Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

MÀN ẨN DỤ TÁI HỒI KIM TRỌNG


MÀN ẨN DỤ TÁI HỒI KIM TRỌNG

Đằng sau màn “Tái hồi Kim Trọng” là Nguyễn Du muốn nói lên điều gì, cái gì ẩn sau đó?
Đã có nhiều người bình luận về màn tái hồi Kim Trọng, mỗi người đứng trên một góc độ khác nhau, chê cũng có, mà khen cũng có.
Từ trước đến nay người đọc Truyện Kiều đều cho rằng màn tái hồi Kim Trọng là gượng ép, Phan Cự Đệ chuyên gia nghiên cứu tiểu thuyết Trung Quốc phê phán khá gay gắt cuốn “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài nhân coi nó là điểm hình của những tác phẩm kém cỏi. Ông nghiêm khắc chê bai “Dựa vào sự việc của Thúy Kiều mà viết cho sáng rõ ra - vốn có thể mở một thế giới khác ngoài lối tiểu thuyết cũ rich in hệt nhau, tiếc rằng lực hút của tác giả quá yếu, không thể mang lại sức sống cho Thúy Kiều. Còn việc Thúy Kiều nhảy xuống sông tự trầm vốn là kết cục rất tự nhiên, có thể viết rất hay, thế mà tác giả lại cố ý xóa nhòa sự thực, cho nàng được người cứu sống, trả lại đoàn viên. Nhân đấy than thở cho kẻ tục trong đời, thật là muốn chữa chạy cũng chữa không nổi. Người xưa tiết hạnh lạ kỳ đến thế, không may lạc vào sách của kẻ tầm thường nên cảnh tượng mới ra như vậy”.
Xuân Diệu đã đưa ra nhận định: “Nguyễn Du đã sử dụng triệt để cuộc đoàn viên, để tính sổ một lần cuối cùng… Nguyễn Du không đọc bản cáo trạng bằng xương bằng thịt, bằng máu của tâm hồn: Đây là nạn nhân còn sống sót của mười lăm năm chúng bay!”.
Nhà nghiên cứu văn học Đỗ Đức Dục lại cho rằng:"Nguyễn Du kết thúc Truyện Kiều có hậu trước hết là tuân theo một phong cách văn học dân tộc thích hợp với tâm lí con người Việt Nam, tránh cái cực đoan trong kịch tính, ưa cái đôn hậu, thuỷ chung”.
Nguyễn Minh Hùng sau một hồi phân tích đưa ra nhân định “Đoạn kết Truyện Kiều, vì thế, xem như một kết thúc chưa phải kết thúc. Bi kịch không kết như vậy. Truyện cổ dân gian cũng không có hồi kết băn khoăn ấy. Đó là cách kết của một tâm hồn giằng xé, bế tắc và đớn đau”.
Đặng Thanh Lê sau một hồi phân tích, đã đưa đến nhận định:
“Nhưng như vậy, phải chăng đó chỉ là một khúc đoạn trường trọng cung đàn bạc mệnh, một kết thúc đầy bi kịch? Đâu là ước mơ và hy vọng, đâu là ánh sáng và ngày mai? Còn chút gì có thể gọi là "có hậu" trong buổi đoàn viên tàn tạ này?
Tóm lại, với màn "Tái hồi Kim Trọng", Nguyễn Du đã vạch rõ những sự thực chua xót của một con người  tuy đã  "cải mệnh » (Đoạn trường rút tên ra) nhưng hạnh phúc toàn vẹn đã bị trôi đi, đồng thời Nguyễn Du cũng vẫn đem đến cho chúng ta một niềm tin vào phẩm chất đẹp đẽ của con người”. “Không, Nguyễn Du có đau đớn và bi quan nhưng Nguyễn Du vẫn có niềm tin và lý tưởng. Giữa "đêm trường dạ tối tăm trời đất" - ngoài phần hạnh phúc đoàn tụ với gia đình của Kiều - Nguyễn Du đã đem đến cho người đọc niềm rung cảm, niềm hy vọng đối với cuộc sống: đấy là niềm tin vào phẩm chất đẹp đẽ trang sáng của con người”.
Trần Đình Sử đưa ra ý kiến: “Trong cái kết này có ba chi tiết quan trọng cần được làm rõ. Đó là việc cô Kiều bỏ chăn gối với chồng là chàng Kim Trọng, bỏ đàn và chia tay với Giac Duyên”. Rồi ông đưa ra nhận định: “Vì muốn nêu gương tiết liệt, cho nên, lẽ ra chuyện hai người từ chối làm tình trong quan hệ vợ chồng, vốn là môt chuyện rất riêng tư giữa hai người, không cần phải cho ai người ngoài biết làm gì. Nhưng vì muốn nêu gương, nên phải nói cho người ngoài biết mới phát huy được vai trò tấm gương. Thế là Kiều nói với Vân cho Vân biết, Vân lại nói cho bố mẹ, bố mẹ lại nói cho em Vương Quan, và cả nhà đều lấy làm lạ lùng và đều khen Thuý Kiều. Vậy là cuộc tình “cầm cờ” là do Kiều muốn nêu gương tiết liệt mà nên vậy. Sau nhiều năm ê chề nhục nhã, giờ được tái sinh, Kiều không muốn sống một cuộc sống bình thường, thế tục, mà lại muốn sống đời của một đấng liệt phụ để cho đời sau ca ngợi, thật là một điều rất đáng tiếc. Theo tôi cái kết này đã huỷ hoại Truyện Kiều không biết bao nhiêu mà kể”.
Việc bỏ đàn hơi khó hiểu. Tài đàn là một trong những cái tài của nhân vật. Bài đàn của Kiều đã bày tỏ tình thương đối với bao nhiêu nữ nhi bạc mệnh thì sao lại bỏ đi? Trong bản đàn tái hợp Nguyễn Du đã gửi vào đó biết bao khát khao tình yêu, tình dục đằm thắm thì sao lại bỏ? Có phải cây đàn và tiếng đàn gây nên tai họa cho Kiều đâu? Vậy đây vẫn là chi tiết khó hiểu.
Phạm Thị Hồng thì có nhận định: “Xét một cách hệ thống, từ đầu đến cuối, khuôn hình ứng xử của Thuý Kiều chịu sự chi phối của xã hội nam quyền với những cung bậc khác nhau”. “Thuý Kiều tự nguyện gánh chịu tất cả khổ nạn do quan niệm trinh tiết mà nam giới đã áp đặt cho người phụ nữ với một niềm xác tín là người đàn ông như Kim Trọng không thể sống với một người phụ nữ thất tiết”.

Bây giờ ta hãy xem quan điểm của Thúy Kiều:
Thúy Kiều rất muốn về quê hương với ngôi mệnh phụ đường đường, nên đã khuyên Từ Hải ra hàng 2477. Bằng nay chụi tiếng vương thần/ Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì/ Công tư vẹn cả hai bề/ Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương/ Cũng ngôi mệnh phụ đường đường/ Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha”. Nên đã bị Hồ Tôn Hiến lừa, kéo theo cái chết của Từ Hải, Kiều đã nói thẳng trước mặt Hồ Tôn Hiến về người anh hùng Từ Hải “Rằng Từ là đấng anh hùng/ Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi/ Tin tôi nên quá nghe lời/ Đem thân bách chiến làm tôi triều đình/ Ngỡ là phú quý phụ vinh/ Ai ngờ một phút tan tành thịt xương”.
Hồ Tôn Hiến một viên quan to của triều đình cũng say sắc đẹp của Thúy Kiều và tán tỉnh muốn Kiều làm thiếp “Dạy rằng hương lửa ba sinh/ Dây loan xin nối cầm lành cho ai?” Thúy Kiều từ chối thẳng thừng “Thưa rằng chút phận lạc loài/ Trong mình nghĩ đã có người thác oan/ Còn chi nữa cánh hoa tàn/ Tơ lòng đã dứt dây đàn tiểu lân/ Rộng thương còn mảnh hồng quần/ Hơi tàn được thấy gốc phần là may?” Thúy Kiều biết mình không thể là thiếp của một viên quan như Hồ Tôn Hiến được.
Thúy Kiều chửi Hồ Tôn Hiến lấy đi mọi thứ của nàng, chỉ để lại cho Kiều một mảnh vải che thân “rộng thương còn mảnh hồng quần” và nàng muốn xin về quê để thoát thân cũng không được và Hồ đã gả nàng cho viên thổ quan để phi tang. Khi được Giác Duyên cứu, Kiều không còn tư tưởng về quê nữa, mà muốn ở lại tu suốt đời, khi gặp lại bố mẹ và Kim Trọng “Đã đem mình bỏ am mây/ Tuổi này gửi với cỏ cây cũng vừa/ Mùi thiền đã bén muối dưa/ Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng/ Sự đời đã tắt lửa lòng/ Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi/ Dở dang nào có hay gì/ Đã tu tu trót qua thì thì thôi!”
Vương Ông đem lễ giáo “tam tòng tứ đức” để ép Kiều phải trở về “Ông rằng bỉ thử nhất thì/ Tu hành thì cũng phải khi tòng quyền/ Phải điều cầu Phật cầu tiên/ Tình kia hiếu nọ ai đền cho đây?”
Thúy Vân trả chồng lại cho chị để xuống làm hàng thiếp “3065. Gặp cơn bình địa ba đào/ Vậy đem duyên chị buộc vào cho em/ Cũng là phận cải duyên kim/ Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao/ Những là rày ước mai ao/ Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình!”, “Quả mai ba bảy đương vừa/ Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì!”
Thúy Kiều gạt ngay đi “3077. Dứt lời nàng vội gạt đi/ Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ/ Một lời tuy có ước xưa/ Xét mình dãi gió dầm mưa đã nhiều/ Nói càng hổ thẹn trăm chiều/ Thà cho ngọn nước thủy triều chảy xuôi!”.
Kim Trọng lại đem lễ giáo và lời ước hẹn ra để buộc Kiều phải nghe theo “3085. Một lời đã trót thâm giao/ Dưới dày có đất trên cao có trời/ Dẫu rằng vật đổi sao dời/ Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh/ Duyên kia có phụ chi mình/ Mà toan chia gánh chung tình làm hai”
Thúy Kiều kiên quyết không chịu “3095. Chữ trinh đáng giá nghìn vàng/ Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa/ Thiếp từ ngộ biến đến giờ/ Ong qua bướm lại đã thừ xấu xa/ Bấy chầy gió táp mưa sa/ Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn/ Còn chi là cái hồng nhan/ Đã xong thân thể còn toan nỗi nào/ Nghĩ mình chẳng hổ mình sao/ Dám đem trần cấu dự vào bố kinh/ Đã hay chàng nặng vì tình/ Trông hoa đền chẳng thẹn mình lắm ru/ Từ rày khép cửa phòng thu/ Chẳng tu thì cũng là tu mới là”.
Kim Trọng dùng lý để ép Thúy Kiều phải nghe theo. Kiều không còn cách nào chối cãi được nữa, nên buộc phải nghe theo “3129. Hết lời khôn lẽ chối từ/ Gót đầu nàng những ngắn dài thở than”.
Lúc động phòng hoa chúc Thúy Kiều mới nói hết sự thật lòng mình với Kim Trọng “3145. Nàng rằng phận thiếp đã đành/ Có làm chi nữa cái mình bỏ đi/ Nghĩ chàng nghĩa cũ tình ghi/ Chiều lòng gọi có xướng tùy mảy may/ Riêng lòng đã thẹn lắm thay/ Cũng đà mặt dạn mày dày khó coi/ Những là âu yếm vành ngoài/ Còn toan mở mặt với người cho qua”.
Thúy Kiều nói rất mạnh mẽ, chì chiết Kim Trọng “3153. Lại như những thói người ta/ Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa/ Khéo là dở nhuốc bày trò/ Còn tình đâu nữa mà thù đấy thôi/ Người yêu ta xấu với người/ yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”.
Kim Trọng phải nói lời thanh minh “3167. Xót người lưu lạc bấy lâu/ Tưởng thề thốt nặng cũng đau đớn nhiều/ Thương nhau sinh tử đã liều/ Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình/ Chừng xuân tơ liễu còn xanh/ Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân/ Gương trong chẳng chút bụi trần/ Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm/ Bấy lâu đáy bể mò kim/ Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa/ Ai ngờ lại họp một nhà/ Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm”.
Thúy Kiều nghe xong vui mừng, biết đã đạt được điều mình mong muốn và tránh được sự khinh bỉ của Kim Trọng sau này. Nàng nói lời biết ơn Kim Trọng “3179. Nghe lời sửa áo cài trâm/ Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng/ Thân tàn gạn đục khơi trong/ Là nhờ quân tử khác lòng người ta/ Mấy lời tâm phúc ruột rà/ Tương tri dường ấy mới là tương tri/ Chở che đùm bọc thiếu gì/ Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay”.
Sự đấu tranh của Thúy Kiều có lẽ chỉ đạt được duy nhất một điều là không cho Kim Trọng ngủ, để Kim Trọng khỏi khinh thường và rẻ rúng mình.
Màn tái hồi Kim Trọng là màn đau đớn nhất của Thúy Kiều, Vừa đau xót, vừa tủi hổ, vừa nhục nhã khi phải nói ra mọi sự thật trước mặt Kim Trọng, nó nhục nhã hơn cả khi bị ép buộc ở lầu xanh.
Có người phê phán câu thơ “Tình nhân lại gặp tình nhân/ Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình? Nhưng câu thơ này có lẽ lột tả đúng tâm trạng của Thúy Kiều và Kim Trọng lúc này, chẳng còn gì với nhau nữa. Có thể Kim Trọng còn chút lòng thương xót Thúy Kiều, vì phải rơi vào cảnh ba chìm bảy nổi. Nhưng quan điểm của một vị quan huyện triều đình khó mà không khinh rẻ, coi thường một cô gái lầu xanh, vì vậy Kiều đã nói câu “Còn tình đâu nữa mà thù đấy thôi”.
Màn tái hồi Kim Trọng không phải là gượng ép, mà là một màn ẩn dụ cực hay của Nguyễn Du. Thúy Kiều bị người đời chà đạp lên mọi quyền lợi được có của người phụ nữ. Khi về đến nhà, lại bị gia đình và người tình xưa, dùng lễ giáo “tam tòng tứ đức” o ép buộc phải tuân theo. Kiều bị hai tầng áp bức. Điều này cũng nói lên một thực tế là những cô gái mại dâm khó mà trở lại với đời thường, khi mà quan niệm xưa đã ăn sâu vào tiềm thức con người, sự khinh bỉ của xã hội là một rào cản khó có thể vượt qua.
Tôi chợt nhớ đến bài thơ của Tố Hữu nói về cô gái điếm trên sông Hương, có lẽ bài thơ chỉ là lời động viên của một nhà thơ khi còn trẻ, thiếu thực tế và có vẻ sáo rỗng: 
– Răng không, cô gái trên sông/ Ngày mai cô sẽ từ trong ra ngoài/ Thơm như hương nhụy hoa lài/ Trong như nước suối ban mai giữa rừng/ Ngày mai gió mới ngàn phương/ Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân/ Ngày mai trong nắng trắng ngần/ Cô thôi sống kiếp đày thân giang hồ/ Ngày mai bao lớp đời dơ/ Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay/ Cô ơi tháng rộng ngày dài/Mở lòng ra đón ngày mai huy hoàng”.
Trong chế độ cũ Thúy Kiều là người đáng thương nhất. Nguyễn Du có lẽ là người tri kỷ với Thúy Kiều thì đúng hơn là Kim Trọng là người tri kỷ với Thúy Kiều.
Người đọc tự hỏi không biết Thúy Kiều sẽ sống thế nào đây với Kim Trọng? Nàng hạnh phúc hay đau buồn? Đàn thì đã cuốn dây, tâm hồn thì còn gì nữa để mà làm thơ? Tài năng và sắc đẹp của nàng bây giờ là vô ích, chẳng để làm gì. Nàng sẽ làm gì cho qua ngày đoạn tháng? Nàng chỉ còn mỗi việc là uống rượu, ngắm trăng và chơi cờ “khi chén rượu khi cuộc cờ/ khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”. Cái thú vui này là cái thú vui của đàn ông. Nàng Kiều của chúng ta coi như đã chết rồi!
Hà Nội ngày 1.7.2020