Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Vô đề


LÊ THANH LONG

Vô đề


Người về thành thị mà say
Ta về với núi mây bay bốn mùa
Dẫu không cản được gió lùa
Giang tay là bắt được mưa giữa trời

Kìa em! Mây trắng đang cười
Trời xanh đến tận mắt người xa quê.



Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

Động người xưa

Động người xưa*


Người nay
tìm gặp người \xưa
Hoa cài trong nắng,
gió đưa ngọt ngào
Người xưa
đến
tự thuở nào
Còn ghi dấu ấn
mãi vào đông xanh

Nghìn vạn năm,
động long lanh
Bước chân mòn đá
đã thành thiên thu
Vạn năm
động
gió mãi ru
Hồn người thăm thẳm,
xanh như sao trời
  
Cha ông đã mở cõi người
Vạn năm
đá
cất thay lời người xưa
Mỗi năm
một khắc giao thừa
Vạn năm trôi chậm,
như vừa đâu đây

Người nay chắp cánh vút bay
Nghiêng mình hồn chạm
bóng mây Tổ mình.


* Động Người Xưa ở Cúc Phương. Nơi đây đã tìm thấy bộ xương hóa thạch của người tiền sử cách nay 7.500 năm.

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

Thông báo về cuộc thi thơ lục bát lần 1

THÔNG BÁO VỀ GIẢI THƯỞNG CUỘC THI THƠ LỤC BÁT LẦN 1
  
   Ban Biên tập Thi đàn Bình thơ Trường Xuân xin trân trọng thông báo về cuộc thi thơ lục bát chủ đề “Tình yêu và gia đình”. Ban Biên tập qua việc thảo luận lựa chọn, đánh giá một cách công bằng, nghiêm túc đã bình chọn được các tác giả trúng giải sau đây:
1.Giải nhì: Nhà thơ, nhà bình luận Hoài Yên (tên thật là Nguyễn Du) với chùm thơ ba bài: Thơ say, Đang đêm, Gặp em.
2.Giải nhì: Nhà thơ, nhà bình luận Nguyễn Thị Bình (Hội Nhà văn Hà Nội) với chùm thơ ba bài: Đêm đông, Rượu sầu, Đêm nhớ
4.Giải khuyến khích:
4.1. Nhà thơ Bành Phương Lan (Hà Nội) với chùm thơ ba bài: Mẹ quê, Nín đi em, Đám cưới mẹ.
4.2. Nhà thơ Vũ Thị Minh Thu (Hà Nội) với chùm thơ ba bài: Mắc nợ, Viết cho anh bên bờ biển cả, Tiếng “Bà”.
4.3. Nhà thơ Nguyễn Anh Hòa (Thái Nguyên) với chùm thơ ba bài: Chị tôi, Lời ru thuở ấy, Ngọt ngào tháng ba.
4.4. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Cơ (Hà Nội) với chùm thơ bốn bài: Một vườn hoa đẹp, Bồi hồi xao xuyến, Ngày xưa ấy, Ngát hoa hương chiều.
4.5. Nhà thơ Đào Nguyên (Trần Tử Bình) (Hưng Yên) với chùm thơ ba bài: Nỗi lo cuối cùng, Trăng muộn, Vu vơ.

Trân trọng kính mời các nhà thơ được giải đến nhận giải vào 8h ngày 22/11/2016, tại Nhà Văn hóa tổ 31, số 8, ngõ 119, phố Trung Kính, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
  
   

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Thơ "Lục bát huyền ảo hiện đại"

Thơ
“Lục Bát huyền ảo hiện đại”

   Trong cuốn sách “Thơ ca và sự chuyển động” (Tiểu luận - Phê bình) NXB Hội Nhà văn, 2015, tác giả có bài viết nói về thơ “Lục Bát huyền ảo”, nhưng sự chuyển động và phát triển của Lục Bát không chỉ dừng lại ở đó, Lục Bát ngày nay được làm mới, ngày càng đa dạng, ngày càng được các nhà thơ chú tâm phát triển những hình thức Lục Bát mới hay hơn và đa dạng hơn. Lục Bát ngày nay không chỉ huyền ảo mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn, có chất của thơ hiện đại, ngôn ngữ thơ hiện đại, ý nghĩa đa dạng, hình thức đa dạng. Muốn sáng tạo thì ở môi trường nào, hình thức nào, loại hình nào, thời đại nào cũng sáng tạo được, không nhất thiết phải bắt chước trào lưu của thế giới đương thời mới là sáng tạo, mới là mới và hiện đại. Tác giả tạm gọi loại hình thơ này là “Lục Bát huyền ảo hiện đại”.
   Tác giả bài viết xin trích dẫn ra đây mấy bài thơ thuộc loại này. Đầu tiên xin giới thiệu ba bài thơ của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh hiện là Tổng biên tập Báo Đời sống và Pháp luật:
ĐƯA 
Đưa Quen về cuối con đường
Nghe hun hút gió vô thường trong tim
Đưa Thương về cuối cô miên
Tóc mưa thăm thẳm rủ trên siêu hình

Đưa Yêu về cuối yên bình
Rơi câu thơ - vỡ tan tình bâng khuâng
Đưa Đau về cuối thanh xuân
Tháng hoang mang đợi, ngày phân vân chờ.

Đưa Quên về cuối con đò
Nhờ mây trắng chở câu hò sang ngang
Đưa Thơ về cuối mênh mang
Lục bình ơi có nhớ tràng giang xưa...

Đưa Em về cuối cơn mưa
Cỏ hoang lối cũ đã thưa thớt rồi
Đưa Ta về cuối chân trời
Còn đâu những vết chân vời vợi xa... 
FACEBOOK (1)
Người về chém gió trên "phây"
Thì ta tóc xoã ngang mây cuối đèo
Tháng năm trôi, lá bay vèo
Post lên mực tím ngập chiều phố xưa...

Người về nắng tắt, mưa thưa
Những comment cắt qua mùa không tên
Nhớ nhiều thêm, để mà quên
Tuổi hoa niên héo trên thềm heo may...

Người về úa tóc, run tay
Thì ta áo trắng cũng phai bụi đời
Khát đam mê, đói chân trời
Ngàn năm khất thực những lời tram năm…
BỞI VÌ MÂY BAY
Ta chôn vực thẳm ven đời
Gieo thơ lục bát ngang trời thị phi
Nhớ là quên, đến là đi
Chắc mây vẫn trắng bởi vì mây bay

Đã nghe gió bấc lưu đày
Hanh hao tóc úa dọc ngày chớm đông 
Tỉnh là mê, sắc là không
Chốn nhân gian có nâu sồng cõi tu?

Trĩu vai một gánh sương mù
Nát tim từng giọt mưa phù vân rơi
Thấy ngày mai lững thững trôi….
    Tiếp theo dòng thơ này xin giới thiệu bài thơ của nhà thơ
Nguyễn Hữu Quý:  
Hạ thủy những giấc mơ 2
Theo cha ra biển, mở buồm
mây bay như nhớ cội nguồn về non
hải trình không dấu chân mòn
ngàn năm ngực vạm vỡ còn mặn theo.

Lời ru mẹ mắc cheo leo
gừng cay đầu sóng, muối neo lòng rừng
đói lòng ăn đọt lá mưng
gánh non sông giữ điệp trùng vẹn nguyên.

Biển Đông sóng cả, con thuyền
mái chèo cắt gió giữa miền mênh mông
đảo hoang ghé hạt lửa hồng
mọc lên ấm áp muôn vòng sinh sôi.

Làng trên sóng ngóng mưa rơi
ăn nằm kẽo kẹt mù khơi nổi chìm
mắm tôm, cà xổi, cá rim
thương nhau lục bát đi tìm ca dao.

Nhỏ nhoi đảo bão giông gào
ngọn rau mỏng mảnh nép vào trẻ trai
lặng im giọng hót đầu thai
bợc san hô nhú một vài líu lo.

Bát nhang trăm dặm xa bờ
trái cây chén nước đặt thờ tổ tiên
trùng khơi nối với đất liền
cầu mong biển lặng, trời yên xa gần…

Dậu phên làng lính, làng dân
khắc lên đảo bài thơ Thần linh thiêng
mái chùa một nét Việt riêng
hoa văn ngọn lửa thắp miền viễn khơi…
   Trong báo Văn nghệ số 11 (2016) Ngô Minh có bài Qua cầu:
Dập dềnh lục bát sang sông
giữa ngày hạ cháy mà đông se về
buồn ơi
buồn
mắt tái tê
tóc miên man
gió nhà quê
dãi dầu!

tình yêu như nước qua cầu
thôi em đừng hỏi những câu…
răng đành
em đi về phía
không anh
anh đi về phía
thác ghềnh trắng phau…!
   Xuân Diệu rất ít làm thơ lục bát, nhưng bài thơ của Xuân Diệu viết từ năm 1967 cũng rất “hiện đại”, xin giới thiệu để bạn đọc thưởng thức:
      ( Ca khúc)
Sáo vi vu thổi trong veo
Lên non là gió, qua đèo là mây;
Ngả bên dòng suối là cây;
Vương trong ánh mắt là dây tơ hồng.

Sáo ngân nga mãi bên lòng,
Vững trơ là đá, thắm hồng là son
Núi cao chót vót chon von
Anh xây, xây mãi chưa tròn tình yêu.

Sao nồng đượm biết bao nhiêu!
Mơn man với cảnh, thân yêu với người.
Quanh ta ríu rít là đời;
Bên em ai hát ai cười – là anh…
                                        27-8-1967
                                         Xuân Diệu
(Tuyển tập Xuân Diệu I – NXB Văn Học 1986)
   Hãy đọc bài thơ “Đồng chiều” khá lạ của Đỗ Vinh:
Đôi sừng đã chạm cổng làng
Chân còn bì bõm chưa sang khỏi chiều
Cái đuôi sau rốt vòng vèo
Còn vung vẩy nốt chút heo may đồng.
Không gian, thời gian, cũ và mới, truyền thống và hiện đại, thực và ảo hòa quyện trong một bức tranh chiều quê thật lạ lùng hư ảo.
   Ngôn ngữ thơ luôn luôn đổi mới và phát triển, các nhà thơ thời hiện đại sẽ sáng tạo và đưa những ngôn ngữ thơ hiện đại vào thơ Lục Bát như đã từng đưa vào thơ tự do hiện đại, nên trong tương lai có lẽ thơ Lục Bát cũng sẽ khó hiểu như thơ tự do hiện đại. Người yêu thơ ca cần làm quen với ngôn ngữ thơ hiện đại để hiểu được thơ hiện đại cũng như hiểu được “Lục Bát huyền ảo hiện đại”.
   Những nhà thơ sáng tạo thơ tự do hiện đại có thể sẽ bị cô đơn, đơn độc nhiều khi là cô độc, ngược lại những nhà thơ sáng tạo thơ Lục Bát sẽ dễ dàng đi vào lòng độc giả - người yêu thơ ca hơn. Mỗi nhà thơ có sự lựa chọn cho con đường đi của riêng mình, dù cho con đường đó có thể đầy chông gai, gian khổ và không biết được tương lai sẽ đi đến đâu và có thể là vô vọng…
   Cũng như bất cứ loại hình văn hóa nào, Lục Bát cũng phải làm mới, thay đổi để phát triển và tồn tại.
   Nhân đây xin kính tặng những nhà thơ một đời tâm huyết đổi mới thơ ca mấy câu thơ với lòng yêu mến và kính trọng chân thành:
Tóc xưa lốm đốm hai màu
Nắng vàng vẫn đổ trên đầu trang thơ
Nước ra biển, nắng vô bờ
Văn thơ chuyền động sững sờ thế gian.
                   Hà Nội ngày 27/2/2016


Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Thơ "Lục bát huyền ảo hiện đại"

LÊ THANH LONG

Giữa Bà Nà mây bay

Trời dìu dịu, cảnh như hoa
Nước non sông núi Bà Nà nên thơ
Người tứ phương đến: ngẩn ngơ
Những ngôi biệt thự cổ sơ đây rồi.

Sao em chẳng đến cùng tôi
Để mình anh đứng giữa trời mây bay
Kìa hang rượu bao kẻ say
Chùa Linh Ứng nghiệm những ngày cầu mong.

Tình ta như áng thơ hồng
Như con sông chảy giữa lòng tình yêu
Thương bao nhiêu, nhớ bao nhiêu
Chẳng đong được hết những chiều xa nhau.

Nắng thương yêu chẳng đổi màu
Gió nhớ mong vút qua cầu không gian
Phật đi vào cõi Niết Bàn
Ta đi vào cõi bàng hoàng thương yêu.








LÊ THANH LONG

Họa mi hót trong đêm

Cũng khi ngơ ngác nhân tình
Đi tìm cái mất của mình ngẩn ngơ
Từ trong sâu thẳm tim thơ
Có dòng huyết lệ trong mồ chảy ra

Họa mi giữa một đêm hoa
Cất lên tiếng hót như là hồn ta.



Bình luận

TÌM HIỂU TRUYỆN KIỀU
KHÔNG BAO GIỜ LÀ ĐỦ

                                                   LÊ THANH LONG

  
   Người Việt Nam ai cũng yêu thích Truyện Kiều, người đọc ngày nay có kiến thức và vốn sống phong phú hơn, đông đảo độc giả mong muốn có một cuốn Truyện Kiều được chú giải đầy đủ hơn. Vừa qua Ban Văn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam đã cố gắng biên soạn cho ra mắt độc giả cuốn Truyện Kiều có những chú giải đầy đủ hơn. Công việc này chắc là còn phải làm lâu dài, không thể hoàn thiện trong một sớm một chiều ngay được. Là một người yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến cá nhân về cách hiểu một số câu thơ trong Truyện Kiều.
Một nền Đồng Tước
Khi Kim Trọng gặp Thúy Vân, Thúy Kiều Nguyễn Du viết:
Vẫn nghe thơm nức hương lân
Một nền Đồng Tước, khóa xuân hai Kiều
Câu thơ trên là Nguyễn Du khen Thúy Vân, Thúy Kiều.
Đồng Tước được các sách chú giải là: Đồng Tước đài hay là lầu Đồng Tước là tên một tòa lâu đài lộng lẫy do Tào Tháo nước Ngụy đời Tam quốc dựng nên ở huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Nam Trung Quốc. Tào Tháo đào sông Chương Hà, bắt được đôi chim sẻ, bèn cho xây ở gần đó một tòa lâu đài đặt tên là đài Đồng Tước (sẻ đồng) và định hễ đánh thắng Đông Ngô thì bắt hai chị em Đại Kiều và Tiểu Kiều  (là vợ Tôn Sách và vợ Chu Du) đem về đấy để vui thú cảnh già. Đỗ Mục đời Đường có câu thơ: “Đông phong bất dữ Chu lang tiện, Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều” (Nếu gió đông không nổi lên để Chu Du được tiện mà phá quân Tào Tháo ở Xích Bích thì Tào Tháo đã bắt được hai mỹ nhân của Đông Ngô mà khóa xuân ở đài Đồng Tước rồi).
     Nhiều người đọc Truyện Kiều ít chú ý đến chữ “Nền” trong câu thơ “Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều”. Ở đây Nguyễn Du muốn nói đến “Một nền” giáo dục theo kiểu “Đồng Tước”, tức là một nền giáo dục theo kiểu “khóa xuân hai Kiều”, là nhốt Thúy Vân, Thúy Kiều trong nhà. Ý nói Thúy Vân, Thúy Kiều được giáo dục một cách nghiêm khắc theo lễ giáo phong kiến vẫn còn trong trắng nên Kim Trọng “Vẫn nghe thơm nức hương lân” – nổi tiếng các vùng lân cận.
Hoa đào năm ngoái
Câu thơ: Trước sau nào thấy bóng người (2747)
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (2748)
Câu thơ này nói về thời điểm Kim Trọng sau khi về hộ tang thúc phụ quay lại nơi gặp Thúy Kiều tìm kiếm “trước sau” không “thấy” một “bóng người” “nào”, mà chỉ thấy “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” như trước đây (như xưa). “Cười với gió đông” là do cuối đông trời rét hoa đào không nở được phải đợi sang xuân hoa đào mới bung cánh chào xuân như cô gái mỉm cười chào tạm biệt cái giá lạnh của mùa đông. Chữ “năm ngoái” gây ra sự hiểu nhầm cho nhiều độc giả nghĩ rằng Kim Trọng sau một năm mới quay lại tìm Thúy Kiều, nhưng thực ra không phải như vậy.
Mọi ghi chú đều dẫn câu thơ của Thôi Hộ đời Dường, nhân đi chơi hội  thanh minh lạc đến một xóm trồng toàn hoa đào gọi là Đào Hoa trang và vào xin nước uống gặp một người con gái, cả hai đều cảm về tài mạo của nhau. Năm sau Thôi Hộ lại tìm đến thì chỉ thấy cửa đóng người đi đâu vắng, nhân đó làm bài thơ có câu “Nhân diện bất tri hà xứ khử, đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Mặt người không biết đi đằng nào, hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ).
   Kim Trọng về hộ tang thúc phụ là vào đầu hạ: “Lần lần ngày gió đêm trăng/ Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua”. Màu hoa đã thưa, màu lá xanh đã dày, tức là mùa xuân đã qua sang đầu hạ. Kim Trọng trở lại tìm Thúy Kiều thì chỉ thấy “Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”, tức là Kim Trọng trở lại vào đầu đông. Kim Trọng về hộ tang  vào đầu hè và trở lại vào đầu đông, tức là vừa đúng 6 tháng. Điều này Nguyễn Du cũng đã nói rõ trong câu thơ “Từ ngày muôn dặm phù tang/ Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà”. Vậy tại sao Nguyễn Du lại viết “hoa đào năm ngoái”? Từ “năm ngoái” không phải để chỉ cái thời gian cụ thể là năm ngoái, mà “năm ngoái” ở đây là chỉ thời gian mà sự việc đã xẩy ra trước đó, chỉ hoa đào xưa, người xưa. Hoa đào vẫn còn cười với gió đông như xưa, mà hình bóng người xưa thì không còn thấy đâu nữa.
“Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”
Câu thơ Nguyễn Du nói về Từ Hải:
Giang hồ quen thú vẫy vùng (2173)
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo (2174)
Có lẽ là câu thơ gây khó cho các nhà chú giải Truyện Kiều nhất, nhiều bản Truyện Kiều không chú giải hoặc chú giải không thỏa đáng. Theo Quang Đạm “Gươm đàn” (tiếng cổ) là cái cung. Vậy “gươm đàn” là gươm cung, kiếm cung mà ta vẫn quen dùng từ cung kiếm.
Chúng tôi cho rằng “Gươm đàn nửa gánh”: Múa gươm, bắn cung chỉ là một “nửa” của cái thú giang hồ; một “nửa” của cái “gánh” trên đôi vai Từ Hải muốn gánh vác. “Non sông một chèo”: Thu phục “non sông”, một mình chèo lái “non sông” mới là mục đích chính, là cái gánh chính, một con thuyền “non sông”  đất nước, mà Từ Hải muốn một mình “một chèo” vùng vẫy, làm chủ non sông. Đó là cái chí lớn muốn làm vua của Từ Hải.
Ngậm gương hay ngậm trăng
Nguyễn Du viết Truyện Kiều cách nay 200 năm, nhưng cách dùng từ ngữ của ông hết sức độc đáo nhiều khi làm người đọc ngỡ ngàng, như câu thơ sau đây:
Chim hôm thoi thót về rừng
Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành (1092)
Thúy Kiều đợi Sở Khanh đến đón đi trốn khỏi lầu Ngưng Bích. Trời tối dần, rồi trăng nửa vành từ chân trời lên cao dần. Trước mặt Thúy Kiều có một khóm trà mi, một bông trà mi nhô cao, đến một lúc mắt Thúy Kiều, đóa trà mi và trăng nửa vành nằm trên một đường thẳng, lúc này Thúy Kiều nhìn thấy đóa trà mi nằm lọt trong “gương nửa vành”, nghĩa là “đóa trà mi” đã che khuất một phần ánh sáng của trăng nửa vành, mà Nguyễn Du gọi là “ngậm gương”, “ngậm” là che khuất, “gương” là ánh sáng của mặt trăng phản chiếu xuống trái đất. Như vậy Nguyễn Du dùng từ “ngậm gương” với nghĩa là che khuất ánh sáng của mặt trăng.
     Nhiều câu thơ trong Truyện Kiều Nguyễn Du dùng từ “ngậm gương” với ý nghĩa này, như các câu thơ sau đây:
Đêm thâu khắc lậu canh tàn
Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương (1119)
Ở đây không phải Nguyễn Du dùng từ ghép “trăng ngàn” là trăng ở rừng núi, mà “trăng” đã bị “rừng” núi “ngậm gương”, Tức là “trăng” đã bị rừng núi che khuất, hay trăng đã lặn xuống dưới núi rừng.
Ngày vui ngắn chẳng đầy gang
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài
“Ác” là mặt trời. Mặt trời đã lặn xuống sau dãy núi phía tây, hay dãy núi phía tây đã che khuất ánh sáng mặt trời.
Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương (1370)
“Thỏ” là mặt trăng. Mặt trăng đã lặn xuống dưới dãy núi phía tây, hay là dãy núi phía tây đã che khuất ánh sáng của mặt trăng.
Đọc Truyện Kiều không tìm thấy chỗ nào Nguyễn Du viết là “ngậm trăng” cả. Nguyễn Du chỉ dùng chữ “ngậm”  đi với “ngậm gương”. Vì trăng là vật cụ thể, “gương” là một hình ảnh mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời. “Ngậm gương” “ngậm” ánh sáng phản chiếu của mặt trăng. Mặt trăng ở giữa trời có cái gì có thể “ngậm” được mặt trăng. Chỉ có trái đất có thể che khuất được mặt trăng (nguyệt thực) thì cũng chỉ là “ngậm gương” mà thôi.
Thúy Kiều tắm ở đâu?
Bốn câu thơ sau đây có nhiều ý kiến chú giải khác nhau:
Buồng the phải buổi thong dong
Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa
Rõ ràng trong ngọc, trắng ngà
Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên
“Phòng the” ở đây có thể không phải để chỉ cái phòng the cụ thể, vì phòng the là một vật vô tri vô giác, không thể có cái buổi hay là gặp “phải buổi thong dong” được. “Phòng the” ở đây có thể là để chỉ chính Thúy Kiều gặp “phải buổi thong dong”, tức là gặp lúc rỗi việc, hoặc Thúy Kiều gặp “buổi thong dong”“phòng the”, tức là gặp lúc rỗi việc không phải “tiếp khách làng chơi”, nên đi tắm. Câu thơ tiếp theo là chỉ thứ tự công việc của người đi tắm “rủ bức trướng hồng”“thang lan” xuống và “tắm hoa”. “Tắm hoa” được chú giải chữ “hoa” là chỉ “người đẹp”. Theo tôi “tắm hoa” là tắm bằng nước có ngâm các loại “hoa” thơm. Nếu hiểu một cách đơn giản như vậy thì chữ ”thang lan” không phải là tắm bằng nước hoa lan hay nước dứa thơm và Thúy Kiều tắm ở phòng tắm chứ không phải tắm ở “phòng the” - phòng ngủ.
Lầu Ngưng Bích ở đâu?
Thúy Kiều được đưa đến Lâm Tri và bị nhốt ở lầu Ngưng Bích để “khóa xuân”, trong đoạn thơ độc thoại nói lên nỗi buồn xa quê có những câu thơ rất đáng chú ý sau đây:
Buồn trông cửa bể chiều hôm (1047)
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh (1053)
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
Như vậy lầu Ngưng Bích nằm ở gần cửa bể, cạnh cửa sông chảy ra biển “Buồn trông cửa bể chiều hôm”, Thúy Kiều còn nghe thấy cả “tiếng sóng” “ầm ầm” “kêu quanh ghế ngồi”. Vậy “cửa bể” này nằm ở đâu? Chiết Giang lấy theo tên cũ của con sông Tiền Đường. Sông Tiền Đường chảy qua tỉnh lỵ Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang, rồi đổ ra biển Hoa Đông, phía đông của Trung Quốc. Lầu Ngưng Bích chính là nằm ở gần cửa con sông Tiền Đường. Cửa sông Tiền Đường ở vào khoảng 120 độ kinh đông, Việt Nam ở vào khoảng 105 độ kinh đông, chênh nhau 15 độ. Như vậy trăng ở vùng lầu Ngưng Bích mọc sớm hơn trăng ở Việt Nam khoảng một giờ. Như vậy Nguyễn Du tả trăng ở Trung Quốc chứ không phải ở Việt Nam và trăng mọc vào khoảng 9 giờ tối là tương đối chính xác. Sở Khanh hẹn Thúy Kiều đi trốn vào giờ Tuất (từ 19h đến 21h). Ông Nguyễn Tường Vĩnh bẻ là Nguyễn Du sai, vì lúc đó trăng chưa mọc.  
     Truyện Kiều đã được nhiều nhà Kiều học tên tuổi nghiên cứu hàng trăm năm nay, nhưng còn nhiều vấn đề vẫn còn phải thảo luận, nghiên cứu thêm, đặc biệt là việc thống nhất những chú giải thật đầy đủ cho một cuốn Truyện Kiều là mong muốn của đông đảo bạn đọc xa gần.
                                                   Hà Nội ngày 16/6/2016

                                                       Lê Thanh Long

                                                      ĐT: 01292098772