió. Gia Cát Lượng là người am hiểu về Kinh Dịch, nên lợi dụng sự biến đổi định kỳ của thời tiết để giúp quân sĩ có sức chiến đấu tốt nhất.
   Theo cách lý giải khoa học, Xích Bích là khu vực nằm ở phía đông, gần khu vực sông Trường Giang. Vào mùa đông, vùng đất này hạ nhiệt độ nhanh hơn ở trên sông, tạo thành các khối khí áp cao, giúp cho xuất hiện gió Đông Nam trong từng khoảng thời gian nhất định.
   Theo các học giả Trung Quốc, Gia Cát Lượng có thể dự đoán sự xuất hiện của gió Đông Nam nhờ khả năng tinh thông địa lý và thiên văn, ông có thể nhận ra những hiện tượng bất thường để biết được dấu hiệu thời tiết thay đổi.
   Cũng có thể gió đông giúp thiêu cháy chiến thuyền Tào Tháo trong trận Xích Bích chỉ là lời thêu dệt. Nếu không có gió, liên minh Lưu Bị - Tôn Quyền vẫn có thể sử dụng các yếu tố về địa hình để dùng hỏa công.
   Sau này, khi đọc Kinh Dịch, Tào Tháo đã ngộ ra nguyên nhân thất bại của mình là bởi yếu tố thời tiết và chỉ còn biết cười lớn.
   Như vậy trong trận Xích Bích Gia Cát Lượng và Chu Du đợi gió Đông - Nam chứ không phải gió Đông. Trong thực tế không có gió thổi chính hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mà thường là gió mùa theo hướng Đông - Nam, Đông - Bắc… Trong văn chương người ta chỉ nói hướng gió chính, nói một cách biểu trưng. Ví dụ gió Đông là gió mùa Đông - Bắc vào mùa xuân, mùa hè có gió mùa Đông - Nam… Nói Đông phong phải hiểu là gió mùa Đông  Bắc, chứ không có gió chỉ thổi theo chính hướng Đông. Vào mùa Đông ở Trung Quốc có gió Tây - Bắc, vào mùa xuân có gió mùa Đông - Bắc, thổi từ vùng lạnh phía Bắc xuống. Còn vào mùa hè có gió nồm Nam; gió nóng thổi từ vùng Xich Đạo Đông - Nam lên, giống như ở Việt Nam.
   Gió đông không phải là gió xuân; gió mùa xuân. Gió mùa xuân là gió Đông - Bắc. Gió mùa  đông là gió Tây - Bắc. Gió mùa hè là gió nồm Nam, thực tế gió mùa hè là gió Đông - Nam. Gió chuyển từ Tây - Bắc sang Đông - Bắc rồi Đông - Nam, thời tiết sẽ chuyển dần từ mùa đông, sang xuân, rồi sang hè.
   Điều gì tạo ra mùa? Nói một cách ngắn gọn Trái Đất có các mùa khác nhau là do trục nghiêng của Trái Đất; trục quay của Trái Đất nghiêng một góc 23° 27’  so với trục thẳng đứng (trục thẳng đứng là trục vuông góc với mặt phẳng chuyển động quanh mặt trời của trái đất), nên vào mùa hè thì Bắc bán cầu nhận được nhiều ánh sáng hơn, ngược lại vào mùa đông thì ít nhận được ánh sáng hơn. Nếu trục quay của trái đất không nghiêng thì sẽ không có các mùa. Khí hậu sẽ không thay đổi. Thời tiết các mùa còn do vị trí của Trái Đất chuyển động so với Mặt Trời, được quyết định bởi sự tiếp nhận năng lượng Mặt Trời nhiều hay ít.
   Người ta chia một năm ra bốn mùa. Các nước theo dương lịch ở bán cầu Bắc lấy bốn ngày: xuân phân (21/3), hạ chí (22/6), thu phân (23/9) và đông chí (22/12) là bốn ngày khời đầu của bốn mùa. Ở bán cầu Nam, bốn mùa diễn ra ngược với bán cầu Bắc.

Trái đất quay quanh mặt trời tạo ra các mùa.

   Nước ta và một số nước châu Á quen dùng âm - dương lịch, thời gian bắt đầu của các mùa được tính sớm hơn khoảng 45 ngày :
-    Mùa xuân từ 4 hoặc 5/2 (lập xuân) đến 5 hoặc 6/5 (lập hạ).
-    Mùa hạ từ 5 hoặc 6/5 (lập hạ) đến 7 hoặc 8/8 (lập thu).
-    Mùa thu từ 7 hoặc 8/8 (lập thu) đến 7 hoặc 8/11 (lập đông).
-    Mùa đông từ 7 hoặc 8/11 (lập đông) đến 4 hoặc 5/2 (lập xuân).

   Ở Trung Quốc do vị trí các khu vực ở phía bắc, có khu vực xa biển, có khu vực gần biển, có khu vực là bình nguyên, có khu vực là núi cao, có khu vực gió thường thổi theo hướng này nhưng cũng có khu vực gió thổi theo hướng kia. Như thế trong cùng một thời gian, khí hậu ở các khu vực là khác xa nhau. Ví dụ vào tháng 1 ở Cáp Nhĩ Tân băng tuyết phủ đầy mặt đất nhưng ở Quảng Châu lại toàn nhìn thấy hoa đỏ lá xanh. Để biểu thị các mùa vốn có ý nghĩa thực tế người ta đã ứng dụng sự cao thấp về nhiệt độ để phân chia. Phương pháp phổ biến ở Trung Quốc là lấy nhiệt độ bình quân 10°C của mỗi hậu (5 ngày là một hậu) làm nhiệt độ phân chia ấm lạnh. 22°C là nhiệt độ phân chia ấm nóng. Dưới 10°C là mùa đông, giữa 10°C  - 22 °C là mùa xuân, trên 22°C là mùa hè. Căn cứ vào tiêu chuẩn này để chia mùa, chính vì thế độ dài ngắn của 4 mùa ở các khu vực khác nhau thì sẽ khác nhau.
   Mùa xuân ở miền bắc Trung Quốc tương đối ngắn, nói chung không đến hai tháng. Ví dụ ở Bắc Kinh mùa xuân từ 1-5/4 đến 21-25/5, ở Thẩm Dương mùa xuân từ 21-25/4 đến 10-14/6, ở Cáp Nhĩ Tân mùa xuân từ 26-30/4 đến 20-24/6.
   Chiết Giang là một tỉnh ven biển phía đông của Trung Quốc. Tên gọi Chiết Giang lấy theo tên cũ của con sông Tiền Đường chảy qua Hàng Châu - tỉnh lỵ Chiết Giang, nơi có lầu Ngưng Bích. 
   Tên gọi tắt của tỉnh này là Chiết. Chiết Giang giáp giới với tỉnh Giang Tô và thành phố Thượng Hải về phía bắc, An Huy và Giang Tây về phía tây và Phúc Kiến về phía nam, phía đông giáp biển Hoa Đông. Trong tiếng Việt, Chiết Giang hay bị viết nhầm thành Triết Giang.
   Chiết Giang nằm ở vùng chuyển tiếp khí hậu giữa đại lục Âu-Á và vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, có khí hậu cận nhiệt đới gió mùa điển hình, bốn mùa rõ rệt. Mùa xuân từ tháng 3 đến tháng 5, mưa nhiều và khí hậu cũng biến đổi lớn; mùa hè từ tháng 6 đến tháng 9, mưa kéo dài và nhiệt độ rất nóng, ẩm; mùa thu có khí hậu ấm áp và khô; mùa đông không kéo dài song nhiệt độ lạnh. Nhiệt độ trung bình năm là 15 °C-18 °C, nhiệt độ trung bình tháng 1 (tháng lạnh nhất) là 2°C - 8°C và có thể xuống thấp đến -2,2°C đến -17,4°C, nhiệt độ trung bình tháng 7 (tháng nóng nhất) là 27°C-30°C và có thể lên cao đến 33°C - 43°C.
   Do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Á, nên hướng gió và lượng mưa có sự thay đổi đáng kể giữa mùa hè và mùa đông. Lượng giáng thủy hàng năm là 980 - 2000 mm, số giờ nắng trung bình năm là 1.710-2.100 giờ. Vào đầu mùa hè có lượng mưa lớn, thường gọi là "Mai vũ quý tiết" (mùa mưa gió mùa Đông Á), song tỉnh thường chịu ảnh hưởng của các cơn bão nhiệt đới từ Thái Bình Dương vào cuối hè. Vào mùa hè, gió đông nam chiếm ưu thế. Vào mùa đông, hướng gió lại chuyển thành hướng tây bắc, nhiệt độ cao dần từ bắc xuống nam.
   Do nằm trên vùng chuyển tiếp giữa vùng có vĩ độ thấp và trung bình, nằm ở ven biển, kết hợp với việc có địa hình nhấp nhô lớn, lại phải chịu ảnh hưởng kép của gió mùa nhiệt đới và khối khí lạnh lục địa, Chiết Giang là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của các cơn bão tại Trung Quốc.
   Hàng Châu có khí hậu cận nhiệt đới ẩm với 4 mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình hàng năm của Hàng Châu là 16,2 °C. Mùa hè nóng ẩm, trong khi mùa đông mát mẻ và khô hanh. Vào tháng 7, tháng nóng nhất trong năm, nhiệt độ trung bình xấp xỉ 33,8 °C; vào tháng 1 nhiệt độ trung bình khoảng 3,6 °C. Lượng mưa hàng năm là 1450 mm. Vào giữa mùa hè, Hàng Châu và nhiều thành phố khác của tỉnh Chiết Giang phải hứng chịu khá nhiều cơn bão từ biển Hoàng Hải, nhưng hiếm khi bị các cơn bão tấn công trực tiếp.
   Viết đến đây, không biết cụ Thôi Hộ và cụ Nguyễn Du nếu đọc những dòng này, sẽ nghĩ gì? Không biết các cụ có nổi cáu lên không? Dù thế nào, cũng đến lúc phải hạ bút rồi, tác giả xin được kết thúc bài viết bằng hai câu thơ:
   Lang thang trong “cõi người ta”
   Đi tìm, liệu có tìm ra cái gì!
                                                                      
                                             Hà Nội ngày 25.3.2017

                                               LÊ THANH LONG