Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Lục bát vắt dòng và lục bát chấm câu

LÊ THANH LONG


Lục bát vắt dòng và lục bát chấm câu

    Thơ lục bát cũng như thơ Đường luật, thơ bảy chữ, tám chữ … thường đọc ngừng lại ở cuối câu. Gần đây người ta hay dùng cụm từ “lục bát vắt dòng” để chỉ việc người ta “cắt’ lục bát thành từng đoạn và đọc “vắt” từ dòng nọ sang dòng kia. Nhưng thực chất của công việc này là “ngắt nhịp lục bát”. Hay nói cách khác là biểu diễn nhịp điệu lục bát trên mặt giấy. Việc ngắt nhịp (xuống dòng) phải đúng với nhịp điệu lục bát, chứ không ngắt, xuống dòng tùy ý được. Ngoài ra, việc ngắt nhịp này, đôi khi còn để nhấn mạnh một từ quan trọng nào đó.
      Cụm từ “lục bát vắt dòng” này là do chủ quan của các nhà thơ tự đặt ra, giống như thơ tự do vắt dòng. Tức là đọc vắt từ dòng nọ sang dòng kia, chứ không dừng lại ở cuối câu. Mục đích là để gây ấn tượng thị giác, chứ không phải gây ấn tượng thính giác như đọc thơ và ngâm thơ.
      Từ trước đến nay, khi đọc các loại thơ Đường luật, thơ bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ, lục bát… người ta thường dừng lại ở cuối câu. Nhưng gần đây xuất hiện một loại lục bát chấm câu. Mà khi đọc người ta đọc và nghỉ ở dấu chấm câu. Tạm gọi là “lục bát chấm câu” và đọc “vắt dòng”. Nói là “lục bát chấm câu” và đọc “vắt dòng”, vì bắt buộc phải “đọc vắt dòng” do ngữ pháp chấm câu quy định. Tất nhiên các câu còn lại vẫn phải đọc theo nhịp điệu lục bát quy định.
      Thời trước, người ta chấm phẩy câu thơ theo đúng ngữ pháp tiếng Việt và viết hoa ở đầu câu. Sau đó là thời kỳ trong câu thơ không chấm, không phẩy nữa, nhưng vẫn viết hoa ở đầu câu. Sau này trong câu thơ người ta bỏ luôn không chấm, không phẩy và không viết hoa ở đầu câu, nhưng vẫn viết mỗi câu thơ một dòng. Nghĩa là bỏ luôn ngữ pháp tiếng Việt. Mặc cho người đọc muốn hiểu thế nào thì hiểu. Ngay cả văn xuôi người ta cũng bỏ luôn chấm, phẩy viết một mạch mấy trang liền, không chấm phẩy. Văn phạm tiếng Việt đã khó lại càng thêm khó cho người đọc! Không biết đó là “sáng tạo”, “cải tiến” hay là “cải lùi” không biết nữa?! Viết như thế, thì không biết các thày giáo dạy tiếng Việt còn gì để mà dạy nữa?!
      Gần đây, để đổi mới, các nhà thơ lại sử dụng rất nhiều dấu chấm câu. Việc làm này đem đến những mới mẻ, gây ấn tượng thị giác. Nhưng mục đích xa hơn, là làm cho câu thơ có thêm nhiều ý nghĩa. Nội dung câu thơ mở rộng hơn. Người đọc có thể hiểu theo nhiều cách. Một từ, hai từ cũng có thể hình thành một câu trọn vẹn. Chủ ngữ ẩn đi, và một số thành phần khác cũng ẩn đi. Vì vậy người đọc có thể đọc, hiểu theo nhiều cách khác nhau.
      Ví dụ, ta đọc bài thơ sau đây của Lê Huy Quang:
Về đi thôi gió
Về đi thôi. Gió. Đừng chờ,
Chẳng còn chi nữa. Mắt mờ tìm nhau.
Về đi. Thôi gió. Bay mau,
Chẳng còn em. Vẫn một màu. Phố xưa.
Về đi thôi. Gió đừng mơ,
Xa bàn tay ấy. Bất ngờ nỗi đau.
Về đi. Thôi gió. Chớ sầu,
Ngày mai xa lắm. Còn đâu sợi buồn.
Về đi thôi gió. Mưa tuôn,
Tóc nhòa bóng nước cội nguồn là em.
Về đi. Thôi gió. Là đêm,
Hương hoa sữa. Những êm đềm thời gian.
Về đi thôi gió nồng nàn,
Heo may gợn. Thoáng đầy tràn trong nhau.
      Tôi không bình giải bài thơ này, mà chỉ đưa ra một số cách hiểu khác nhau, do chấm câu tạo ra.
      Hai câu thơ đầu:
Về đi thôi. Gió. Đừng chờ,
Chẳng còn chi nữa. Mắt mờ tìm nhau.
Ai dục giã ai về? Gió là ai? Ở đây, gió có thể là anh con trai. Người con gái dục anh con trai trở về đi. Đừng chờ đợi nữa. Đừng tìm nhau làm gì nữa. Gió là anh con trai. Hay chính người con trai dục giã mình trở về. Đừng chờ đợi làm gì nữa. Vì người yêu không còn ở đấy nữa. Tình yêu không còn nữa.
      Sang hai câu thơ tiếp theo, đã giải thích rõ cho điều này:
Về đi. Thôi gió. Bay mau,
Chẳng còn em. Vẫn một màu. Phố xưa.
Anh con trai tự nói với mình “Về đi. Thôi gió”, về nhanh đi, về ngay đi, cái phố xưa vẫn còn đấy, cảnh cũ vẫn thế, nhưng người mình muốn tìm là em thì không còn ở đấy nữa rồi. Tìm nhau mãi không thấy: “Mắt mờ tìm nhau”.
      Bạn đọc tự tìm hiểu thêm những câu thơ tiếp theo.
      Nhiều khi ta có cảm tưởng như tác giả chấm câu lung tung. Nhưng thực ra người viết có dụng ý nhất định trong việc chấm câu, nhằm hướng độc giả tới một ý nghĩa nào đó. Và cách chấm câu sẽ bắt độc giả phải suy nghĩ, nghiền ngẫm, tìm ra ý nghĩa đích thực của câu thơ.
      “Lục bát vắt dòng” ở đây được quy định bởi chấm câu, chứ không phải “lục bát vắt dòng” theo nhịp điệu câu thơ lục bát. Lấy ví dụ câu:
Về đi thôi. Gió. Đừng chờ,
Chẳng còn chi nữa. Mắt mờ tìm nhau.
Ở đây ta chú ý đến dấu phẩy sau chữ chờ ở câu lục. Tác giả có dụng ý dùng dấu phẩy ở đây, vì tác giả vẫn giữ cách viết hoa ở đầu mỗi câu, dấu phẩy ở đây lưu ý người đọc, nếu đọc “vắt dòng theo dấu chấm câu”, thì phải đọc là:
Về đi thôi.
Gió.
Đừng chờ, chẳng còn chi nữa.
Mắt mờ tìm nhau.
Hay như câu:
Về đi. Thôi gió. Là đêm,
Hương hoa sữa. Những êm đềm thời gian.
Ta phải đọc “vắt dòng” như sau:
Về đi.
Thôi gió.
Là đêm, hương hoa sữa.
Những êm đềm thời gian.
      Cách viết và đọc “vắt dòng” theo chấm câu gây được ấn tượng thị giác. Và cũng là một cách đổi mới cách viết thơ lục bát.
      Ta lấy một ví dụ khác, bài thơ Mình về! của L.T.L.
Mình về!
Về đi em nhé! Ơi em
trái tim bốc lửa. Vừa đem nhúng bùn.
Về đi em nhé! Đừng buồn!
Băng tan giũ sạch. Mưa nguồn lại xanh.

Ngày mai em nhé! Cùng anh
chắt chiu một chút cỏ lành. Còn thơm.
Ngày mai sóng vỗ. Nguồn cơn.
Sông còn có lúc. Bồn chồn. Chia ly.

Ngày mai ở lại. Đừng đi!
Nắng lên tươi mới. Bờ mi em cười.
Ngày mai em nhé! Cuộc đời
sẽ xanh đến tận chân người mình yêu!

Ngày mai. Một chút nuông chiều
chẳng còn dấu vết. Cô Kiều tiễn đưa.
Mình về! Với nắng với mưa.
Mình về ủ lại men xưa. Chúng mình…
     Bài thơ nói về cô gái "bán hoa" và anh thanh niên người yêu của cô. Anh thanh niên có một tình yêu tha thiết, có tấm lòng cao thượng, mong muốn cô rời bỏ nơi tối về với ánh sáng cuộc đời trong lành. Bài thơ mang đậm chất nhân văn cao cả của con người. Bài thơ này cũng như bài thơ trên sử dụng dấu chấm câu để mở rộng ý nghĩa bài thơ. Và dùng dấu chấm câu để quy định đọc “vắt dòng”. Nhưng khác với bài thơ trên, bài thơ này tác giả không viết hoa ở đầu câu, mà viết hoa sau dấu chấm câu.
      Ví dụ câu:
Về đi em nhé! Ơi em
trái tim bốc lửa. Vừa đem nhúng bùn.
Sẽ được đọc và trình bày “vắt dòng” như sau:
Về đi em nhé!
Ơi em trái tim bốc lửa.
Vừa đem nhúng bùn.
Hay như câu:
Ngày mai em nhé! Cuộc đời
sẽ xanh đến tận chân người mình yêu.
Sẽ được đọc và viết “vắt dòng” như sau:
Ngày mai em nhé!
Cuộc đời sẽ xanh đến tận chân người mình yêu.
Việc chấm câu như vậy sẽ tạo ra một câu thơ dài đến mười chữ.
      Trong câu:
Ngày mai em nhé! Cùng anh
chắt chiu một chút cỏ lành. Còn thơm.
Sẽ được đọc và viết “vắt dòng” như sau:
Ngày mai em nhé!
Cùng anh chắt chiu một chút cỏ lành.
Còn thơm.
Ngày mai, ngày chúng ta về với nhau. Chúng ta sẽ chắt chiu, giữ lấy những nét “cỏ lành” của quê hương thân yêu, giữ lấy những nếp sống trong sạch, trong sáng, mà xưa nay vẫn được mọi người nâng niu tôn trọng. Hai từ “Còn thơm” tách thành một câu sẽ mang nhiều ý nghĩa khác nhau, để cho người đọc tự suy ngẫm, chiêm nghiệm, tìm ra. Cái gì “Còn thơm”? Cuộc đời còn thơm, còn đẹp lắm. Mặc dù trái tim em “vừa đem nhúng bùn” do một phút nông nổi, nhưng em không mất đi tất cả, mà em vẫn còn những cái quý giá khác.
Nếu viết:
Ngày mai em nhé!
Cùng anh chắt chiu một chút cỏ lành còn thơm.
Thì ý nghĩa của câu thơ bị giới hạn trong phạm vi hẹp hơn. Và không còn chỗ cho độc giả suy nghĩ, liên tưởng rộng ra. Đó là mục đích và cũng là ưu việt của việc chấm câu có dụng ý, mà tác giả muốn hướng tới.
      Chưa có nhiều người viết và trình bày thơ lục bát theo cách chấm câu như trên đã trình bày. Bước đầu tìm hiểu và nêu ra để người yêu thơ tham khảo. Điều này cho thấy vẫn còn chỗ để ta làm mới lục bát, nếu chúng ta yêu mến và hết lòng với lục bát.


2 nhận xét:

  1. Hai câu thơ đầu:
    Về đi thôi. Gió. Đừng chờ,
    Chẳng còn chi nữa. Mắt mờ tìm nhau.
    Ai "dục giã" ai về? Gió là ai? Ở đây, gió có thể là anh con trai.
    . . ..
    Tôi nghĩ là "giục giã" mới đúng.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi cảm nhận khác, như làm rối thêm, khó suy nghĩ hơn, và như vậy thơ cũng không đem lại gì thư thái cho cuộc sống. Muốn rèn tư duy xin hãy học toán và triết, không học trong thơ.

    Trả lờiXóa