Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Người về






LÊ THANH LONG

Người về

(Kính tiễn Đại Tướng
                         Võ Nguyên Giáp)
Tiễn đưa
Đại Tướng
người người
tiếc thương
khắp cõi
ngang trời lệ sa
Người về
Đảo Yến quê nhà
phất phơ lau trắng
cỏ hoa ngời ngời
Tiếng thơm
để lại đời đời
Gió mưa
vẫn đứng
mỉm cười
thiên thu!
Trong ngần
yên ả sóng ru
Mai sau
còn có
người như…
bây giờ?!
                     (Hà Nội 13.10.2013)


Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Vòng luân hồi

Vòng luân hồi

Em ơi!
         Nước mắt ướt đầm
Nỗi đau tách vỏ,
                    nụ mầm tương lai
Nắng tàn
             mà hạt không phai
Tàn đông là để

                     xuân mai lại hồng.

Bụi thời gian


Bụi thời gian


Thời gian phủ lớp bụi mờ
Chứng nhân lịch sử cõi bờ nước non
Kìa nghe rực rỡ vàng son
Kìa nghe trống dậy lối mòn Chi Lăng.

Kìa nghe sóng nước Bạch Đằng
Thuyền phơi cọc gỗ, dẹp bằng can qua
Thăng Long một cõi sơn hà
Mấy tầng bụi phủ, mấy tòa thành tan.

Sông Thạch Hãn máu đỏ loang
Còn nghe máu chảy hoang tàn Khâm Thiên
Nước non sông núi nối liền
Trang vàng lịch sử vẫn triền miên trôi

Trải bao thế cuộc lở bồi
Máu hòa vào đất bao người dựng nên
Mưa trút xuống, gió cuốn lên
Bóng thời gian phủ bao phen mất - còn

Nắng mưa thế cuộc bào mòn
Làng quê mấy cuộc, vuông tròn mấy phen
Trống đồng ngàn tuổi đã hoen
Xương anh hùng cũng cỏ ken bụi dầy.

Bụi thời gian đã phủ đầy
Vẫn còn vang vọng những ngày vàng son.

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Giấc mơ gặp người thiên cổ

Giấc mơ gặp người thiên cổ


    Một đêm mông lung. Không ngày không tháng. Không đầu không cuối. Không gian và thời gian trôi tuột đi, như trượt trên vũ trụ mơ màng, huyền ảo. Ánh sáng và bóng tối xen nhau. Vô định. Nghi đang đi, đang trôi, hay đang bay trên con sông đời. Anh cũng không biết nữa. Dòng sông đời lấp loáng đủ màu sắc: đen, trắng, vàng, xanh, đỏ, lục, lam, chàm, tím… được chiếu sáng từ một ngôi sao trong vũ trụ xa xăm. Anh đang lướt đi như bay trên con sông đời ấy.. Anh đang ngược dòng trở về với quá khứ. Anh bay trên con sông đời. Dòng sông mênh mông như biển, mỗi lúc một hẹp lại. Khoảng cách được tính bằng năm. Anh đang bay ngược thời gian, trở về quá khứ. Có lẽ, anh đã bay ngược về quá khứ được gần ba trăm năm. Anh đang bay về quá khứ tìm gặp một người thiên cổ, mong làm rõ thắc mắc, những nghi vấn cho anh và cho bao người yêu mến văn chương.
Đột nhiên trước mặt anh hiện ra một dòng sông bạc lấp lánh với những hạt ngọc lung linh nhấp nhô trên sóng. Dòng sông có nhiều nhánh rẽ lên thượng nguồn. Nghi không biết mình phải đi theo nhánh nào? Anh nhắm mắt cầu khấn, xin các bậc vĩ nhân thiên cổ phù hộ cho anh, đến đúng nơi cần đến. Sau đó, anh rẽ liều vào một nhánh Sông Văn. Dòng sông nhỏ dẫn đến một cái hồ. Mặt hồ xanh như ngọc, ánh sáng bạc lấp lóa trên mặt hồ, nhấp nháy như những ngôi sao.
Một con thuyền nhỏ, màu trắng như lụa, đang lướt nhẹ trên hồ. Một giọng ngâm thơ êm ái, dịu dàng như từ xa xôi vọng lại. Rồi dần dần con thuyền lụa hiện ra rõ hơn. Trên thuyền một phụ nữ đang ngồi ngâm thơ, giọng ngâm cổ, trong và nhẹ nhàng, ngày càng rõ. Người phụ nữ trạc hai mươi tuổi, nét mặt thanh tú, đẹp một cách dân giã. Mái tóc dài buông xõa xuống đôi vai trắng ngần. đôi môi đỏ, cái miệng hiền hậu, duyên dáng. Nghi bay lướt đến. Anh nhẹ nhàng hạ xuống sàn thuyền. Hai tay chắp cung kính:
- Thưa bà. Đây là hồ… Nghi kéo dài giọng như muốn hỏi.
    - Hồ Văn.
    - Hồ Văn? Cái tên nghe nên thơ quá, thưa bà! Bà ở đây đã lâu chưa ạ?
    - Ta ở đây đã được trên ba trăm năm rồi.
    - Ngươi từ đâu tới?
- Dạ thưa bà, tiểu đệ từ Hà Nội tới.
- Hà Nội là ở đâu nhỉ?
    - Dạ thưa bà, Trước đây gọi là Thăng Long ạ.
    - À. Ra vậy. Ta nhớ ra rồi. Thăng Long là quê ta, ta ở Hồ Tây.
    - Thưa bà, bà là ai ạ?
- Ta là ai ư? Bà nhìn Nghi mỉm cười hóm hỉnh, phảng phất nét đẹp quyến rũ:
- “Ta ở Tây Hồ bán chiếu gon”.
    - Bà là Nguyễn Thị Lộ?
Chiếc thuyền lụa lập tức tan vào không gian, không để lại dấu tích gì. Nghi cất bổng mình, bay trên mặt Hồ Văn, nhắm ngôi nhà ở sườn núi phía đông bay tới. Mới bay được một lát. Nghi nhìn thấy một ông già râu tóc bạc phơ, đang ngồi, thả cần trúc còn nguyên cả lá ở đầu cành, xuống mặt hồ. Nghi dừng lại, chắp tay cung kính hỏi:
- Thưa tiền bối. Tiền bối đang làm gì đấy ạ?
    Ông già vuốt bộ râu dài trắng như cước, rồi khe khẽ ngâm:
“Ta ngồi câu chữ hồ Văn
Văn hồ còn lặng, câu trăng đáy hồ”
    - Tiền bối nói về thời nay hay là thời xưa ạ?
    - Thời nào, thì ngươi phải luận ra chứ!
Rồi ông già, trầm ngâm, hồi tưởng:
- Ngày xưa, Hồ Văn còn rất nhỏ. Bây giờ hồ rộng ra nhiều, mênh mông và đầy lên, có cảm tưởng như sắp tràn. Ta đã ngồi câu ở đây hơn trăm năm, nhưng không câu được một chữ vàng óng ánh nào cả.
    - Vì chữ vàng không có, hay vì chữ không cắn câu, thưa tiền bối?
    - Vì chữ văn không nổi lên, mà đều chìm nghỉm hoặc lơ lửng ở lưng chừng hồ.
    - Thưa tiền bối, tiền bối có biết Thần Siêu, Thánh Quát không ạ?
- Ta có biết. Và biết rất rõ là đằng khác.
Rồi ông trầm ngâm kể. Thánh Quát cuộc đời chìm nổi. Không có học vị, chẳng có danh vị. Nhưng thơ thì hay vô cùng, nên người đời mới phong là “thánh”.
    Nghi lại lễ phép, chắp tay hỏi:
    - Thưa tiền bối, tiền bối có biết thần Siêu không?
    - Thần Siêu ư? Người biết gì về ông ta?
    - Thần Siêu đã vận động người Hà Nội trùng tu đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, xây thêm Đài Nghiên, Tháp Bút, đắp núi Độc Tôn.
    - Thực sự, là ngươi muốn tìm ai? Ta biết chắc, người ngươi tìm không phải là Thần Siêu, Thánh Quát.
    - Thưa tiền bối, ngài đúng là thần, Thần Siêu rồi.
Nghi chưa nói hết câu, ông đã tan biến vào khoảng không gian huyền bí, không để lại dấu vết gì, kể cả cái cần trúc câu chữ.
Nghi lại vỗ đôi cánh tưởng tượng của mình, bay vút đi, đến cái nơi cần đến.
Xa xa, cạnh một cây ngô đồng cổ thụ, cao đến ba mét, hoa đỏ rực rỡ, có hai ông già râu tóc bạc phơ đang ngồi đánh cờ, quân cờ làm bằng ngà voi đã lên nước bóng của những ngón tay chạm vào. Nghi vội nhẹ nhàng hạ mình xuống, nấp sau cây ngô đồng.
Ông râu ngắn:
- Thi huynh có biết tại sao Đặng Trần Côn đoản thọ không?
- Vì bao nhiêu tinh túy trong người ông ấy rút ra hết, đổ vào Chinh phụ ngâm khúc cả rồi. Ta đã dự đoán trước là ông ấy sẽ đoản thọ.
- Thi huynh nói chí phải. Bao nhiêu nguyên khí ông ấy trút ra hết, liệu còn cái gì để tồn tại nữa. Hay là người ta đã vươn tới cái đỉnh cao nhất rồi, nên người ta không còn động lực gì để viết và sống nữa chăng?
Ông râu dài gật gù:
- Có thể lắm!
Ông râu ngắn, dúi một nước tốt qua sông, rồi cười khà khà:
    - Này anh bạn trẻ, ra khỏi cây ngô đồng đi. Ngươi muốn tìm ai? Sao lại đứng nghe lỏm chuyện của chúng ta?
Ông già râu dài cười hóm hỉnh:
- Có phải ngươi muốn tìm gặp Đặng Trần Côn     phải không?
- Hai vị tiền bối đúng là thần thánh, không xưng người cũng biết.
- Ngươi đi đến chỗ cây sung già ở mạn đông ấy.
Nói xong hai ông già râu tóc bạc phơ biến mất, cùng với bàn cờ.
Nghi cất mình bay lên hướng đông. Nơi đó có những dòng Suối Văn. Những dòng Suối Văn óng ánh, lấp lánh như thủy ngân. Nghi rẽ liều vào một dòng Suối Văn bên phải. dòng Suối Văn chảy men theo một ngọn núi xanh như ngọc bích. Nghi nhìn thấy bên trái sườn núi có một người trai trẻ, khoảng 25 – 26 tuổi, tóc để dài, đen nhánh. Khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú, ánh mắt trong sáng. Người thanh niên đang múc nước ở Suối Văn, tưới lên một ngọn núi nhỏ, bên cạnh là chiếc bàn đá, đã lên nước bóng. Nghi tiến đến trước mặt người thanh niên cung kính:
- Thưa tiền bối, tiền bối đang làm gì đấy ạ?
- À, ta đang tưới lên Núi Văn.
- Tưới lên Núi Văn? Thưa tiền bối, tưới lên núi thì có ích lợi gì ạ?
- Nếu không thường xuyên tưới nước, núi cũng sẽ khô héo. Cây thơ không nẩy chồi, ra hoa, kết trái được. Núi Văn cần những dòng nước văn chương luôn luôn tươi mới.
- Thưa tiền bối, tiểu đệ hỏi khí không phải, có phải người là… Người đã viết: “Thiên địa phong trần. Hồng nhan đa truân” không ạ?
- Sao ngươi biết?
- Tiểu đệ đoán vậy, vì tiền bối còn rất trẻ. Hình như người viết Chinh phụ ngâm khúc lúc người mới ngoài hai mươi tuổi, phải không ạ?
- Đúng vậy đó.
- Thưa tiền bối Đặng Trần Côn, tiểu đệ hơi tò mò một chút, khi viết xong Chinh phụ ngâm khúc, người đưa cho ai đọc trước tiên ạ?
- Đoàn Thị Điểm. Bà ấy hơn ta khoảng chục tuổi. Thời đó, ta cũng không có nhiều bạn văn chương. Lúc đó, bà ấy vừa lấy ông Nguyễn Kiều được khoảng một tháng, thì ông Nguyễn Kiều phải đi sứ sang Trung Quốc. Ta nghĩ, bà ấy đang buồn, nên ta đưa bà ấy đọc để giải khuây.
- Sau khi bà Đoàn Thị Điểm dịch Nôm Chinh phụ ngâm xong, có đưa cho tiền bối xem không?
- Tất nhiên là có rồi. Ta rất ngạc nhiên về bản dịch của bà Điểm. Văn chương không chê vào đâu được, có nhiều chỗ viết còn hay hơn cả ta. Chất phụ nữ thấm đẫm ở trong bản dịch. Có lẽ nỗi lòng của bà Điểm xa chồng, chẳng khác gì người chinh phụ chờ chồng ở chiến trận trở về, nên bản dịch của bà mới hay đến như thế!
- Bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm, chuyển cho tiền bối có đề tên không?
- Không. Gửi cho nhau, là biết của ai rồi, việc gì phải đề tên. Anh bạn trẻ hỏi hơi nhiều rồi đấy!
Nói đến đây, Đặng Trần Côn tan biến đi như một làn hơi, không để lại dấu vết gì.
Nghi đứng lặng, bâng khuâng ngắm ngọn Núi Văn. Rồi chợt nghĩ đến công việc của mình, anh cất mình, rẽ sang dòng Suối Văn bên cạnh. Dòng suối êm đềm, róc rách những mạch nguồn văn chương thiên cổ. Không lâu sau, Nghi nhìn thấy một ngôi nhà xinh xắn, xung quanh là những vườn rau xanh tốt, trước mặt là một hồ nước nhỏ. Một phụ nữ khoảng ngoài 40 tuổi, nhưng trông vẫn còn trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc giản dị với áo vải màu xanh, đoan trang hiền dịu. Bà đang tưới cho một cây gốc sần sùi như núi đá, bên trên tỏa ra những cành lá sum suê, mỗi cành có một loại hoa mầu sắc khác nhau, có hoa màu đỏ như hoa gạo, có hoa màu tím như hoa sim, mấy bông hoa đào xen lẫn mấy bông hoa mai vàng rực rỡ…
Nghi đến gần chắp tay cung kính:
- Thưa tiền bối, tiền bối đang làm gì đấy ạ?
- Ta đang tưới cho Cây Văn.
- Tưới cho Cây Văn? Đây là Cây Văn ạ? Cây Văn của tiền bối quả là đa sắc, đa hình, nở hoa rực rỡ. Thưa tiền bối, tiền bối có thể cho tiểu đệ mấy hạt, mấy cây về trồng được không ạ?
- Ngươi quả là khôn ngoan, nhưng Cây Văn không xin giống được, nó sẽ không nẩy mầm, mà nếu có nẩy mầm, thì cũng không ra hoa được. Phải tự mình lai giống, tạo ra một Cây Văn riêng của mình.
- Tiểu đệ hiểu ý của tiền bối. Thưa tiền bối, tiền bối đã từng đọc Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn chứ ạ?
- Ta còn lạ gì Chinh phụ ngâm khúc, chính Đặng Trần Côn đã tặng cho ta, có lẽ ta là người đầu tiên được ông ấy gửi tặng.
Nghi mừng như mở cờ trong bụng. Nghi đã gặp được người Nghi cần gặp. Nhưng phải hỏi như thế nào đây? Khó quá? Nhưng phải liều thôi!
- Thưa tiền bối, tiền bối dịch Nôm Chinh phụ ngâm trong thời gian bao lâu ạ?
- Ta dịch trong hai ba tháng gì đó. Ta cũng không nhớ rõ nữa. Đã 260 năm rồi còn gì!
- Thưa tiền bối, tiền bối dịch câu: “Thiên địa phong trần / Hồng nhan đa truân”, rất hay. Nhưng sao tiền bối không dùng chữ “Hồng nhan”, mà lại dùng chữ “Khách má hồng”? Rồi Nghi cất cao giọng ngâm:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Đoàn Thị Điểm nhìn Nghi mỉm cười:
- Có phải đây là mục đích ngươi đã vượt gần ba trăm năm trở về quá khứ, chỉ để hỏi mấy điều này phải không?
    Nghi toát mồ hôi hột, ấp úng không biết trả lời ra sao. May quá, bà vui vẻ nói tiếp:
- Thời đó, đàn ông hay gọi phụ nữ chúng ta là “Hồng nhan”. Ta là phụ nữ, ta không thích chữ đó. Cụm từ “Khách má hồng” mới đặc trưng cho giới phụ nữ chúng ta.
- Thưa tiền bối, tiểu đệ có một câu hỏi nữa, xin tiền bối vui lòng chỉ giùm.
- Ta cho phép người hỏi.
- Hai câu dịch Nôm của tiền bối:
Sương như búa bổ mòn gốc liễu
Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô
Rất hay, hậu thế chúng tôi rất khâm phục. Nhưng lại nẩy ra thắc mắc, vì trong nguyên tác của Đặng Trần Côn:
“Sương phủ tàn hề dương liễu
Vũ cứ tổn hề ngô đồng”
Không có từ “búa bổ” và từ “cưa xẻ”.
    - Hai từ đó là phóng tác của ta, đúng là không có trong nguyên tác. Ta dịch, chú ý đến văn chương và cảm xúc, ta chú ý chuyển tải cho được cái hay của nguyên tác, chứ không phụ thuộc vào từng câu, từng  chữ.
    - Thưa tiền bối, thời tiền bối, khi tặng bản mình dịch cho thi huynh, thi hữu, có đề tên người tặng không?
- Không.
- Tiểu đệ đọc được, có bản chép đề chữ “Nữ”, có nghĩa gì?
- Chẳng có nghĩa gì. Có thể, đó chỉ là tên người chép.
- Xin vạn vạn lần cảm ơn tiền bối. Nếu có điều gì sơ xuất, xin tiền bối thứ lỗi.
Nói xong, Nghi ngước lên, thì không thấy gì trước mắt nữa. Trước mặt Nghi là bầu tời sáng lóa, chẳng để lại dấu vết gì. Nghi bồi hồi, luyến tiếc. Và đột nhiên choàng tỉnh. Hóa ra đó là một giấc Nam Kha.

Vào một chiều cuối thu, trong một quán cà phê, chờ đợi những giọt cà phê đặc sánh, tí tách rơi, Nghi đã kể lại cho tác giả về giấc mơ kì lạ của mình. Tác giả chỉ là người ghi lại, mong mua vui cho độc giả, trong những thời gian rảnh rỗi.


Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Nhịp điệu trong thơ 7 chữ và thơ 8 chữ

LÊ THANH LONG


Nhịp điệu trong thơ bảy chữ và thơ tám chữ

Tôi đã tìm đọc, nhưng chưa tìm thấy có bài viết nào nghiên cứu  nhịp điệu các loại thơ bảy chữ và thơ tám chữ. Muốn nghiên cứu một cách bài bản lịch sử phát triển của nó, thì phải có nguồn tư liệu phong phú trong một khoảng thời gian dài. Do đó trong bài viết này, tôi chỉ đi vào những nét khái quát cơ bản về nhịp điệu trong thơ bảy chữ và thơ tám chữ, coi như đây là bài nghiên cứu bước đầu về vấn đề này.
Trước tiên chúng ta phải xem xét nhịp điệu trong thơ Đường luật. Vì thơ Đường luật đã có từ rất lâu rồi, và ảnh hưởng đến các nhà thơ Việt Nam trong một thời gian khá dài.
Thơ Đường luật có nhịp 4/3. Chúng ta hãy đọc hai câu trong bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến:
Ao thu lạnh lẽo / nước trong veo
Một chiếc cần câu / bé tẻo teo
Hay như trong bài Hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan:
Lối xưa xe ngựa / hồn thu thảo
Ngõ cũ lâu đài / bóng tịch dương
Tất cả các câu thơ bảy chữ trong thơ Đường luật đều theo nhịp 4/3, không có ngoại lệ. Đường thi tuyệt cú cũng có nhịp 4/3 như vậy.
Sau này, các loại hình thơ bốn câu ba vần, không theo niêm, luật, đối…  như thơ Đường luật, nhưng nhịp điệu vẫn là nhịp 4/3 như thơ Đường luật. Ta hãy đọc khổ thơ đầu trong bài thơ Còn chơi theo điệu Lộng hoàn, dài 15 khổ, khá nổi tiếng của Tản Đà:
Ai đã hay đâu / tớ chán đời
Đời chưa chán tớ / tớ còn chơi
Chơi cho thật chán / cho đời chán,
Đời chán nhau thời / tớ sẽ thôi.
Hoặc thơ bốn câu hai vần cách. Ta hãy đọc một  khổ 4 câu trong bài Xuân của Chế Lan Viên:
Ai đâu trở lại / mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi / những lá vàng?
Với của hao tươi / muôn cánh rã,
Về đây, đem chắn / nẻo xuân sang!
Hoặc trong bài Tràng Giang của Huy Cận:
Sóng gợn tràng giang/ buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái/ nước song song
Thuyền về nước lại / sầu trăm ngả
Củi một cành khô / lạc mấy giòng.
Hay như khổ thơ bốn câu hai vần bằng, trong bài Bẽn lẽn của Hàn Mặc Tử:
Trăng nằm sóng soài / trên cành liễu
Đợi gió đông về / để lả lơi
Hoa lá ngây tình / không muốn động
Lòng em hồi hộp / chị Hằng ơi…
    Hầu hết thơ tình của Xuân Diệu là thơ 7 chữ, nhịp 4/3, chia thành từng khổ 4 câu, như bài Trăng:
Trong vườn đêm ấy / nhiều trăng quá
Ánh trăng tuôn đầy / các lối đi
Tôi với người yêu / qua nhè nhẹ…
Im lìm không dám / nói năng chi.
Cũng như Xuân Diệu, thơ 7 chữ của Nguyễn Bính có nhịp 4/3, theo lối thơ Đường luật, ví dụ bài Cô lái đò:
Nhưng rồi người khách / tình xuân ấy
Đi biệt không về / với bến sông
Đã mấy lần  xuân / trôi chảy mãi
Mấy lần cô gái / mỏi mòn trông…
Không giống như thơ bảy chữ, được biến cải từ thơ Đường luật, có nhịp 4/3, có một loại hình thơ hoàn toàn là sáng tạo của Việt Nam. Đó là loại hình thơ bảy chữ theo nhịp điệu 3/4. Trước tiên phải kể đến thơ song thất lục bát, hai câu thất của song thất lục bát, chữ thứ bảy của câu thất đầu có vần trắc, chữ thứ bảy của câu thất thứ hai có vần bằng, hai câu thất này có nhịp 3/4:
Thuở trời đất / nổi cơn gió bụi
Khách má hồng / nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.
Song thất lục bát nở rộ vào thế kỷ 18 với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều…
Tiếp theo là sự phát triển của các loại hình thơ bảy chữ, tám chữ có nhịp điệu 3/4. Khó mà biết chính xác, các loại hình thơ này được phát triển vào thời gian nào. Thơ bảy chữ nhịp 4/3 phát triển vào khoảng thời kì Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Thế lữ, Xuân Diệu… Thời kì này vẫn chưa có thơ bảy chữ nhịp 3/4. Đến thời kì thơ mới 1930 Xuân Diệu, Thế lữ, chế Lan Viên… vẫn làm thơ bảy chữ, mỗi khổ 4 câu ba vần bằng, nhịp 4/3.

Thơ bảy chữ nhịp 3/4:

Thơ bảy chữ, nhịp 3/4, không chia thành từng khổ 4 câu, mà liên hoàn nối tiếp nhau, có thể kéo dài vô tận (cũng có người chia thành từng khổ 4 câu). Chữ thứ bảy của câu đầu tiên có thể là vần trắc hoặc vần bằng. Nếu chữ  thứ bảy của câu đầu tiên là vần trắc thì chữ cuối của câu thứ hai và thứ ba là vần bằng và tiếp theo chữ cuối của hai câu thứ tư và thứ năm là vẫn trắc:
Bài Trường Sơn đông – Trường Sơn tây của Phạm Tiến Duật, có những câu thơ 7 chữ, nhịp 3/4:
Cùng mắc võng / trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở / hai đầu xa thẳm
Đường ra trận / mùa này đẹp lắm
Trường Sơn đông / nhớ Trường Sơn tây.

Một dãy núi / mà hai màu mây…
Có điều rất lạ, là Xuân Diệu không làm thơ bảy chữ nhịp 3/4, mà chỉ làm thơ bảy chữ từng khổ 4 câu, ba vần bằng, nhịp 4/3 theo nhịp thơ Đường luật.
Thơ bảy chữ, mỗi khổ 4 câu, ba vần bằng, cứ lặp lại đều đều làm cho người đọc thấy nhàm chán. Vì vậy các nhà thơ phải thay đổi hình thức thể hiện. Sự thay đổi nhịp điệu trong thơ bảy chữ từ nhịp 4/3 sang nhịp 3/4 là một sự sáng tạo đáng trân trọng của các nhà thơ. Nhịp điệu trong thơ đổi khác, sẽ làm cho thơ tươi mới hơn. Bây giờ không phải là từng khổ thơ bốn câu, mà là liên hoàn các câu thơ 7 chữ nối tiếp nhau, có thể kéo dài vô tận. Các vần bằng trắc kế tiếp, luân phiên nhau, làm cho nhạc điệu bài thơ lúc lên bổng, lúc xuống trầm, thanh điệu đa dạng, khả năng diễn đạt đa dạng hơn, làm cho người đọc không thấy nhàm chán.
Có lẽ, sự thay đổi nhịp điệu thơ bảy chữ từ 4/3 sang 3/4 bắt nguồn từ thơ song thất lục bát. Thời gian ra đời của loại hình thơ này khó mà xác định được chính xác. Cho đến nay, cũng chưa biết ai là người làm loại thơ này đầu tiên. Chỉ có thể phỏng đoán, loại thơ này ra đời vào khoảng nửa sau thế kỉ 20, tức là cách nay khoảng năm, sáu chục năm. Thời gian như vậy không phải là lâu, cho việc phát triển một loại hình thơ mới.

Thơ tám chữ nhịp 3/5

Giống như thơ 7 chữ nhịp 3/4, thơ 8 chữ, nhịp 3/5, là một sáng tạo mới của các nhà thơ Việt Nam. Vần rơi vào chữ thứ 8 mỗi câu. Nếu chữ thứ 8 câu đầu là vần trắc, thì chữ thứ 8 của hai câu tiếp theo (câu 2 và câu 3) là vần bằng, và hai chữ này vần với nhau. Chữ thứ 8 của hai câu kế tiếp vần với nhau và là vần trắc (câu 4 và câu 5). Cứ thế vần chuyển từ bằng sang trắc rồi lại bằng, luân phiên. Chúng ta hãy đọc bài thơ Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh, rất điển hình cho loại thơ này:
Quê hương tôi / có con sông xanh biếc
Nước gương trong / soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi / là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống / lòng sông lấp loáng
Chẳng biết nước / có giữ ngày giữ tháng
Giữ bao nhiêu / kỷ niệm của dòng trôi
Hỡi con sông / đã tắm cả đời tôi
Tôi giữ mãi / mối tình mới mẻ…
Ngoài thơ 7 chữ, nhịp 4/3 cổ điển, Xuân Diệu cũng làm thơ 8 chữ, nhịp 3/5. Nhưng ông không viết liên hoàn như Tế Hanh, mà lại chia thành từng đoạn, như trong bài Tương tư chiều:
Bữa nay lạnh / mặt trời đi ngủ sớm,
Anh nhớ em / em hỡi! Anh nhớ em,
Không gì buồn / bằng những buổi chiều êm
Mà ánh sáng / đều hòa cùng bóng tối.
Gió lướt thướt / kéo mình qua cỏ rối;
Vài miếng đêm / u uất lẩn trong cành;

Mây theo chim / về dãy núi xa xanh…
Trong bài Tình thứ nhất, Xuân Diệu làm theo thể thơ 8 chữ, nhịp 3/5, nhưng lại quay về với các khổ thơ 4 câu, vần cách theo kiểu cũ:
Thư thì mỏng / như suốt đời mộng ảo,
Tình thì buồn / như tất cả chia ly.
Giấy phong kỹ / mang thầm trong túi áo,
Mãi trăm lần / viết lại mới đưa đi…
Xuân Diệu có rất ít bài thơ 8 chữ, nhịp 3/5. Hầu hết thơ ông là thơ 7 chữ, nhịp 4/3, theo kiểu cũ.
Cũng như Xuân Diệu, Nguyễn Bính chỉ có lác đác mấy bài thơ 8 chữ, nhịp 3/5. Điển hình là bài Những người của ngày mai, thơ 8 chữ, nhịp 3/5, viết vào khoảng năm 1949:
Ở chòi hẹp / nhưng hồn trùm vũ trụ
Trái tim đau / nhưng thương cả loài người
Đã nhiều hôm / không thấy bóng mặt trời
Bởi làm việc / liên miên và bí mật
Mắt quầng lại / đêm đêm ròng rã thức
Da xanh xao / vì muỗi thật là nhiều
Này của riêng / soát lại có bao nhiêu…
Bài thơ Chuyện một con đường mòn của Anh Ngọc, thơ 8 chữ, có nhịp 3/5, nhưng câu đầu tiên 9 chữ, nhịp 4 /5, câu thứ 6 là thơ 7 chữ, nhịp 3 /4:
Khi tôi sinh ra / con đường đã có rồi
Trôi lặng lẽ / như một dòng nước mát
Chỗ bờ tre / ông tôi ngồi chẻ lạt
Dáng lưng còng / tạc xuống tháng năm
Chuyện gợi về / sau ánh mắt xa xăm
Sống lại chàng / lực điền sôi nổi
Đường chứng kiến / mối tình ông bà nội
Có hoa xoan / hoa khế rụng trên đâu…
Anh Ngọc không làm thơ thuần chất 8 chữ, nhịp 3/5, trong một bài có cả thơ 7 chữ, 8 chữ, nhịp 3/4, 3/5, 4/4…
Bài thơ Tản mạn thời tôi sống của Nguyễn Trọng Tạo, đa số là thơ 8 chữ, nhịp 3/5, nhưng lẫn cả nhịp 4/4:
Những bông hoa / vẫn cứ nở đúng mùa
Nhưng màu hoa / thời tôi thì có khác
Xe đến công trường / bay mù bụi cát
Màu hoa thường / lấm bụi suốt mùa khô…
Trần Nhuận Minh ít làm thơ 8 chữ, nhịp 3/5, chỉ có bài Đà Lạt, Chiều xanh, Lời từ biệt, sau đây là một đoạn trong bài Thơ tình ngày không em:
Nếu biết rằng / sẽ chẳng gặp lại nhau
Anh đã chẳng / buộc em bao tội lỗi
Em đứng lặng. / Mặt úp vào bóng tối
Khổ thân em / có nói được gì đâu

Nếu biết rằng / sẽ chẳng gặp lại nhau…
Các nhà thơ đã đưa thơ 7 chữ, 8 chữ vào trong thơ tự do, vì vậy nhịp điệu trong thơ 7 chữ, 8 chữ không còn thuần nhất nữa, mà có thể là nhịp 4/3, 3/4, 3/5, 4/4… Ngày nay khi đọc thơ tự do, ta vẫn gặp bóng dáng của những loại hình thơ và nhịp điệu thơ như đã nói ở trên.
Sự phát triển và sáng tạo của thơ 7 chữ, 8 chữ theo nhịp điệu 3/4, 3/5 là một bước tiến đáng kể, trên con đường tìm kiếm cái mới của loại hình thơ dân tộc, rất đáng trân trọng. Có thể, điều này sẽ đưa đến những khác biệt, những nét riêng của thơ tự do Việt Nam so với thơ các nước khác. Tìm kiếm cái mới, ngay trong lòng văn hóa dân tộc, không phải là ý tưởng không đáng quan tâm.




Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Những mảnh đời trôi nổi


Những mảnh đời trôi nổi

                                                            Truyện ngắn của Lê Thanh Long

Ở dưới chân đường cao tốc trên cao, gần bán đảo Linh Đàm, có một ông già bán vé số. Ông năm nay chắc cũng đã 75, nhưng da còn săn chắc, tóc mới lưa thưa bạc. Ông có một cái bàn xếp nhỏ, đặt cạnh trụ đường, để tránh mưa nắng. Không biết ông đã bán vé số bao lâu rồi. Dân ở quanh đây vẫn quen gọi ông là ông Thân. Đúng như tên ông, ông là người thân thiện với mọi người, hiền lành, hay vui vẻ trò chuyện. Ông biết đủ mọi chuyện trên đời, giọng nói nhỏ nhẹ, kể chuyện có duyên. Chuyện Đông Tây kim cổ ông đều biết. Những người về hưu, hay đến mua vé số, thường ngồi trò chuyện với ông hàng giờ. Nhất là khi nghe ông bình Kiều thì không dứt ra được. Nhưng tuyệt nhiên không bao giờ ông nói về mình. Có người gặng hỏi ông, ông chỉ cười, cái cười phảng phất nét chua chát, từng trải. Và thường đánh trống lảng, kể sang chuyện khác.
Người xung quanh chỉ biết ông với cái tên dân giã là người vô gia cư. Ngày bán vé số. Tối ông ngủ ở ống cống bêtông. Những cái ống cống bêtông lớn đường kính cũng đến 1,5 m, dài tới 2m của một công ty xây dựng nào đó để ở đây đã lâu rồi. Ông lấy bìa cactông che ở hai đầu. Bên trong có một cái gối mây, tấm chăn đơn và đặc biệt có một bộ ấm chén pha trà bằng sành nhỏ xíu, mà ông rất quý. Ở một cái ống cống bên cạnh, ông để vài cái nồi con, mấy cái bát, mấy cái đĩa, một cái phích nhỏ và một cái bếp dầu, mà ông xin được của bạn mua vé số bỏ đi.
Tối đến, sau khi ăn cơm, uống trà, ông thường đặt cái bàn bán vé số dưới ánh đèn đường, hí hoáy ngồi viết. Chẳng ai biết ông viết gì.
Cuộc sống của ông bán vé số cứ đơn điệu trôi đi. Và cuộc đời bí ẩn của ông, chắc rồi một ngày cũng sẽ lẫn vào với cát bụi, cùng với cái phận nghèo. Nếu không có một sự tình cờ nho nhỏ.
Đó là vào một đêm mưa, cuối tháng chín âm lịch. Lúc đó là khoảng 11 giờ đêm, trời hơi se lạnh. Ông đang định đi ngủ, thì thấy từ đằng xa một bóng đàn bà, vai mang một cái bị cói, khoác manh áo mưa đã cũ, lui cui, thất thểu trên đường. Bước đi thập thững, hình như bà đã đi bộ nhiều giờ liền.
Ông cũng không lạ lẫm gì với những mảnh đời phiêu bạt ở cái thành phố màu hồng, rực rỡ ánh đèn và nhà cao tầng này. Ông định quay vào cái căn nhà ống cống của ông. Thì qua làn mưa bụi, mờ ảo, của ánh đèn đường vàng vọt, hắt xuống mặt đường, ông thấy cái bóng đàn bà trượt ngã xuống đường, chỉ cách chỗ ông chưa đầy chục mét. Ông vội vàng chạy đến. Đến gần, ông nhận ra, đó là một cụ bà, chắc cũng xấp xỉ tuổi ông, đầu bạc trắng. Ông đỡ bà cụ dậy, rồi dìu vào cái căn nhà cống của ông.
Bà cụ gần như kiệt sức, mặt đỏ gay, người nóng bừng bừng. Là người từng trải, ông biết bà cụ đang bị cảm sốt. Ông vội lấy thuốc cảm cho bà cụ uống, những viên thuốc ông vẫn giắt trong người, phòng bị cho cái sức khỏe của tuổi già, chợt nắng chợt mưa thất thường. Ông vội nấu cho bà cụ một bát cháo hành, đập vào một quả trứng gà. Chắc từ sáng đến giờ bà cụ chưa ăn gì, nên mặc dù đang sốt hầm hập, bà vẫn ăn hết bát cháo. Ông để bà cụ nằm nghỉ ở cái nhà ống cống của mình. Ông sang cái ống cống bên cạnh, thiết kế cho mình một căn nhà mới. Đêm rồi cũng dần trôi qua.
Ông thường thức dậy vào lúc 5 giờ sáng. Ông tập vài động tác thể dục. Ông biết ở cái tuổi của ông và trong hoàn cảnh như ông, sức khỏe là cái quý giá nhất. Ông cũng không hiểu, làm sao ông có thể trụ vững ở đây trong ngần ấy năm. Bữa sáng của ông thật đơn giản, một cái bánh mì với mấy miếng thịt kho. Thịt lợn bây giờ chỉ đắt hơn rau một tí, nên bữa cơm đạm bạc của ông vẫn có chút thịt, chút cá, còn rau ông trồng ở mấy bãi đất hoang, cũng tạm đủ.
Ông đi chợ, mua chút thịt, nấu cho bà bạn mới một bát cháo thịt. Bà đã ngồi dậy được, ăn bát cháo ngon lành. Bà hồi phục rất nhanh, hai hôm sau gần như đã khỏi hẳn. Trời phú cho những người có hoàn cảnh éo le, một sức sống kỳ lạ. Họ sống được là do trời, hay là do hoàn cảnh đã tạo nên cái sức sống đó, họ cũng chẳng biết nữa. Họ cứ tồn tại, bất chấp cái quy luật khắc nghiệt của tạo hóa.
Sáng nay bà lão đi chợ. Bà mua hai lạng thịt ba chỉ về làm món thịt kho tàu, mà những người nhà quê như bà rất thích. Bà thổi lưng bò gạo cho hai người ăn. Trong khi ăn, bà mới thẽ thọt kể cho ông nghe về hoàn cảnh của mình.
Chẳng giấu gì bác, em là người nhà quê. Nhà ở ven thị trấn Hưng Yên. Cũng có ba gian nhà ngói, một mảnh vườn hai sào Bắc Bộ. Thời bao cấp, em là nhân viên bán hàng mậu dịch. Em bán thịt cá theo tem phiếu, nên cuộc sống cũng không đến nỗi nào. Chẳng giấu gì bác, mỗi tháng chị em cũng được ưu tiên mua mấy cân thịt, mấy cân cá. Ở cái thời tem phiếu, nhân viên mậu dịch là sướng nhất đấy bác ạ.
Có lần, nhà chị bạn nông dân bên cạnh, ốm liệt giường, có một đứa con gái mới 8 – 9 tuổi, chồng hy sinh ở chiến trường. Chẳng giấu gì bác, làm nhân viên mậu dịch cũng có chút lương. Em vốn người sởi lởi, vô tâm, em biếu bác ấy nửa cân thịt lợn, tiêu chuẩn của em, và mười đồng bạc, để bác ấy mua thuốc chữa bệnh. Bác biết đấy, cái thời ấy lương của em và bác cũng chỉ được bốn năm chục đồng.
Cũng may cho bác ấy, trời phù hộ, cũng tai qua nạn khỏi.
Năm 2000, con gái em và chồng nó ở Hà Nội, muốn mua đất làm nhà, tiền ky cóp mấy năm không đủ. Chúng nói với em:
    - Mẹ năm nay cũng đã già. Mẹ bán quách cái mảnh vườn và ngôi nhà, lên ở với chúng con, cho có mẹ có con. Chúng con sẽ nuôi mẹ, và phụng dưỡng mẹ lúc tuổi già.
Em chỉ có một đứa con gái, nghe bùi tai. Em bán ngôi nhà và mảnh vườn, cộng với ít tiền về mất sức một cục và tiền chắt bóp, đưa tất tần tật cho chúng làm nhà.
Cái họ nhà em không có phúc thế nào ấy. Con gái em lấy được thằng chồng, thời bao cấp làm lái xe, hay rượu chè, cờ bạc. Có đồng nào nướng vào cờ bạc hết. Được mấy đứa con giai, đứa thì nghiện ngập, đứa thì cờ bạc. Chẳng đứa nào nên hồn người. Chúng đối xử với em chẳng ra sao, như người thừa, ăn bám. Giữa lúc em đang không biết nên thế nào, thì cái đứa con gái bà bạn hàng xóm, em đã nói chuyện với bác đấy. Nó đến chơi, thấy hoàn cảnh của em, nó đưa em về nhà nó. Nó là đứa hiếu thảo. Cái Lan ấy, tên nó là Lan. Trước khi mẹ nó mất, mẹ nó dặn lại phải chú ý đến em. Bà ấy vẫn nhớ, cái thời xa xưa, em giúp bà ấy tai qua nạn khỏi. Người nhà quê thật hay vẽ chuyện, phải không bác. Chỉ có chuyện nhỏ như vậy, mà nhớ dai thế.
Em ở nhà nó được 6 tháng. Nó rất chu đáo, đối xử với em như mẹ đẻ nó. Nhưng em thấy ở lâu không tiện, vả lại vợ chồng nhà cái Lan đi làm suốt ngày, lại có hai con phải đưa đi học. Nên em xin cái Lan cho về ở với con gái em. Em nghĩ, máu chảy ruột mềm.
Bác biết không, nó đưa em về nhà con gái em. Nó nói với thằng con rể và con gái em:
    - Chúng em có lỗi là không chu đáo, để bác đòi về ở với chị. Chúng em có chút quà là hai cây vàng và một chục triệu đồng, đưa anh chị, để anh chị chăm lo cho bác. Mong anh chị nhận, cho chúng em vui lòng.
Nói đến tiền và vàng, thằng con rể và đứa con gái em mắt sáng lên. Chúng chẳng nề hà gì, nhận luôn.
Số tiền vàng đó, chỉ mấy tháng sau, thằng con rể nướng vào cờ bạc và mấy thằng con nghiện ngập cũng vặt sạch.
Chúng đối xử với em như người thừa, một kẻ ăn bám, vô tích sự, nhất là thằng con rể.
Trong một lần vợ chồng chúng nó cãi nhau về tiền nong. Thằng con rể đã trút mọi giận dữ lên em và nó đánh em. Em biết rằng mình không ở đấy được nữa, thế là em bỏ đi. Em không biết đi đâu, em cứ đi ra khỏi nhà cho thoát, rồi đến đâu thì đến. Và rồi em gặp bác đây, giúp đỡ em tai qua nạn khỏi. Có lẽ em sẽ trở về quê, theo bác em nên làm thế nào?
- Bà về quê thì ở đâu? Sống bằng gì? Chi bằng bà cứ ở đây, mở quán bán nước, cũng có thể sống qua ngày được.
Thế là bà ở lại cái ngôi nhà cống. Trong túi bà có 200.000 đ, mà cái Lan cho bà ăn quà, bà không tiêu gì, vẫn giữ đến giờ. Bà xin được cái bàn cũ của bạn vé số của ông Thân. Bà mở quán nước chè xanh với dăm ba quả chuối, mấy quả ổi, một lọ kẹo lạc và mấy thứ linh tinh khác. Bà bán thêm cả thẻ điện thoại di động, cũng kiếm được đồng ra đồng vào.
Người ta vẫn gọi bà là bà Thiện, Thiện là tên chồng bà, còn tên bà là Ngà, lâu quá rồi, bà cũng quên luôn cái tên bố mẹ đặt cho mình.
Có lẽ cũng đã đến lúc kể sơ qua về nhân vật bí hiểm của chúng ta, ông Thân.
Ông Thân là một thầy giáo dậy văn. Ông là một nhà giáo thành đạt. Ông là hiệu trưởng một trường phổ thông trung học ở thị xã Bắc Giang. Ông đã đào tạo bao lớp học sinh trưởng thành. Có người đã là thứ trưởng, có người là giáo sư tiến sĩ, có người là giám đốc… Ông có tiếng là thày giáo liêm khiết, có tài, có đức. Khi ông về hưu, dành dụm được chút ít tiền, ông mua được 300 mét vuông đất, với mục đích mở rộng không gian vườn cho thoáng đẹp. Thế rồi giá đất cứ lên vùn vụt. Cái cơ ngơi 500 mét vuông đất của ông, bây giờ đã có giá bạc tỉ.
Ông chỉ có một cậu con trai, được học hành tử tế, có bằng tiến sĩ, làm ở một cơ quan có tiếng của nước ngoài. Vợ cũng có bằng đại học y khoa, làm ở một bệnh viện có tiếng ở Hà Nội. Ông cũng đã có một thằng cháu đích tôn 5 tuổi. Như ông, thế là mãn nguyện quá rồi, còn đòi hỏi gì hơn. Chỉ tiếc rằng vợ ông vì một căn bệnh hiểm nghèo, mất sớm, không được hưởng cái hạnh phúc như ông.
Đó là nói về mười năm về trước. Khi ông mới về hưu được mấy năm. Theo cái trào lưu của xã hội hiện đại. Tất cả lo cho con cái về Thủ đô Hà Nội, miền đất hứa của thế hệ trẻ đang sung sức, muốn vươn lên. Ông cũng như nhiều người khác ở tỉnh lẻ, muốn cho con cái trưởng thành về ở cái đất hà thành phồn hoa đô hội. Ông đem bán ngôi nhà ba tầng và mảnh vườn 500 mét vuông ở Bắc Giang, lên Hà Nội mua được mảnh đất 70 mét vuông và làm được ngôi nhà 4 tầng khang trang, hiện đại. Ông cũng không giữ lại cho mình chút vốn liếng nào. Ông nghĩ một cách đơn giản, tất cả dành cho con cháu.
Ông sống trong ngôi nhà hào nhoáng ở đất kinh kỳ được ba năm, và mong dậy dỗ đứa cháu nội nên người. Nhưng rồi, cái không nghĩ đến, đã đến. Ông nhận ra, có những khoảng cách giữa ông và cô con dâu, vốn là một bác sỹ, được mọi người trong xã hội kính trọng, nể nang và nghe theo răm rắp, lại kiếm được tiền một cách dễ dàng. Con dâu ông nẩy sinh những tư tưởng mới, muốn chứng tỏ mình là thế hệ người hiện đại, muốn chứng tỏ quyền lực trong gia đình. Có lần đứa cháu nội 6 tuổi của ông, nói với ông, khi ông dậy nó học bài:
- Mẹ cháu bảo, phải nghe mẹ cháu, không được nghe ông. Cách dạy, cách nghĩ của ông cổ điển quá rồi, cái thời của ông đã qua rồi. Thời bây giờ là thời của mẹ và con.
Ông nghe cháu mình nói, mà chết điếng người. Có phải ông là người đã lỗi thời rồi không? Hay cái tự phụ của lớp người trẻ, đã làm họ tự huyễn hoặc mình. Ông cũng nhận ra một điều, con giai mình, nó không nghe mình nữa, nó gần như bỏ ngoài tai, mọi điều mình nói.
Ông là người không muốn ngồi chơi, muốn giúp đỡ con cháu chút ít việc trong nhà. Nên thỉnh thoảng ông giúp con dâu làm những món ăn, khi con ông về muộn. Nhưng những món ông làm, con dâu ông không đụng đũa. Không biết có phải món ăn không hợp khẩu vị, hay nó muốn chứng tỏ quyền lực của nó trong cái nhà này. Thế là chỉ còn mình ông ăn món ăn, ông nấu. Ông cũng không biết, đâu là sự thật. Thỉnh thoảng ông tắm cho cháu nội của ông, nhưng khi về con dâu ông nó lại tắm lại cho con nó.
Con giai ông, không biết vì nể vợ, hay sợ vợ, hay muốn cho gia đình êm ấm, những việc đó hầu như nó tảng lờ, như không hay biết.
Ông đã toàn tâm, toàn ý, xây dựng nên cái gia đình này, nhưng bây giờ ông như người ngoài cuộc. Trở thành người thừa. Ông rất buồn, nhưng không nói được với ai. Khoảng cách của ông và con dâu ông, cứ càng ngày càng rộng mãi ra, càng ngày càng xa cách. Hai thế hệ con người, không tìm được tiếng nói chung. Ông càng ngày càng ít nói, và hầu như suốt ngày không nói gì. Nói với ai? Có ai mà nói? Có ai nghe mình nói? Cuộc sống của ông không ngờ lại lâm vào bế tắc như thế này.
Rồi cái gì đến cũng sẽ đến. Ông không chịu nổi cái cảnh người dưng nước lã. Một hôm ông nói với con giai và con dâu ông, cũng là để thử lòng chúng xem sao:
- Ông muốn về quê chơi vài hôm, hai con nghĩ thế nào?
    - Con trai ông không nói gì. Nhưng con dâu ông nói luôn:
    - Vâng, bố cứ làm việc gì bố thích. Chúng con cũng không có quyền giữ bố.
    Ông biết, thế là ông không có đường lùi nữa rồi. Ở quê, các bác đều mất cả. Còn ai nữa mà về. Ông cũng định đi chơi vài hôm, loanh quanh ở Hà Nội, rồi về. Giận chúng vậy thôi, nhưng một giọt máu đào còn hơn ao nước lã, ông cha ta đã dậy thế rồi.
Lang thang hai ngày ở Hà Nội. Nhớ cháu, ông muốn quay về. Nhưng nghĩ, khi về gặp con dâu, với ánh mắt lạnh nhạt, nó sẽ hỏi ông:
- Con tưởng bố sẽ đi chơi một vài tháng, bố mới đi vài ngày đã về rồi à?
       Cứ nghĩ đến vẻ mặt và câu nói của nó, ông lại ngại ngùng. Đau xót nhất là chạm đến lòng tự trọng, cái cao quý nhất của người thầy giáo, mà bao năm ông được mọi người kính trọng. Thế là ông ở lại cái nhà ống cống này, từ ấy đến nay. Ông không biết con ông có đi tìm ông hay không? Nhưng biết ông ở đâu mà tìm. Với đồng lương hưu, ông vẫn sống được, ông bán vé số là để cho vui, là để có bạn.
Một năm nữa trôi qua. Những lúc rảnh rỗi, thường là vào khoảng 8 – 9 giờ tối, khi công việc đã xong. Ông lại ngồi uống trà với bà bạn Thiện. Có lúc ông tâm sự với bà những câu có vẻ rất triết lý, rút ra từ cái giá của việc làm của mình:
    - Cái sai lầm lớn nhất của tôi và bà là bỏ quê hương, mà theo con cái. Đáng lẽ chỗ của bà và tôi là ở quê của mình. Mình đã tự đánh mất cái tự do của mình. Cuộc sống ở nơi đô hội không dành cho người già như tôi và bà. Chúng ta đến với con cái là sợ sự cô đơn và muốn nương nhờ vào chúng. Nhưng những gì chúng ta nhận được là nỗi cô đơn hơn và nỗi buồn nhân thế.
    - Bác nói cũng phải. Bác là người hiểu đời. Chứ em là người ruột bỏ ngoài da, em nghĩ đấy, rồi lại quên đấy.
    - Thế lâu nay, buổi tối bác ngồi hí hoáy viết cái gì thế?
    - À, viết về những mảnh đời trôi dạt. Viết về nỗi buồn nhân thế.
    - Thế là viết về cuộc đời của bác và của em chứ gì?
    - Cũng không hẳn thế. Viết về nỗi đau. Về những cái đã mất. Về nhân tình thế thái. Về sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Về sự thống trị của đồng tiền trong xã hội hiện đại.
    - Bác nói những cái cao siêu thế thì làm sao em hiểu được.
- Cứ ngẫm đi rồi sẽ hiểu.
Cuộc sống của ông Thân và bà Thiện cứ thế trôi đi. Rồi đến một ngày. Cái ngày định mệnh. Vào một chiều hè mưa tầm tã, trắng trời, trắng đất, suốt từ trưa đến tối mịt. Ông Thân không bán hết vé số, và vì trời mưa quá to, ông không đi trả được vé số thừa. Ông giữ lại bốn vé số. Ông tặng cho bà Thiện hai vé, còn ông giữ lại hai vé cho mình. Đây là lần đầu tiên ông giữ lại vé số. Từ khi ra ở cái nhà ống cống, ông cho rằng cái số mình hẩm hiu khi về già, nên ông không bao giờ mua vé số, để thử vận may. Ông không tin vào cờ bạc sẽ mang đến cái gì tốt lành.
Một đêm mưa qua đi. Đến sáng thì tạnh. Tối qua trời mưa, ông không đi ghi những vé số trúng thưởng được. Sáng nay, ông phải đến sớm, ghi các vé trúng thưởng ngày hôm qua, để báo cho khách hàng. Ông không để ý đến những con số. Về đến nhà, ông mới thư thả so lại những se ri trúng giải, với những vé số của mình bán. Ông bỗng giật nẩy mình, không tin vào mắt mình nữa. Ông so đi so lại sê ri của 4 vé số ông để lại. Đến lần thứ ba, ông mới tin là thật. Ông nhìn ra chỗ bán nước của bà Thiện. Hôm nay, sao đến giờ này, bà ấy vẫn chưa bầy hàng. Ông vội chạy đến cái nhà ống cống của bà Thiện, để báo cho bà, hai vé số của bà đã trúng giải nhất, mỗi vé 50 triệu đồng.
Ông nhấc tấm bìa sang bên, nhìn vào. Bà Thiện nằm cứng đơ. Ông sờ bàn chân, đã lạnh ngắt. Ông bàng hoàng, muốn khụy xuống. Ông phải vịn vào thành ống cống, để đứng cho vững. Sao bà ấy lại có thể đi nhanh như vậy. Hôm qua còn cười nói, chuyện trò vui vẻ, mà hôm nay đã… Con người ta thật không biết thế nào! Có người muốn chết, cũng không sao chết được. Nghĩ cho cùng, bà ấy đi nhanh như vậy cũng là phúc đức cho bà ấy. Chỉ buồn một nỗi là cái may chưa biết, cái rủi đã đến rồi.
Ông nhờ mấy người bạn vẫn mua vé số, đi khai xin giấy báo tử cho bà Thiện. Còn ông thì tất tả, lần theo lời kể của bà Thiện, đến nơi con gái và con rể của bà, để báo cho họ biết. Đến cái ngõ, đi suốt vào trong cùng, theo lời kể của bà Thiện. Ông thấy đôi vợ chồng gầy nhom, tóc bạc trắng, đúng như lời bà Thiện kể. Người vợ đang nhặt rau, còn người chồng đang ngồi ở chiếu bạc giữa nhà với mấy ả ca ve, mặt bự phấn, môi đỏ chót. Chắc là đang bị thua bạc, anh con rể nói với mấy ả ca ve:
- Chúng mày đúng là loại cờ gian, bạc lận, tao thua sạch với chúng mày rồi.
    - Bố ơi! Bố cũng chả kém gì chúng con về cái khoản ấy. Chúng con chỉ hơn bố ở chỗ nhanh tay hơn thôi.
Ông cất lời hỏi đôi vợ chồng con bà Thiện:
    - Xin lỗi, cho tôi hỏi một câu. Anh chị có phải là con rể và con gái bà Thiện không?
Người con gái ngước nhìn, im lặng. Còn anh con rể ậm ừ:
    - Ừ. À. Bà Thiện à? Ngập ngừng một lát. Ở đây…  Ở đây… không có ai là Thiện cả. Chắc là ông nhầm rồbè làng xóm thân thương.i.
    Mấy ả ca ve hùn vào:
    - Ông già ơi! Ở đây không có bà Thiện, mà chỉ có    
bà A cờ Ác bờ ác bác nặng Bạc thôi. Ông có cần chúng em thì chúng em theo. Rồi chúng cười khanh khách.
Ông biết, không trông đợi được gì ở những người này. Ông quay ra, lòng buồn rười rượi.
Nhờ có số tiền bà Thiện trúng thưởng, Ông và mấy người bạn mua vé số và uống trà quen ở quán bà Thiện, lo đám tang cho bà Thiện chu đáo ở nhà tang lễ Phùng Hưng. Hai tuần sau, ông đưa tro hài cốt của bà Thiện về quê bà, theo ước nguyện của bà, thường nói với ông. Ông xây cho bà một ngôi mộ đàng hoàng. Ông đưa cho mấy người họ hàng của bà Thiện số tiền trúng thưởng còn lại. Nhờ họ, thắp nhang, cúng giỗ cho bà ấy.
Ông thắp cho bà nén nhang cuối cùng. Quay đi, ông không khỏi bùi ngùi cho những phận đời chìm nổi, lênh đênh và chạnh lòng nghĩ đến thân phận mình.
Từ đó, người ta không thấy ông Thân bán vé số đâu nữa. Có người đoán già đoán non, rằng có lẽ với số tiền nhận được từ hai vé số trúng thưởng, ông đã về quê. Với số tiền đó, ông có thể mua một mảnh vườn và một căn nhà nho nhỏ, sống thoải mái, tự do tự tại ở quê nhà với bạn bè làng xóm thân thương.

Lời nguyền linh ứng

                                                          Truyện ngắn của Lê Thanh Long

    Hắn là Lò Văn Sửu, ở bản Tả Phình. Họ nhà hắn mấy đời được hưởng lộc trời. Đến đời hắn là đời thứ tư. Đời cụ hắn, đời ông hắn, đời bố hắn, đều giầu có, có chức sắc, được dân trong vùng kính trọng, nể vì. Người làng bảo các cụ nhà hắn sống có đức độ, nên tiếng tăm và của cải đổ tràn xuống đến đời hắn.
    Hắn giầu có, nhà có hàng trăm con trâu, hàng vạn vạn giạ lúa, lợn gà không đếm xuể. Tính hắn ích kỷ, ky cóp từng hào, từng cắc. Không chia lộc cho ai bao giờ. Tính tình lại lỗ mãng, hung bạo, hay rượu chè bê tha, lúc nào cũng say khướt. Hắn có đến ba bà vợ. Bà nào cũng trẻ đẹp, nõn nà. Nhưng chẳng bà nào đẻ cho hắn được một mụn con, để nối dõi tông đường. Hắn bực lắm, chửi các bà vợ là “những mụ vô tích sự, không biết đẻ đái”. Năm hắn gần bốn mươi tuổi, hắn lấy thêm bà vợ thứ tư, tuổi mới mười tám, khỏe như con trâu rừng. Hắn hy vọng cô vợ thứ tư sẽ đẻ cho hắn một mụn con trai.
Hắn chè chén lu bù, đến khi say khướt mới khật khưỡng trở về nhà. Hắn thích ngủ với vợ lúc say rượu. Hắn cho rằng ngủ với vợ lúc này mới khỏe, mới hứng và mới dễ có con.
Một hôm có một ông già tóc bạc phơ, râu dài đến ngực, da dẻ đỏ như son, từ trên núi cao xuống, đi ngang qua bản của hắn. Hôm đó, đúng vào ngày dân bản phải đến nộp tô cho chúa bản Lò Văn Sửu. Mọi người kĩu kịt gồng gánh nào lúa, nào ngô, nào lợn, nào gà, nào rượu… đến nộp cho hắn. Hắn ngồi chễm chệ ở giữa sân, trên cái ghế tràng kỷ chạm khắc cầu kỳ. Các bà vợ thì tất bật mỗi người một việc. Hắn và các bà vợ hắn hết quát mắng, lại chửi bới những người dân lành đến nộp tô.
    Có một cụ già, tóc bạc phơ, có dễ đến tám mươi tuổi, đến quỳ trước mặt hắn, chắp tay xin hắn cho khất mấy hôm, vì con trai đang ốm đau, chưa lo đủ số tô đưa đến nộp. Hắn nổi đóa, đứng phắt dậy, giang chân đá cụ già lăn long lóc mấy vòng. Mặt hắn đỏ bừng bừng, lớn tiếng quát:
    - Nếu ngày mai không đưa đến đủ, thì sai lính đến bắt cả nhà nộp quan trên.
    Ông cụ lồm cồm bò dậy, năn nỉ:
    - Xin quan thương tình, nếu nhà có đủ, con đã đem đến nộp, nhưng hiềm vì…
     Vừa nói đến đây, chúa bản Lò Văn Sửu đã vung nắm đấm, nhằm thẳng mặt cụ già thoi tới. Nhưng một bàn tay cứng như sắt đã kẹp chặt lấy nắm tay hắn, và một giọng nói đanh gọn vang lên dõng dạc:
    - Không được ức hiếp dân lành, nếu không hậu quả sẽ khôn lường.
Nói xong, ông già râu dài, túm tóc Lò Văn Sửu nhấc bổng lên như nhấc một đứa trẻ con, rồi ném hắn xuống đất:
- Ta có ba lời nguyền dành cho ngươi. Ngươi hãy nghe cho rõ:
    Thứ nhất, nếu ngươi không thay đổi tâm tính và cách sống, đẻ con ra sẽ không được là người bình thường.
    Thứ hai, nếu ngươi không bỏ rượu và tu nhân tích đức, con ngươi sẽ là một quái thai mắt lồi.
Thứ ba, nếu ngươi làm tròn cả hai việc trên, ngươi sẽ có đứa con nối dõi tông đường bình thường.
Nói xong, ông già râu tóc bạc phơ bỏ đi. Ông leo thoăn thoắt lên núi, rồi mất hút sau làn mây trắng như bông. Để lại Lò Văn Sửu ngơ ngác như kẻ mất hồn.
Dân bản thì thào với nhau:
- Đấy là ông tiên đã tu luyện lâu năm trên núi cao. Ông thường đi cứu giúp dân lành gặp hoạn nạn.
    Lò Văn Sửu, sau cơn sợ hãi lúc đầu, rồi đâu lại vào đấy. Hắn không tin lời ông già râu dài nói. Các bà vợ hắn thì xanh mắt một lúc, nửa tin nửa ngờ. Không biết có thực như vậy không?
Mấy tháng sau. Bụng bà tư của hắn ngày càng to. Hắn mừng lắm. Nhưng vợ hắn thì lo. Cứ mỗi lần nghĩ đến lời ông già râu dài, thì lòng dạ lại không yên. Đêm toàn mơ thấy những giấc mơ quái đản, những cảnh tượng chưa bao giờ gặp. Thế rồi, cũng đến chín tháng mười ngày. Vợ hắn sinh hạ được một đứa con trai bụ bẫm, chả khác gì những đứa trẻ khác. Hắn mừng lắm, giết lợn ăn mừng mấy ngày liền. Hắn cười khẩy. Rồi hắn cũng quên dần câu chuyện ông già râu dài.
Một năm sau. Đứa con trai của hắn cứ ăn, nằm và cười, ngây ngây dại dại. Lúc này vợ hắn bắt đầu lo. Các bà vợ hắn không ai bảo ai, ngấm ngầm giấu hắn, cùng nhau làm việc thiện. Hàng ngày giúp đỡ người già, người khó khăn ốm yếu, nay bắp ngô, mai bát gạo, lên chùa cầu khấn thần phật, mong thần phật phù hộ cho an lành.
Còn hắn thì vẫn bình chân như vại. Hắn cho rằng lớn lên, con hắn sẽ thay đổi. Vợ tư hắn lại có chửa, sắp sinh đứa thứ hai. Hắn mừng lắm. Rồi cũng đến ngày đứa con thư hai của hắn ra đời. Khi nhìn thấy nó, mọi người phát hoảng. Thằng bé đầu thì to, mắt thì lồi, một chân to, một chân nhỏ. Một thằng bé dị dạng.
Phải mấy hôm sau, các bà vợ mới cho hắn biết. Hắn nhìn thấy đứa con, mà bủn rủn cả chân tay. Lúc này hắn mới nghĩ đến từng lời nguyền của ông già râu tóc bạc phơ ngày nào. Thế là hắn có hai đứa con theo đúng lời nguyền: một đứa ngây ngây dại dại, một đứa quái thai mắt lồi. Hắn chết điếng người. Hắn tự trách mình không sớm tỉnh ngộ, sớm tu nhân tích đức, để hai đứa con lâm vào cảnh ngộ nửa người, nửa ngợm. Hắn đau xót tự trách mình bê tha rượu chè. Hắn mường tượng lại thời hắn còn trẻ, xem bố hắn đã làm những việc gì cho dân bản, mà được dân yêu mến như thế. Và hắn quyết tâm làm theo gương của bố hắn, tu tâm tích đức. Hắn dần dần bỏ được rượu. Sức khỏe hắn tốt dần lên trông thấy. Đầu óc được khai thông, hắn hối hận với những việc làm trước kia của hắn. Hắn năng công đức cho nhà chùa. Không ức hiếp dân lành. Tìm thày, tìm thuốc chạy chữa cho hai đứa con.
Cầu mong thần phật thương tình, phù hộ cho những đứa con của hắn.
Thế rồi vợ hắn lại có chửa, bụng cứ to dần. Lần này hắn mừng thì ít, mà lo thì nhiều. Hắn dồn hết tâm sức vào làm việc thiện. Trong đầu óc hắn lúc nào cũng chỉ nghĩ đến, làm sao làm được nhiều việc tốt cho dân, cho bản. Trong khi ngủ hắn cũng không quên câu nói của ông già râu tóc bạc phơ.
Đúng chín tháng mười ngày, vợ tư của hắn sinh được đứa con trai thứ ba. Mọi người trong nhà hắn, không ai dám vào nhìn. Chỉ đến khi bà đỡ vui vẻ báo: “Đứa trẻ kháu khỉnh, bụ bẫm, khỏe mạnh”. Hắn mới thở phào nhẹ nhõm, như cất được gánh nặng như trái núi, vẫn đè nặng lên ngực hắn, trong những ngày vợ hắn sắp sinh.
Hắn đã làm đúng những gì ông già râu tóc bạc phơ  nói. Và lời nguyền đã linh nghiệm. Hắn muốn để chút phúc lộc lại cho đứa con bé bỏng của hắn.
Nhưng việc đời thì lại không mấy khi theo ý nguyện của con người. Lâu nay hắn thấy trong người mệt mỏi, bụng cứ chướng lên. Hắn nắn bên sườn phải thấy cứng và đau. Hắn mời thầy lang đến bắt mạch. Thầy lang bắt mạch, hỏi hắn một hồi, sờ sờ nắn nắn bụng của hắn. Rồi lắc đầu, buồn rầu báo cho hắn biết “Hắn bị bệnh nan y, không cứu chữa được”. Đó là hậu quả của việc uống quá nhiều rượu. Và khuyên hắn bình tĩnh, vui vẻ, sống với vợ con được ngày nào quý ngày ấy.
Hắn cho rằng “Đó là quả báo”. Hắn không trách trời, trách đất, mà chỉ trách mình, không sớm nghe lời ông già râu tóc bạc phơ, để bây giờ hứng chịu mọi hậu quả. Hắn nghĩ: “Đây, âu cũng là cái lẽ của trời đất, của tạo hóa, dành cho con người ta”. Nhưng hắn được  an ủi là có một đứa con trai nối dõi dòng họ Lò Văn lâu đời. Và có lẽ đó là niềm vui trong sáng nhất trong suốt cuộc đời hắn.