Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

HÀNH TRÌNH CỦA THÚY KIỀU TRONG 15 NĂM LƯU LẠC


HÀNH TRÌNH CỦA THÚY KIỀU
TRONG 15 NĂM LƯU LẠC

                                  LÊ THANH LONG

Trong 15 năm lưu lạc giang hồ Thúy Kiều đã đi đến những đâu, bằng những phương tiện nào?
Đó là câu hỏi không dễ giải đáp.
Chúng ta sẽ thử lần tìm lời giải đáp theo hành trình của Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

1. TỪ BẮC KINH ĐI LÂM TRI 
Thúy Kiều người Bắc Kinh. Điều này đã được người lại già họ Đô nói ra với Kim Trọng:
“2889. Tú Bà cùng Mã Giám Sinh,
Đi mua người ở Bắc Kinh đưa về”.
Khi đến Chiêu Ẩn Am Thúy Kiều nói với Giác Duyên:
“2043. Tiểu thiền quê ở Bắc kinh,
Quy sư quy Phật tu hành bấy lâu”.
Mã Giám Sinh mua Kiều ở Bắc Kinh rồi đưa nàng về Lâm Tri bằng đường bộ, đi bằng xe ngựa:
“869. Đoạn trường thay lúc phân kỳ,
Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh.
907. Đùng đùng gió giục mây vần,
Một xe trong cõi hồng trần như bay”.
Cuộc ra đi của Thúy Kiều từ Bắc Kinh đến Lâm tri theo đường bộ, đi trong một tháng tròn:
“919. Những là lạ nước lạ non,
Lâm Tri vừa một tháng tròn đến nơi”.



HÌNH 1:
2. Bắc Kinh
4. Lâm Tri
Quãng đường Từ Bắc kinh đến Lâm Tri theo đường chim bay khoảng 800km, mà đi mất 30 ngày, chứng tỏ đường xá lúc đó rất khó đi, mỗi ngày chỉ đi được khoảng 27 km, đi mỗi ngày 8 tiếng, tốc độ khoảng 3,4 km/ giờ.
Bản đồ đường đi của nàng Kiều Từ Bắc Kinh đến Lâm Tri (Hình 1, vạch đỏ).

2. TÚ BÀ ĐƯA THÚY KIỀU ĐẾN LẦU NGƯNG BÍCH ĐỂ KHÓA XUÂN
Bị Tú Bà đưa đến khóa xuân ở lầu Ngưng Bích ngay cửa sông Tiền Đường. Thúy Kiều làm thơ tả lại quang cảnh ở đây và nỗi lòng mình:
“1047. Buồn trông cửa biển chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
1053. Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồ”i.
Cửa sông Tiền Đường rất rộng, bề ngang tới 100 km. Khi thủy triều lên, dồn ngược lên khúc sông hẹp, có ghềnh thác, gây ra những con sóng cao tới hàng mét, đập vào hai bên bờ ầm ầm:
“2619. Triều đâu nổi tiếng đùng đùng,
Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường”.
Ở đây nàng Kiều bị Sở Khanh lừa và bị Tú Bà bắt lại đưa về Lâm Tri. Lầu Ngưng Bích cách Lâm Tri 75 km, vừa đi vừa về là 150 km.
Không biết Lầu Ngưng Bích có phải là nơi Tú Bà đưa khách làng chơi sang trọng và gái lầu xanh đến đây ăn chơi và du lịch hay không?

3. TỪ LÂM TRI ĐẾN VÔ TÍCH 
Thúy Kiều làm gái lầu xanh ở chỗ Tú Bà trong ba năm. Sau đó được Thúc Sinh chuộc ra, ở với nhau được 6 tháng, thì Thúc Ông biết và kiện lên quan phủ, bắt Thúy Kiều phải trở lại lầu xanh. Được quan phủ tác hợp cho lấy Thúc Sinh. Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh về thú thực với vợ cả để được lấy Kiều làm lẽ. Thúc Sinh về với Hoạn Thư được một năm, thì Hoạn Thư khuyên Thúc Sinh về Lâm Tri chăm sóc bố:
“1599. Cách năm mây bạc xa xa,
Lâm Tri cũng phải tính mà thần hôn”.
Thúc Sinh vừa đi khỏi thì Hoạn Thư đến nhà mẹ đẻ Hoạn Bà trình bày kế hoạch bắt Thúy Kiều:
“1613. Lâm Tri đường bộ tháng chầy,
Mà đường hải đạo sang ngay thì gần”.
Thúc Sinh từ Vô Tích đi đường bộ phải mất cả tháng, còn nếu đi bằng đường biển thì gần hơn, mất ít ngày hơn, vì có thể đi suốt ngày đêm.
Thúy Kiều bị bọn Khuyển Ưng đến Lâm Tri bắt đưa về Vô Tích bằng đường biển:
“1615. Dọn thuyền lựa mặt gia nhân,
Hãy đem dây xích buộc chân nàng về”.
Trong “Kim Vân Kiều truyện” có chép rằng Hoạn Thư nói với Hoạn bà:
“Con tính đã kỹ lắm. Lâm Tri là đất miền biển, nếu men đường biển mà đi thì chỉ không đầy 10 ngày có thể đi về được một chuyến. Chồng con chưa đi đến nửa đường thì công việc của con đã được xong xuôi” (Trang 216).
Khuyển Ưng thì thận trọng hơn, hai người nói:
“- Cảm ơn tiểu thư giao phó việc nhỏ bé ấy, làm có khó gì. Chúng con sẽ từ Thái Thương ra biển, không đầy năm ngày thì đến Lâm Tri. Chỉ cần dò la chính xác chị ta ở đâu, chúng con sẽ bắt xuống thuyền rồi theo biển mà về. Không quá nửa tháng sẽ có thể đưa nộp cho tiểu thư” (Trang 218).
Vô Tích là một thành phố trực thuộc tỉnh Giang Tô. Vô Tích nằm trên bờ sông Dương Tử (Trường Giang). Thành phố này nằm ở phía Nam của tỉnh Giang Tô, khoảng nửa đường giữa Thượng Hải và Nam Kinh, cách Thượng Hải 128 km về phía Đông và cách Nam Kinh 183 km về phía Tây. Vô Tích được bao bọc bởi nước, với Thái Hồ miền Nam và sông Dương Tử về phía Bắc.


THÀNH PHỐ VÔ TÍCH
Thành Phố Vô Tích (Hình 2)
Vô Tích nằm phía trên Thái Hồ (hồ lớn màu xanh phía dưới) theo kênh Đại Vận Hà đi ngược lên con sông màu xanh (hình 2), có thể là con sông Thái Thương mà Khuyển Ưng nói tới, sông Thái Thương chính là sông Dương Tử hay còn gọi là Trường Giang, rồi ra biển. Từ Vô Tích con thuyền một lá của Khuyển Ưng đi ra biển. Từ đó men theo bờ biển ngược lên, rồi đi vào Lâm Tri.
Khuyển Ưng đánh thuốc mê Thúy Kiều, rồi đưa lên ngựa phóng đi. Có lẽ không có con sông nào từ biển vào đến tận Lâm Tri, hoặc giả bắt cóc xong, phải chạy cho nhanh, nên Khuyển Ưng phải để thuyền ở một nơi nào đó, rồi đi ngựa đến Lâm Tri bắt Thúy Kiều, sau đó mới đưa lên thuyền, men theo bờ biển, xuôi xuống, rồi rẽ vào sông Thái Thương về Vô Tích.




HÌNH 3:
4. Lâm Tri
7. Vô Tích
Con đường biển này cũng chỉ khoảng 800 km, cả đi và về 1600 km. Giả sử đi về mất 10 ngày, thì mỗi ngày đi được 160 km, đi liên tục 24 giờ/ngày, tình ra thuyền có tốc độ là 6,6 km/giờ.

4. TỪ VÔ TÍCH ĐẾN CHÂU THAI
Thúy Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư đến ở Chiêu Ẩn Am của sư Giác Duyên được hai tháng thì bị lộ. Giác Duyên gửi nàng Kiều đến chỗ Bạc Bà. Bạc Bà lừa ép Kiều lấy Bạc Hạnh. Bạc Hạnh chở Kiều bằng thuyền đến bán cho hàng viện ở Châu Thai. Thúy Kiều lại rơi vào lầu xanh lần thứ hai.
Thúy Kiều từ nhà Hoạn Thư, đến Chiêu Ẩn Am, rồi đến nhà Bạc Bà, vẫn quanh quẩn trong huyện thành Vô Tích.


HÌNH 4:
Wuxi là Vô Tích (Chấm đỏ)
Bạc Hạnh thuê một con thuyền nhỏ một lá chở Thúy Kiều từ Vô Tích theo Thái Hồ đến kênh Đại Vận Hà, ra sông Trường Giang, ra biển, rồi đi dọc bờ biển xuôi xuống phía nam, qua cửa sông Tiền Đường, rồi rẽ vào sông Linh Giang mà tới Châu Thai.
Sông Trường Giang thời đó vẫn còn nhánh dưới, ngày nay đã bị lấp.
Đoạn đường biển này dài khoảng 600 km.
Chứ không có lý gì lại phải ngược lên sông Hoàng Hà, rồi vòng qua bán đảo Sơn Đông dài tới 1200 km, như một số tài liệu đã đưa ra.



HÌNH 5:
4. Vô Tích
9. Châu Thai



CHÂU THAI (Hình 7)


Thai Châu (Thai Châu thị) là một địa cấp thị tỉnh Chiết Giang Trung Quốc.
THAI CHÂU THỊ (Hình 6)



KÊNH ĐẠI VẬN HÀ VÀ SÔNG TRƯỜNG GIANG (Hình 8):




Thái Hồ: Màu xanh
Đại Vận Hà: Màu sẫm
Sông Trường Giang

Có thể cả Khuyển Ưng và Bạc Hạnh đều đi thuyền theo con đường thủy này. Từ Vô Tich theo Thái Hồ (hồ màu xanh trên hình 8) đến kênh Đại Vận Hà (màu nâu sẫm), ngược lên một đoạn ngắn gặp sông Trường Giang (Dương Tử) rồi theo sông Trường Giang ra cửa biển (hình 8).

5. TỪ CHÂU THAI ĐẾN NAM BÌNH
Thúy Kiều đến lầu xanh Châu Thai được một năm thì gặp Từ Hải. Hai người kết nhau từ cái nhìn đầu tiên:
“2165. Lần thâu gió mát đêm trăng,
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi”.
“2177. Thiếp danh đưa đến lầu hồng,
Hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa”.
Từ Hải chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, hai người sống với nhau được nửa năm thì Từ Hải dứt áo ra đi lập nghiệp. Sau 3 năm Từ Hải trở lại, cử 10 vị tướng quân đến đón và đưa dâu như đám cưới một hoàng hậu:
“2265. Sẵn sàng phượng liễn loan nghi,
Hoa quan chấp chới hà y rỡ ràng.
2269. Hỏa bài tiền lộ ruổi mau,
Nam đình nghe động trống chầu đại doanh.
Kéo cờ lũy phát súng thành,
Từ Công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài”.
Không biết Từ Hải cưới và đưa Kiều đến đâu bằng xe rước dâu, đi mất ba ngày đường bộ.
Thông tin về đại bản doanh của Từ Hải ở đâu và sau này ở đây xẩy ra trận chiến giữa Hồ Tôn Hiến và Từ Hải là rất mù mờ.
Nguyễn Du nói Từ Hải đưa Kiều đến “Nam đình” tức là đưa đến triều đình phương
nam. Còn Kim Vân Kiều truyện nói là đưa đến thành Đại Hoang: “- Trình phu
nhân! Đại vương hiện đóng quân ở thành Đại Hoang chờ đợi phu nhân” (Trang 281).
Thành Đại Hoang không biết ở đâu. Chỉ biết triều đình của Từ Hải đặt ở phương Nam. Từ Hải “2450. Năm năm hùng cứ một phương hải tần”“2441. Triều đình riêng một góc trời/ Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà/ Đòi phen gió quét mưa sa/ Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam”.
Từ Hải hùng cứ 5 huyện thành ở miền ven biển Đông là Sơn Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông (Quảng Đông là quê hương Từ Hải).
Trong Truyện Kiều Nguyễn Du viết: “Xảy nghe thế giặc đã tan/ Sóng êm Phúc Kiến, lửa tàn Chiết Giang”. Vậy cuộc chiến giữa Hồ Tôn Hiến và Từ Hải xẩy ra ở đâu?
Trong Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện viết là Từ Hải đưa dâu bằng xe ngựa, tức là đi bằng đường bộ, đi trong ba ngày. Châu Thai thuộc tỉnh Phúc Kiến và sau này viên thổ quan đưa Thúy Kiều đi bằng thuyền đến sông Tiền Đường thì Kiều trẫm mình, cũng ở tỉnh Phúc Kiến. Như vậy thành Đại Hoang hay triều đình phương nam phải nằm gần sông Tiền Đường. Ta biết Tân An Giang là đoạn sông ở phía trên đoạn sông Tiền Đường chảy ra vịnh Hàng Châu. Thành Đại Hoang hay đại bản doanh của Từ Hải phải nằm trên đoạn sông Tân An Giang, tức Nam Bình. Phía bắc của Nam Bình giáp với Chiết Giang.
Trong “Kim Vân Kiều truyện” có thêm một chi tiết đáng chú ý. Khi Kim Trọng hỏi Thúc Sinh, Thúc Sinh kể về Từ Hải: “…Rồi ông ta ra đi, trong ba năm trở thành một đám giặc lớn, mới đưa mười vạn quân về đón lệnh tiểu muội làm phu nhân. Quân giặc đến đâu thắng đến đó, hiện đương đóng quân ở vùng Mân, Chiết”.
Vương quốc Mân Việt là một vương quốc cổ đặt tại nơi mà ngày nay là tỉnh Phúc Kiến, miền nam Trung Quốc. Một thành phố cổ bằng đá trên những dãy núi (núi Vũ Di Sơn) ở Phúc Kiến được cho là thủ đô của nước Mân Việt, tên là Đông Dã (Dongye- 東冶). Gần đó là các mộ thể hiện truyền thống tang lễ giống với những lăng mộ của nước Việt ở tỉnh Chiết Giang. Do đó, người ta cho rằng, thành phố này chính là trung tâm của nước Mân Việt xưa. Ngày nay có thành phố cấp huyện Vũ Di Sơn.
Từ Thai Châu đến Tân Anh Giang (Nam Bình, Phúc Kiến) theo đường chim bay khoảng 330 km, Thúy Kiều đi bằng xe ngựa mất 3 ngày, mỗi ngày đi 8 giờ, tốc độ khoảng 13.7 km/giờ.



TỪ CHÂU THAI ĐI NAM BÌNH (Hình 9)
Châu Thai
10. Nam Bình

6. TỪ NAM BÌNH ĐẾN LỀU CỎ GIÁC DUYÊN

Hồ Tôn Hiến ép duyên Thúy Kiều phải lấy viên thổ quan. Viên thổ quan đưa Kiều lên thuyền từ sông Tân An Giang xuôi ra cửa sông Tiền Đường.
“2601. Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền,
Là màn rủ thấp ngọn đèn khêu cao.
2619. Triều đâu nổi tiếng đùng đùng,
Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường”.
Kiều nhớ lời thần mộng của Đạm Tiên, biết đến đây là hết kiếp đoạn trường, nên gieo mình xuống sông Tiền Đường:
“2635. Trông vời con nước mênh mông,
Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang”.
Được Giác Duyên chăng lưới cứu vớt, đưa đến “thảo lư” ngôi nhà lợp cỏ tranh đã dựng từ trước:
“2731. Thấy nhau mừng rỡ trăm bề,
Dọn thuyền mới rước nàng về thảo lư”.
Ngôi thảo lư, thảo đường này mặt quay về phía đông, nhìn ra cửa sông Tiền Đường ở chỗ khúc ngoặt, bên tả ngạn sông Tiền Đường (chỗ chấm đỏ), nên có câu:
“2735. Bốn bề bát ngát mênh mông,
Triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau.
2697. Đánh tranh chụm nóc thảo đường,
Một gian nước biếc mây vàng chia đôi”.
Ngôi thảo lư ở tả ngạn sông Tiền Đường, vì Kim Trọng sau này từ Hàng Châu đi đường bộ đến đây làm lễ gọi hồn cho Thúy Kiều.




TỪ NAM BÌNH ĐẾN LỀU CỎ GIÁC DUYÊN (Hình 10)
Nam Bình (Tân An Giang)
      Chấm đỏ: Lều cỏ Giác Duyên
Thúy Kiều đến lều cỏ Giác Duyên và gặp đại gia đình Vương Ông, Vương Bà, Kim Trong, Thúy Vân, Vương Quan là kết thúc hành trình 15 năm lưu lạc phong trần đầy đau thương và khổ ải của một cô gái tài sắc vẹn toàn trong vòng quay của “cơ trời dâu bể đa đoan”.
Hà Nội ngày 18.7.2020
LÊ THANH LONG