TÌM HIỂU
TRUYỆN KIỀU
KHÔNG BAO GIỜ
LÀ ĐỦ
LÊ THANH LONG
Người Việt Nam ai cũng yêu thích Truyện Kiều, người đọc
ngày nay có kiến thức và vốn sống phong phú hơn, đông đảo độc giả mong muốn có
một cuốn Truyện Kiều được chú giải đầy đủ hơn. Vừa qua Ban Văn bản Truyện Kiều
của Hội Kiều học Việt Nam đã cố gắng biên soạn cho ra mắt độc giả cuốn Truyện
Kiều có những chú giải đầy đủ hơn. Công việc này chắc là còn phải làm lâu dài,
không thể hoàn thiện trong một sớm một chiều ngay được. Là một người yêu mến
Nguyễn Du và Truyện Kiều chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến cá nhân về cách hiểu
một số câu thơ trong Truyện Kiều.
Một
nền Đồng Tước
Khi Kim Trọng gặp Thúy Vân, Thúy Kiều
Nguyễn Du viết:
Vẫn
nghe thơm nức hương lân
Một
nền Đồng Tước, khóa xuân hai Kiều
Câu thơ trên là Nguyễn Du khen Thúy Vân,
Thúy Kiều.
Đồng Tước được các sách chú giải là: Đồng
Tước đài hay là lầu Đồng Tước là tên một tòa lâu đài lộng lẫy do Tào Tháo nước
Ngụy đời Tam quốc dựng nên ở huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Nam Trung Quốc. Tào Tháo
đào sông Chương Hà, bắt được đôi chim sẻ, bèn cho xây ở gần đó một tòa lâu đài
đặt tên là đài Đồng Tước (sẻ đồng) và định hễ đánh thắng Đông Ngô thì bắt hai
chị em Đại Kiều và Tiểu Kiều (là vợ Tôn
Sách và vợ Chu Du) đem về đấy để vui thú cảnh già. Đỗ Mục đời Đường có câu thơ:
“Đông phong bất dữ Chu lang tiện, Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều” (Nếu gió
đông không nổi lên để Chu Du được tiện mà phá quân Tào Tháo ở Xích Bích thì Tào
Tháo đã bắt được hai mỹ nhân của Đông Ngô mà khóa xuân ở đài Đồng Tước rồi).
Nhiều người đọc Truyện Kiều ít chú ý đến chữ “Nền” trong câu thơ “Một nền
Đồng Tước khóa xuân hai Kiều”. Ở đây Nguyễn Du muốn nói đến “Một nền” giáo dục theo kiểu “Đồng Tước”, tức là một nền giáo dục
theo kiểu “khóa xuân hai Kiều”, là nhốt
Thúy Vân, Thúy Kiều trong nhà. Ý nói Thúy Vân, Thúy Kiều được giáo dục một cách
nghiêm khắc theo lễ giáo phong kiến vẫn còn trong trắng nên Kim Trọng “Vẫn nghe thơm nức hương lân” – nổi tiếng
các vùng lân cận.
Hoa
đào năm ngoái
Câu thơ: Trước sau nào thấy bóng người (2747)
Hoa
đào năm ngoái còn cười gió đông (2748)
Câu thơ này nói về thời điểm Kim Trọng sau
khi về hộ tang thúc phụ quay lại nơi gặp Thúy Kiều tìm kiếm “trước sau” không “thấy” một “bóng người” “nào”, mà chỉ thấy “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” như trước đây (như xưa). “Cười với gió đông” là do cuối đông trời
rét hoa đào không nở được phải đợi sang xuân hoa đào mới bung cánh chào xuân
như cô gái mỉm cười chào tạm biệt cái giá lạnh của mùa đông. Chữ “năm ngoái” gây ra sự hiểu nhầm cho nhiều
độc giả nghĩ rằng Kim Trọng sau một năm mới quay lại tìm Thúy Kiều, nhưng thực
ra không phải như vậy.
Mọi ghi chú đều dẫn câu thơ của Thôi Hộ
đời Dường, nhân đi chơi hội thanh minh lạc
đến một xóm trồng toàn hoa đào gọi là Đào Hoa trang và vào xin nước uống gặp một
người con gái, cả hai đều cảm về tài mạo của nhau. Năm sau Thôi Hộ lại tìm đến
thì chỉ thấy cửa đóng người đi đâu vắng, nhân đó làm bài thơ có câu “Nhân diện
bất tri hà xứ khử, đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Mặt người không biết đi đằng
nào, hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ).
Kim Trọng về hộ tang thúc phụ là vào đầu hạ: “Lần lần ngày gió đêm trăng/ Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua”.
Màu hoa đã thưa, màu lá xanh đã dày, tức là mùa xuân đã qua sang đầu hạ. Kim Trọng
trở lại tìm Thúy Kiều thì chỉ thấy “Trước
sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”, tức là Kim
Trọng trở lại vào đầu đông. Kim Trọng về hộ tang vào đầu hè và trở lại vào đầu đông, tức là vừa
đúng 6 tháng. Điều này Nguyễn Du cũng đã nói rõ trong câu thơ “Từ ngày muôn dặm phù tang/ Nửa năm ở đất
Liêu Dương lại nhà”. Vậy tại sao Nguyễn Du lại viết “hoa đào năm ngoái”? Từ “năm
ngoái” không phải để chỉ cái thời gian cụ thể là năm ngoái, mà “năm ngoái” ở đây là chỉ thời gian mà sự
việc đã xẩy ra trước đó, chỉ hoa đào xưa, người xưa. Hoa đào vẫn còn cười với
gió đông như xưa, mà hình bóng người xưa thì không còn thấy đâu nữa.
“Gươm
đàn nửa gánh, non sông một chèo”
Câu thơ Nguyễn Du nói về Từ Hải:
Giang
hồ quen thú vẫy vùng (2173)
Gươm
đàn nửa gánh, non sông một chèo (2174)
Có lẽ là câu thơ gây khó cho các nhà chú
giải Truyện Kiều nhất, nhiều bản Truyện Kiều không chú giải hoặc chú giải không
thỏa đáng. Theo Quang Đạm “Gươm đàn” (tiếng cổ) là cái cung. Vậy “gươm đàn” là
gươm cung, kiếm cung mà ta vẫn quen dùng từ cung kiếm.
Chúng tôi cho rằng “Gươm đàn nửa gánh”: Múa gươm, bắn cung chỉ là một “nửa” của cái thú giang hồ; một “nửa” của cái “gánh” trên đôi vai Từ Hải muốn gánh vác. “Non sông một chèo”: Thu phục “non
sông”, một mình chèo lái “non sông”
mới là mục đích chính, là cái gánh chính, một con thuyền “non sông” đất nước, mà Từ Hải
muốn một mình “một chèo” vùng vẫy,
làm chủ non sông. Đó là cái chí lớn muốn làm vua của Từ Hải.
Ngậm
gương hay ngậm trăng
Nguyễn Du viết Truyện Kiều cách nay 200
năm, nhưng cách dùng từ ngữ của ông hết sức độc đáo nhiều khi làm người đọc ngỡ
ngàng, như câu thơ sau đây:
Chim
hôm thoi thót về rừng
Đóa
trà mi đã ngậm gương nửa vành (1092)
Thúy Kiều đợi Sở Khanh đến đón đi trốn
khỏi lầu Ngưng Bích. Trời tối dần, rồi trăng nửa vành từ chân trời lên cao dần.
Trước mặt Thúy Kiều có một khóm trà mi, một bông trà mi nhô cao, đến một lúc mắt
Thúy Kiều, đóa trà mi và trăng nửa vành nằm trên một đường thẳng, lúc này Thúy
Kiều nhìn thấy đóa trà mi nằm lọt trong “gương
nửa vành”, nghĩa là “đóa trà mi”
đã che khuất một phần ánh sáng của trăng nửa vành, mà Nguyễn Du gọi là “ngậm gương”, “ngậm” là che khuất, “gương”
là ánh sáng của mặt trăng phản chiếu xuống trái đất. Như vậy Nguyễn Du dùng từ “ngậm gương” với nghĩa là che khuất ánh
sáng của mặt trăng.
Nhiều câu thơ trong Truyện Kiều Nguyễn Du dùng từ “ngậm gương” với ý nghĩa này, như các câu thơ sau đây:
Đêm
thâu khắc lậu canh tàn
Gió
cây trút lá trăng ngàn ngậm gương (1119)
Ở đây không phải Nguyễn Du dùng từ ghép “trăng ngàn” là trăng ở rừng núi, mà “trăng” đã bị “rừng” núi “ngậm gương”,
Tức là “trăng” đã bị rừng núi che khuất,
hay trăng đã lặn xuống dưới núi rừng.
Ngày
vui ngắn chẳng đầy gang
Trông
ra ác đã ngậm gương non đoài
“Ác” là mặt trời.
Mặt trời đã lặn xuống sau dãy núi phía tây, hay dãy núi phía tây đã che khuất
ánh sáng mặt trời.
Ngoài
hiên thỏ đã non đoài ngậm gương (1370)
“Thỏ” là mặt
trăng. Mặt trăng đã lặn xuống dưới dãy núi phía tây, hay là dãy núi phía tây đã
che khuất ánh sáng của mặt trăng.
Đọc Truyện Kiều không tìm thấy chỗ nào
Nguyễn Du viết là “ngậm trăng” cả. Nguyễn Du chỉ dùng chữ “ngậm” đi với “ngậm gương”. Vì trăng là vật cụ thể, “gương” là một hình ảnh mặt trăng phản
chiếu ánh sáng của mặt trời. “Ngậm gương”
là “ngậm” ánh sáng phản chiếu của
mặt trăng. Mặt trăng ở giữa trời có cái gì có thể “ngậm” được mặt trăng. Chỉ có trái đất có thể che khuất được mặt
trăng (nguyệt thực) thì cũng chỉ là “ngậm
gương” mà thôi.
Thúy
Kiều tắm ở đâu?
Bốn câu thơ sau đây có nhiều ý kiến chú
giải khác nhau:
Buồng
the phải buổi thong dong
Thang
lan rủ bức trướng hồng tắm hoa
Rõ
ràng trong ngọc, trắng ngà
Dầy
dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên
“Phòng
the” ở đây có thể không phải để chỉ cái phòng the cụ thể,
vì phòng the là một vật vô tri vô giác, không thể có cái buổi hay là gặp “phải buổi thong dong” được. “Phòng the” ở đây có thể là để chỉ chính
Thúy Kiều gặp “phải buổi thong dong”,
tức là gặp lúc rỗi việc, hoặc Thúy Kiều gặp “buổi
thong dong” ở “phòng the”, tức là
gặp lúc rỗi việc không phải “tiếp khách làng chơi”, nên đi tắm. Câu thơ tiếp
theo là chỉ thứ tự công việc của người đi tắm “rủ bức trướng hồng” ở “thang
lan” xuống và “tắm hoa”. “Tắm hoa” được chú giải chữ “hoa” là chỉ “người đẹp”. Theo tôi “tắm hoa” là tắm bằng nước có ngâm các
loại “hoa” thơm. Nếu hiểu một cách
đơn giản như vậy thì chữ ”thang lan”
không phải là tắm bằng nước hoa lan hay nước dứa thơm và Thúy Kiều tắm ở phòng
tắm chứ không phải tắm ở “phòng the”
- phòng ngủ.
Lầu
Ngưng Bích ở đâu?
Thúy Kiều được đưa đến Lâm Tri và bị nhốt
ở lầu Ngưng Bích để “khóa xuân”, trong đoạn thơ độc thoại nói lên nỗi buồn xa
quê có những câu thơ rất đáng chú ý sau đây:
Buồn
trông cửa bể chiều hôm (1047)
Thuyền
ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn
trông gió cuốn mặt ghềnh (1053)
Ầm
ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
Như vậy lầu Ngưng Bích nằm ở gần cửa bể,
cạnh cửa sông chảy ra biển “Buồn trông cửa
bể chiều hôm”, Thúy Kiều còn nghe thấy cả “tiếng sóng” “ầm ầm” “kêu quanh ghế ngồi”. Vậy “cửa bể” này nằm ở đâu? Chiết Giang lấy theo tên cũ của con sông Tiền
Đường. Sông Tiền Đường chảy qua tỉnh lỵ Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang, rồi đổ ra
biển Hoa Đông, phía đông của Trung Quốc. Lầu Ngưng Bích chính là nằm ở gần cửa
con sông Tiền Đường. Cửa sông Tiền Đường ở vào khoảng 120 độ kinh đông, Việt
Nam ở vào khoảng 105 độ kinh đông, chênh nhau 15 độ. Như vậy trăng ở vùng lầu
Ngưng Bích mọc sớm hơn trăng ở Việt Nam khoảng một giờ. Như vậy Nguyễn Du tả
trăng ở Trung Quốc chứ không phải ở Việt Nam và trăng mọc vào khoảng 9 giờ tối
là tương đối chính xác. Sở Khanh hẹn Thúy Kiều đi trốn vào giờ Tuất (từ 19h đến
21h). Ông Nguyễn Tường Vĩnh bẻ là Nguyễn Du sai, vì lúc đó trăng chưa mọc.
Truyện Kiều đã được nhiều nhà Kiều học tên tuổi nghiên cứu hàng trăm năm
nay, nhưng còn nhiều vấn đề vẫn còn phải thảo luận, nghiên cứu thêm, đặc biệt
là việc thống nhất những chú giải thật đầy đủ cho một cuốn Truyện Kiều là mong
muốn của đông đảo bạn đọc xa gần.
Hà Nội ngày 16/6/2016
Lê Thanh Long
ĐT: 01292098772
ĐT: 01292098772
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét