Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

CUỘC ĐỜI THỰC CỦA NGUYỄN DU QUA THƠ CHỮ HÁN


CUỘC ĐỜI THỰC CỦA NGUYỄN DU QUA THƠ CHỮ HÁN

                                                 LÊ THANH LONG

Nguyễn Du trong Truyện Kiều là Nguyễn Du của văn chương, Nguyễn Du trong thơ chữ Hán là Nguyễn Du của đời thực.
Cuộc đời kỳ lạ, đã hun đúc nên một nhà thơ giang hồ, kiêu hùng, bất khuất trong một thân xác ốm yếu. Một con người kỳ lạ đã làm nên một tác phẩm Truyện Kiều bất hủ, và trở thành một Đại thi hào dân tộc.
Chúng ta trân quý đại thi hào Nguyễn Du, không những vì những tác phẩm thơ tuyệt vời, vĩ đại của ông, mà còn vì ông đã vượt qua thử thách của cuộc đời đầy gian nan, sóng gió và bão táp, để hoàn thành sứ mệnh văn chương của mình, đó là hoàn thành tác phẩm Truyện Kiều bất hủ một cách kỳ diệu.

Cha Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm làm đến chức Đại tư đồ, Tể tướng, nên thời nhỏ Nguyễn Du sống trong giầu sang, phú quý. Nhưng sau đó Nguyễn Du sống trong tình cảnh gia đình thê thảm, mất mẹ năm 12 tuổi, mất cha năm 13 tuổi, phải ở với mẹ kế và các anh. Năm 1782 Trịnh Sâm mất, kiêu binh lập Trịnh Tông lên ngôi chúa, hai anh Nguyễn Khản được làm Thượng Tư Bộ Lại, Nguyễn Điều làm Trấn thủ Sơn Tây.
Năm 1784 kiêu binh nổi dậy, tư dinh Nguyễn Khản ở phường Bích Câu, Thăng Long bị phá. Năm 1791 anh thứ tư của Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh chống Tây Sơn bị bắt và bị giết, dinh cơ họ Nguyễn ở Tiên Điền, Hà Tĩnh bị phá hủy. Nguyễn Du lúc này trở thành người vô gia cư. Nguyễn Du đã sống một cuộc đời đầy bi kịch, xuất thân trong một gia đình giầu sang, thế mà cơn lốc lịch sử đã hất đổ hết thảy lầu son gác tía, đẩy ông vào cuộc đời, sống lắt lay, lưu lạc, tha hương.
Cuộc đời Nguyễn Du trải qua ba thời kỳ:
Từ năm 1766 - 1783 là thời kỳ Nguyễn Du được nuôi dưỡng ăn học cho đến khi tham gia cuộc thi Hương, đỗ Tam trường, tú tài, lúc Nguyễn Du 17 tuổi, sau đó Nguyễn Du lấy vợ.
Từ năm 1786 - 1802 là thời kỳ Nguyễn Du tha hương lưu lạc giang hồ ở Thái Bình và Hà Tĩnh.
Từ năm 1802 - 1820 là thời kỳ Nguyễn Du làm quan triều Nguyễn.
Như vậy có thể coi Nguyễn Du như là một chàng trẻ tuổi con nhà nòi thư hương, một ông quan chính hiệu, một người dân vô gia cư nghèo túng, hay là một con người kết hợp cả ba.
Có thể coi Nguyễn Du như một người phân thân, một ông quan được học hành tử tế, có tín nhiệm, thăng quan tiến chức nhanh và một người dân thường trong cùng một hình hài ốm yếu.
Thơ không thể hiện cuộc sống thực hoàn toàn, nó được hư cấu thêm, nhưng ẩn chứa nội tâm thầm kín, riêng “Thơ chữ Hán” của Nguyễn Du phần đời thực chiếm tỉ lệ rất cao.
Nguyễn Du được biết là người ít nói, người ta cho rằng ông nhút nhát. Thực ra ông không nói, để giữ thân, giữ mình. Người ta thường nói “sống bên vua như sống bên hổ”, Nguyễn Du biết, dù có nói cũng không ai nghe mình, nên ông im lặng. Sự im lặng kiêu hùng của Nguyễn Du là sự kiêu hùng của kẻ thất bại trong sự nghiệp, không gặp thời.
Con người Nguyễn Du là tổng hòa của một thi sĩ đa diện, một Tố Như đời thường khác hoàn toàn so với Nguyễn Du viết Truyện Kiều. Trong tập sách “Thơ chữ Hán Nguyễn Du”, Tố Như viết cho mình đọc, nên ông thể hiện cái riêng tư của cuộc sống đời thường, cái nội tâm sâu kín trong lòng. “Thơ chữ Hán Nguyễn Du” chủ yếu là thơ Đường luật, gồm ba tập “Thanh hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục”. Đọc qua tập thơ gồm 249 bài, chúng ta hiểu được con người thực của Tố Như (Thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB Văn học, 1988. Nguyễn Du từng viết: “Người thơ không thấy được/ Thấy thơ như thấy người” (Thi nhân bất đắc kiến/ Kiến thi như kiến nhân).
1. NGUYỄN DU THI NHÂN THA HƯƠNG KHÔNG NHÀ

“Đêm nguyên tiêu ở Quỳnh Hải” là bài thơ nói về cảnh đời bi đát của Nguyễn Du lúc đó, khi đang lẩn trốn, ở nhờ nhà người anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn ở Quỳnh Hải, còn gọi là Quỳnh Châu, Quỳnh Côi, Thái Bình. Đêm nguyên tiêu, rằm tháng Giêng, thi nhân không nhà Nguyễn Du vẫn thấy “Trăng đầy trời” “xinh đẹp”, nhưng “sân trống không”, không có gì để cúng, và biết cúng ai ở đây. Cái “hứng xuân” ở đâu “xa muôn dặm”, chứ không có ở đây:
Nơi non Hồng không có nhà anh em tan tác,
Đầu bạc nhiều hận mà năm tháng đổi dời.
Thương cho ngươi lúc cùng đường chỉ được nhìn thấy nhau từ xa.
Ở góc bể bên trời đã ba chục năm rồi.
(Đêm nguyên tiêu ở Quỳnh Hải, Thanh hiên thi tập)
Nhà của Nguyễn Khản ở núi Hồng Lĩnh đã bị kiêu bình phá, “anh em tan tác”, “năm tháng đổi dời”, “đầu bạc” rồi mà phải mang “nhiều hận”. Nguyễn Du thương cho thân phận mình “thương cho ngươi lúc cùng đường chỉ được nhìn thấy nhau từ xa”. Cuộc đời Nguyễn Du lúc này thật là bi đát, đã ba mươi tuổi rồi, mà vẫn phải lưu lạc “góc bể bên trời”, tương lai mờ mịt. sống nhờ ở đậu.
Trong bài “Ở ăn” I và II, Nguyễn Du nói về cái cảnh trốn tránh tha hương sống nhờ vả của mình ở nơi đất khách:

Phơ phơ tóc bạc ở gửi nhà người
Ông ở trong một ngôi nhà bần hàn, cánh cửa xiêu vẹo, vì đang phải tốn tránh Tây Sơn, nên “giữ sự vụng về để phòng kẻ tục”, “Đời loạn muốn bảo toàn sinh mệnh nên sợ người đã lâu”:
Cánh cửa đóng xiêu vẹo, một ngôi nhà bần hàn.
Ở lâu bỗng quên mình là khách,
Chốn tha hương giữ sự vụng về để phòng kẻ tục,
Đời loạn muốn bảo toàn tính mệnh nên sợ người đã lâu.
                                         (Ở ăn I, II, Thanh hiên thi tập)
Câu thơ: “Trải gió bụi mười năm bỏ nước đi xa”
Người đọc dễ nhầm là Nguyễn Du đang lưu lạc ở nước ngoài “bỏ nước đi xa”, thực ra Nguyễn Du luôn coi Thăng Long nơi ông sinh ra mới là quê mình, Thái Bình là quê vợ và Hà Tĩnh là đất Tổ tiên, nên ông dùng chữ “bỏ nước” thay cho “bỏ quê”
Bài “Mạn hứng I và II” là Nguyễn Du nói về cảnh lưu lạc của ông ở Thái Bình, lúc ba mươi tuổi. Đời người, thân thể trăm năm “mặc cho gió bụi”, đã lâu rồi “không có mộng gác vàng”, ý nói mộng làm tể tướng, hoàng các mộng, nhưng “cái hư danh” thì vẫn “chưa tha cho người đầu bạc”:
Chuyện cao hứng đã lâu không có mộng các vàng
Đời trôi nổi ba chục năm phải lo vì có thân
Ở xa nhớ quê nhà ngoài nghìn dặm
Nguyễn Du nói “nhớ quê nhà ngoài nghìn dặm” là nói nhớ Thăng Long, nơi ông sinh ra ở phường Bích Câu.
Đi xa không bén rễ mặc cho lăn chuyền như ngọn cỏ bồng,
                                   (Mạn hứng I, II, Thanh hiên thi tập)

Nguyễn Du ví mình như “ngọn cỏ bồng”, “không bén rẽ”, tức là không còn gốc gác sâu xa, chỉ như bông hoa cỏ bồng khi gặp gió thì lăn tròn, trôi nổi không biết về đâu, cuộc đời, cuộc trăm năm “chết nghèo trong cõi văn chương”.
(Dịch nghĩa thơ chữ Hán của Nguyễn Du được rút ra từ cuốn “Thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB Văn học, 1988”).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét