Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

NGHI VẤN XUNG QUANH TRUYỆN KIỀU


NGHI VẤN XUNG QUANH TRUYỆN KIỀU

                                        LÊ THANH LONG

Truyện Kiều ra đời cách nay đã hơn 200 năm, tuy vậy còn có những nghi vấn quanh nó vẫn chưa được làm sáng tỏ:
1. Có phải Nguyễn Du đã đưa “Đoạn trường tân thanh” cho Phạm Quý Thích khắc in hay không?
2. Truyện Kiều được lưu hành ra bên ngoài sớm nhất vào lúc nào?
3. Truyện Kiều được khắc in sớm nhất vào lúc nào?
Nhiều tài liệu nói “Đoạn trường tân thanh” Nguyễn Du đã giao cho bạn là Phạm Quý Thích khắc in tại Hà Nội. Bản này đến nay cũng không còn hay là không có. Hiện nay mới thu thập được các bản khắc in sớm nhất là: 1. Bản Liễu Văn Đường khắc in năm 1966, 1871, 1879, 2. Bản Duy Minh Thị khắc in năm 1872, 1879. 3. Bản Thịnh Mỹ Đường khắc in năm 1879. Các bản này đều khắc in thời Tự Đức (1847 - 1883), 4. Độc bản chép tay, mỗi trang đều có minh họa, rất đẹp, ở luân Đôn, năm 1894, cũng đã được in ra năm 2016.
Tự Đức (1829 - 1883) tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Thì, là vị hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn.
“Sau khi Nguyễn Du mất chỉ vài chục năm, vua Tự Đức từng có sớ cho quan tỉnh Nghệ An thu thập tất cả di cảo của Nguyễn Du để đưa về kinh”.
Thời Minh Mạng (1820 - 1840) không tìm thấy bản khắc in Truyện Kiều nào, mà chỉ có những bản chép tay được lưu truyền.
Phạm Quý Thích (1760 - 1825), đậu tiến sĩ năm 1779, làm quan giữ chức Thiêm sai tri công phiên. Gia Long lên ngôi, ông được bổ làm đốc học, được ít lâu thì xin từ chức. Đầu đời Gia Long (1802) vời ông ra, ông từ chối không được, giữ chức Thị trung học sĩ, tước Thích An Hầu, trông coi việc chép sử (1811). Ít lâu, ông cáo quan về quê. Đầu đời Minh Mạng (1821) lại vời ông ra, ông đang bệnh, lấy cớ ấy từ chối, từ đó ông chăm lo việc dạy học ở quê nhà, đào tạo được nhiều trí thức như Nguyễn Văn Lữ, Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan...
Phạm Quý Thích là bạn thân của danh sĩ Nguyễn Du. Chính ông là người đầu tiên đem Truyện Kiều ra bình phẩm với học trò, làm bài thơ Đoạn trường tân thanh hữu cảm (thường gọi là Tổng vịnh Truyện Kiều).
Phạm Quý Thích mất sau Nguyễn Du năm năm (1820 và 1825), có lẽ ông cũng chỉ được đọc “Đoạn trường tân thanh” qua bản chép tay.
Bài thơ vịnh Kiều của Phạm Quý Thích có tên là “Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm”.
Phiên âm:
Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường
Bán thế yên hoa trái vị thường.
Ngọc diện khởi ưng mai Thủy quốc,
Băng tâm tự khả đối Kim lang.
Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu,
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường.
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy,
Tân thanh đáo để vị thùy thương?
Dịch xuôi:
Người đẹp phải đâu tới Tiền Đường
Món nợ nửa kiếp gái lầu xanh chưa được trả
Mặt ngọc sao nỡ vùi nơi đáy nước
Lòng băng tuyết tự thấy xứng đáng với chàng Kim
Nỗi đau đứt ruột trong mộng, căn duyên nay đã hết
Khúc đàn bạc mệnh chấm dứt, oán hận còn dài lâu
Một mảnh tài tình tự ngàn xưa mang lụy cho người
Cuối cùng, tiếng mới dành cho ai nỗi đau thương?
Dịch thơ:
Phải đâu gái đẹp đến Tiền Đường
Nửa kiếp lầu xanh nợ vẫn vương
Mặt ngọc sao đang vùi sóng nước
Lòng son tự thấy xứng Kim lang
Đoạn trường mộng báo căn duyên hết
Bạc mệnh đàn ngưng oán hận trường
Một mảnh tài tình muôn thuở lụy
Cuối cùng tiếng mới vị ai thương?
Những tập Truyện Kiều khắc in về sau này có bài “Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm” đặt ở đầu sách lại viết là “Đề từ” nên dễ lầm tưởng Phạm Quý Thích đã khắc in “Đoạn trường tân thanh”. Đề từ thực chất cũng là một bài thơ vịnh, chỉ khác ở chỗ là tên bài thơ do chính tác giả đặt để tôn vinh tác phẩm và đặt ở đầu sách.
Không biết thông tin Nguyễn Du đưa “Đoạn Trường tân thanh” cho Phạm Quý Thích in là dựa vào tư liệu nào, hay chỉ dựa vào bài thơ “Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm” rồi phỏng đoán ra?
Phạm Quý Thích cùng thời với Nguyễn Du, mất sau Nguyễn Du 5 năm (1825), đã được đọc “Đoạn Trường Tân thanh” của Nguyễn Du. Vậy “Đoạn trường tân thanh” được lưu truyền trước khi Nguyễn Du mất hay sau khi Nguyễn Du mất?
Có lẽ thời Minh Mạng Truyện Kiều chưa được khắc in, mà chỉ được lưu truyền qua những bản chép tay. Nguyễn Du liệu có đưa tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” cho Phạm Quý Thích khi còn sống hay Phạm Quý Thích được đọc qua tủ tư liệu của triều Nguyễn thu được khi Nguyễn Du mất, hay một người nào của triều Nguyễn đưa cho?
Nguyễn Văn Thắng đậu tiến sĩ năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Năm 1830 phải tội bị hạ ngục và soạn ra bài “Tựa Kim Vân Kiều án”, có đoạn “…Mùa đông năm Canh Dần (1830), tôi bị hạ ngục, suốt ngày ngồi ngây, không biết lấy gì để khuây khỏa. Nhân thường đọc Truyện Kiều Nôm nay cũng lĩnh hội được lời lẽ, rồi ngẫm kỹ về văn chương… “, không biết Nguyễn Văn Thắng có được bản Kiều chép tay từ lúc nào, tất nhiên là trước năm 1830.
Tại sao Nguyễn Du khi còn sống không tự khắc in tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” của mình? Đây là câu hỏi rất lớn và quan trọng để giải quyết vấn đề.
Rất nhiều nghi vấn về sự ra đời của cuốn sách “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du. Bản thảo chính của Nguyễn Du không còn nữa. Từ trước đến nay người ta cho rằng bản “Đoạn trường tân thanh” mà Nguyễn Du giao cho Phạm Quý Thích khắc in tại Hàng Gai, Hà Nội đề là “Kim Vân Kiều tân truyện” nay cũng không còn.
Bản kinh là bản chép tay Đào Nguyên Phổ đã đem từ Huế về Hà Nội (1895).
Bản của Nguyễn Hưng Lập (Lâm Nọa Phu) chép tay năm 1870 ở kinh đô Huế, khi đang làm ở bộ Công dưới triều Tự Đức, gọi là bản kinh. Bản kinh không được in ra, mà chỉ được chép tay, như Đào Nguyên Phổ đã kể lại cảnh người ta “tranh nhau sao chép đễn nỗi giá giấy đắt như giấy quý Lạc Đô”. Bản kinh chép tay ở kinh đô này có khác biệt so với bản phường. Nó được vua quan triều Tự Đức nhuận sắc và để lại dấu ấn trong các bản Kiều này.
Chưa thấy công bố tìm thấy một bản khắc in nào trong thời Minh Mạng.
Trong cuốn Truyện Thúy Kiều, hai ông Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim viết: "Hiện nay tập nguyên văn của tác giả làm ra thì không tìm thấy nữa, chỉ có hai bản khác nhau ít nhiều, là bản Phường, in ở phố Hàng Gai, Hà Nội, và bản Kinh của vua Dực Tôn bản triều đã chữa lại". "Bản Phường là bản của ông Phạm Quý Thích đem khắc in ra trước hết cả. Ông hiệu là Lập Trai, người làng Huê Đường, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương, đỗ tiến sĩ về cuối đời Lê, cùng với tác giả là bạn đồng thanh tương khí, cho nên khi quyển truyện này làm xong, thì tác giả đưa cho ông xem. Chắc cũng sửa lại một vài câu, nhưng xem lời văn thì chỗ nào cũng một giọng cả".
Không biết ông Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim dựa trên cơ sở nào mà nói “cho nên khi quyển truyện này làm xong, thì tác giả đưa cho ông xem”, tức Nguyễn Du đưa cho Phạm Quý Thích xem, có lẽ hai ông cũng chỉ phỏng đoán vậy thôi, chắc cũng không có trong tay bản phường của Phạm Quý Thích.
Những bản Truyện Kiều khắc in có được hiện nay đều là ở thời Tự Đức, gọi là bản phường.
Hiện nay có ba bản in ở đời Tự Đức là xưa nhất (1866, 1871, 1872).
Những bản khắc in đầu tiên đều có tên là “Kim Vân Kiều tân truyện”. Bản Liễu Văn Đường khắc in năm 1866, 1871, bản Duy Minh Thị khắc in năm 1872, 1879.
Kim Vân Kiều truyện quốc ngữ Trương Vĩnh Ký in 1875 tại Sài Gòn.
Những bản khắc in sau này có tên là “Đoạn Trường tân thanh”, sau đó gọi là Truyện Kiều. Các bản in của Duy Minh Thị năm 1879, Tăng Hữu Ứng năm 1874, Abel des Michels năm 1884, Kiều Oánh Mậu năm 1902, Quan Văn Đường thời Hiền Thi Tự năm 1906, Phúc Văn Đường năm 1918, Quang tập Liễu Văn Đường 1924, Quan Văn Đường năm 1925, Truyện Thúy Kiều, Nam Phong in năm 1922.
Năm 1924 Vũ Đình Long, Phạm Quỳnh gọi là Truyện Kiều. Tên Truyện Kiều xuất hiện từ những năm 20 của thế kỷ 20.
Lời tựa cuốn “Đoạn trường tân thanh” của Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ (sinh năm 1860) viết năm 1898, niên hiệu Thành Thái. Nguyễn Văn Vĩnh người đầu tiên dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp, in năm 1913.
Theo Nguyễn Quảng Tuân: Việc công bố bản Kinh do Lâm Noạ Phu sao chép cũng đem lại những thông tin mới. Trong Lời Tựa, câu: Thị... xuất tự Hồng Sơn liệp hộ Nguyễn Du Tố Như ông thủ thảo, lưu truyền ngũ (thập niên) vu tư... (Bản Kiều này xuất xứ từ chính thủ bút của Hồng Sơn liệp hộ Nguyễn Du được lưu truyền từ 50 năm nay... đã cho ta thấy rằng đây có thể là bản được chép từ bản gốc, bản tác giả và bản này lưu truyền đã 50 năm nay (tính từ năm 1870 ngược lại đến năm 1820, năm Nguyễn Du mất).
Thực ra đoạn trích trong Lời tựa đó cũng chỉ cho ta biết thông tin “Đoạn trường tân thanh” được lưu truyền sau khi Nguyễn Du mất, đã được 50 năm.
Nguyễn Du có thật sự đưa “Đoạn trường tân thanh” cho Phạm Quý Thích để in năm 1820 hay không?
Sau khi Nguyễn Du mất, triều đình nhà Nguyễn đã cử người đến tịch thu toàn bộ tư liệu của Nguyễn Du, niêm phong và đưa đi.
Sách Đại Nam thực lục chính biên cho biết: “Canh Thìn, năm Minh Mạng thứ 1 (1820), mùa thu…Vua dụ bầy tôi rằng: “Gần đây lệ khí lan tràn từ Gia Định trở ra đến Quảng Bình nhiều người ốm chết, trẫm nghe thấy rất lấy làm thương…
Hữu Tham tri Bộ Lễ là Nguyễn Du chết. Du là người Nghệ An học rộng giỏi thơ, càng giỏi về quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói gì… Đến bây giờ có mệnh sai sang nước Thanh, chưa kịp đi thì chết. Vua (Minh Mạng) thương tiếc, cho 20 lạng bạc, 1 cây gấm Tống. Khi đưa tang về lại cho thêm 300 quan tiền”.
Theo Đại Nam Liệt Truyện: "Nguyễn Du là người ngạo nghễ, tự phụ, song bề ngoài tỏ vẻ giữ gìn, cung kính, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì..."
Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi, cử ông đi sứ lần nữa, nhưng lần này chưa kịp đi thì ông đột ngột qua đời vì bệnh dịch tả.
Đại Nam Liệt Truyện viết: "Đến khi đau nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ thưa đã lạnh cả rồi. Ông nói "được" rồi mất; không trối lại điều gì."
Nguyễn Du từng biết làm thuốc kiếm sống. Cha của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm (1708- 1776) cũng bị chết vì bệnh dịch tả. Năm 1776 Nguyễn Nhiễm đánh trận về bị lâm trọng bệnh dịch tả qua đời cùng với danh tướng họ Trịnh Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc.
Hơn ai hết Nguyễn Du thấu hiểu bệnh tình của mình. Nguyễn Du là người có kiến thức uyên bác lại từng là thày thuốc, ông biết chắc rằng không uống thuốc sẽ dẫn đến đâu. Vậy tại sao ông lại từ chối uống thuốc? Một con người đang trên đường thăng tiến, đang được cử đi sứ sang Trung Quốc, được trọng vọng. Cái lý do từ chối uống thuốc chắc phải lớn lao, ghê gớm đến mức nào, để Nguyễn Du phải đổi cả cuộc sống của mình để lấy cái đó. Ông bình thản đón nhận và biết việc gì sẽ tới, ông biết lịch sử cuộc đời mình sẽ sang một trang khác và tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” của mình sẽ được phổ biến, lưu truyền và sẽ được khắc in sau khi mình qua đời.
Nguyễn Du chết do bệnh dịch tả thời đó đã làm chết 20 vạn người, chết do bệnh dịch không có gì đáng nói. Nhưng cái cách ra đi của Nguyễn Du bình thản, không lời trăng trối, mặc dù có con và người nhà làm quan, lại là điều khác lạ, đặc biệt, làm ta phải suy nghĩ.
Nguyễn Du biết khi mình còn sống thì “Đoạn Trường tân thanh” không thể ra đời. Nếú công bố “Đoạn trường tân thanh” ra, Nguyễn Du sẽ bị xử chết và gây thảm họa cho cả gia đình, dòng họ. Chỉ có một cách duy nhất để “Đoạn trường tân thanh” ra đời và tồn tại, được lưu truyền, là sau khi mình chết. Nguyễn Du thấu hiểu điều đó và có lẽ ông đã chọn được đúng thời điểm để ra đi. Con người kỳ lạ cũng chọn cho mình cách thức kỳ lạ ra đi để tác phẩm của mình ra đời và trường tồn. Nó như một câu chuyện tình ly kỳ lãng mạn.
Sau khi Nguyễn Du mất chỉ vài chục năm, vua Tự Đức từng có sớ cho quan tỉnh Nghệ An thu thập tất cả di cảo của Nguyễn Du để đưa về kinh.
Tương truyền, vua Tự Đức là người rất mê Truyện Kiều, như mê “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng / Xếp tàn y lại để dành hơi”. Nhưng khi đọc đến câu thơ Nguyễn Du viết về Từ Hải: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, nhà vua đập bàn quát: “Bắt ngay Nguyễn Tiên Điền vào đây cho ta, quất cho 20 roi để gã biết trên đầu còn có ai hay không?”. Quan hầu thưa: “Muôn tâu Hoàng thượng, Nguyễn Tiên Điền tịch đã khí lâu rồi thưa Hoàng thượng!”. Nhà vua không thể rút lệnh đánh roi Nguyễn Du về được, bèn phán: “Treo cái án 20 roi ta ban cho Nguyễn Du lên giữa giời, để bọn văn nhân thi sĩ đời sau nhìn thấy gương tày liếp này mà liệu liệu cái thân phận bút nghiên thấp cổ bé họng thi với phú cứ thích chơi trèo!”.
Điều này cho thấy Nguyễn Du không thể tự in hoặc phổ biến “Đoạn Trường tân thanh” ra bên ngoài khi còn sống.
Nên chăng các nhà Kiều học cần làm rõ những điều gì là chân thực của các tư liệu và cứ liệu và những gì là ngộ nhận, để chúng ta ngày càng tiến gần hơn đến sự thật.
                                               Hà Nội ngày 21.12.2019
                                                  LÊ THANH LONG