Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

CUỘC ĐỜI THỰC CỦA NGUYỄN DU QUA THƠ CHỮ HÁN


CUỘC ĐỜI THỰC CỦA NGUYỄN DU QUA THƠ CHỮ HÁN

                                                 LÊ THANH LONG

Nguyễn Du trong Truyện Kiều là Nguyễn Du của văn chương, Nguyễn Du trong thơ chữ Hán là Nguyễn Du của đời thực.
Cuộc đời kỳ lạ, đã hun đúc nên một nhà thơ giang hồ, kiêu hùng, bất khuất trong một thân xác ốm yếu. Một con người kỳ lạ đã làm nên một tác phẩm Truyện Kiều bất hủ, và trở thành một Đại thi hào dân tộc.
Chúng ta trân quý đại thi hào Nguyễn Du, không những vì những tác phẩm thơ tuyệt vời, vĩ đại của ông, mà còn vì ông đã vượt qua thử thách của cuộc đời đầy gian nan, sóng gió và bão táp, để hoàn thành sứ mệnh văn chương của mình, đó là hoàn thành tác phẩm Truyện Kiều bất hủ một cách kỳ diệu.

Cha Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm làm đến chức Đại tư đồ, Tể tướng, nên thời nhỏ Nguyễn Du sống trong giầu sang, phú quý. Nhưng sau đó Nguyễn Du sống trong tình cảnh gia đình thê thảm, mất mẹ năm 12 tuổi, mất cha năm 13 tuổi, phải ở với mẹ kế và các anh. Năm 1782 Trịnh Sâm mất, kiêu binh lập Trịnh Tông lên ngôi chúa, hai anh Nguyễn Khản được làm Thượng Tư Bộ Lại, Nguyễn Điều làm Trấn thủ Sơn Tây.
Năm 1784 kiêu binh nổi dậy, tư dinh Nguyễn Khản ở phường Bích Câu, Thăng Long bị phá. Năm 1791 anh thứ tư của Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh chống Tây Sơn bị bắt và bị giết, dinh cơ họ Nguyễn ở Tiên Điền, Hà Tĩnh bị phá hủy. Nguyễn Du lúc này trở thành người vô gia cư. Nguyễn Du đã sống một cuộc đời đầy bi kịch, xuất thân trong một gia đình giầu sang, thế mà cơn lốc lịch sử đã hất đổ hết thảy lầu son gác tía, đẩy ông vào cuộc đời, sống lắt lay, lưu lạc, tha hương.
Cuộc đời Nguyễn Du trải qua ba thời kỳ:
Từ năm 1766 - 1783 là thời kỳ Nguyễn Du được nuôi dưỡng ăn học cho đến khi tham gia cuộc thi Hương, đỗ Tam trường, tú tài, lúc Nguyễn Du 17 tuổi, sau đó Nguyễn Du lấy vợ.
Từ năm 1786 - 1802 là thời kỳ Nguyễn Du tha hương lưu lạc giang hồ ở Thái Bình và Hà Tĩnh.
Từ năm 1802 - 1820 là thời kỳ Nguyễn Du làm quan triều Nguyễn.
Như vậy có thể coi Nguyễn Du như là một chàng trẻ tuổi con nhà nòi thư hương, một ông quan chính hiệu, một người dân vô gia cư nghèo túng, hay là một con người kết hợp cả ba.
Có thể coi Nguyễn Du như một người phân thân, một ông quan được học hành tử tế, có tín nhiệm, thăng quan tiến chức nhanh và một người dân thường trong cùng một hình hài ốm yếu.
Thơ không thể hiện cuộc sống thực hoàn toàn, nó được hư cấu thêm, nhưng ẩn chứa nội tâm thầm kín, riêng “Thơ chữ Hán” của Nguyễn Du phần đời thực chiếm tỉ lệ rất cao.
Nguyễn Du được biết là người ít nói, người ta cho rằng ông nhút nhát. Thực ra ông không nói, để giữ thân, giữ mình. Người ta thường nói “sống bên vua như sống bên hổ”, Nguyễn Du biết, dù có nói cũng không ai nghe mình, nên ông im lặng. Sự im lặng kiêu hùng của Nguyễn Du là sự kiêu hùng của kẻ thất bại trong sự nghiệp, không gặp thời.
Con người Nguyễn Du là tổng hòa của một thi sĩ đa diện, một Tố Như đời thường khác hoàn toàn so với Nguyễn Du viết Truyện Kiều. Trong tập sách “Thơ chữ Hán Nguyễn Du”, Tố Như viết cho mình đọc, nên ông thể hiện cái riêng tư của cuộc sống đời thường, cái nội tâm sâu kín trong lòng. “Thơ chữ Hán Nguyễn Du” chủ yếu là thơ Đường luật, gồm ba tập “Thanh hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục”. Đọc qua tập thơ gồm 249 bài, chúng ta hiểu được con người thực của Tố Như (Thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB Văn học, 1988. Nguyễn Du từng viết: “Người thơ không thấy được/ Thấy thơ như thấy người” (Thi nhân bất đắc kiến/ Kiến thi như kiến nhân).
1. NGUYỄN DU THI NHÂN THA HƯƠNG KHÔNG NHÀ

“Đêm nguyên tiêu ở Quỳnh Hải” là bài thơ nói về cảnh đời bi đát của Nguyễn Du lúc đó, khi đang lẩn trốn, ở nhờ nhà người anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn ở Quỳnh Hải, còn gọi là Quỳnh Châu, Quỳnh Côi, Thái Bình. Đêm nguyên tiêu, rằm tháng Giêng, thi nhân không nhà Nguyễn Du vẫn thấy “Trăng đầy trời” “xinh đẹp”, nhưng “sân trống không”, không có gì để cúng, và biết cúng ai ở đây. Cái “hứng xuân” ở đâu “xa muôn dặm”, chứ không có ở đây:
Nơi non Hồng không có nhà anh em tan tác,
Đầu bạc nhiều hận mà năm tháng đổi dời.
Thương cho ngươi lúc cùng đường chỉ được nhìn thấy nhau từ xa.
Ở góc bể bên trời đã ba chục năm rồi.
(Đêm nguyên tiêu ở Quỳnh Hải, Thanh hiên thi tập)
Nhà của Nguyễn Khản ở núi Hồng Lĩnh đã bị kiêu bình phá, “anh em tan tác”, “năm tháng đổi dời”, “đầu bạc” rồi mà phải mang “nhiều hận”. Nguyễn Du thương cho thân phận mình “thương cho ngươi lúc cùng đường chỉ được nhìn thấy nhau từ xa”. Cuộc đời Nguyễn Du lúc này thật là bi đát, đã ba mươi tuổi rồi, mà vẫn phải lưu lạc “góc bể bên trời”, tương lai mờ mịt. sống nhờ ở đậu.
Trong bài “Ở ăn” I và II, Nguyễn Du nói về cái cảnh trốn tránh tha hương sống nhờ vả của mình ở nơi đất khách:

Phơ phơ tóc bạc ở gửi nhà người
Ông ở trong một ngôi nhà bần hàn, cánh cửa xiêu vẹo, vì đang phải tốn tránh Tây Sơn, nên “giữ sự vụng về để phòng kẻ tục”, “Đời loạn muốn bảo toàn sinh mệnh nên sợ người đã lâu”:
Cánh cửa đóng xiêu vẹo, một ngôi nhà bần hàn.
Ở lâu bỗng quên mình là khách,
Chốn tha hương giữ sự vụng về để phòng kẻ tục,
Đời loạn muốn bảo toàn tính mệnh nên sợ người đã lâu.
                                         (Ở ăn I, II, Thanh hiên thi tập)
Câu thơ: “Trải gió bụi mười năm bỏ nước đi xa”
Người đọc dễ nhầm là Nguyễn Du đang lưu lạc ở nước ngoài “bỏ nước đi xa”, thực ra Nguyễn Du luôn coi Thăng Long nơi ông sinh ra mới là quê mình, Thái Bình là quê vợ và Hà Tĩnh là đất Tổ tiên, nên ông dùng chữ “bỏ nước” thay cho “bỏ quê”
Bài “Mạn hứng I và II” là Nguyễn Du nói về cảnh lưu lạc của ông ở Thái Bình, lúc ba mươi tuổi. Đời người, thân thể trăm năm “mặc cho gió bụi”, đã lâu rồi “không có mộng gác vàng”, ý nói mộng làm tể tướng, hoàng các mộng, nhưng “cái hư danh” thì vẫn “chưa tha cho người đầu bạc”:
Chuyện cao hứng đã lâu không có mộng các vàng
Đời trôi nổi ba chục năm phải lo vì có thân
Ở xa nhớ quê nhà ngoài nghìn dặm
Nguyễn Du nói “nhớ quê nhà ngoài nghìn dặm” là nói nhớ Thăng Long, nơi ông sinh ra ở phường Bích Câu.
Đi xa không bén rễ mặc cho lăn chuyền như ngọn cỏ bồng,
                                   (Mạn hứng I, II, Thanh hiên thi tập)

Nguyễn Du ví mình như “ngọn cỏ bồng”, “không bén rẽ”, tức là không còn gốc gác sâu xa, chỉ như bông hoa cỏ bồng khi gặp gió thì lăn tròn, trôi nổi không biết về đâu, cuộc đời, cuộc trăm năm “chết nghèo trong cõi văn chương”.
(Dịch nghĩa thơ chữ Hán của Nguyễn Du được rút ra từ cuốn “Thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB Văn học, 1988”).

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

NHỮNG CÂU HỎI CHƯA ĐƯỢC GIẢI ĐÁP


NHỮNG CÂU HỎI 
CHƯA ĐƯỢC GIẢI ĐÁP

                                                   LÊ THANH LONG

Truyện Kiều đã được rất nhiều nhà nghiên cứu, rất nhiều nhà Kiều học, rất nhiều học giả để tâm nghiên cứu, đi sâu vào từng ngõ ngách để bình luận, giải thích. Tuy vậy, cho đến nay vẫn còn những câu hỏi chưa được giải đáp.
1.Câu hỏi thứ nhất: Tại sao Tú Bà lại phải đưa Thúy Kiều đi “khóa xuân” ở xa thành Lâm Tri đến như vậy?
Thành Lâm Tri của Sơn Đông theo ông Đổng Văn Thành, GS. Trung Quốc cách biển tới 150 dặm, tức 75 km.
Lầu Ngưng Bích theo mô tả của Nguyễn Du ở một nơi rất thoáng đãng nhìn xa xa thấy núi, trăng và núi như ở gần nhau “Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân/ Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”. Ở lầu Ngưng Bích nhìn ra “Bốn bề bát ngát xa trông”, nhìn thấy những cồn cát, những con đường xa tít tắp cuốn bụi “Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”.
Và nữa, vào những buổi “chiều hôm” nhìn thấy những những con “thuyền” “thấp thoáng cánh buồm” ở phía “xa xa” “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”. Nhìn thấy những “ngọn nước” sông Tiền Đường đang hòa vào với nước biển “mới sa” “Buồn trông ngọn nước mới sa”.
Lại nữa, nhìn thấy những “nội cỏ” mới mọc lại “dàu dàu”. Nội cỏ mênh mông một màu xanh, nhìn xa như thể “chân mây mặt đất” hòa với nhau thành một màu “xanh xanh” “Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”.
Cửa vịnh Hàng Châu nơi sông Tiền Đường đổ ra biển có chiều rộng tới 100km. Cửa sông Tiền Đường có dạng hình phễu và thu hẹp đột ngột khiến sóng biển trở nên vô cùng hung tợn, nếu chúng ập sâu vào trong đất liền, khi thủy triều dâng, tạo ra một cảnh tượng vô cùng hùng vĩ.
Ở lầu Ngưng Bích nhìn ra chỗ sông Tiền Đường thu hẹp có một con thác, dưới là “duềnh” nước, vụng nước. Khi thủy triều dâng tạo ra những con sóng lớn cuồn cuộn ập vào chỗ vụng nước hẹp tạo ra những luồng gió cuốn trên mặt duềnh, sóng đập vào bờ kêu “ầm ầm” vang cả đến nơi Kiều đang ngồi “Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”.

2. Câu hỏi thứ hai: Có phải Tú Bà đã dự tính trước, bày ra một cuộc chạy trốn để đưa Kiều vào bẫy? Vì vậy phải tạo ra một khoảng không gian rừng núi xa như vậy, để Sở Khanh giả vờ đưa Kiều đi trốn, rồi Tú Bà đón đường bắt lại.
3. Câu hỏi thứ ba: Lầu Ngưng Bích có phải ở Hàng Châu không? Sông Tiền Đường chảy qua Hàng Châu, Hàng Châu ở gần cửa bể.
4. Câu hỏi thứ tư: Có phải Tú Bà thuê lầu Ngưng Bích ở Hàng Châu, để bày ra cuộc chạy trốn? Hoặc Tú Bà có một lầu Ngưng Bích ở Hàng Châu để hành nghề? Đưa các công tử giầu sang và gái bán hoa tới đó để du lịch, ăn chơi.
                                                  Hà Nội ngày 23.4.2020
                                                   LÊ THANH LONG

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

TRUYỆN KIỀU: Đoạn 1 - Cõi người ta




Để giúp các bạn tìm hiểu Truyện Kiều của Nguyễn Du và cũng để giải trí trong những lúc cần thư dãn, chúng tôi sẽ đăng một số đoạn phân tích, giải thích và bình luận toàn bộ 3254 câu thơ trong Truyện Kiều. Mỗi tuần sẽ đăng 2 đoạn vào thứ bảy và thứ tư, bắt đầu vào 22.4.2020.

ĐOẠN 1
Mở đầu
Cõi người ta
1.Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh, khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
5. Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen với má hồng đánh ghen.
Cảo thơm lần giở trước đèn,
8. Phong tình có lục còn truyền sử xanh.
Tám câu thơ đầu tiên, Nguyễn Du đặt vấn đề, khái quát quan điểm của mình mở đầu cho cuốn sách.
Ngẫm trong cõi người chúng ta đang sống, đời người sống được trăm năm, “trăm năm trong cõi người ta”, tài và mệnh sao khéo đố kỵ, ghen ghét nhau, tài năng và số mệnh, số phận của mỗi con người không phải lúc nào cũng đi đôi song hành với nhau, chữ tài chữ mệnh khéo là hay ghét nhau một cách lạ lùng, “chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Không còn xa lạ gì với cái lẽ thường tình ở đời là được mặt này hơn thì kém mặt kia, “lạ gì bỉ sắc tư phong”, nghĩa là hơn về tài sắc thì lại kém về mệnh số, được mặt này thì mất mặt kia, người có tài không phải lúc nào cũng thành công. Đó là quy luật bù trừ của tạo hóa. “Trời xanh”, con tạo, “quen với má hồng đánh ghen”, tạo hóa xưa nay vốn “quen với” việc đánh ghen với khách “má hồng”, người đàn bà đẹp. Tạo hóa tạo ra thế giới muôn loài, tạo ra người đàn bà đẹp sao phải đánh ghen, mà chỉ đánh ghen với khách má hồng, chứ không phải đánh ghen với đàn bà nói chung.
Trời xanh, con tạo, tạo hóa… cái thế lực vô hình đó là gì, là ai, mà lại “quen với má hồng đánh ghen”. Ông xanh, con tạo… là cách nói tượng trưng, ước lệ thôi, thực tế ra đây là một thế lực xã hội, đó là thói đời thường hay ghen tỵ, “đánh ghen” lẫn nhau, nhất là với những người đàn bà tài sắc và vì đẹp nên được nhiều đàn ông để ý, yêu thương, tranh giành, nên hay gặp chuyện rắc rối, long đong, gian truân. “Đã cho lấy chữ hồng nhan/ Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân”/ Đã đầy vào kiếp phong trần/ Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi”.
Ta đọc câu thơ sau đây sẽ hiểu từ “con tạo” mà Nguyễn Du muốn nói đến là gì: “Cũng liều nhắm mắt đưa chân/ Để xem con tạo xoay vần đến đâu”. “Con tạo” ở đây nghĩa là “sự đời”. Cũng liều nhắm mắt đưa chân, để xem sự đời nó xoay vần đến đâu?
Trong đời một con người trải qua những sự biến đổi của thời cuộc, bãi bể biến thành nương dâu, “trải qua một cuộc bể dâu”. Nhìn thấy những sự đảo lộn, đau thương của đời người trong xã hội, “mà đau đớn lòng”.
Nguyễn Du mở pho sách thơm, pho sách hay đọc từng trang trước ngọn đèn, câu chuyện tình yêu nam nữ, “phong tình”, có màu xanh, “có lục”, được truyền lại trong sử sách, “sử xanh”, “Cảo thơm lần giở trước đèn/ Phong tình có lục còn truyền sử xanh”, hai câu thơ này Nguyễn Du muốn ám chỉ ông viết cuốn truyện thơ “Đoạn trường tân thanh” tức Truyện Kiều là dựa theo câu chuyện tình nam nữ, “phong tình”, có màu xanh, “có lục”, đã được sử sách chép lạị.

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

VĂN CHƯƠNG TRUYỆN KIỀU MÊ HOẶC LÒNG NGƯỜI


VĂN CHƯƠNG TRUYỆN KIỀU
MÊ HOẶC LÒNG NGƯỜI

                                          LÊ THANH LONG

Truyện Kiều đã khiến hàng nghìn, hàng vạn người phải động bút. Những cuộc tranh luận của các học giả kéo dài suốt hơn hai trăm năm cho đến nay vẫn không dứt. Tuy vậy mọi người đều thống nhất ở một điểm là Truyện Kiều hay ở văn chương. Những học giả tầm cỡ, có ảnh hưởng rộng đều thốt lên những lời khen đầy khâm phục và dùng những từ ngữ tuyệt vời nhất dành cho Truyện Kiều.
Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân, tức Nguyễn Đăng Tuyển trong lời tựa Truyện Kiều có câu nói nổi tiếng “Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy”. “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”.
Nguyễn Du là một bậc thầy về ngôn ngữ. Ông đã nâng tầm ngôn ngữ tiếng Việt lên một đỉnh cao sáng chói. Và chính ngôn ngữ thơ đã làm nên giá trị bất hủ của Truyện Kiều.
Không ở đâu, tiếng Việt lại dồi dào mà chính xác, tinh vi mà trong trẻo, truyền đúng cái thần của sự vật và sự việc như ở đây.
1. Nguyễn Du đã sáng tạo chữ “lầm” cực kỳ đa dạng
1007. Cũng là lỡ một lầm hai
Lầm ở đây là lầm lỡ, sai lầm, lỡ là một lầm là hai. Mụ Tú Bà muốn an ủi Kiều nói Kiều do “lỡ” mà vào đây, do “lầm” lẫn không biết mà vào đây.
1429. Một sân lầm cát đã đầy
Kiều bị đánh giẫy giụa, lăn lộn làm cho cái sân “lầm” lên đầy cát bụi.
Nhưng chữ “lầm” ở câu 3194 sau đây mới kỳ lạ, kỳ thú:
3193. Nàng rằng: “Vì mấy đường tơ,  
3194. Lầm người cho đến bây giờ mới thôi!
Trong khung cảnh nói với Kim Trọng, ở đây “lầm người” là Kiều muốn nói “người lầm” tức là mình đã “lầm” lẫn đi theo con đường đàn hát “vì mấy đường tơ” nên “Lầm người cho đến bây giờ mới thôi”. “Ăn năn thì sự đã rồi”, ăn năn thì mọi sự cũng đã xẩy ra rồi. Đến bây giờ mới bỏ được mấy tiếng tơ đàn ấy. Vì có tài đàn hát - “vì chút nghề chơi”, nên mới gặp nhiều trắc trở hoạn nạn. Cái khúc đau lòng đứt ruột - đoạn trường ấy đã “hại người” tức hại Kiều bấy lâu nay. Cái thiên “Bạc mệnh” do Kiều soạn ra “phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ”, đã ứng nghiệm với cuộc đời Kiều, lúc nàng gảy khúc “Bạc mệnh” cho Hồ Tôn Hiến nghe. Thúy Kiều nói với Kim Trọng:
3211. Nàng rằng: “Vì chút nghề chơi,
Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu!
Một phen tri kỷ cùng nhau,
Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa.
Từ nay tỉnh ngộ, cuốn dây không chơi đàn nữa
Một nghĩa khác nữa là Kiều đã nhìn “lầm người”, nên đã bị mắc lừa, mắc vào nhiều vòng oan nghiệt, cho đến bây giờ mới hiểu ra. Ngoài ra “lầm người” ở đây còn có ý là làm ô uế, bẩn thỉu con người mình. Nên Kiều nói với Kim Trọng câu:
3181: Thân tàn gạn đục khơi trong,
Là nhờ quân tử khác lòng người ta.
2. Câu thơ 1880 cũng rất kỳ lạ:
1880. Gỡ cho ra nợ còn gì là duyên.
Câu thơ này sau màn ghen kỳ lạ kiểu Hoạn Thư mà Kiều phải thốt lên:
1873. Bây giờ mới rõ tăm hơi,
Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen.
Tức là Hoạn Thư ghen cả với người nhà là chồng và hành hạ Thúc Sinh “nhà ghen”.
Sau màn ghen, Hoạn Thư không xử Thúy Kiều, mà “gỡ cho ra” nhưng cho “nợ”, để đấy, hành hạ tiếp. Và như thế thì Kiều chẳng còn hy vọng gì có thể trở thành vợ bé của Thúc Sinh nữa, cái “nợ” còn đấy thì “còn gì là duyên” với tình nữa. Duyên ở đây còn có nghĩa là xuân sắc, tuổi xuân, sắc đẹp, Hoạn Thư muốn giam cầm Kiều cho đến già. Cũng là “duyên”“nợ”, nhưng duyên nợ ở đây khác với duyên nợ ta vẫn thường dùng.
Văn chương Nguyễn Du trong Truyện Kiều viết như thật đến nỗi người Trung Quốc cho Truyện Kiều là viết về Trung Quốc, còn người Việt Nam lại cho rằng Truyện Kiều viết về Việt Nam.
3. Thơ Kiều ẩn chứa nhiều nội dung, mang nhiều ý nghĩa, chỉ riêng bốn câu thơ Nguyễn Du tả Thúy Kiều tắm thôi đã có nhiều cách hiểu khác nhau:
1309. Buồng the phải buổi thong dong,
Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa.
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà,
1312. Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.
Người cho rằng Kiều tắm ở trong phòng ngủ có màn the, người cho rằng câu 1309 là chỉ chủ thể Thúy Kiều gặp buổi “thong dong” rỗi việc, và tắm ở buồng tắm có rủ bức trướng hồng. “Tắm hoa” người cho là chỉ người đẹp Thúy Kiều tắm. Người cho là Kiều tắm bằng nước sắc bằng hoa lan. Người cho rằng Kiều tắm bằng nước có ngâm hoa thơm.
Hai câu thơ 1311 - 1312 là hai câu tuyệt hay tả vẻ đẹp cơ thể của nàng Kiều. Thân thể nàng Kiều lồ lộ đẹp như ngọc như ngà. Tạo hóa đã “đúc” ra con người, đã tạo ra con người, thiên nhiên, tự nhiên đã tạo ra một tuyệt phẩm là nàng Kiều, trải qua hàng triệu năm tiến hóa đã tạo ra một công trình, “một tòa thiên nhiên”, một cơ thể đàn bà tuyệt mỹ. Một tòa thiên nhiên, một tác phẩm kiến trúc diễm lệ có một không hai trong tự nhiên, chính là cơ thể con người.
4. Câu thơ:
906. Đùng đùng gió giục mây vần,
Một xe trong cõi hồng trần như bay
Một câu thơ tuyệt hay vừa có âm thanh, vừa có hình ảnh, vừa có chuyển động, vừa có trời, vừa có đất, vừa có sấm chớp, bão tố. Hình ảnh một cỗ xe phóng “như bay” trong cõi “hồng trần”, ám chỉ một cuộc ra đi tới nơi đầy sống gió, bão táp, một cuộc sống tương lai đầy bất trắc, hiểm nguy đang chờ đón nàng Kiều - Một cô gái trẻ ngây thơ, lần đầu trong đời bước vào một nơi lạ nước lạ non, một thân một mình, thân cô, thế cô.
5. Nén chặt câu thơ là đặc trưng điển hình của thơ Nguyễn Du. Câu thơ sau đây:
915. Dặm khuya ngất tạnh mù khơi 
Là câu thơ đã được nén chặt đến mức tuyệt đối. “Dặm khuya” là dặm đường khuya khoắt, “ngất tạnh” là bầu trời cao ngất, khí hậu tạnh ráo, “mù khơi” là mù mịt xa khơi. Đây là đoạn Nguyễn Du tả Mã Giám Sinh đang trên đường đưa Thúy Kiều về Lâm Tri. Câu thơ chỉ vẻn vẹn có 6 chữ mà tả được một cuộc đi vào đêm khuya dặm trường, dưới bầu trời đêm cao vời vợi, không khí khô ráo, xa xa mù mịt sương khói. Một cuộc đi đưa Thúy Kiều đến một nơi xa khơi, vô định, tương lai mù mịt. Câu thơ ngắn mà hàm chứa một lượng thông tin rất lớn, thể hiện sự uyên thâm, từng trải của Nguyễn Du. Cao Bá Quát đã có lời nhận xét chí lý “Kim Vân Kiều là lời nói hiểu đời”.
6. Nguyễn Du là bậc thầy về sáng tạo từ mới, những từ ngữ sáng tạo hết sức độc đáo vẫn làm cho bạn đọc ngày nay ngỡ ngàng, như “thoi thót” (“chim hôm thoi thót về rừng”), “tõi” (“cắt người tìm tõi đưa tờ nhắn nhe”), “áy” (“một vùng cỏ áy bóng tà”), “dàu dàu” (dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”), “dàu” (“giận dàu ra dạ thế thường, cười dàu mới thật khôn lường hiểm sâu”), “sòng” (“đến nhà trước liệu nói sòng cho minh”) vân vân. Sau đây xin nêu một ví dụ điển hình là từ “ngậm gương”:
1091. Chim hôm thoi thót về rừng,
Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành
Chữ “thoi thót” cho đến nay chưa có ai dùng. Hai câu thơ trên Nguyễn Du tả thời khắc Thúy Kiều đợi Sở Khanh đến đón đi trốn khỏi lầu Ngưng Bích.
“Thoi thót” chỉ sự vội vã, lẻ tẻ, rời rạc từng con, từng đôi chim đang gấp gáp bay về tổ. “Thoi thót” chỉ buổi chiều hôm chập choạng, ánh ngày sắp tắt, đêm tối sắp ập đến. Kiều đợi Sở Khanh từ lúc hoàng hôn, đến lúc trăng mọc và lên cao dần. Trước mắt Kiều là một khóm trà mi, một bông trà mi nhô lên cao, đến một lúc mắt Kiều, đóa trà mi và vầng trăng hạ huyền nằm trên một đường thẳng, lúc này Thúy Kiều nhìn thấy “đóa trà mi đã” nằm lọt trong “gương nửa vành”, tức đóa trà mi đã che khuất một phần ánh sáng của trăng nửa vành. Nguyễn Du dùng từ “ngậm gương” với nghĩa là che khuất ánh sáng.
1119. Đêm thâu khắc lậu canh tàn,
Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương.
“Trăng ngàn ngậm gương” là trăng đã bị rừng núi “ngậm gương”, tức là trăng đã bị rừng núi che khuất, hay trăng đã lặn xuống dưới núi rừng.
425. Ngày vui ngắn chẳng đầy gang,
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài.
Ác là mặt trời. Mặt trời đã lặn xuống dãy núi phía tây, hay dãy núi phía tây đã che khuất ánh sáng mặt trời.
1370. Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương.
Thỏ là mặt trăng. Mặt trăng đã lặn xuống dãy núi phía tây, hay dãy núi phía tây đã che khuất ánh sáng mặt trăng.
Ngôn từ của Nguyễn Du uyên thâm, sắc sảo, hàm súc. Đặc sắc trong nghệ thuật dùng từ của Nguyễn Du là một trong những yếu tố quan trọng mang lại thành công rực rỡ cho Truyện Kiều
Truyện Kiều đã làm rạng rỡ cho nền văn chương nước ta với thế giới.
Nhà văn hóa Phạm Quỳnh có câu nói nổi tiếng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”.
Truyện Kiều là kiệt tác văn học. Nguyễn Du bậc là Đại thi hào dân tộc, được Unesco vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới. Sống mãi với thời gian Truyện Kiều đã trở thành bất tử
Trải qua bao cuộc khen chê
Hai trăm năm vẫn đi về nhân gian.
                                                Hà Nội ngày 8.4.2020
                                                    LÊ THANH LONG

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

TIẾNG VIỆT KỲ THÚ


TIẾNG VIỆT KỲ THÚ

Một bà mẹ có trình độ đại học dạy con phát âm tiếng Việt:
- Mẹ ơi! Chữ bac, chữ bác, chữ bạc đọc khác nhau thế nào?
- Nếu thêm dấu huyền, dấu hỏi. dấu ngã vào bàc, bảc, bãc thì đọc thế nào?
Bà mẹ ngớ người ra!
Tiếng Việt có 29 chữ cái, 17 phụ âm b, c, d, đ, g, h, k, l, m, n, p, q, r, s, t, v, x và 9 phụ âm ghép, 12 nguyên âm đơn a, á, â, e, ê, I, o, ô, ơ, u, ư, y, oo và các nguyên âm đôi.
Nếu ta ghép một trong các phụ âm + với một nguyên âm đơn + với một trong các phụ âm cuối sau đây: p, c, t, ch, ví dụ b + u + t -> but, ta chỉ có thể phát âm chữ này được với dấu sắc và dấu nặng: bút, bụt, nếu phát âm không dấu but thì sẽ trùng với bút hoặc bụt, không phát âm được với các dấu huyền (bùt), hỏi (bủt), ngã (bũt).
Các ví dụ khác:
Lác, lạc, lac, làc, lảc, lãc.
Ráp, rạp, rap, ràp, rảp, rãp.
Đích, địch, đich, đìch, đỉch, đĩch.
Vất, vật, vât, vầt, vẩt, vẫt
Múc, mục, muc, mùc, mủc, mũc
Còn rất nhiều ví dụ khác nữa, các bạn thử một chút cho vui.