Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Chứng cứ về thời gian Nguyên Du hoàn thành tác phẩm Truyện Kiều


CHỨNG CỨ VỀ THỜI GIAN NGUYỄN DU
HOÀN THÀNH TÁC PHẨM TRUYỆN KIỀU

                                                            LÊ THANH LONG

Đã có nhiều phỏng đoán về thời gian Nguyễn Du viết “Đoạn trường tân thanh” tức Truyện Kiều, nhưng đó vẫn chỉ là phỏng đoán.
Truyện Kiều được khắc in sớm nhất là vào năm 1866, lấy tên là Kim Vân Kiều tân truyện (bản Liễu Văn Đường), tức 46 năm sau khi Nguyễn Du mất.
Vậy có chứng cứ nào xác định được thời gian Nguyễn Du đã hoàn thành tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” không?
Người đầu tiên đọc “Đoạn trường tân thanh” có chứng cứ lưu lại là tiến sĩ Phạm Quý Thích, vì ông đã viết bài thơ “Đoạn trường tân thanh hữu cảm”.
Phạm Quý Thích là bạn thân của danh sĩ Nguyễn Du. Chính ông là người đầu tiên đem Truyện Kiều ra bình phẩm với học trò, làm bài thơ Đoạn trường tân thanh hữu cảm (thường gọi là Tổng vịnh Truyện Kiều).
Phạm Quý Thích mất sau Nguyễn Du 5 năm (1820 và 1825), có lẽ ông cũng chỉ được đọc “Đoạn trường tân thanh” qua bản chép tay.
Không thể xác định được Phạm Quý Thích đã đọc “Đoạn trường tân thanh” và làm bài thơ “Đoạn trường tân thanh hữu cảm” khi nào, trước khi Nguyễn Du qua đời hay sau khi Nguyễn Du mất.
Thông tin Nguyễn Du đưa “Đoạn trường tân thanh” cho Phạm Quý Thích khắc in do ông Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim đưa ra là không có cơ sở và không chính xác.
Người thứ hai đã đọc “Đoạn trường tân thanh” là tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng. Năm 1930 ông mắc tội bị hạ ngục và soạn ra bài “Tựa Kim Vân Kiều oán”, có đoạn “… Mùa đông năm Canh Dần (1830), tôi bị hạ ngục, suốt ngày ngồi ngây, không biết lấy gì để khuây khỏa. Nhân thường đọc Truyện Kiều Nôm nay cũng lĩnh hội được lời lẽ, rồi ngẫm kỹ về văn chương… “. Không biết Nguyễn Văn Thắng đã được đọc bản chép tay “Đoạn trường tân thanh” từ lúc nào, tất nhiên là trước năm 1830.
Hai thông tin quan trọng này cũng không cho ta biết “Đoạn trường tân thanh” đã được lưu truyền trước khi Nguyễn Du mất hay sau khi Nguyễn Du mất.
Nhưng có một thông tin quan trọng khác có thể làm sáng tỏ được điều thắc mắc ở trên. Tia sáng le lói này hóa ra lại là chứng cứ rất chắc chắn, đáng tin cậy nhất về thời gian “Đoạn trường tân thanh” được lưu truyền ra bên ngoài.
Mọi người đều biết Nguyễn Du đã từng đọc “Hoa Tiên truyện” của Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790) và chịu ảnh hưởng của Hoa Tiên khi sáng tác Truyện Kiều. Hoa Tiên truyện của Nguyễn Huy Tự có độ dài 1532 câu thơ lục bát đã được Nguyễn Thiện nhuận sắc sau khi đọc “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du, có độ dài 1826 câu thơ lục bát.
Nguyễn Thiện là một nhà thơ Việt Nam thời Lê trung hưng và thời Nguyễn. Ông là người ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con Điền Nhạc hầu Nguyễn Điều. Ông gọi Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm là ông nội, gọi Toản Quận công Nguyễn Khản (bố vợ Nguyễn Huy Tự) bằng bác, và gọi danh sĩ Nguyễn Du bằng chú.
Nguyễn Thiện mất trước Nguyễn Du 2 năm (1818), Nguyễn Du (1820). Như vậy Nguyễn Thiện đã nhuận sắc xong Hoa Tiên trong thời Nguyễn Du còn sống, trước năm 1818, có thể là năm 1817, trước khi mất một năm. Như vậy Nguyễn Thiện có thể đã đọc Đoạn trường tân thanh khoảng năm 1815, nếu ta cho rằng Nguyễn Thiện đã mất 2 năm để nhuận sắc Hoa Tiên. Như vậy Nguyễn Thiện đã đọc Đoạn trường tân thanh khoảng năm 1815, trước khi Nguyễn Du mất 5 năm. Từ đây có thể cho rằng Nguyễn Du đã hoàn thành tác phẩm Đoạn trường tân thanh muộn nhất là vào năm 1815, tức là trước khi ông mất 5 năm, sau khi đi sứ Trung Quốc về 2 năm. Sau khi đi sứ về, Nguyễn Du được vua Gia Long phong chức Hữu Tam Tri Bộ Lễ, tước Du Đức hầu. Từ năm 1814 -1820 Nguyễn Du sống và làm quan ở Huế. Sau Bắc hành tạp lục Nguyễn Du không có tập thơ nào nữa, có lẽ thời gian này ông tập trung để hoàn thành tác phẩm Truyện Kiều.
                                                  Hà Nội ngày 26.3.2020
                                                     LÊ THANH LONG

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

TỨ THƠ LÀ GÌ


TỨ THƠ LÀ GÌ

                                   LÊ THANH LONG

Tứ thơ là một khái niệm rất quen thuộc trong thi ca, nhưng là một khái niệm khá trìu tượng, mơ hồ, vẫn làm khó cho những người làm thơ muốn tìm hiểu về nó, mặc dù đã có nhiều người bàn về vấn đề này.
Tứ thơ (thi tứ), một khái niệm hết sức hàm súc, phong phú mà nền văn hóa Á Đông lâu đời của chúng ta đã đúc kết được.
Ý và tứ trong thơ hòa quyện với nhau, không thể tách ý thơ ra khỏi lời thơ. Ý là nội dung, ý nghĩa bài thơ. Tứ là linh hồn bài thơ, cái làm toát lên vẻ đẹp, sắc thái của bài thơ. Ý trong thơ không rõ ràng như trong văn xuôi, nó mơ hồ, huyền ảo, lung linh, không dễ nắm bắt, thông qua tứ thơ để hiểu ý trong bài thơ.
Khái niệm tứ thơ được bàn tới cách đây hơn 1500 năm. Trong Văn tâm điêu long, ở thiên Thần tứ, Lưu Hiệp (đời nhà Lương) đã bàn rất sâu và rất kỹ về tứ. Theo ông, tứ thơ là một cái gì đó rất phi thường: “Cái tứ của văn chương, cái thần của nó xa lắm. Cho nên khi ta lặng lẽ ngừng suy nghĩ lại một chỗ thì cái tứ tiếp với ngàn năm. Ta trầm lặng thay đổi sắc mặt một chút thì cái nhìn của ta đã thông suốt đến vạn dặm”.
Nhiều nhà thơ đã nói về tứ thơ:
- Tứ thơ là xương sống của bài thơ.
- Tứ thơ là trụ cột của ngôi nhà thơ.
- Tứ thơ là nhân ở trung tâm bài thơ, chi phối ra toàn bài thơ.
- Tứ thơ là cách liên kết, cấu trúc của các ý thơ nhằm tập trung thể hiện có hiệu quả nhất chủ đề trữ tình.
Những khái niệm này cũng đã tiếp cận phần nào về tứ thơ, nhưng dường như điều bí mật của tứ thơ vẫn chưa được hé mở.
Về tầm quan trọng của tứ thơ, Xuân Diệu đã viết: “Ngôn từ, lời chữ, vần rất là quan trọng, bởi thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ. Tuy nhiên, đó là cái quan trọng thứ hai. Mà cái quan trọng thứ nhất làm rường cột cho tất cả là cái tứ thơ, nó chủ đạo cả bài. Làm thơ khó nhất là tìm tứ”.
Đứng trên phương diện một bài thơ cụ thể, người ta có thể nêu ra một số nhận định khác:
Một, cốt lõi của bài thơ là cái tứ.
Hai, mỗi bài thơ chỉ có một tứ duy nhất. Ý có thể giống nhau, nhưng mỗi bài thơ chỉ có một tứ.
Ba, yếu tố quan trọng nhất quyết định giá trị một bài thơ chính là cái tứ.
Các nhà nghiên cứu đều cho rằng những bài thơ hay thường có tứ thơ độc đáo. Thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ, nhưng đó mới chỉ là điều quan trọng thứ hai, làm thơ khó nhất là tìm tứ. Thơ là cách tổ chức ngôn ngữ cực kì độc đáo, bắt người tiếp nhận phải nhớ, ngạc nhiên, cảm xúc về cách tổ chức ngôn ngữ đó.
Thơ sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, cái độc đáo, kì lạ, thú vị, nó thể hiện tài năng của tác giả. Chủ đề của bài thơ là nói về cái gì, tứ thơ là nói bằng cách nào cho độc đáo, kết thúc bài thơ hay thường bất ngờ, nâng tầm bài thơ lên một đỉnh cao mới. Tứ là cái cách để thể hiện ra cái ý định nói, muốn nói. Như vậy có nhiều cách để thể hiện ra một ý nào đó, một điều suy nghĩ nào đó, định mô tả. Nhưng cái cách thể hiện ra đó phải độc đáo, khác thường thì mới được gọi là tứ.
Cùng là một ý, nhưng thơ của mỗi người mỗi khác vì cách diễn đạt ý không ai giống ai. Đó là vì tứ mỗi người một khác. Trong một trường thi ngày xưa tất cả các thí sinh có chung một đề thi là làm một bài thơ theo một chủ đề, kết quả là có bao nhiêu thí sinh tham gia thì có bấy nhiêu bài thơ mà không bài nào giống bài nào vì cách diễn đạt ý đã cho không ai giống ai. Người diễn đạt hay nhất thì đỗ trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, cách diễn đạt đó chính là tứ thơ. Cho nên thơ phải có tứ, thơ nào tứ ấy, chỉ có tứ thơ hay, hoặc tứ thơ không hay chứ không có bài thơ mà không có tứ.
Tứ thơ thể hiện tài năng sáng tạo của nhà thơ, tứ thơ càng kín đáo càng hay. Lê Quý Đôn có lời khuyên về thi pháp thơ “Mạch kị thẳng, ý kị lộ”. Tứ thơ thường có mục đích quy tụ đến một tư tưởng nào đó cao hơn. Tư tưởng này lại do chính người đọc tiếp nhận, phát hiện ra, thông qua tứ thơ, chứ không phải do tác giả áp đặt. Khi đi sâu vào phân tích tứ thơ của một bài thơ, có khi lại làm hỏng mục đích của người muốn phân tích, vì vậy người ta chỉ nói đến tứ thơ chung chung, để người đọc tự hiểu về cái tứ thơ vô hình đó.
Có người nói: “Tứ thơ là một khám phá”. Rất cô đọng và chính xác. Đây mới thực sự đi vào đặc trưng của lao động sáng tạo trong thế giới tinh thần nhiều ảo diệu mơ hồ là thơ.
Tứ thơ mang nội hàm khám phá chủ yếu ở ba yếu tố chính: khác thường, đột biến, bất ngờ.
Một bài thơ gọi là có tứ, phải ít nhất có một trong ba yếu tố ấy, hay nói cách khác, không có khám phá thì không thành tứ và không thành thơ, chỉ là văn vần giống như thơ mà thôi.
Trần Huyền Trân có bài thơ lục bát tuyệt hay “Ngõ trúc” sau này đổi lại là “Thu”:
Mưa rơi trắng lá rau tần
thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa
người về khép lại song thưa
để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng
Mưa rơi phủ trắng lá rau tần là mưa bay mù trời, như sương khói bốc lên từ thuyền tình ai đó đang xa dần bến mưa, bến chia ly “thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa”. Người đi, “khép lại song thưa”, “để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng”, cái ngõ trúc ngày xưa với mối tình của đôi trai gái đẹp như mơ, vậy mà bây giờ chỉ còn lại những chiếc lá vàng “tương tư” héo úa, và nỗi niềm khổ đau. Bài thơ nói về nỗi buồn chia ly.
Chắc ít người nhớ bài thơ “Về đây” của Cung Trầm Tưởng:
Về đây tôi lại gặp tôi
lang thang lối cũ trước đồi sau nương
ngô đồng lả ngọn thuần lương
trời cao không đỉnh, mến thương không bờ
cố tri khóm trúc bây giờ
vẫn bừng hoa nở đứng chờ lối xưa
vẫn hanh vàng nắng toả vừa
hiu hiu tùng rủ bóng chưa hao gầy
về đây tôi lại về đây
non lên thắm nhớ, chiều đầy khoan dung
chân vui lối rộn khôn cùng
gần xa trời mở vòng cung thâu vào
chân phương lòng thấy nao nao
với muôn thương mến lên cao hôn trời.
Bài thơ nói về nỗi vui của người xa quê khi trở về gặp lại những kỷ niêm xưa, với nỗi niềm nhớ thương vô bờ bến.
Cái tứ thơ kỳ diệu, huyền hoặc đã làm cho bài thơ không bao giờ cũ, chính tứ thơ đã làm cho bài thơ trở nên bất tử.

                                              Hà Nội ngày 18.3.2020

                                                  LÊ THANH LONG

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

BẠCH MÃ TRỞ VỀ


BẠCH MÃ TRỞ VỀ

                                      LÊ THANH LONG

Một chàng ngựa non đang chạy nước kiệu trên đồng cỏ mênh mông. Gió mơn man vuốt ve, mơn trớn dọc theo bộ tóc bờm mới nhú mềm mại trắng như tuyết. Đôi mắt tròn mở to, long lanh lướt trên đồng cỏ tươi non mênh mông tít tắp tận chân trời, xa hơn những ngôi nhà mái rạ nhỏ xíu san sát, thấp thoáng, ẩn hiện sau những lũy tre, nổi lên là ngôi chùa cổ mái ngói rêu phong.
Chàng ngựa non chuyển từ nước kiệu sang nước đại, phi dọc theo đồng cỏ xanh mướt như ngọc, không ngoái nhìn lại. Mặt trời đỏ rực, ánh vàng rực rỡ, rắc những hạt nắng  ấm áp lên đồng cỏ, ánh lên một màu vàng rực rỡ, huyền diệu. Chàng hăm hở hướng về tương lai, háo hức bước vào cuộc sống mới.

Chàng từ đồng cỏ quê hương băng qua những hẻm núi hiểm trở, gập ghềnh, băng qua những ngọn thác trắng xóa như những con rồng nước đang sà xuống dòng suối mát lạnh, xanh như ngọc bích, băng qua những dòng sông đục ngầu phù sa, hiểm họa thấp thoáng, băng qua những cơn sấm sét, đôi chân cứng cáp, can trường không biết sợ là gì, bước dọc qua thời gian.
Và thời gian cứ thế trôi đi như nước chảy, mây bay, mấy chục năm  qua đi chỉ như cái chớp mắt. Một buổi chiều nọ, nắng quái ánh lên trên đồng cỏ non tơ ngày xưa một màu vàng nhợt nhạt, chàng ngựa ngày nào, bây giờ đã già, bộ tóc bờm dài đã ngả màu xam xám như muối tiêu, chiếc cổ gân guốc, cường tráng xưa, giờ đã trở nên gày gò, nhưng vẫn ánh lên đầy vẻ cương nghị, cố chạy nước kiệu một cách khó nhọc chầm chậm, chầm chậm và dừng lại đúng cái nơi trước đây chàng đã sinh ra, ngước đôi mắt nhìn khắp đồng cỏ, giờ vẫn mơn mởn những chồi non mới nhú, nửa như luyến tiếc, nửa như thỏa mãn, quỳ xuống hôn lên những ngọn cỏ non thơm mùi mật, rồi đột nhiên đứng thẳng lên, ngẩng cao đầu nhìn bầu trời trong xanh, những cánh mây trắng như bông đang lướt qua, đôi mắt ngân ngấn mở to lần cuối, rồi từ từ khép lại một cách mãn nguyện, gió vẫn thổi bay bay bộ tóc bờm dài vắt ngang xuống cổ, rũ xuống che kín đôi mắt vừa khép lại.
Phía xa xa một chú ngựa ô màu đen tuyền lại vừa mới sinh ra, đang nhảy chân sáo và đang tập phi nước kiệu trên cánh đồng cỏ non tơ, bên ngôi làng cổ kính.
                                                                    Hà Nội 6.3.2020
                                                                 LÊ THANH LONG