Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

MÃ MUA KIỀU


MÃ MUA KIỀU

                                                                LÊ THANH LONG


                           

Mã Giám Sinh là người có trình độ tuyển chọn gái đẹp có hạng. Hắn ngắm sắc đẹp Thúy Kiều, ngắm điệu đi, dáng đứng, thấy Kiều: “Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai”. Rồi hắn “Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ”. “Mặn nồng một vẻ một ưa”, “bằng lòng” rồi, hắn mới tùy cơ mà trả giá, cuối cùng hắn mua được Kiều với giá hơn bốn trăm lạng.
Trong các sách xuất bản, các nhà nghiên cứu văn bản Truyện Kiều đã đưa ra hai cặp lục bát rất khác nhau:
Cặp lục bát 1:
647. “Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”
Cặp lục bát 2:
“Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”
Hai câu thơ đã gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu về Truyện Kiều là:
648. “Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”
648. “giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”
+ Bản Kiều của Bùi Kỷ (1958), Nguyễn Thạch Giang (1973), Đào Duy Anh trong bản Truyện Kiều có sự tham gia hiệu đính của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh (1979) chép là “vàng”.
+ Bản Kiều của Hội Kiều học Việt Nam giải thích: “Vâng ngoài bốn trăm”: Chịu mua với giá ngoài bốn trăm lạng bạc.
+ Bản Kiều của Mai Quốc Liên chọn “vâng” với lý do các bản Nôm cổ đều viết “vâng”, không viết “vàng”. Nhưng giải thích thêm: Một số bản quốc ngữ sau này chọn “vàng” âm vận hay hơn, nghĩa đúng hơn.
+ Các bản Kiều Nôm Liễu Văn đường (1866), Liễu Văn đường (1871), Duy Minh Thị (1872), Trương Vĩnh Ký (1875), Liễu Văn đường (1932) đều chép là: “Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”.
Từ năm 2005, sách Ngữ văn lớp 9 đã chỉnh lại câu 648 thành “Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”, gây nên những thắc mắc, khiến nhiều ý kiến phản đối, có ý kiến tranh cãi phản ứng gay gắt.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ đưa ra lập luận là dựa vào các bản Nôm cổ mà chọn chữ “vâng”. Trong các sách không giải thích rõ ràng chữ “vâng”, nên gây ra tranh cãi.
Sau đây chúng tôi sẽ phân tích một cách rõ ràng hai chữ “vàng”“vâng” trong những câu thơ trên.
Chúng tôi không có ý xem xét câu nào đúng, câu nào sai, đâu đúng, đâu sai, ai đúng, ai sai, mà chỉ có ý phân tích ý nghĩa của hai chữ “vàng” “vâng”.
Về câu:
“Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”
Cô Kiều trong Truyện Kiều là “thiên kim tiểu thư”, tiểu thư ngàn vàng: “Mối rằng: Đáng giá nghìn vàng”. Một cô gái tài sắc vẹn toàn ”Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm”, “Một hai nghiêng nước nghiêng thành”. Kiều là một tuyệt sắc giai nhân, nên Mã đã phải mua Kiều với giá hơn bốn trăm lạng vàng. Nguyễn Du đã viết rõ ràng “Mái ngoài họ Mã vừa sang/ Tờ hoa đã ký cân vàng mới trao”, Kiều và cả nhà phải ký giấy hôn thú trước, Mã mới trao vàng. Như vậy Nguyễn Du đã nói rõ ràng Mã mua kiều với giá hơn bốn trăm lạng vàng. Không có câu nào Nguyễn Du nói đến bạc. Trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Mã mua Kiều với giá 450 lạng bạc. Cô Kiều trong Kim Vân Kiều truyện là một cô gái bình thường, một Mã Kiều nhi, một cô hầu tầm thường trong kỹ viện, không thể sánh với Thúy Kiều trong Truyện Kiều được. Giá của Kiều phải được đổi bằng vàng là Nguyễn Du đã có ý nâng tầm giá trị của Kiều lên đúng với giá trị một cô gái tài sắc vẹn toàn, một thiên kim tiểu thư. Điều đó làm cho những sự kiện sau này của câu chuyện có lý hơn, thuyết phục hơn.
Câu thơ:
“Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”
Mã và mụ mối (thay mặt Kiều) “cò kè bớt một thêm hai”, “giờ lâu” mới thỏa thuận xong về giá cả “ngã giá” “vâng ngoài bốn trăm”. Vậy ai đã nói “vâng” đây? Mã Giám Sinh là người có quyền, có thế, có tiền, tính cách lại trịch thượng “ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, hắn không thể nói “vâng” với Kiều và mụ mối, của kẻ mua xưng hô với bên bán là “vâng” chấp nhận mức giá “ngoài bốn trăm” lạng. Mà người nói “vâng” ở đây phải là mụ mối trung gian, thay mặt cho Kiều, khi đã được Thúy Kiều đồng ý chấp nhận cái giá đó. Với tư cách và phong thái của Thúy Kiều, Kiều cũng không nói “vâng ngoài bốn trăm” trực tiếp với Mã, mà gián tiếp thông qua mụ mối chấp nhận cái giá của người mua trả là Mã.
Câu thơ “vâng” là Kiều tự nói ra, tự chấp nhận cái giá bán mình, Kiều tự bán mình, câu thơ sâu sắc hơn, có sức thuyết phục, cảm hóa người đọc mạnh hơn. Câu thơ cho thấy nỗi đau vô hạn của Thúy Kiều. Câu thơ “vàng” chỉ là câu thơ Nguyễn Du miêu tả lại sự việc mua bán ngã giá giữa Mã và Kiều, nó đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu. Câu thơ “vâng” cao cường hơn câu thơ “vàng”.
Với cách chọn từ ngữ thâm thúy, sâu sắc Nguyễn Du sẽ dùng chữ “vâng”, mà không dùng chữ “vàng”.
                                                  Hà Nội ngày 5.5.2020
                                                  LÊ THANH LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét