Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Biên dịch, dịch ngược hay là viết lại

Biên dịch, dịch ngược hay là viết lại

                                                                             LÊ THANH LONG

B
ộ tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện gồm 20 hồi là của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân, người đời Thanh (Trung Quốc) tên là Từ Văn Trường, tức Từ Vị, còn có các bút danh Thiện Tri, Thanh Đằng, Điền Thủy Nguyệt (1521 – 1593), quê ở huyện Sơn Âm, tỉnh Chiết Giang.
   Ỏ Việt Nam ít nhất đang lưu hành ba bản dịch Kim Vân Kiều truyện.
   Bản biên dịch Kim Vân Kiều truyện sớm nhất ra tiếng Việt là của Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung (Hà Nội), Phan Bá Cẩn xuất bản năm 1925. Tân Dân tái bản 1928 - 1929 và gần đây được Bằng Việt giới thiệu, Nhà Xuất bản Văn học cấp phép, Công Ty Văn Hóa Việt in lại năm 2006.
   Tô Nam Nguyễn Đình Diệm có bản dịch khác với đầu đề Kim Vân Kiều truyện, năm 1971. Nhà xuất bản Hà Nội năm 1991 và Nhà xuất bản Hải Phòng tái bản năm 1999.
   Bản dịch Kim Vân Kiều truyện gần đây là của cụ Nguyễn Đức Vân và Nguyễn Khắc Hanh được Nhà Xuất bản Hải Phòng phát hành lần đầu năm 1994 và Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội tái bản năm 1999 với lời giới thiệu của Nguyễn Đăng Na và Nguyễn Hữu Sơn.
  Ở Hoa Kỳ có cuốn Kim Vân Kiều truyện, do Đàm Quang Hưng chuyển ngữ, Yến Thanh xuất bản năm 2013 (Đàm Quang Hưng là Giáo sư Toán, Trường Đại học Cộng đồng Houston, Texas).     
   Trong bài viết này chúng tôi muốn nói về bản biên dịch của cụ Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung. Đã có một số nhận xét về bản dịch này:
    Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia viết: "Bản dịch của cụ Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung (Phan Bá Cẩn xuất bản năm 1925), được Nhà Tân Dân tái bản năm 1928, chỉ lược dịch 17 hồi (bỏ hẳn ba hồi 6, 10, 20), lời dịch sơ sài không bám sát nguyên bản".
   PGS.TS. Nguyễn Đăng Na trong Lời dẫn về văn bản nhận xét “Bản dịch của cụ Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung bị bỏ mất ba hồi và cũng khá tùy tiện thêm bớt”. Nguyễn Hữu Sơn trong Lời giới thiệu nói rõ hơn “Bản dịch sớm nhất ra tiếng Việt là của Nguyễn Duy Ngung…, nhưng bản này không thật trung thành với nguyên tác vì dựa theo Truyện Kiều của Nguyễn Du mà phỏng dịch Kim Vân Kiều truyện”
   Theo Từ điển tiếng Việt: Phỏng dịch là  dịch lấy ý chính, ý chủ yếu, lược bỏ những phần, những ý không quan trọng. Biên dịch là dịch (văn bản, sách) (Trung tâm Từ điển học, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Hà Nội - 2009). Ở đây chúng tôi không bàn đến việc phỏng dịch, biên dịch bỏ ít, bỏ nhiều hay dịch sơ sài, mà bàn đến việc phỏng dịch, biên dịch  không theo nguyên bản, không trung thành với nguyên tác làm méo mó tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và một điều quan trọng hơn thế là lấy thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đưa vào bản phỏng dịch, biên dịch  Kim Vân Kiều truyện một cách tùy tiện theo kiểu “dịch ngược” từ thơ Kiều sang tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện. Điều này sẽ làm cho độc giả hiểu lầm, ngộ nhận và dễ dẫn đến những nhận định, đánh giá sai về tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nếu độc giả không được đọc bản dịch tiếng Việt nguyên bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà chỉ đọc bản phỏng dịch, biên dịch của cụ Nguyễn Duy Ngung, sẽ cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều trong đó có nhiều câu thơ lấy nguyên si từ lời văn của tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện đưa sang, làm mờ đi những giá trị đích thực cuốn Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Ngược lại người đọc lại cảm thấy tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện viết chau chuốt, lời văn hay như thơ.
   Có vô số những câu thơ trong Truyện Kiều được cụ Nguyễn Duy Ngung đưa vào cuốn Kim Vân Kiều truyện phỏng dịch, mà tôi tạm gọi là “dịch ngược” từ Truyện Kiều sang Kim Vân Kiều truyện, ở đây tôi chỉ xin trích dẫn ra một số làm ví dụ.
   Tác giả lấy ví dụ trích dẫn dựa vào ba cuốn sách mới in gần đây nhất. Cuốn Kim Vân Kiều truyện do cụ Nguyễn Duy Ngung dịch, nhà thơ Bằng Việt giới thiệu, được NXB Văn học cấp phép, Công ty Văn Hóa Việt in và phát hành năm 2006, để dễ theo dõi, được đánh số 1. Cuốn Kim Vân Kiều truyện do cụ Nguyễn Đức Vân và cụ Nguyễn Khắc Hanh dịch, Nguyễn Đăng Na và Nguyễn Hữu Sơn giới thiệu, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội tái bản năm 1999, được đánh số 2. Cuốn Truyện Kiều, bản Nôm của Hoàng gia triều Nguyễn (Bản lưu tại thư viện Anh quốc), Nguyễn Khắc Bảo phiên âm, chú giải, khảo dị,  NXB Lao Động, năm 2017, được đánh số 3.



Ví dụ 1:
:
   1.Xưa nay đại phàm những bậc giai nhân tuyệt sắc, thường không được hưởng hạnh phúc giàu sang, mà lại hay gặp những cảnh khắt khe, khổ sở. Xem như Chiêu Quân, Quý Phi, Phi Yến, Linh Đức, Tây Tử, Điêu Thuyền… toàn là những bậc hương trời sắc nước cả, nhưng số mệnh có ra gì đâu. Đó chẳng qua là con Tạo có thói ghét ghen, đã cho được mười phần nhan sắc thì bắt phải chịu mười phần chiết ma, đã cho một chút tài tình, lại tăng lên mấy từng nghiệt chướng. Cái công lệ “bỉ sắc tư phong” của Hóa công, nghĩ cũng hẹp hòi thay!
   Truyện này về đời nhà Minh, triều vua Gia Tĩnh. Khi bấy giờ có một nhà viên ngoại, quê ở Bắc Kinh họ Vương tên Lưỡng Tùng, biểu tự Tử Trinh. Người tính nho nhã ôn hòa, gia tư vào bậc phong lưu. Phu nhân là Hà Thị sẵn nết nhân từ hiền hậu. Ông bà sinh được một trai, hai gái, trai là Vương Quan, cho theo đòi nghiệp học. Hai gái đầu lòng, cô chị là Thúy Kiều, em là Thúy Vân: mai cốt cách, tuyết tinh thần, mỗi người một vẻ đẹp, nhưng cả hai đều là trang tuyệt sắc. Hai chị em rất thông minh, thơ hay, vẽ giỏi. Nếu đem tài sắc mà so, thì Thúy Kiều có phần hơn Thúy Vân. Cô chị sắc sảo mặn mà, cô em đoan trang, thùy mị.
   Thúy Kiều rất sành âm luật, rất giỏi Hồ cầm. Thúy Vân thường can chị rằng:
-Chị ơi! Em thiết nghĩ Hồ cầm không phải nghề chơi của con nhà khuê các, chị không nên đam mê quá, mà người ta chê cười.
   Thúy Kiều, tuy thấy em can, cũng coi làm thường. Sau lại soạn một khúc “bạc mệnh oán” để hòa theo vận đàn, giọng rất bi ai, thống thiết, ai nghe cũng phải lấy làm não ruột mà động lòng bi thương (Tr. 23 - 24).
   2.Nói về ở Bắc Kinh, có một vị viên ngoại họ Vương tên Lưỡng Tùng, tự Tử Trinh, tính tình thuần thục trung hậu, gia kế thường thường, không dồi dào cũng không túng kém. Vợ họ Hà, cũng là người hiền năng, sinh được một con trai, tên Vương Quan, học tập nghiệp nho, và hai gái, chị tên Thúy Kiều, em tên Thúy Vân, tuổi đều đang độ thanh xuân. Cả hai chị em đều thạo thơ phú. Riêng Thúy Kiều vẻ người tha thướt phong lưu, tính chuộng hào hoa, lại thích âm luật, rất thạo ngón hồ cầm. Thúy Vân dáng yêu kiều, hiền dịu, thấy Thúy Kiều thạo hồ cầm, thường nhân lúc rảnh can ngăn chị:
-Âm nhạc không phải là công việc khuê phòng, e người ngoài nghe biết, không được nhã!
   Thúy Kiều nghe em can, nhưng không cho thế là phải, thường soạn bài ca bạc mệnh, phả vào hồ cầm, trăm vần thê lương, khiến người nghe thấy đều chau mày rơi lệ (Tr,29 - 30).
   3.Trăm năm trong cõi người ta, 1
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy đã đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc thử phong,
Trời xanh quen với má hồng đánh ghen.
Cảo thơm lần giở trước đèn,
Phong tình có lục còn truyền sử xanh.
Rằng: Năm Gia Tĩnh triều Minh,
Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.
Có nhà viên ngoại họ Vương,
Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung.
Một trai con thứ rốt lòng,
Vương Quan là chữ, nối dòng nho gia.
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc nói đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo, mặn mà,
So bề tài sắc, lại là phần hơn. 24
   Trong sách đã dẫn 1, đoạn đầu từ “Xưa nay… hẹp hòi thay” là thêm vào dựa theo thơ Nguyễn Du trong Truyện Kiều, không có trong nguyên tác Kim Vân Kiều truyện. Những chỗ in đậm nghiêng (trong sách đã dẫn 1) là thơ Kiều trong Truyện Kiều.
Ví dụ 2:
1.Lần lần ngày gió đêm trăng; thưa hồng, rậm lục đã chừng xuân qua. Một ngày kia Vương viên ngoại có nhà thân thích làm lễ thượng thọ. Hai ông bà cùng các con là Thúy Vân và Vương Quan sắm sửa lễ vật để đi mừng. Thúy Kiều cáo ốm, không đi.
   Nhà hương thanh vắng một mình, ngẫm cơ hội ngộ đã đành hôm nay. Thúy Kiều đợi khi cha mẹ và hai em đi khỏi, liền sắm sửa các món thời trân, hộp ăn bầu rượu, đâu đấy đủ cả, rồi thẳng ra vườn sau, sẽ dặng tiếng vàng. Dưới hoa đã thấy có chàng Kim Trọng.
   Chàng Kim nghe tiếng gọi, trông thấy mặt Kiều, liền dẵm chân thở dài, mà rằng:
   -Trách lòng hờ hững với lòng, lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu!
(Tr. 50).
2.Lại nói, Thúy Kiều đề xong bài thơ tình, định gửi cho Kim Trọng, song gấp rút chưa tiện dịp, nghĩ đi nghĩ lại, nấn ná mấy ngày nữa. Một hôm Viên ngoại định đưa vợ con đi mừng tiệc thọ ở nhà bên ngoại, Thúy Kiều liền cáo bệnh xin ở nhà. Chờ cho cha mẹ và hai em đi rồi, vội vàng sửa soạn mấy món ăn và một hồ rượu ngon,đi vào vườn sau, định tìm gặp Kim Trọng để cảm tạ về chuyện trả thoa bữa trước. Vừa đến đầu tường trông sang, thấy Kim Trọng đã thẩn thơ ngồi đó.
   Kim Trọng thoạt thấy Thúy Kiều, liền dẫm chân nói:
-Con người sao mà nhẫn tâm thế! Không đoái tưởng gì đến nhau cả, khiến tiểu sinh trông chết đi được! (Tr. 55 - 56)
   3.Lần lần ngày gió đêm trăng, 369
Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua.
Ngày vừa sinh nhật ngoại gia,
Trên hai đường dưới nữa là hai em.
Tưng bừng sắm sửa áo xiêm,
Biện dâng một lễ xa đem tấc thành.
Nhà hương thanh vắng một mình,
Ngẫm cơ hội ngộ đã đành hôm nay.
Thời trân thức thức sẵn bày,
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường.
Cách hoa sẽ dắng tiếng vàng,
Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông:
“Trách lòng hờ hững với lòng,
Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu.
Những là đắp nhớ đổi sầu,
Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm”. 372

Ví du3:
1…Thúy Kiều thấy thề độc địa, bụng nghĩ mừng thầm, từ đó mới an lòng vững dạ. Tú Mã sau khi sợ ở dưới lắm khách, liền sai dọn riêng cho Thúy Kiều ở trên lầu Ngưng Bích.
   Kể về lầu Ngưng Bích thì phía đông giáp Thượng Hải, phía bắc giáp Kinh kỳ, phía nam gần đất Kim Lăng, phía tây gần cõi Kỳ Sơn. Bốn bề bát ngát xa trông; cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia. Thúy Kiều ở đó, giận duyên, tủi phận, bẽ bàng mây sớm đèn khuya, nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng. Ngồi một mình tính quẩn lo quanh, tưởng đến những lời thề thốt cùng chàng Kim khi trước, tấm lòng lại càng chua xót đắng cay. Nhân những cảnh tiêu điều, lại sinh nhiều nỗi ngẩn ngơ, bèn mượn bút tả tình, đề mười khúc “Nhỡ nhàng” để tỏ lòng ai oán.
   Thúy Kiều đề xong, lòng càng ngao ngán, con mắt đăm đăm, trông ra bên ngoài thấy những cỏ hoa man mác, non nước mênh mông, gió cuốn mặt ghềnh, sóng dồn cửa bể. Trông xa xa lại những con thuyền xuôi ngược, cánh buồm phất phơ… Đau lòng lưu lạc, lại vịnh nên những câu tuyệt diệu (Tr. 133 - 135).
2… Thúy Kiều nghe nói lấy làm vui mừng, từ đó chịu khó ăn uống, thân thể dần dần khỏe mạnh.
   Tú bà sợ phía ngoài người qua lại phức tạp, nên cho Thúy Kiều rời sang ở lầu Ngưng Bích.
   Ngôi lầu này, từ phía đông trông ra biển xanh, phía bắc nhìn lên Kinh kỳ, phía nam ngó lại Kim Lăng, phía tây trông ra dãy núi Kỳ Sơn. Thúy Kiều đối cảnh buồn bã, nhớ lại cái ngày cùng chàng Kim trao lời thề thốt, thân thiết biết chừng nào, mà nay vắng bặt tăm hơi, thê lương biết là dường nào, nhân cầm bút viết ra mười bài “Chẳng cùng nhau” để ghi lại tấm tình thương nhớ:
   Thúy Kiều viết xong mấy vần câu ca lại thấy nước mới đầy khe, cỏ gò vương khói, tiếng triều rào rạt, cánh buồm thấp thoáng, bỗng lại nghĩ thành một bài thơ (Tr. 141 -142).
3… Thấy lời quyết đoán hẳn hoi, 1031
Đành lòng, nàng cũng sẽ nguôi nguôi dần.
Trước sau ngưng biếc, khóa xuân
Vệt non xa, tấm trăng gần, ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống hãy rày trông mai chờ.
Bên trời góc biển bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng đắp lạnh, những ai đó giờ?
Bồng Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm?”.
Buồn trông cửa bể gần hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh thuyền xa xa.
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dàu dàu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Om thòm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Chung quanh những nước non người,
Đau lòng lưu lạc nên vài bốn câu.1056
   Sách đã dẫn 1, khi tả lầu Ngưng Bích: “…Kể về lầu Ngưng Bích thì phía đông giáp Thượng Hải…), Thượng Hải hay là biển Đông?! Đọc hai đoạn trích trong sách đã dẫn 12 có nhiều điểm khác biệt về nội dung. Trong đoạn này thơ Kiều của Nguyễn Du chú tâm diễn tả nội tâm Thúy kiều, có nhiều sáng tạo hay hơn hẳn so với nguyên bản.

    Nhà thơ Bằng Việt trong lời giới thiệu cuốn Kim Vân Kiều truyện do cụ Nguyễn Duy Ngung biên dịch có đoạn viết: “…Tôi cảm thấy giọng văn và cách diễn đạt của bản đầu tiên (do nhà Tân Dân Thư Quán xuất bản), (tức bản của Nguyễn Duy Ngung) là phù hợp với bạn đọc phổ thông hơn cả, vì nhiều ưu điểm: Cách dịch khúc chiết, gọn gàng, gần với cách thưởng thức của độc giả hiện đại, nhưng vẫn giữ nguyên ý vị, lối nói và cách xưng hô của người thời cổ, không bị “hiện đại hóa” một cách tùy tiện, mất dấu ấn của 1 tác phẩm đã cách xa chúng ta gần 500 năm… Công lao của cụ Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung là biên dịch , chứ không đơn thuần chỉ là dịch. Chữ biên dịch có bao hàm cả nghĩa biên tập và biên khảo, vì thế, so với bản dịch mang tính “hàn lâm”, thì nó không thật sự nô lệ nguyên tác, mà có phần sáng tạo hơn, có chỗ văn dịch phóng khoáng như phóng tác; và vì cụ Hùng Sơn lại quá yêu Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, nên thay vì dịch câu văn cổ của Thanh Tâm Tài Nhân, cụ bèn thay ngay vào đó một câu thơ Nguyễn Du, diễn giải tương tự ý của nguyên tác, nhưng đã được cô đúc lại, mà nhờ thiên tài thơ của cụ Nguyễn Du nó đã được thăng hoa lên, để mọi ý tứ được diễn tả bỗng trở thành lung linh, sống động và gây được sự đồng cảm nhiều hơn ở người đọc. Tôi không nói rằng đây là cách dịch đúng nhất, nhưng theo tôi, riêng với trường hợp Truyện Kiều, mà mỗi chúng ta đều đã thuộc lòng từ tấm bé, thì cách “lẩy Kiều” này của cụ Hùng Sơn, nếu đưa vào đúng lúc, đúng chỗ, cũng không có gì phản cảm. Và với cách tiếp nhận của một độc giả phổ thông, không phải một nhà nghiên cứu kiểu Hàn lâm viện, thì tôi thấy rằng đọc bản dịch của cụ Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung sau khi đã được cả cụ Vũ Đình Long, chủ nhà Tân Dân Thư Quán biên tập lại và “tiếp thị” một cách tinh tế, thì hiệu quả đạt được quả là cao hơn nhiều. Chưa kể toàn bộ phần thơ trong bản dịch này được dịch nhuần nhuyễn hơn và hay hơn hẳn hai bản dịch còn lại rất xa. Chính vì thế, tôi đã chọn bản dịch này để tái bản, và tin rằng, bạn đọc hiện đại cũng như tôi, sẽ cảm nhận được nhiều điều thích thú và hài lòng thực sự khi tiếp cận với áng văn cổ “Kim Vân Kiều truyện” này. Có lẽ cũng cần phải nói thêm về ngôn ngữ trong sáng của bản dịch này, mặc dù nó đã ra đời cách đây đúng 80 năm, thuở chữ Quốc ngữ chỉ mới được hoàn chỉnh và phổ cập”.

   Độc giả khi đọc cuốn sách Kim Vân Kiều truyện do Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung dịch năm 1925 và được san nhuận (hiệu đính) lại đủ 20 hồi năm 1927, thực tế là không rõ thêm, không sáng tỏ thêm được gì về tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, mà chỉ càng thấy mơ hồ, mông lung, bất định…  không biết đâu là văn của Thanh Tâm Tài Nhân, đâu là thơ của Nguyễn Du nữa!
   Một tác phẩm văn học nước ngoài đã phỏng dịch, lược dịch và thay đổi nguyên bản, thêm vào bớt đi một cách tùy tiện thì tác phẩm ấy không còn giá trị cho việc nghiên cứu và tìm hiểu nữa.
   Cuốn Kim Vân Kiều truyện biên dịch của cụ Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung thực chất là một cuốn tiểu thuyết được viết lại dựa theo cuốn tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du.
   Viết bài này tác giả không nhằm phê phán ai, cũng không muốn nói cuốn sách là hay hay là dở, mà chỉ mong độc giả khi đọc cuốn phỏng dịch Kim Vân Kiều truyện của cụ Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung hiểu đúng thực chất của bản dịch  được gọi là biên dịch, tránh những hiểu lầm đáng tiếc, ngoài ra cũng mong muốn các nhà Kiều học nghiên cứu nói rõ thêm về vấn đề này.
   Bài viết này mới chỉ là những nhận định sơ khai ban đầu của một độc giả yêu mến Truyện Kiều, cần phải được các nhà Kiều học nghiên cứu thêm, có điều gì sai sót xin được lượng thứ.

                                                Hà Nội ngày 18/02/2017