Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Giấc mơ gặp người thiên cổ

Giấc mơ gặp người thiên cổ


    Một đêm mông lung. Không ngày không tháng. Không đầu không cuối. Không gian và thời gian trôi tuột đi, như trượt trên vũ trụ mơ màng, huyền ảo. Ánh sáng và bóng tối xen nhau. Vô định. Nghi đang đi, đang trôi, hay đang bay trên con sông đời. Anh cũng không biết nữa. Dòng sông đời lấp loáng đủ màu sắc: đen, trắng, vàng, xanh, đỏ, lục, lam, chàm, tím… được chiếu sáng từ một ngôi sao trong vũ trụ xa xăm. Anh đang lướt đi như bay trên con sông đời ấy.. Anh đang ngược dòng trở về với quá khứ. Anh bay trên con sông đời. Dòng sông mênh mông như biển, mỗi lúc một hẹp lại. Khoảng cách được tính bằng năm. Anh đang bay ngược thời gian, trở về quá khứ. Có lẽ, anh đã bay ngược về quá khứ được gần ba trăm năm. Anh đang bay về quá khứ tìm gặp một người thiên cổ, mong làm rõ thắc mắc, những nghi vấn cho anh và cho bao người yêu mến văn chương.
Đột nhiên trước mặt anh hiện ra một dòng sông bạc lấp lánh với những hạt ngọc lung linh nhấp nhô trên sóng. Dòng sông có nhiều nhánh rẽ lên thượng nguồn. Nghi không biết mình phải đi theo nhánh nào? Anh nhắm mắt cầu khấn, xin các bậc vĩ nhân thiên cổ phù hộ cho anh, đến đúng nơi cần đến. Sau đó, anh rẽ liều vào một nhánh Sông Văn. Dòng sông nhỏ dẫn đến một cái hồ. Mặt hồ xanh như ngọc, ánh sáng bạc lấp lóa trên mặt hồ, nhấp nháy như những ngôi sao.
Một con thuyền nhỏ, màu trắng như lụa, đang lướt nhẹ trên hồ. Một giọng ngâm thơ êm ái, dịu dàng như từ xa xôi vọng lại. Rồi dần dần con thuyền lụa hiện ra rõ hơn. Trên thuyền một phụ nữ đang ngồi ngâm thơ, giọng ngâm cổ, trong và nhẹ nhàng, ngày càng rõ. Người phụ nữ trạc hai mươi tuổi, nét mặt thanh tú, đẹp một cách dân giã. Mái tóc dài buông xõa xuống đôi vai trắng ngần. đôi môi đỏ, cái miệng hiền hậu, duyên dáng. Nghi bay lướt đến. Anh nhẹ nhàng hạ xuống sàn thuyền. Hai tay chắp cung kính:
- Thưa bà. Đây là hồ… Nghi kéo dài giọng như muốn hỏi.
    - Hồ Văn.
    - Hồ Văn? Cái tên nghe nên thơ quá, thưa bà! Bà ở đây đã lâu chưa ạ?
    - Ta ở đây đã được trên ba trăm năm rồi.
    - Ngươi từ đâu tới?
- Dạ thưa bà, tiểu đệ từ Hà Nội tới.
- Hà Nội là ở đâu nhỉ?
    - Dạ thưa bà, Trước đây gọi là Thăng Long ạ.
    - À. Ra vậy. Ta nhớ ra rồi. Thăng Long là quê ta, ta ở Hồ Tây.
    - Thưa bà, bà là ai ạ?
- Ta là ai ư? Bà nhìn Nghi mỉm cười hóm hỉnh, phảng phất nét đẹp quyến rũ:
- “Ta ở Tây Hồ bán chiếu gon”.
    - Bà là Nguyễn Thị Lộ?
Chiếc thuyền lụa lập tức tan vào không gian, không để lại dấu tích gì. Nghi cất bổng mình, bay trên mặt Hồ Văn, nhắm ngôi nhà ở sườn núi phía đông bay tới. Mới bay được một lát. Nghi nhìn thấy một ông già râu tóc bạc phơ, đang ngồi, thả cần trúc còn nguyên cả lá ở đầu cành, xuống mặt hồ. Nghi dừng lại, chắp tay cung kính hỏi:
- Thưa tiền bối. Tiền bối đang làm gì đấy ạ?
    Ông già vuốt bộ râu dài trắng như cước, rồi khe khẽ ngâm:
“Ta ngồi câu chữ hồ Văn
Văn hồ còn lặng, câu trăng đáy hồ”
    - Tiền bối nói về thời nay hay là thời xưa ạ?
    - Thời nào, thì ngươi phải luận ra chứ!
Rồi ông già, trầm ngâm, hồi tưởng:
- Ngày xưa, Hồ Văn còn rất nhỏ. Bây giờ hồ rộng ra nhiều, mênh mông và đầy lên, có cảm tưởng như sắp tràn. Ta đã ngồi câu ở đây hơn trăm năm, nhưng không câu được một chữ vàng óng ánh nào cả.
    - Vì chữ vàng không có, hay vì chữ không cắn câu, thưa tiền bối?
    - Vì chữ văn không nổi lên, mà đều chìm nghỉm hoặc lơ lửng ở lưng chừng hồ.
    - Thưa tiền bối, tiền bối có biết Thần Siêu, Thánh Quát không ạ?
- Ta có biết. Và biết rất rõ là đằng khác.
Rồi ông trầm ngâm kể. Thánh Quát cuộc đời chìm nổi. Không có học vị, chẳng có danh vị. Nhưng thơ thì hay vô cùng, nên người đời mới phong là “thánh”.
    Nghi lại lễ phép, chắp tay hỏi:
    - Thưa tiền bối, tiền bối có biết thần Siêu không?
    - Thần Siêu ư? Người biết gì về ông ta?
    - Thần Siêu đã vận động người Hà Nội trùng tu đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, xây thêm Đài Nghiên, Tháp Bút, đắp núi Độc Tôn.
    - Thực sự, là ngươi muốn tìm ai? Ta biết chắc, người ngươi tìm không phải là Thần Siêu, Thánh Quát.
    - Thưa tiền bối, ngài đúng là thần, Thần Siêu rồi.
Nghi chưa nói hết câu, ông đã tan biến vào khoảng không gian huyền bí, không để lại dấu vết gì, kể cả cái cần trúc câu chữ.
Nghi lại vỗ đôi cánh tưởng tượng của mình, bay vút đi, đến cái nơi cần đến.
Xa xa, cạnh một cây ngô đồng cổ thụ, cao đến ba mét, hoa đỏ rực rỡ, có hai ông già râu tóc bạc phơ đang ngồi đánh cờ, quân cờ làm bằng ngà voi đã lên nước bóng của những ngón tay chạm vào. Nghi vội nhẹ nhàng hạ mình xuống, nấp sau cây ngô đồng.
Ông râu ngắn:
- Thi huynh có biết tại sao Đặng Trần Côn đoản thọ không?
- Vì bao nhiêu tinh túy trong người ông ấy rút ra hết, đổ vào Chinh phụ ngâm khúc cả rồi. Ta đã dự đoán trước là ông ấy sẽ đoản thọ.
- Thi huynh nói chí phải. Bao nhiêu nguyên khí ông ấy trút ra hết, liệu còn cái gì để tồn tại nữa. Hay là người ta đã vươn tới cái đỉnh cao nhất rồi, nên người ta không còn động lực gì để viết và sống nữa chăng?
Ông râu dài gật gù:
- Có thể lắm!
Ông râu ngắn, dúi một nước tốt qua sông, rồi cười khà khà:
    - Này anh bạn trẻ, ra khỏi cây ngô đồng đi. Ngươi muốn tìm ai? Sao lại đứng nghe lỏm chuyện của chúng ta?
Ông già râu dài cười hóm hỉnh:
- Có phải ngươi muốn tìm gặp Đặng Trần Côn     phải không?
- Hai vị tiền bối đúng là thần thánh, không xưng người cũng biết.
- Ngươi đi đến chỗ cây sung già ở mạn đông ấy.
Nói xong hai ông già râu tóc bạc phơ biến mất, cùng với bàn cờ.
Nghi cất mình bay lên hướng đông. Nơi đó có những dòng Suối Văn. Những dòng Suối Văn óng ánh, lấp lánh như thủy ngân. Nghi rẽ liều vào một dòng Suối Văn bên phải. dòng Suối Văn chảy men theo một ngọn núi xanh như ngọc bích. Nghi nhìn thấy bên trái sườn núi có một người trai trẻ, khoảng 25 – 26 tuổi, tóc để dài, đen nhánh. Khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú, ánh mắt trong sáng. Người thanh niên đang múc nước ở Suối Văn, tưới lên một ngọn núi nhỏ, bên cạnh là chiếc bàn đá, đã lên nước bóng. Nghi tiến đến trước mặt người thanh niên cung kính:
- Thưa tiền bối, tiền bối đang làm gì đấy ạ?
- À, ta đang tưới lên Núi Văn.
- Tưới lên Núi Văn? Thưa tiền bối, tưới lên núi thì có ích lợi gì ạ?
- Nếu không thường xuyên tưới nước, núi cũng sẽ khô héo. Cây thơ không nẩy chồi, ra hoa, kết trái được. Núi Văn cần những dòng nước văn chương luôn luôn tươi mới.
- Thưa tiền bối, tiểu đệ hỏi khí không phải, có phải người là… Người đã viết: “Thiên địa phong trần. Hồng nhan đa truân” không ạ?
- Sao ngươi biết?
- Tiểu đệ đoán vậy, vì tiền bối còn rất trẻ. Hình như người viết Chinh phụ ngâm khúc lúc người mới ngoài hai mươi tuổi, phải không ạ?
- Đúng vậy đó.
- Thưa tiền bối Đặng Trần Côn, tiểu đệ hơi tò mò một chút, khi viết xong Chinh phụ ngâm khúc, người đưa cho ai đọc trước tiên ạ?
- Đoàn Thị Điểm. Bà ấy hơn ta khoảng chục tuổi. Thời đó, ta cũng không có nhiều bạn văn chương. Lúc đó, bà ấy vừa lấy ông Nguyễn Kiều được khoảng một tháng, thì ông Nguyễn Kiều phải đi sứ sang Trung Quốc. Ta nghĩ, bà ấy đang buồn, nên ta đưa bà ấy đọc để giải khuây.
- Sau khi bà Đoàn Thị Điểm dịch Nôm Chinh phụ ngâm xong, có đưa cho tiền bối xem không?
- Tất nhiên là có rồi. Ta rất ngạc nhiên về bản dịch của bà Điểm. Văn chương không chê vào đâu được, có nhiều chỗ viết còn hay hơn cả ta. Chất phụ nữ thấm đẫm ở trong bản dịch. Có lẽ nỗi lòng của bà Điểm xa chồng, chẳng khác gì người chinh phụ chờ chồng ở chiến trận trở về, nên bản dịch của bà mới hay đến như thế!
- Bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm, chuyển cho tiền bối có đề tên không?
- Không. Gửi cho nhau, là biết của ai rồi, việc gì phải đề tên. Anh bạn trẻ hỏi hơi nhiều rồi đấy!
Nói đến đây, Đặng Trần Côn tan biến đi như một làn hơi, không để lại dấu vết gì.
Nghi đứng lặng, bâng khuâng ngắm ngọn Núi Văn. Rồi chợt nghĩ đến công việc của mình, anh cất mình, rẽ sang dòng Suối Văn bên cạnh. Dòng suối êm đềm, róc rách những mạch nguồn văn chương thiên cổ. Không lâu sau, Nghi nhìn thấy một ngôi nhà xinh xắn, xung quanh là những vườn rau xanh tốt, trước mặt là một hồ nước nhỏ. Một phụ nữ khoảng ngoài 40 tuổi, nhưng trông vẫn còn trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc giản dị với áo vải màu xanh, đoan trang hiền dịu. Bà đang tưới cho một cây gốc sần sùi như núi đá, bên trên tỏa ra những cành lá sum suê, mỗi cành có một loại hoa mầu sắc khác nhau, có hoa màu đỏ như hoa gạo, có hoa màu tím như hoa sim, mấy bông hoa đào xen lẫn mấy bông hoa mai vàng rực rỡ…
Nghi đến gần chắp tay cung kính:
- Thưa tiền bối, tiền bối đang làm gì đấy ạ?
- Ta đang tưới cho Cây Văn.
- Tưới cho Cây Văn? Đây là Cây Văn ạ? Cây Văn của tiền bối quả là đa sắc, đa hình, nở hoa rực rỡ. Thưa tiền bối, tiền bối có thể cho tiểu đệ mấy hạt, mấy cây về trồng được không ạ?
- Ngươi quả là khôn ngoan, nhưng Cây Văn không xin giống được, nó sẽ không nẩy mầm, mà nếu có nẩy mầm, thì cũng không ra hoa được. Phải tự mình lai giống, tạo ra một Cây Văn riêng của mình.
- Tiểu đệ hiểu ý của tiền bối. Thưa tiền bối, tiền bối đã từng đọc Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn chứ ạ?
- Ta còn lạ gì Chinh phụ ngâm khúc, chính Đặng Trần Côn đã tặng cho ta, có lẽ ta là người đầu tiên được ông ấy gửi tặng.
Nghi mừng như mở cờ trong bụng. Nghi đã gặp được người Nghi cần gặp. Nhưng phải hỏi như thế nào đây? Khó quá? Nhưng phải liều thôi!
- Thưa tiền bối, tiền bối dịch Nôm Chinh phụ ngâm trong thời gian bao lâu ạ?
- Ta dịch trong hai ba tháng gì đó. Ta cũng không nhớ rõ nữa. Đã 260 năm rồi còn gì!
- Thưa tiền bối, tiền bối dịch câu: “Thiên địa phong trần / Hồng nhan đa truân”, rất hay. Nhưng sao tiền bối không dùng chữ “Hồng nhan”, mà lại dùng chữ “Khách má hồng”? Rồi Nghi cất cao giọng ngâm:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Đoàn Thị Điểm nhìn Nghi mỉm cười:
- Có phải đây là mục đích ngươi đã vượt gần ba trăm năm trở về quá khứ, chỉ để hỏi mấy điều này phải không?
    Nghi toát mồ hôi hột, ấp úng không biết trả lời ra sao. May quá, bà vui vẻ nói tiếp:
- Thời đó, đàn ông hay gọi phụ nữ chúng ta là “Hồng nhan”. Ta là phụ nữ, ta không thích chữ đó. Cụm từ “Khách má hồng” mới đặc trưng cho giới phụ nữ chúng ta.
- Thưa tiền bối, tiểu đệ có một câu hỏi nữa, xin tiền bối vui lòng chỉ giùm.
- Ta cho phép người hỏi.
- Hai câu dịch Nôm của tiền bối:
Sương như búa bổ mòn gốc liễu
Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô
Rất hay, hậu thế chúng tôi rất khâm phục. Nhưng lại nẩy ra thắc mắc, vì trong nguyên tác của Đặng Trần Côn:
“Sương phủ tàn hề dương liễu
Vũ cứ tổn hề ngô đồng”
Không có từ “búa bổ” và từ “cưa xẻ”.
    - Hai từ đó là phóng tác của ta, đúng là không có trong nguyên tác. Ta dịch, chú ý đến văn chương và cảm xúc, ta chú ý chuyển tải cho được cái hay của nguyên tác, chứ không phụ thuộc vào từng câu, từng  chữ.
    - Thưa tiền bối, thời tiền bối, khi tặng bản mình dịch cho thi huynh, thi hữu, có đề tên người tặng không?
- Không.
- Tiểu đệ đọc được, có bản chép đề chữ “Nữ”, có nghĩa gì?
- Chẳng có nghĩa gì. Có thể, đó chỉ là tên người chép.
- Xin vạn vạn lần cảm ơn tiền bối. Nếu có điều gì sơ xuất, xin tiền bối thứ lỗi.
Nói xong, Nghi ngước lên, thì không thấy gì trước mắt nữa. Trước mặt Nghi là bầu tời sáng lóa, chẳng để lại dấu vết gì. Nghi bồi hồi, luyến tiếc. Và đột nhiên choàng tỉnh. Hóa ra đó là một giấc Nam Kha.

Vào một chiều cuối thu, trong một quán cà phê, chờ đợi những giọt cà phê đặc sánh, tí tách rơi, Nghi đã kể lại cho tác giả về giấc mơ kì lạ của mình. Tác giả chỉ là người ghi lại, mong mua vui cho độc giả, trong những thời gian rảnh rỗi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét