Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Thơ rồi sẽ đi về đâu?

LÊ THANH LONG

Thơ rồi sẽ đi về đâu?

   Khoa học kĩ thuật ngày nay phát triển một cách chóng mặt, kèm theo đó là sự thay đổi một cách kì diệu các phương tiện phục vụ đời sống tinh thần của con người như phim ảnh, truyền hình, thể thao… đặc biệt là điện thoại di động. Sự phát triển điện thoại di động nhanh tới mức kĩ thuật mới vừa đưa vào áp dụng trong sản xuất chưa kịp đưa ra thị trường đã bị lạc hậu. Điện thoại di động đã thay đổi một cách cơ bản đời sống tinh thần của con người trên khắp thế giới, đặc biệt là giới trẻ. Nói một cách không ngoa thế giới ngày nay nằm lọt trong lòng bàn tay, có thể biết được hầu như mọi thông tin và các chương trình giải trí chỉ bằng chiếc điện thoại di động nhỏ bé đem theo bên mình.
   Trong điều kiện đó, thơ sẽ có vị thế nào trong lòng, trong tâm hồn người hiện đại? Thơ rồi sẽ đi về đâu? Đó là câu hỏi đáng được quan tâm đặt ra cho các nhà thơ, những người yêu thơ và không dễ gì trả lời ngay được một cách thỏa đáng.
   Thường khi năm cũ sắp trôi qua, một năm mới sắp bắt đầu, cũng như gần cuối cuộc trăm năm trong cõi hồng trần, người ta thường nhìn lại, như câu thơ của Bùi Giáng: Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một Giêng/ Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng… “Tạ từ tháng Chạp”“quay nghiêng” lại nhìn về năm cũ, nhìn về quá khứ, nhìn về những sự việc đã qua… là cách người Việt Nam thường hay làm.
   Đứng ở thời điểm này, nhìn lại sự thăng trầm của các loại hình thơ Việt Nam là một ý tưởng không tồi, nhưng không dễ dàng gì. Để hình dung ra một bức tranh tổng quát, chúng ta sẽ lần lượt điểm qua sự thăng trầm của các loại hình thơ, qua các thời kì, theo thời gian.
   Trước tiên nói về thơ Đường luật. Thơ Đường luật thịnh hành ở đời nhà Đường (618 - 907) trong suốt ba trăm năm phát triển rực rỡ.
   Sự suy thoái của thơ Đường luật ở nước ta rõ rệt nhất có lẽ vào thời kì nhà Nguyễn bỏ các kì thi để tuyển chọn nhân tài, do đó thơ Đường luật không còn chỗ đứng nữa. Và ví dụ rõ rệt nhất là những người sành thơ Đường luật như Hàn Mặc Tử, Tản Đà… chuyển sang làm thơ 7 chữ, bốn câu liên hoàn và thơ lục bát. Thời kì này, thơ 7 chữ bốn câu liên hoàn, ba vần hoặc hai vần cách, phát triển rầm rộ. Và đó cũng có thể coi là thời kì cáo chung của thơ Đường luật. Đến nay thơ Đường luật vắng bóng hầu như hoàn toàn trong các ấn phẩm báo hoặc tạp chí văn nghệ. Tuy nhiên thơ Đường luật vẫn tồn tại trong lớp người cao tuổi ở các câu lạc bộ thơ Đường, nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa lâu đời. Nó cũng giống như các loại hình thơ khác có thăng, có trầm và cũng sẽ nằm trong cái quy luật tự nhiên là có sinh, có diệt khắc nghiệt của tạo hóa.
   Tiếp theo nói về thơ Tự do. Thơ Tự do có nguồn gốc từ phương Tây đã có từ rất lâu rồi. Thơ Tự do không vần ra đời thay cho thơ có vần, lấy tiêu chí mới lạ thay cho tiêu chí hay. Năm 1990 lại trở về quan điểm thơ hay. Bản thân thơ Tự do ngày nay, cũng không có gì đột biến mới và cũng đang suy thoái, do sự phát triển rực rỡ và mau lẹ của các loại hình giải trí khác hấp dẫn hơn.
   Tác giả xin trích dẫn bài viết của Trần Ngọc Cư về tình hình thi ca ở Mỹ đáng để chúng ta quan tâm (1): “…Nói ra thì thật bẽ bàng, nhưng đối với người Mỹ, dù là người ở ngoài đường phố hay là một trí thức chuyên gia, thi ca là một loại hình văn chương đang trên đường đi tới chỗ diệt vong. Nàng thơ đang vào cõi chết, nhưng chẳng mấy ai “sẵn mối động tâm”. Khó mà tưởng tượng được người Mỹ có thể sống trong một thế giới không có phim ảnh, kịch nghệ, hài, tiểu thuyết và âm nhạc; nhưng nếu phải ở trong một thế giới thiếu vắng thi ca thì họ vẫn điềm nhiên theo đuổi hạnh phúc trần thế, chẳng có gì băn khoăn thắc mắc. Sau khi rời ghế nhà trường, là nơi bị cưỡng chế phải học thơ văn, cả hàng chục năm trong cuộc đời trưởng thành của một người Mỹ chưa chắc đã có mấy ai chịu cầm lấy một tập thơ hay một bài thơ để “thưởng thức”. Họ ngại phải động não để giải mã những biểu tượng (symbols) hay sự bóng gió (allusion) rải rác trong một bài thơ”.
   “…Vào khoảng thập niên 90, Nàng Thơ coi như đã trút xong hơi thở cuối cùng trên xứ Cờ Hoa. Độc giả yêu thơ, như phần lớn người Việt ta, chắc sẽ bàng hoàng và cho đây là một phát biểu ngoa ngụy. Dẫu nói thế nào đi nữa, không ai có thể bắt người khác phải tin vào một điều gì mà không cần thực chứng. Thực chứng đó là: trong các loại hình văn học nghệ thuật hiện nay ở Mỹ, thi ca có lẽ là loại hình có số người viết vượt quá xa số người chịu bỏ thì giờ ra để đọc”.
   Bài viết đáng để chúng ta suy ngẫm.
   Bình luận và đánh giá về tình hình thơ Tự do ở Việt Nam hiện nay, xin dành cho các nhà nghiên cứu phê bình có tên tuổi làm, mà chỉ xin nêu ra một số sự việc, hiện tượng riêng lẻ. Thơ Tự do ở Việt Nam cũng chưa thấy có bước đột phá nào đáng kể. Và có những sự việc khá thú vị là có những nhà thơ tầm cỡ, nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi thể nghiệm cái mới, cái lạ trong thơ Tự do, lại nổi tiếng và được biết đến nhờ một hai bài thơ Lục bát.
   Có tập thơ được giải cao, nhưng tác giả của nó không thuộc hết một bài thơ nào của chính mình, là một điều khá kì lạ. Bản thân tác giả còn thế, thử hỏi có mấy người đọc và thuộc những bài thơ trong tập thơ ấy. Ở Việt Nam có mấy nghìn, mấy vạn nhà thơ, có hàng vạn tập thơ và tạp chí thơ, có nhà thơ nói mỗi năm chỉ đọc được khoảng hơn mười tập thơ của bạn bè.
   Thơ Tự do bây giờ rất đa dạng về nội dung và cách thể hiện và về hình thức không có một cấu trúc rõ rệt, hầu như không có một chuẩn mực nào, thường dài dòng và khó hiểu. Đến nỗi có tác giả bình một bài thơ mà chỉ dám nói đó là cảm nghĩ riêng của mình, còn người khác thì có thể có cảm nghĩ khác.
   Có người nói đại ý: Anh cứ đưa cho tôi một bài thơ Lục bát,  tôi sẽ nói cho anh biết anh đứng ở đâu? Tại sao lại là một bài thơ Lục bát, mà không phải là một bài thơ Tự do? Phải chăng thơ Lục bát có chuẩn mực rõ ràng, còn thơ Tự do thì không?! Hay là do, thơ Tự do nằm trong một phạm vi mênh mông không có giới hạn nào về nội dung và hình thức?!
   Thơ Tự do đã có từ lâu, được du nhập vào Việt Nam. Thơ Tự do không chỉ có ở phương Tây, mà có ở cả phương Đông. Thơ Tự do còn cổ và lâu đời hơn cả thơ Đường luật, thơ Lục bát… Thơ Tự do ở phương Đông có lẽ là thơ cổ thể (Cổ phong) của Trung Quốc thời xưa. Thơ Cổ phong có vần điệu, không hạn chế số chữ trong một câu, số câu trong một bài. Đặng Trần Côn viết Chinh phụ ngâm bằng chữ Hán, theo dạng thơ Cổ phong, giống như thơ Tự do ngày nay. Hai câu đầu tiên trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, mặc dù viết bằng chữ Hán, khi phiên âm ra, người Việt Nam ngày nay ai cũng hiểu được:
Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân
   Hai câu thơ này được Đoàn Thị Điểm diễn ra chữ Nôm, theo thể Song thất lục bát, một cách tài tình:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
   Thơ Tự do ngày nay đang được định hướng cho giới trẻ học văn và cũng đã lan sang giới già. Tuy nhiên, cũng mới chỉ trong phạm vi những người làm thơ. Không biết giới trẻ ngày nay có đọc thơ Tự do hay không?! Riêng giới già rất ít đọc thơ Tự do và không thích thơ Tự do, mặc dù có dư thời gian. Có lẽ vì thơ Tự do khó hiểu, dài dòng và không gây được ấn tượng chăng. Nói như thế, không phải phủ nhận cái hay của thơ Tự do. Thơ Tự do cũng có nhiều bài hay và trong sáng. Nhưng quả thật hiểu được thơ Tự do không dễ dàng gì và phải mất nhiều thời gian nghiền ngẫm. Có lẽ đó là điều hạn chế nhất của thơ Tự do đến với công chúng. Thơ Lục bát cũng hình tượng, biểu tượng…tại sao nó không khó hiểu như thơ Tự do? Có lẽ thơ Tự do dùng quá nhiều hình tượng, biểu tượng… và dùng quá nhiều những mỹ từ, quá nhiều những từ ngữ xa lạ với với đời sống thường ngày chăng. Vì là thơ Tự do, nên người ta quá “tự do” chăng!
   Sự định hướng vẫn là định hướng, quy luật tự nhiên vẫn là quy luật tự nhiên. Sự phát triển và tồn tại từ xưa đến nay vẫn là ở trong lòng người. Đối với người bình dân, thơ thực chất cũng chỉ được coi là một loại hình văn hóa giải trí, không có thời gian để nghiền ngẫm, ngoài ra còn đòi hỏi một tri thức tổng hợp để nắm bắt, phân tích các biểu tượng, nội hàm đằng sau những câu thơ. Người đọc cảm thấy hay và hợp với mình thì đọc chơi, không thích hợp thì bỏ qua.
   Phần còn lại dành nói về thơ truyền thống Việt Nam. Thơ truyền thống Việt Nam nằm trong một quá trình sáng tạo, phát triển lâu dài, kiên trì đầy gian khổ, tuyệt vời của cha ông ta qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.
   Trước tiên phải kể đến thơ Song thất lục bát. Thơ Song thất lục bát là sự lai ghép giữa thơ Đường luật và thơ Lục bát đầy sáng tạo đặc sắc của cha ông ta. Hai câu thất có nhịp 3/4, khác với thơ Đường luật có nhịp 4/3. Thơ Đường luật chỉ có cước vận (vần chân, vần ở cuối câu), còn thơ Song thất lục bát có cả cước vận và yêu vận (vần lưng, vần ở giữa câu).
   Thể thơ Song thất lục bát ra đời từ thế kỉ 15, nhưng mãi đến thế kỉ 18 mới đạt đến hình thức hoàn mỹ của nó. Thể thơ này phát triển mạnh vào thế kỉ 18 cho đến tận đầu thế kỉ 20. Thể thơ Song thất lục bát là sáng tạo tuyệt vời của cha ông ta xưa. Là một thể thơ thuần Việt, rất được các tác gia ưa dùng trong suốt thời kì trung đại ở Việt Nam. Thơ Song thất lục bát phát triển rực rỡ thời kì Đoàn Thị Điểm diễn Nôm Chinh phụ ngâm từ nguyên bản chữ Hán của Đặng Trần Côn, ngoài ra còn có Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du… Tuy nhiên đến nay, trước sức tấn công như vũ bão của các loại hình giải trí với công nghê siêu hiện đại, thơ Song thất lục bát cũng đã dần lụi tàn. Số lượng tác gia sử dụng loại thơ này để sáng tác ngày càng hiếm. Thăng trầm có lẽ đó là quy luật của muôn đời.
   Loại hình thơ thứ hai phải kể đến là thơ Lục bát. Thơ Lục bát sớm nhất cũng chỉ xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng cuối thế kỉ thứ 15. Lúc đầu vần điệu của thơ Lục bát không như bây giờ, mà là chữ thứ 6 của câu lục vần với chữ thứ 4 của câu bát, ngày nay người ta gọi là Lục bát cổ. Đến thế kỉ thứ 17, luật Lục bát đã hoàn thành sứ mệnh của mình, khi chữ thứ 6 của câu lục chuyển sang vần với chữ thứ 6 của câu bát.
   Đỉnh cao của thơ Lục bát là tác phấm Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du. Nguyễn Du đã chủ động phá vỡ cái khuôn hình của luật Lục bát, tạo ra một vế đối chuẩn hoặc đối cân trong cùng một câu, nhằm đa dạng nhịp điệu câu thơ. Nguyễn Du đã sáng tạo ra một “luật Lục bát mới”, ngày nay người ta đã công nhận “luật lục bát mới” này của Nguyễn Du, mà không coi là phạm luật Lục bát.
   Bên cạnh thơ Lục bát truyền thống có bề dầy lịch sử và thành quả đáng kính nể, Lục bát ngày nay vẫn đang có những sáng tạo, thay đổi, phát triển không ngừng. Đó là Lục bát vắt dòng, Lục bát chấm câu, Lục bát huyền ảo… Lục bát huyền ảo là nấc thang cao của sự phát triển thơ Lục bát.
   Thơ truyền thống bao gồm thơ 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, Song thất lục bát, Lục bát… phát triển rực rỡ trong thời kì sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, vẫn là cái mạch Thơ mới, khởi đầu từ năm 1932, nổi bật là Hàn Mặc Tử với phong cách lãng mạn, tượng trưng và siêu thực, phát triển cho đến nay và đã góp phần không nhỏ đưa hai cuộc kháng chiến trường kì oai hùng của nhân dân Việt Nam đến toàn thắng.
   Để thích nghi với thị hiếu của người đọc, cũng như thời gian ngày càng hạn hẹp, thơ truyền thống ngày càng ngắn gọn, trung bình từ 10 đến 20 câu, thậm chí rút xuống 4 câu, 2 câu, thơ tứ tuyệt ngày càng được sáng tác nhiều hơn.
   Các nhà thơ tâm huyết vẫn đang tìm cách đổi mới, làm mới thơ truyền thống. Thơ 8 chữ, nhịp 3/5 đã đem lại một nguồn sinh lực mới, cách mới thể hiện nội dung và đã mang lại những thành quả đáng khích lệ cho thơ hiện đại.
   Thơ 6 chữ là sản phẩm riêng của Việt Nam
   Thơ Đường luật không ít thì nhiều cũng là văn hóa du nhập trong thời Bắc thuộc, thơ Tự do là ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Người Việt Nam đã làm thơ, dù sử dụng thể loại thơ nào cũng đều mang cái hồn cốt Việt Nam, nhưng cách thể hiện là phải theo cái gốc, phong cách của thể loại thơ ấy. Cho nên chúng ta càng tự hào khi còn giữ lại được một nền văn hóa thơ truyền thống cho đến ngày nay.
   Chữ Nôm và chữ Quốc ngữ là minh chứng cho sự quyết tâm gìn giữ một cách xuất sắc bản chất văn hóa dân tộc đầy sáng tạo, kiên trì chống lại ảnh hưởng thôn tính của văn hóa ngoại lai.
   Mỗi dân tộc có một nền văn hóa thơ riêng, có một quan niệm riêng về cái đẹp, có một quan điểm thẩm mỹ riêng và có một cách thưởng thức nghệ thuật thơ riêng… đã thành nếp hằn sâu trong tiềm thức mỗi con người. Vì vậy người Việt Nam yêu mến, thích và hợp với thơ truyền thống dân tộc mình hơn các loại hình thơ ngoại lai khác là một điều dễ hiểu. Dân Việt Nam ai cũng thích Truyện Kiều với những vần thơ Lục bát uyển chuyển, điêu luyện là minh chứng rõ nhất cho điều này.
   Nói gì thì nói, làm gì thì làm, nhưng không thể không chú ý đến các loại hình thơ thuộc văn hóa truyền thống dân tộc.
   Nói, ngày nay các loại hình giải trí hiện đại lấn át loại hình thơ, có lẽ chỉ đúng một phần. Thơ của chúng ta đang ngày càng xa dần tiêu chí phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân. Sự tồn tại của các loại hình giải trí là để phục vụ đời sống con người, cái gì xa cách với đời sống con người, không phục vụ thiết thực cho đời sống quảng đại quần chúng nhân dân, không đi được vào lòng người, sớm muộn gì cũng sẽ bị quy luật tự nhiên đào thải. Cái cũ mất đi là để cho cái mới ra đời. Mà ở ta, loại hình thơ mới thì vẫn chưa ra đời, vẫn còn loay hoay với sự thay đổi về hình thức và cách thức thể hiện. Dù cho các loại hình thơ có khác nhau đi nữa, thì đều cùng hướng tới một nội dung nhất định nào đó, một mục đích nhất định nào đó mà thôi.
   Thơ rồi sẽ đi về đâu?! Trong thời đại con người ngày càng có ít thời gian và coi thơ cũng chỉ như một loại hình giải trí và đang bị các loại hình giải trí khác phát triển như vũ bão lấn át. Để tồn tại, thích nghi và đi được vào lòng công chúng thời hiện đại, có lẽ thơ nên quay lại với các tiêu chí trong sáng, dễ hiểu, lạ và hay phục vụ con người, chứ không phải với mục đích phục vụ mình, nếu thơ không muốn dần đi tới chỗ tự đóng băng mình. Mỗi thời đại con người có những đòi hỏi riêng, có những thú vui riêng của thời đại đó.
----------------------
(1)Trần Ngọc Cư, Thi ca Mỹ sau thời độc sáng, Văn nghệ, số 31 (ngày 2-8-2014), tr.16.
---------------------


LÊ THANH LONG


Nàng Thơ bỏ đi













Em đừng đi,
hỡi nàng Thơ!
Trăng vàng
đang rải bên bờ cát xinh
Gió
còn thức suốt năm canh
Người còn mơ mộng,
ngày xanh chưa tàn.

Nàng đừng
bỏ chốn nhân gian
Về nơi cô quạnh,
mà oan tiếng đời!
Đừng về
xây mộng cùng trời
Rưng rưng,
nhìn ánh trăng cười,
bỏ đi.

Xuân về ủ mộng tương tri
Trăm năm rồi cũng
còn gì nữa đâu!
Dõi theo
phong nguyệt bạc đầu
Sang xuân
kiếm một cơi trầu,
đi em!

Em đừng
kéo rủ màn đêm
Buông câu hờ hững,
mà nhen lạnh lùng
Ngày xưa
phong nguyệt tưng bừng
Mà nay
em bỏ giữa chừng,
em đi!

Xuân còn,
hồn chẳng còn chi
Đêm xuân tỉnh giấc,
thấy gì nữa đâu!
Một vầng trăng lạnh
ngang đầu
Hoang mang,
nước chảy qua cầu nhân gian.



Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Truyện Kiều - Những bình giải

TRUYỆN KIỀU –
Những bình giải

Tác giả: Lê Thanh Long
Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014, 224 trang.


Lời giới thiệu

   Rượu ngon phải có bạn hiền cùng uống, thơ hay phải có bạn thơ cùng bình phẩm, trận bóng đá hay phải có đông bạn bè cùng xem. Đọc thơ mà không có bạn thơ cùng trao đổi thì chẳng khác gì ngồi uống rượu một thân, xem bóng đá một mình.
   Sách “Truyện Kiều – Những bình giải” của Lê Thanh Long là Người bạn thơ cùng giao lưu với chúng ta khi đọc Truyện Kiều, một thi phẩm nói mãi cũng không hết, bình giải mãi cũng không cạn. Để không bị lạc vào việc bình giải riêng rẽ từng từ, từng câu thơ như cách chú giải theo thông lệ ở các sách Truyện Kiều, Lê Thanh Long chọn ra 35 chủ đề để bình giải. Đó là những chủ đề nóng, vì thường có những cách bình giải khác nhau, theo những cảm nhận khác nhau. Đọc Truyện Kiều – Những bình giải ta thấy tác giả như trải lòng mình trên từng câu, từng từ trong thơ Kiều, như muốn hòa mình sống với các nhân vật của một xã hội bi thương cách xa chúng ta hàng trăm năm về thời gian, nhưng lại gần gũi về cảnh ngộ, để cảm nhận những ý thơ trong các từ, các câu của Nguyễn Du khi bình giải.
   Là nhà thơ, Lê Thanh Long có những cảm nhận tinh tế, sinh động, song ở góc độ là nhà khoa học, Lê Thanh Long lại có cách bình giải logic, hợp lý, chặt chẽ, có tính hệ thống trước sau của Kiều học , khoa học nghiên cứu Truyện Kiều.
   Có thể ở đâu đó trong các đoạn bình giải có những cái mới, khác lạ chưa dễ được ai đó chấp nhận, do những cảm nhận khác nhau về thơ Kiều, song chính những cái mới, cái khác lạ ấy đã đưa đến cho sách Truyện Kiều – Những bình giải sự hấp dẫn và chú ý.
   Hy vọng sách Truyện Kiều – Những bình giải của Lê Thanh Long sẽ đưa đến cho bạn đọc những giây phút ngạc nhiên và thú vị như tác giả mong muốn.
TS. Phan Tử Phùng
Phó Chủ Tịch

Hội Kiều học Việt Nam

Bạn đọc muốn tìm hiểu xin liên hệ: 
Lê Thanh Long, số điện thoại 01292098772



                                   LÊ THANH LONG                                             


Mấy lời cùng bạn đọc

     Truyện Kiều của Nguyễn Du đã có hàng trăm nhà Kiều học có học vị cao, có tên tuổi nghiên cứu, hiệu đính, bình giải, bình luận… trong hàng trăm năm nay như Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Vĩnh, Đào Duy Anh, Nguyễn Can Mộng, Vân Hạc Lê Văn Hòe, Tản Đà, Phan Ngọc, Nguyễn Thạch Giang,Vũ Ngọc Khánh, Lê Văn Hoàn… và nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi khác đã tạo ra một khối lượng đồ sộ các công trình nghiên cứu có giá trị. Tuy vậy, có nhiều vấn đề, nhiều câu chữ…  trong Truyện Kiều vẫn còn tranh cãi, còn phải bàn bạc… cho đến tận bây giờ còn chưa ngã ngũ. Thế mới biết Truyện Kiều hay và sâu sắc đến nhường nào!
    Từ ngữ trong Truyện Kiều là những viên ngọc quý lấp lánh nhiều màu sắc. Hiểu thật thấu đáo, thật sâu sắc, thật chính xác chữ nghĩa Truyện Kiều không phải là điều dễ dàng.
    Nói khác với những “cây đa, cây đề” về Kiều học như Đào Duy Anh, Lê Văn Hòe… và hàng trăm nhà Kiều học tên tuổi là một việc làm không dễ dàng gì, nhưng để giải đáp được những câu thơ khó, cần phải có cách tiếp cận mới, hướng giải quyết khác, mới mong  tìm ra điều gì đó còn ẩn giấu.
Tìm hiểu ý nghĩa từng câu, từng chữ trong Truyện Kiều, cho đúng với thâm ý của Nguyễn Du là một việc làm cực kỳ khó khăn, nhưng rất thú vị, để cho độc giả hiểu một cách sâu sắc thấu đáo Truyện Kiều
   Tìm hiểu ý nghĩa từng câu thơ trong Truyện Kiều là phải theo đúng nguyên bản (theo các bản hiện có). Ta không nên thay đổi văn bản khi bình giải, dù đó có thể là hay hơn, dễ hiểu hơn nguyên bản, nhưng đó không phải là thơ của Nguyễn Du. Vì vậy khi bình luận chúng tôi bám sát văn bản hiện hành, tất nhiên là chọn những văn bản chúng tôi cho là hợp lí, vì chưa có một văn bản nào chính thức được thừa nhận và cũng chưa tìm thấy bản gốc ban đầu của cuốn “Đoạn trường tân thanh”.
   GS. Hà Minh Đức cho rằng trong đổi mới hiện nay, cái quý nhất là những tác phẩm có giá trị đỉnh cao. Hiện nay có khuynh hướng làm mới cái cũ, có người đã làm mới Truyện Kiều bằng cách thay chữa câu chữ của Nguyễn Du. Cách làm đó rất đáng phê phán (Phát biểu tại hội thảo khoa học quốc gia”Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế”, 15.5.2014)
   Tác giả chỉ tập trung vào một số câu thơ, mà những bình giải trước đây còn chưa làm thỏa mãn người đọc và những câu thơ chưa được bình giải, hoặc bình giải chưa được cặn kẽ.
Tác giả đặc biệt chú ý đến phong cách dùng từ ngữ
khác lạ của Nguyễn Du so với cách dùng từ ngữ thông thường từ trước đến nay ta vẫn hiểu, xem xét một cách thận trọng, để có thể đưa ra những bình giải hợp lí.
   Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đứng trên những góc độ, những quan điểm chính trị khác nhau phân tích, phê phán Truyện Kiều. Tác giả đứng trên quan điểm, góc độ của Nguyễn Du thời đó, đặt mình vào vị trí của Nguyễn Du và xã hội thời Nguyễn Du để lý  giải sự việc, để nghiên cứu, đánh giá, phê bình, nhận xét, nhằm làm sáng rõ thêm Truyện Kiều, chứ không phê phán hay đứng trên góc độ kiến thức ngày nay để đánh giá.
Những bình giải, nhận xét bám sát vào chính những câu thơ trong Truyện Kiều, để tự bản thân câu thơ của Nguyễn Du nói lên những điều Nguyễn Du muốn nói.
   Tất cả những người say mê nghiên cứu Truyện Kiều, dù ý kiến đúng hay còn chưa đúng, đều rất đáng trân trọng. Người làm thơ không đọc Truyện Kiều, hoặc không nghiên cứu kỹ Truyện Kiều là một thiệt thòi lớn.
Những vần thơ tuyệt diệu làm nên thành công của Truyện Kiều, là thành quả của sự tích lũy kiến thức và kinh nghiệm cả đời cũng như thiên tài trời phú của thi hào Nguyễn Du.
   Truyện Kiều ca ngợi giá trị của cuộc sống con người, ca ngợi hạnh phúc có thực và phải đấu tranh để giành lấy hạnh phúc. Nó là tiếng nói chống lại bất công, áp bức, ca ngợi sự thủy chung, cái đẹp, cái thiện. Nó cũng cho thấy sự nghèo khổ, sự may rủi, sự buồn chán, sự tàn nhẫn, sự lừa lọc, sự đố kỵ… của con người là có thực và luôn luôn hiện hữu trong cuộc sống.
    Bạn đọc sẽ có những phút giây ngạc nhiên thú vị và không phải mất nhiều thời gian mà vẫn tìm hiểu được Truyện Kiều một cách đầy đủ, thấu đáo và sâu sắc.








Xuân và cuộc đời, Nguyễn Du và Truyện Kiều

LÊ THANH LONG

Xuân và cuộc đời


Liễu buồn
xõa tóc
chờ thu
Lá bàng xanh
thức
để ru cõi tình
Cuối đông
sẽ cựa mình
Kìa
đôi mắt lá
em xinh nở bừng

Hoa
còn tung tẩy chưa dừng
Mà xuân như đã
ngập ngừng sang ngang
Đời
như một ngọn gió  hoang
Xuân thì như sóng
mở ngàn cánh bay

Xuân mang
bóng đổ xuống ngày
Tình
như nước chảy,
sao đầy được sông
Xuân đi
chầm chậm trong lòng
Trời xuân hé mở,
thinh không trong ngần

Tình
như quầng sáng Thiên Thần
Đứng nhìn thì đẹp,
đến gần lại tan.

Sóng tình
trôi
giữa nhân gian
Nhẹ như gió thoảng,
nặng ngàn vạn cân
Xuân ai
rồi cũng một lần
Mặn chua mấy cuộc phong trần
nhớ quên!


LÊ THANH LONG


Nguyễn Du và Truyện Kiều

Ông ngồi bút mực cầm tay
Ngước xem thời thế đổi thay nhường nào
Đường thơ mài sắc hơn dao
Ba đào nhân thế thấm vào thẳm sâu

Phong trần phủ trắng mái đầu
Khúc Kiều nối nhịp cây cầu thiên thu
Trăm năm gió cuốn Tố Như
Bánh xe thế sự cuốn mù mịt bay

Để đời một áng thơ hay
Hai trăm năm lẻ còn say lòng người
Tố Như ơi! Khóc lẽ đời
Khúc đàn “bạc mệnh” ngậm ngùi thế gian

Kiếp người chìm nổi, hợp tan
Câu thơ nhỏ máu, nỗi oan nàng Kiều
Trăm người yêu, chẳng được yêu
Lênh đênh một cánh đò chiều, lênh đênh

Phận người giữa chốn xông xênh
Một đời mắc nợ duyên tình đớn đau
Một thiên tình sử nát nhàu
Thiên thu còn động nỗi sầu nhân gian. 

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Lục bát vắt dòng và lục bát chấm câu

LÊ THANH LONG


Lục bát vắt dòng và lục bát chấm câu

    Thơ lục bát cũng như thơ Đường luật, thơ bảy chữ, tám chữ … thường đọc ngừng lại ở cuối câu. Gần đây người ta hay dùng cụm từ “lục bát vắt dòng” để chỉ việc người ta “cắt’ lục bát thành từng đoạn và đọc “vắt” từ dòng nọ sang dòng kia. Nhưng thực chất của công việc này là “ngắt nhịp lục bát”. Hay nói cách khác là biểu diễn nhịp điệu lục bát trên mặt giấy. Việc ngắt nhịp (xuống dòng) phải đúng với nhịp điệu lục bát, chứ không ngắt, xuống dòng tùy ý được. Ngoài ra, việc ngắt nhịp này, đôi khi còn để nhấn mạnh một từ quan trọng nào đó.
      Cụm từ “lục bát vắt dòng” này là do chủ quan của các nhà thơ tự đặt ra, giống như thơ tự do vắt dòng. Tức là đọc vắt từ dòng nọ sang dòng kia, chứ không dừng lại ở cuối câu. Mục đích là để gây ấn tượng thị giác, chứ không phải gây ấn tượng thính giác như đọc thơ và ngâm thơ.
      Từ trước đến nay, khi đọc các loại thơ Đường luật, thơ bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ, lục bát… người ta thường dừng lại ở cuối câu. Nhưng gần đây xuất hiện một loại lục bát chấm câu. Mà khi đọc người ta đọc và nghỉ ở dấu chấm câu. Tạm gọi là “lục bát chấm câu” và đọc “vắt dòng”. Nói là “lục bát chấm câu” và đọc “vắt dòng”, vì bắt buộc phải “đọc vắt dòng” do ngữ pháp chấm câu quy định. Tất nhiên các câu còn lại vẫn phải đọc theo nhịp điệu lục bát quy định.
      Thời trước, người ta chấm phẩy câu thơ theo đúng ngữ pháp tiếng Việt và viết hoa ở đầu câu. Sau đó là thời kỳ trong câu thơ không chấm, không phẩy nữa, nhưng vẫn viết hoa ở đầu câu. Sau này trong câu thơ người ta bỏ luôn không chấm, không phẩy và không viết hoa ở đầu câu, nhưng vẫn viết mỗi câu thơ một dòng. Nghĩa là bỏ luôn ngữ pháp tiếng Việt. Mặc cho người đọc muốn hiểu thế nào thì hiểu. Ngay cả văn xuôi người ta cũng bỏ luôn chấm, phẩy viết một mạch mấy trang liền, không chấm phẩy. Văn phạm tiếng Việt đã khó lại càng thêm khó cho người đọc! Không biết đó là “sáng tạo”, “cải tiến” hay là “cải lùi” không biết nữa?! Viết như thế, thì không biết các thày giáo dạy tiếng Việt còn gì để mà dạy nữa?!
      Gần đây, để đổi mới, các nhà thơ lại sử dụng rất nhiều dấu chấm câu. Việc làm này đem đến những mới mẻ, gây ấn tượng thị giác. Nhưng mục đích xa hơn, là làm cho câu thơ có thêm nhiều ý nghĩa. Nội dung câu thơ mở rộng hơn. Người đọc có thể hiểu theo nhiều cách. Một từ, hai từ cũng có thể hình thành một câu trọn vẹn. Chủ ngữ ẩn đi, và một số thành phần khác cũng ẩn đi. Vì vậy người đọc có thể đọc, hiểu theo nhiều cách khác nhau.
      Ví dụ, ta đọc bài thơ sau đây của Lê Huy Quang:
Về đi thôi gió
Về đi thôi. Gió. Đừng chờ,
Chẳng còn chi nữa. Mắt mờ tìm nhau.
Về đi. Thôi gió. Bay mau,
Chẳng còn em. Vẫn một màu. Phố xưa.
Về đi thôi. Gió đừng mơ,
Xa bàn tay ấy. Bất ngờ nỗi đau.
Về đi. Thôi gió. Chớ sầu,
Ngày mai xa lắm. Còn đâu sợi buồn.
Về đi thôi gió. Mưa tuôn,
Tóc nhòa bóng nước cội nguồn là em.
Về đi. Thôi gió. Là đêm,
Hương hoa sữa. Những êm đềm thời gian.
Về đi thôi gió nồng nàn,
Heo may gợn. Thoáng đầy tràn trong nhau.
      Tôi không bình giải bài thơ này, mà chỉ đưa ra một số cách hiểu khác nhau, do chấm câu tạo ra.
      Hai câu thơ đầu:
Về đi thôi. Gió. Đừng chờ,
Chẳng còn chi nữa. Mắt mờ tìm nhau.
Ai dục giã ai về? Gió là ai? Ở đây, gió có thể là anh con trai. Người con gái dục anh con trai trở về đi. Đừng chờ đợi nữa. Đừng tìm nhau làm gì nữa. Gió là anh con trai. Hay chính người con trai dục giã mình trở về. Đừng chờ đợi làm gì nữa. Vì người yêu không còn ở đấy nữa. Tình yêu không còn nữa.
      Sang hai câu thơ tiếp theo, đã giải thích rõ cho điều này:
Về đi. Thôi gió. Bay mau,
Chẳng còn em. Vẫn một màu. Phố xưa.
Anh con trai tự nói với mình “Về đi. Thôi gió”, về nhanh đi, về ngay đi, cái phố xưa vẫn còn đấy, cảnh cũ vẫn thế, nhưng người mình muốn tìm là em thì không còn ở đấy nữa rồi. Tìm nhau mãi không thấy: “Mắt mờ tìm nhau”.
      Bạn đọc tự tìm hiểu thêm những câu thơ tiếp theo.
      Nhiều khi ta có cảm tưởng như tác giả chấm câu lung tung. Nhưng thực ra người viết có dụng ý nhất định trong việc chấm câu, nhằm hướng độc giả tới một ý nghĩa nào đó. Và cách chấm câu sẽ bắt độc giả phải suy nghĩ, nghiền ngẫm, tìm ra ý nghĩa đích thực của câu thơ.
      “Lục bát vắt dòng” ở đây được quy định bởi chấm câu, chứ không phải “lục bát vắt dòng” theo nhịp điệu câu thơ lục bát. Lấy ví dụ câu:
Về đi thôi. Gió. Đừng chờ,
Chẳng còn chi nữa. Mắt mờ tìm nhau.
Ở đây ta chú ý đến dấu phẩy sau chữ chờ ở câu lục. Tác giả có dụng ý dùng dấu phẩy ở đây, vì tác giả vẫn giữ cách viết hoa ở đầu mỗi câu, dấu phẩy ở đây lưu ý người đọc, nếu đọc “vắt dòng theo dấu chấm câu”, thì phải đọc là:
Về đi thôi.
Gió.
Đừng chờ, chẳng còn chi nữa.
Mắt mờ tìm nhau.
Hay như câu:
Về đi. Thôi gió. Là đêm,
Hương hoa sữa. Những êm đềm thời gian.
Ta phải đọc “vắt dòng” như sau:
Về đi.
Thôi gió.
Là đêm, hương hoa sữa.
Những êm đềm thời gian.
      Cách viết và đọc “vắt dòng” theo chấm câu gây được ấn tượng thị giác. Và cũng là một cách đổi mới cách viết thơ lục bát.
      Ta lấy một ví dụ khác, bài thơ Mình về! của L.T.L.
Mình về!
Về đi em nhé! Ơi em
trái tim bốc lửa. Vừa đem nhúng bùn.
Về đi em nhé! Đừng buồn!
Băng tan giũ sạch. Mưa nguồn lại xanh.

Ngày mai em nhé! Cùng anh
chắt chiu một chút cỏ lành. Còn thơm.
Ngày mai sóng vỗ. Nguồn cơn.
Sông còn có lúc. Bồn chồn. Chia ly.

Ngày mai ở lại. Đừng đi!
Nắng lên tươi mới. Bờ mi em cười.
Ngày mai em nhé! Cuộc đời
sẽ xanh đến tận chân người mình yêu!

Ngày mai. Một chút nuông chiều
chẳng còn dấu vết. Cô Kiều tiễn đưa.
Mình về! Với nắng với mưa.
Mình về ủ lại men xưa. Chúng mình…
     Bài thơ nói về cô gái "bán hoa" và anh thanh niên người yêu của cô. Anh thanh niên có một tình yêu tha thiết, có tấm lòng cao thượng, mong muốn cô rời bỏ nơi tối về với ánh sáng cuộc đời trong lành. Bài thơ mang đậm chất nhân văn cao cả của con người. Bài thơ này cũng như bài thơ trên sử dụng dấu chấm câu để mở rộng ý nghĩa bài thơ. Và dùng dấu chấm câu để quy định đọc “vắt dòng”. Nhưng khác với bài thơ trên, bài thơ này tác giả không viết hoa ở đầu câu, mà viết hoa sau dấu chấm câu.
      Ví dụ câu:
Về đi em nhé! Ơi em
trái tim bốc lửa. Vừa đem nhúng bùn.
Sẽ được đọc và trình bày “vắt dòng” như sau:
Về đi em nhé!
Ơi em trái tim bốc lửa.
Vừa đem nhúng bùn.
Hay như câu:
Ngày mai em nhé! Cuộc đời
sẽ xanh đến tận chân người mình yêu.
Sẽ được đọc và viết “vắt dòng” như sau:
Ngày mai em nhé!
Cuộc đời sẽ xanh đến tận chân người mình yêu.
Việc chấm câu như vậy sẽ tạo ra một câu thơ dài đến mười chữ.
      Trong câu:
Ngày mai em nhé! Cùng anh
chắt chiu một chút cỏ lành. Còn thơm.
Sẽ được đọc và viết “vắt dòng” như sau:
Ngày mai em nhé!
Cùng anh chắt chiu một chút cỏ lành.
Còn thơm.
Ngày mai, ngày chúng ta về với nhau. Chúng ta sẽ chắt chiu, giữ lấy những nét “cỏ lành” của quê hương thân yêu, giữ lấy những nếp sống trong sạch, trong sáng, mà xưa nay vẫn được mọi người nâng niu tôn trọng. Hai từ “Còn thơm” tách thành một câu sẽ mang nhiều ý nghĩa khác nhau, để cho người đọc tự suy ngẫm, chiêm nghiệm, tìm ra. Cái gì “Còn thơm”? Cuộc đời còn thơm, còn đẹp lắm. Mặc dù trái tim em “vừa đem nhúng bùn” do một phút nông nổi, nhưng em không mất đi tất cả, mà em vẫn còn những cái quý giá khác.
Nếu viết:
Ngày mai em nhé!
Cùng anh chắt chiu một chút cỏ lành còn thơm.
Thì ý nghĩa của câu thơ bị giới hạn trong phạm vi hẹp hơn. Và không còn chỗ cho độc giả suy nghĩ, liên tưởng rộng ra. Đó là mục đích và cũng là ưu việt của việc chấm câu có dụng ý, mà tác giả muốn hướng tới.
      Chưa có nhiều người viết và trình bày thơ lục bát theo cách chấm câu như trên đã trình bày. Bước đầu tìm hiểu và nêu ra để người yêu thơ tham khảo. Điều này cho thấy vẫn còn chỗ để ta làm mới lục bát, nếu chúng ta yêu mến và hết lòng với lục bát.