Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

Thúy Kiều nghĩ về Thúc Sinh hay Thúc Sinh nghĩ về Thúy Kiều


THÚY KIỀU NGHĨ VỀ THÚC SINH HAY THÚC SINH NGHĨ VỀ THÚY KIỀU?

                                               LÊ THANH LONG
 Câu thơ:
1793. “Mày xanh trăng mới in ngần,
1794. Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa”
Là hai câu thơ đã gây nhiều tranh cãi và lầm lẫn trong giới nghiên cứu và chú giải Truyện Kiều
Trong Truyện Kiều, lúc Kiều bị Khuyển Ưng bắt từ Lâm Tri đưa về Vô Tích nhà Hoạn Bà, rồi Hoạn Bà giao Thúy Kiều cho Hoạn Thư làm con hầu, có đoạn thơ 12 câu từ câu 1783 - 1794:
1783.” Cửa người đày đọa chút thân,
Sớm năn nỉ bóng, khuya ngơ ngẩn lòng.
1785. Lâm Tri chút nghĩa đèo bòng,
Nước non để chữ tương phùng kiếp sau!
Bốn phương mây trắng một màu,
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà?
Lần lần tháng lụn ngày qua,
1790. Nỗi gần, nào biết đường xa thế này.
Lâm Tri từ thuở uyên bay,
Phòng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân.
Mày xanh trăng mới in ngần,
1794. Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa!”
Hai câu thơ:
1793. “Mày xanh trăng mới in ngần
1794. Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa”
có nhiều ý kiến chú thích, bình giải khác nhau.
Bản Quan Văn Đường chép là “Mày xanh”, nhiều bản chép là “Mày ai” để nói bóng về Kiều. Tản Đà chê hai chữ “Mày xanh” là vô vị.
+ Bản của Đào Duy Anh, năm 1979 giải thích: “Uyên bay”: Chỉ tình hình Thúc Sinh mất Thúy Kiều. “Mày ai” (mày xanh): Ý Thúc Sinh nhìn trăng lưỡi liềm mà nghĩ đến lông mày của thúy Kiều. “In ngần”: In dấu (ngần tức là ngấn nói theo giọng bằng. Không giải thích câu 1794.
+ Bản của Vũ Ngọc Khánh, 2010 giải thích:
Uyên bay: Ý nói Thúy Kiều không còn nữa (con chim uyên đã bay mất).
“Trăng mới”: Trăng đầu tháng. Câu này đại ý nói: Thúc Sinh trông thấy mặt trăng lưỡi liềm đầu tháng giống như lông mày người con gái đẹp mà tưởng nhớ đến Kiều. Câu 1794 đại ý nói: Thúy Kiều không còn nữa. Thúc Sinh trông thấy phấn hương của nàng còn sót lại mà thương tâm.
+ Bản của Mai Quốc Liên, 2018 giải thích câu 1793 ý nói: Trăng non đầu tháng còn mờ như một nét lông mày khiến Thúc Sinh nhớ đến Thúy Kiều.
 “Uyên”: Đây là Kiều. “Từ thuở uyên bay”: Từ thuở Kiều không còn nữa (như Thúc Sinh lầm tưởng).
+ Bản của Hội Kiều học, 2015 giải thích:
“Mày xanh… in ngần”: Thúc Sinh ngắm mặt trăng đầu tháng mà nhớ đến hình ảnh đôi lông mày của Kiều vẫn in trong tâm trí.
“Phấn thừa hương cũ”: Xem đến chỗ phấn hương cũ còn sót lại, Thúc Sinh càng xót xa cho thân Kiều.
“Uyên bay”: Chim uyên ương sống thành đôi, chỉ cảnh vợ chồng. “Uyên bay”: Chỉ một con bay đi, ý nói Thúc Sinh mất Kiều.
Theo tôi các nhà chú giải đã có những nhầm lẫn:
+ Cái nhầm lẫn thứ nhất dẫn đến việc các sách chú thích sai là nhầm Uyên là chim mái, nên ví như Kiều, thực ra Uyên là con chim trống, phải ví với Thúc Sinh mới đúng.
+ Nhầm lẫn thứ hai là nhà Thúy Kiều đã bị Khuyển Ưng đốt cháy hết còn đâu phấn hương của Kiều còn sót lại để Thúc Sinh trông thấy, mà nói “Thúc Sinh trông thấy phấn hương của nàng còn sót lại mà thương tâm”.
+ Thứ ba chữ “Mày xanh” mọi người cứ nghĩ là nói về Thúy Kiều, nên Tản Đà nói là “vô vị” và Kiều Mộng Oánh sửa lại là “Mày ai”.
Theo cuốn “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng giải thích “uyên ương” (danh từ) là chim cùng họ với vịt, sống ở nước, con đực [uyên] và con cái [ương] sống không bao giờ rời nhau, thường dùng trong văn chương để ví cặp vợ chồng đẹp đôi, gắn bó, “đôi uyên ương”.



Ảnh: ĐÔI UYÊN ƯƠNG

Hai câu thơ này trong 12 câu thơ nêu trên, theo tôi là Thúy Kiều tự tâm sự với chính mình (Thúy Kiều không biết mình đang ở nhà Hoạn Thư là vợ cả của Thúc Sinh):
“Chút thân” (của Thúy Kiều) hèn mọn, nhỏ bé bị “đầy đọa”“cửa” nhà “người” ta, “cửa người đầy đọa chút thân”, “sớm” thì như một cái “bóng”, “năn nỉ” cầu xin sự thương hại, đêm “khuya” thì nỗi “lòng” “ngơ ngẩn” nghĩ đến người tình Thúc Sinh, “sớm năn nỉ bóng, khuya ngơ ngẩn lòng”.
 Kiều tâm sự: Ở “Lâm Tri” có một “chút” tình “nghĩa” vợ chồng dan díu, tự mang lấy những vương vấn, “đèo bòng”, lời thề nguyền “nước non” son sắt gắn bó, xin “để chữ tương phùng”, gặp lại nhau, đến “kiếp sau” thôi!
Nhìn ra “bốn phương” chỉ thấy “một màu” “mây trắng”, “trông” xa “vời” “cố quốc”, quê hương không “biết” nơi “đâu”, “là nhà” bố mẹ mình nữa.
Cứ “lần lần” tháng hết, “tháng lụn”, “ngày” trôi “qua” đi, “nỗi” niềm nói với nhau khi chàng Thúc về quê nghĩ tưởng “gần”, “nào” đâu “biết” “đường” đi đó lại “xa” xôi đến “thế này!”
“Lâm Tri” “từ” cái “thuở” chim “uyên bay” đi, tức Thúc Sinh, về nhà vợ cả, nghĩ “thương” cho “kẻ” đi đường xa, “phòng không”, “tháng ngày” cô đơn chỉ có một thân một mình, “chiếc thân”, “phòng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân”.
Uyên ương là loài chim rất đẹp trông giống như vịt nhưng có màu sắc sặc sỡ, uyên là chim trống, ương là chim mái, thường sống có đôi.
Người trai trẻ Thúc Sinh, “mày xanh”, với mối tình với Kiều đẹp như “trăng mới in ngần”, còn nàng Kiều lại nghĩ Thúc Sinh chỉ được hưởng chút, “phấn thừa hương cũ” của mình, nên “bội phần xót xa” cho chàng. 
Có tác giả chú giải: “Trăng mới” là trăng đầu tháng, Thúc sinh trông thấy trăng lưỡi liềm giống như lông mày người con gái đẹp mà tưởng nhớ đến Kiều. Thúy Kiều không còn nữa, Thúc sinh trông thấy phấn hương của nàng còn sót lại mà thương tâm.
Những lý giải ở trên không hợp lý, Thúc Sinh từ Vô Tích về Lâm Tri thì thấy: Bước vào chốn cũ lầu thơ/ Tro than một đống, nắng mưa bốn tường”. Biết chắc Thúy Kiều đã chết rồi, Thúc Sinh có thể nhớ và thương tiếc Thúy Kiều, nhưng làm sao có thể nói “Mày xanh trăng mới in ngần/ Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa”. Nhà Thúc Sinh và Thúy Kiều ở đã cháy trụi rồi, thì còn đâu “phấn thừa hương cũ” sót lại nữa mà nhìn thấy.
Các nhà chú thích và chú giải từ trước đến nay vẫn nghĩ hai câu thơ 1793, 1794 là Thúc Sinh nghĩ đến Thúy Kiều, nên mọi chú thích và chú giải đều theo hướng này.
Hai câu thơ này nằm trong đoạn nói về tâm tư của Thúy Kiều trong thời gian Thúy Kiều hầu hạ Hoạn Thư từ câu 1783 - 1794. Đoạn thơ này có 12 câu nói về tâm tư Thúy Kiều nghĩ về thân phận mình, nghĩ đến mối tình với Thúc Sinh ở Lâm Tri và thương Thúc Sinh phòng không một thân một mình khi rời Lâm Tri trên đường về Vô Tích và bây giờ có lẽ đã từ Vô Tích trở lại Lâm Tri. Cặp uyên ương là chỉ cặp tình nhân đẹp như đôi chim uyên ương, từ khi chim uyên (chỉ Thúc Sinh) bay về Vô Tích. Trong 12 câu thơ trên là tâm tư của Thúy Kiều xuyên suốt, không có lý do gì lại lọt vào hai câu 1793, 1794 Thúc Sinh nghĩ về Thúy Kiều.
Hai câu thơ 1793. Mày xanh trăng mới in ngần/ 1794. Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa! Theo ý chúng tôi vẫn là hai câu thơ liền mạch Thúy Kiều nghĩ về Thúc Sinh.
Chữ “Mày xanh” không thể chữa thành “Mày ai” được, vì chữ “Mày xanh” là Thúy Kiều muốn nói về chàng Thúc Sinh tuổi trẻ, đang phải “phòng không” một thân một mình, nên Thúy Kiều mới “thương kẻ tháng ngày chiếc thân”.
“Trăng mới in ngần” là Thúy Kiều muốn nói về mối tình của Thúc Sinh mới chớm nở đẹp đẽ, in dấu ấn vào cuộc đời Thúc Sinh như “trăng mới in ngần”, trăng mới là mối tình mới, mà bị chia lìa, làm cho chàng Thúc Sinh bây giờ phải một thân một mình cô đơn “buồng không”.
Câu thơ trên “Mày xanh trăng mới in ngần” đối nghịch với câu thơ dưới “Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa”. Trong suy nghĩ của Thúy Kiều, nàng nghĩ Thúc Sinh coi mối tình giữa hai người là “trăng mới in ngần”, nhưng với Thúy Kiều thì Thúc Sinh chỉ được hưởng “phấn thừa hương cũ” của mình, nên Thúy Kiều mới “bội phần xót xa”, thương cho Thúc Sinh. Đó là những suy nghĩ thật lòng của Thúy Kiều về mối tình của mình với Thúc Sinh.
Thúy Kiều là người hay nói thẳng ra sự thật, như khi gặp lại Kim Trọng, Kiều đã nói về nỗi xấu hổ của mình:
3149. Riêng lòng đã thẹn lắm thay,
Cũng đà mặt dạn mày dày khó coi.
Và Kiều nói gay gắt với Kim Trọng:
3153. Lại như những thói người ta,
Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa.
Khéo là giở nhuốc bày trò,
Còn tình đâu nữa mà thù đấy thôi!
Hoặc:
3163. Còn nhiều ân ái chan chan,
Hay gì vầy cái hoa tàn mà chơi?
Theo cách viết của Nguyễn Du, cứ kết thúc một đoạn, chuyển sang đoạn khác là Nguyễn Du lại tả cảnh mở đầu cho đoạn tiếp theo đó.
Tiếp theo câu 1794 là câu 1795 chuyển từ tâm sự của Kiều sang nói về Thúc Sinh:
1795. Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
Tìm đâu cho thấy cố nhân?
Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương.
Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương,
1800. Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê.
Đây là ý kiến cá nhân, đưa ra để mọi người cùng tham khảo.
                                     Hà Nội ngày 15.5.2020
                                           Lê Thanh Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét