LÊ THANH LONG
Thơ
rồi sẽ đi về đâu?
Khoa học kĩ thuật ngày nay phát triển một
cách chóng mặt, kèm theo đó là sự thay đổi một cách kì diệu các phương tiện phục
vụ đời sống tinh thần của con người như phim ảnh, truyền hình, thể thao… đặc biệt
là điện thoại di động. Sự phát triển điện thoại di động nhanh tới mức kĩ thuật
mới vừa đưa vào áp dụng trong sản xuất chưa kịp đưa ra thị trường đã bị lạc hậu.
Điện thoại di động đã thay đổi một cách cơ bản đời sống tinh thần của con người
trên khắp thế giới, đặc biệt là giới trẻ. Nói một cách không ngoa thế giới ngày
nay nằm lọt trong lòng bàn tay, có thể biết được hầu như mọi thông tin và các
chương trình giải trí chỉ bằng chiếc điện thoại di động nhỏ bé đem theo bên
mình.
Trong điều kiện đó, thơ sẽ có vị thế nào
trong lòng, trong tâm hồn người hiện đại? Thơ rồi sẽ đi về đâu? Đó là câu hỏi
đáng được quan tâm đặt ra cho các nhà thơ, những người yêu thơ và không dễ gì
trả lời ngay được một cách thỏa đáng.
Thường khi năm cũ sắp trôi qua, một năm mới
sắp bắt đầu, cũng như gần cuối cuộc trăm năm trong cõi hồng trần, người ta thường
nhìn lại, như câu thơ của Bùi Giáng: Ruộng
hoang mang khóc đêm mồng một Giêng/ Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng… “Tạ từ tháng Chạp” và “quay nghiêng” lại nhìn về năm cũ, nhìn
về quá khứ, nhìn về những sự việc đã qua… là cách người Việt Nam thường hay
làm.
Đứng ở thời điểm này, nhìn lại sự thăng trầm
của các loại hình thơ Việt Nam là một ý tưởng không tồi, nhưng không dễ dàng
gì. Để hình dung ra một bức tranh tổng quát, chúng ta sẽ lần lượt điểm qua sự
thăng trầm của các loại hình thơ, qua các thời kì, theo thời gian.
Trước tiên nói về thơ Đường luật. Thơ Đường
luật thịnh hành ở đời nhà Đường (618 - 907) trong suốt ba trăm năm phát triển rực
rỡ.
Sự suy thoái của thơ Đường luật ở nước ta rõ
rệt nhất có lẽ vào thời kì nhà Nguyễn bỏ các kì thi để tuyển chọn nhân tài, do
đó thơ Đường luật không còn chỗ đứng nữa. Và ví dụ rõ rệt nhất là những người
sành thơ Đường luật như Hàn Mặc Tử, Tản Đà… chuyển sang làm thơ 7 chữ, bốn câu
liên hoàn và thơ lục bát. Thời kì này, thơ 7 chữ bốn câu liên hoàn, ba vần hoặc
hai vần cách, phát triển rầm rộ. Và đó cũng có thể coi là thời kì cáo chung của
thơ Đường luật. Đến nay thơ Đường luật vắng bóng hầu như hoàn toàn trong các ấn
phẩm báo hoặc tạp chí văn nghệ. Tuy nhiên thơ Đường luật vẫn tồn tại trong lớp
người cao tuổi ở các câu lạc bộ thơ Đường, nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa lâu
đời. Nó cũng giống như các loại hình thơ khác có thăng, có trầm và cũng sẽ nằm
trong cái quy luật tự nhiên là có sinh, có diệt khắc nghiệt của tạo hóa.
Tiếp
theo nói về thơ Tự do. Thơ Tự do có nguồn gốc từ phương Tây đã có từ rất lâu rồi.
Thơ Tự do không vần ra đời thay cho thơ có vần, lấy tiêu chí mới lạ thay cho
tiêu chí hay. Năm 1990 lại trở về quan điểm thơ hay. Bản thân thơ Tự do ngày
nay, cũng không có gì đột biến mới và cũng đang suy thoái, do sự phát triển rực
rỡ và mau lẹ của các loại hình giải trí khác hấp dẫn hơn.
Tác giả xin trích dẫn bài viết của Trần Ngọc
Cư về tình hình thi ca ở Mỹ đáng để chúng ta quan tâm (1): “…Nói ra thì thật bẽ
bàng, nhưng đối với người Mỹ, dù là người ở ngoài đường phố hay là một trí thức
chuyên gia, thi ca là một loại hình văn chương đang trên đường đi tới chỗ diệt
vong. Nàng thơ đang vào cõi chết, nhưng chẳng mấy ai “sẵn mối động tâm”. Khó mà
tưởng tượng được người Mỹ có thể sống trong một thế giới không có phim ảnh, kịch
nghệ, hài, tiểu thuyết và âm nhạc; nhưng nếu phải ở trong một thế giới thiếu vắng
thi ca thì họ vẫn điềm nhiên theo đuổi hạnh phúc trần thế, chẳng có gì băn
khoăn thắc mắc. Sau khi rời ghế nhà trường, là nơi bị cưỡng chế phải học thơ
văn, cả hàng chục năm trong cuộc đời trưởng thành của một người Mỹ chưa chắc đã
có mấy ai chịu cầm lấy một tập thơ hay một bài thơ để “thưởng thức”. Họ ngại phải
động não để giải mã những biểu tượng (symbols) hay sự bóng gió (allusion) rải
rác trong một bài thơ”.
“…Vào khoảng thập niên 90, Nàng Thơ coi như
đã trút xong hơi thở cuối cùng trên xứ Cờ Hoa. Độc giả yêu thơ, như phần lớn
người Việt ta, chắc sẽ bàng hoàng và cho đây là một phát biểu ngoa ngụy. Dẫu
nói thế nào đi nữa, không ai có thể bắt người khác phải tin vào một điều gì mà
không cần thực chứng. Thực chứng đó là: trong các loại hình văn học nghệ thuật
hiện nay ở Mỹ, thi ca có lẽ là loại hình có số người viết vượt quá xa số người
chịu bỏ thì giờ ra để đọc”.
Bài viết đáng để chúng ta suy ngẫm.
Bình luận và đánh giá về tình hình thơ Tự do
ở Việt Nam hiện nay, xin dành cho các nhà nghiên cứu phê bình có tên tuổi làm,
mà chỉ xin nêu ra một số sự việc, hiện tượng riêng lẻ. Thơ Tự do ở Việt Nam cũng chưa thấy
có bước đột phá nào đáng kể. Và có những sự việc khá thú vị là có những nhà thơ
tầm cỡ, nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi thể nghiệm cái mới, cái lạ trong thơ Tự
do, lại nổi tiếng và được biết đến nhờ một hai bài thơ Lục bát.
Có tập thơ được giải cao, nhưng tác giả của
nó không thuộc hết một bài thơ nào của chính mình, là một điều khá kì lạ. Bản
thân tác giả còn thế, thử hỏi có mấy người đọc và thuộc những bài thơ trong tập
thơ ấy. Ở Việt Nam có mấy nghìn, mấy vạn nhà thơ, có hàng vạn tập thơ và tạp
chí thơ, có nhà thơ nói mỗi năm chỉ đọc được khoảng hơn mười tập thơ của bạn
bè.
Thơ Tự do bây giờ rất đa dạng về nội dung và
cách thể hiện và về hình thức không có một cấu trúc rõ rệt, hầu như không có một
chuẩn mực nào, thường dài dòng và khó hiểu. Đến nỗi có tác giả bình một bài thơ
mà chỉ dám nói đó là cảm nghĩ riêng của mình, còn người khác thì có thể có cảm
nghĩ khác.
Có người nói đại ý: Anh cứ đưa cho tôi một
bài thơ Lục bát, tôi sẽ nói cho anh biết
anh đứng ở đâu? Tại sao lại là một bài thơ Lục bát, mà không phải là một bài
thơ Tự do? Phải chăng thơ Lục bát có chuẩn mực rõ ràng, còn thơ Tự do thì
không?! Hay là do, thơ Tự do nằm trong một phạm vi mênh mông không có giới hạn
nào về nội dung và hình thức?!
Thơ Tự do đã có từ lâu, được du nhập vào Việt
Nam .
Thơ Tự do không chỉ có ở phương Tây, mà có ở cả phương Đông. Thơ Tự do còn cổ
và lâu đời hơn cả thơ Đường luật, thơ Lục bát… Thơ Tự do ở phương Đông có lẽ là
thơ cổ thể (Cổ phong) của Trung Quốc thời xưa. Thơ Cổ phong có vần điệu, không
hạn chế số chữ trong một câu, số câu trong một bài. Đặng Trần Côn viết Chinh phụ
ngâm bằng chữ Hán, theo dạng thơ Cổ phong, giống như thơ Tự do ngày nay. Hai
câu đầu tiên trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, mặc dù viết bằng chữ Hán,
khi phiên âm ra, người Việt Nam
ngày nay ai cũng hiểu được:
Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân
Hai câu thơ này được Đoàn Thị Điểm diễn ra
chữ Nôm, theo thể Song thất lục bát, một cách tài tình:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Thơ Tự do ngày nay đang được định hướng cho
giới trẻ học văn và cũng đã lan sang giới già. Tuy nhiên, cũng mới chỉ trong phạm
vi những người làm thơ. Không biết giới trẻ ngày nay có đọc thơ Tự do hay
không?! Riêng giới già rất ít đọc thơ Tự do và không thích thơ Tự do, mặc dù có
dư thời gian. Có lẽ vì thơ Tự do khó hiểu, dài dòng và không gây được ấn tượng
chăng. Nói như thế, không phải phủ nhận cái hay của thơ Tự do. Thơ Tự do cũng
có nhiều bài hay và trong sáng. Nhưng quả thật hiểu được thơ Tự do không dễ
dàng gì và phải mất nhiều thời gian nghiền ngẫm. Có lẽ đó là điều hạn chế nhất
của thơ Tự do đến với công chúng. Thơ Lục bát cũng hình tượng, biểu tượng…tại
sao nó không khó hiểu như thơ Tự do? Có lẽ thơ Tự do dùng quá nhiều hình tượng,
biểu tượng… và dùng quá nhiều những mỹ từ, quá nhiều những từ ngữ xa lạ với với
đời sống thường ngày chăng. Vì là thơ Tự do, nên người ta quá “tự do” chăng!
Sự định hướng vẫn là định hướng, quy luật tự
nhiên vẫn là quy luật tự nhiên. Sự phát triển và tồn tại từ xưa đến nay vẫn là ở
trong lòng người. Đối với người bình dân, thơ thực chất cũng chỉ được coi là một
loại hình văn hóa giải trí, không có thời gian để nghiền ngẫm, ngoài ra còn đòi
hỏi một tri thức tổng hợp để nắm bắt, phân tích các biểu tượng, nội hàm đằng
sau những câu thơ. Người đọc cảm thấy hay và hợp với mình thì đọc chơi, không
thích hợp thì bỏ qua.
Phần còn lại dành nói về thơ truyền thống Việt
Nam .
Thơ truyền thống Việt Nam nằm trong một quá trình sáng tạo, phát triển lâu dài,
kiên trì đầy gian khổ, tuyệt vời của cha ông ta qua nhiều thế hệ cho đến ngày
nay.
Trước tiên phải kể đến thơ Song thất lục
bát. Thơ Song thất lục bát là sự lai ghép giữa thơ Đường luật và thơ Lục bát đầy
sáng tạo đặc sắc của cha ông ta. Hai câu thất có nhịp 3/4, khác với thơ Đường
luật có nhịp 4/3. Thơ Đường luật chỉ có cước vận (vần chân, vần ở cuối câu),
còn thơ Song thất lục bát có cả cước vận và yêu vận (vần lưng, vần ở giữa câu).
Thể thơ Song thất lục bát ra đời từ thế kỉ
15, nhưng mãi đến thế kỉ 18 mới đạt đến hình thức hoàn mỹ của nó. Thể thơ này
phát triển mạnh vào thế kỉ 18 cho đến tận đầu thế kỉ 20. Thể thơ Song thất lục
bát là sáng tạo tuyệt vời của cha ông ta xưa. Là một thể thơ thuần Việt, rất được
các tác gia ưa dùng trong suốt thời kì trung đại ở Việt Nam . Thơ Song
thất lục bát phát triển rực rỡ thời kì Đoàn Thị Điểm diễn Nôm Chinh phụ ngâm từ
nguyên bản chữ Hán của Đặng Trần Côn, ngoài ra còn có Cung oán ngâm khúc của
Nguyễn Gia Thiều, Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du… Tuy nhiên đến nay,
trước sức tấn công như vũ bão của các loại hình giải trí với công nghê siêu hiện
đại, thơ Song thất lục bát cũng đã dần lụi tàn. Số lượng tác gia sử dụng loại
thơ này để sáng tác ngày càng hiếm. Thăng trầm có lẽ đó là quy luật của muôn đời.
Loại hình thơ thứ hai phải kể đến là thơ Lục
bát. Thơ Lục bát sớm nhất cũng chỉ xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng cuối thế kỉ thứ 15.
Lúc đầu vần điệu của thơ Lục bát không như bây giờ, mà là chữ thứ 6 của câu lục
vần với chữ thứ 4 của câu bát, ngày nay người ta gọi là Lục bát cổ. Đến thế kỉ
thứ 17, luật Lục bát đã hoàn thành sứ mệnh của mình, khi chữ thứ 6 của câu lục
chuyển sang vần với chữ thứ 6 của câu bát.
Đỉnh cao của thơ Lục bát là tác phấm Truyện
Kiều của thi hào Nguyễn Du. Nguyễn Du đã chủ động phá vỡ cái khuôn hình của luật
Lục bát, tạo ra một vế đối chuẩn hoặc đối cân trong cùng một câu, nhằm đa dạng
nhịp điệu câu thơ. Nguyễn Du đã sáng tạo ra một “luật Lục bát mới”, ngày nay người ta đã công nhận “luật lục bát mới” này của Nguyễn Du, mà
không coi là phạm luật Lục bát.
Bên cạnh thơ Lục bát truyền thống có bề dầy
lịch sử và thành quả đáng kính nể, Lục bát ngày nay vẫn đang có những sáng tạo,
thay đổi, phát triển không ngừng. Đó là Lục bát vắt dòng, Lục bát chấm câu, Lục
bát huyền ảo… Lục bát huyền ảo là nấc thang cao của sự phát triển thơ Lục bát.
Thơ truyền thống bao gồm thơ 4 chữ, 5 chữ, 6
chữ, 7 chữ, 8 chữ, Song thất lục bát, Lục bát… phát triển rực rỡ trong thời kì
sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, vẫn là cái mạch Thơ mới, khởi đầu từ năm
1932, nổi bật là Hàn Mặc Tử với phong cách lãng mạn, tượng trưng và siêu thực,
phát triển cho đến nay và đã góp phần không nhỏ đưa hai cuộc kháng chiến trường
kì oai hùng của nhân dân Việt Nam đến toàn thắng.
Để thích nghi với thị hiếu của người đọc,
cũng như thời gian ngày càng hạn hẹp, thơ truyền thống ngày càng ngắn gọn,
trung bình từ 10 đến 20 câu, thậm chí rút xuống 4 câu, 2 câu, thơ tứ tuyệt ngày
càng được sáng tác nhiều hơn.
Các nhà thơ tâm huyết vẫn đang tìm cách đổi
mới, làm mới thơ truyền thống. Thơ 8 chữ, nhịp 3/5 đã đem lại một nguồn sinh lực
mới, cách mới thể hiện nội dung và đã mang lại những thành quả đáng khích lệ
cho thơ hiện đại.
Thơ 6 chữ là sản phẩm riêng của Việt Nam .
Thơ Đường luật không ít thì nhiều cũng là
văn hóa du nhập trong thời Bắc thuộc, thơ Tự do là ảnh hưởng của văn hóa phương
Tây. Người Việt Nam đã làm thơ, dù sử dụng thể loại thơ nào cũng đều mang cái hồn
cốt Việt Nam, nhưng cách thể hiện là phải theo cái gốc, phong cách của thể loại
thơ ấy. Cho nên chúng ta càng tự hào khi còn giữ lại được một nền văn hóa thơ
truyền thống cho đến ngày nay.
Chữ Nôm và chữ Quốc ngữ là minh chứng cho sự
quyết tâm gìn giữ một cách xuất sắc bản chất văn hóa dân tộc đầy sáng tạo, kiên
trì chống lại ảnh hưởng thôn tính của văn hóa ngoại lai.
Mỗi dân tộc có một nền văn hóa thơ riêng, có
một quan niệm riêng về cái đẹp, có một quan điểm thẩm mỹ riêng và có một cách
thưởng thức nghệ thuật thơ riêng… đã thành nếp hằn sâu trong tiềm thức mỗi con
người. Vì vậy người Việt Nam yêu mến, thích và hợp với thơ truyền thống dân tộc
mình hơn các loại hình thơ ngoại lai khác là một điều dễ hiểu. Dân Việt Nam ai
cũng thích Truyện Kiều với những vần thơ Lục bát uyển chuyển, điêu luyện là
minh chứng rõ nhất cho điều này.
Nói gì thì nói, làm gì thì làm, nhưng không
thể không chú ý đến các loại hình thơ thuộc văn hóa truyền thống dân tộc.
Nói, ngày nay các loại hình giải trí hiện đại
lấn át loại hình thơ, có lẽ chỉ đúng một phần. Thơ của chúng ta đang ngày càng
xa dần tiêu chí phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân. Sự tồn tại của các loại
hình giải trí là để phục vụ đời sống con người, cái gì xa cách với đời sống con
người, không phục vụ thiết thực cho đời sống quảng đại quần chúng nhân dân,
không đi được vào lòng người, sớm muộn gì cũng sẽ bị quy luật tự nhiên đào thải.
Cái cũ mất đi là để cho cái mới ra đời. Mà ở ta, loại hình thơ mới thì vẫn chưa
ra đời, vẫn còn loay hoay với sự thay đổi về hình thức và cách thức thể hiện.
Dù cho các loại hình thơ có khác nhau đi nữa, thì đều cùng hướng tới một nội
dung nhất định nào đó, một mục đích nhất định nào đó mà thôi.
Thơ rồi sẽ đi về đâu?! Trong thời đại con
người ngày càng có ít thời gian và coi thơ cũng chỉ như một loại hình giải trí
và đang bị các loại hình giải trí khác phát triển như vũ bão lấn át. Để tồn tại,
thích nghi và đi được vào lòng công chúng thời hiện đại, có lẽ thơ nên quay lại
với các tiêu chí trong sáng, dễ hiểu, lạ và hay phục vụ con người, chứ không phải
với mục đích phục vụ mình, nếu thơ không muốn dần đi tới chỗ tự đóng băng mình.
Mỗi thời đại con người có những đòi hỏi riêng, có những thú vui riêng của thời
đại đó.
----------------------
(1)Trần Ngọc
Cư, Thi ca Mỹ sau thời độc sáng, Văn nghệ, số 31 (ngày 2-8-2014), tr.16.
---------------------
LÊ THANH LONG
Nàng Thơ bỏ đi
Em đừng đi,
hỡi nàng Thơ!
Trăng vàng
đang rải bên bờ cát xinh
Gió
còn thức suốt năm canh
Người còn mơ mộng,
ngày xanh chưa tàn.
Nàng đừng
bỏ chốn nhân gian
Về nơi cô quạnh,
mà oan tiếng đời!
Đừng về
xây mộng cùng trời
Rưng rưng,
nhìn ánh trăng cười,
bỏ đi.
Xuân về ủ mộng tương tri
Trăm năm rồi cũng
còn gì nữa đâu!
Dõi theo
phong nguyệt bạc đầu
Sang xuân
kiếm một cơi trầu,
đi em!
Em đừng
kéo rủ màn đêm
Buông câu hờ hững,
mà nhen lạnh lùng
Ngày xưa
phong nguyệt tưng bừng
Mà nay
em bỏ giữa chừng,
em đi!
Xuân còn,
hồn chẳng còn chi
Đêm xuân tỉnh giấc,
thấy gì nữa đâu!
Một vầng trăng lạnh
ngang đầu
Hoang mang,
nước chảy qua cầu nhân gian.