LÊ THANH LONG
Nhịp
điệu trong thơ bảy chữ và thơ tám chữ
Tôi đã tìm đọc, nhưng chưa tìm thấy có bài viết nào
nghiên cứu nhịp điệu các loại thơ bảy chữ và thơ tám chữ.
Muốn nghiên cứu một cách bài bản lịch sử phát triển của nó, thì phải có nguồn
tư liệu phong phú trong một khoảng thời gian dài. Do đó trong bài viết này, tôi
chỉ đi vào những nét khái quát cơ bản về nhịp điệu trong thơ bảy chữ và thơ tám
chữ, coi như đây là bài nghiên cứu
bước đầu về vấn đề này.
Trước tiên chúng ta phải xem xét nhịp điệu trong thơ
Đường luật. Vì thơ Đường luật đã có từ rất lâu rồi, và ảnh hưởng đến các nhà
thơ Việt Nam
trong một thời gian khá dài.
Thơ Đường luật có nhịp 4/3. Chúng ta hãy đọc hai câu
trong bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến:
Ao thu lạnh lẽo / nước trong veo
Một chiếc cần câu / bé tẻo teo
Hay như trong bài Hoài
cổ của Bà Huyện Thanh Quan:
Lối xưa xe ngựa / hồn thu thảo
Ngõ cũ lâu đài / bóng tịch dương
Tất cả các câu thơ bảy chữ trong thơ Đường luật đều
theo nhịp 4/3, không có ngoại lệ. Đường thi tuyệt cú cũng có nhịp 4/3 như vậy.
Sau này, các loại hình thơ bốn câu ba vần, không theo
niêm, luật, đối… như thơ Đường luật,
nhưng nhịp điệu vẫn là nhịp 4/3 như thơ Đường luật. Ta hãy đọc khổ thơ đầu
trong bài thơ Còn chơi theo điệu Lộng
hoàn, dài 15 khổ, khá nổi tiếng của Tản Đà:
Ai đã hay đâu / tớ chán đời
Đời chưa chán tớ / tớ còn chơi
Chơi cho thật chán / cho đời chán,
Đời chán nhau thời / tớ sẽ thôi.
Hoặc thơ bốn câu hai vần cách. Ta hãy đọc một khổ 4 câu trong bài Xuân của Chế Lan Viên:
Ai đâu trở lại / mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi / những lá vàng?
Với của hao tươi / muôn cánh rã,
Về đây, đem chắn / nẻo xuân sang!
Hoặc trong bài Tràng
Giang của Huy Cận:
Sóng gợn tràng giang/ buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái/ nước song song
Thuyền về nước lại / sầu trăm ngả
Củi một cành khô / lạc mấy giòng.
Hay như khổ thơ bốn câu hai vần bằng, trong bài Bẽn lẽn của Hàn Mặc Tử:
Trăng nằm sóng soài / trên cành liễu
Đợi gió đông về / để lả lơi
Hoa lá ngây tình / không muốn động
Lòng em hồi hộp / chị Hằng ơi…
Hầu hết thơ
tình của Xuân Diệu là thơ 7 chữ, nhịp 4/3, chia thành từng khổ 4 câu, như bài Trăng:
Trong vườn đêm ấy / nhiều trăng quá
Ánh trăng tuôn đầy / các lối đi
Tôi với người yêu / qua nhè nhẹ…
Im lìm không dám / nói năng chi.
Cũng như Xuân Diệu, thơ 7 chữ của Nguyễn Bính có nhịp
4/3, theo lối thơ Đường luật, ví dụ bài Cô
lái đò:
Nhưng rồi người khách / tình xuân ấy
Đi biệt không về / với bến sông
Đã mấy lần xuân
/ trôi chảy mãi
Mấy lần cô gái / mỏi mòn trông…
Không giống như thơ bảy chữ, được biến cải từ thơ Đường
luật, có nhịp 4/3, có một loại hình thơ hoàn toàn là sáng tạo của Việt Nam . Đó là loại
hình thơ bảy chữ theo nhịp điệu 3/4. Trước tiên phải kể đến thơ song thất lục
bát, hai câu thất của song thất lục bát, chữ thứ bảy của câu thất đầu có vần trắc,
chữ thứ bảy của câu thất thứ hai có vần bằng, hai câu thất này có nhịp 3/4:
Thuở trời đất / nổi cơn gió bụi
Khách má hồng / nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.
Song thất lục bát nở rộ vào thế kỷ 18 với nhiều tác phẩm
nổi tiếng như Chinh phụ ngâm của Đoàn
Thị Điểm, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn
Gia Thiều…
Tiếp theo là sự phát triển của các loại hình thơ bảy
chữ, tám chữ có nhịp điệu 3/4. Khó mà biết chính xác, các loại hình thơ này được
phát triển vào thời gian nào. Thơ bảy chữ nhịp 4/3 phát triển vào khoảng thời
kì Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Thế lữ, Xuân Diệu… Thời kì này vẫn chưa có thơ bảy chữ
nhịp 3/4. Đến thời kì thơ mới 1930 Xuân Diệu, Thế lữ, chế Lan Viên… vẫn làm thơ
bảy chữ, mỗi khổ 4 câu ba vần bằng, nhịp 4/3.
Thơ bảy chữ
nhịp 3/4:
Thơ bảy chữ, nhịp 3/4, không chia thành từng khổ 4
câu, mà liên hoàn nối tiếp nhau, có thể kéo dài vô tận (cũng có người chia
thành từng khổ 4 câu). Chữ thứ bảy của câu đầu tiên có thể là vần trắc hoặc vần
bằng. Nếu chữ thứ bảy của câu đầu tiên
là vần trắc thì chữ cuối của câu thứ hai và thứ ba là vần bằng và tiếp theo chữ
cuối của hai câu thứ tư và thứ năm là vẫn trắc:
Bài Trường Sơn
đông – Trường Sơn tây của Phạm Tiến Duật, có những câu thơ 7 chữ, nhịp 3/4:
Cùng mắc võng / trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở / hai đầu xa thẳm
Đường ra trận / mùa này đẹp lắm
Trường Sơn đông / nhớ Trường Sơn tây.
Một dãy núi / mà hai màu mây…
Có điều rất lạ, là Xuân Diệu không làm thơ bảy chữ nhịp
3/4, mà chỉ làm thơ bảy chữ từng khổ 4 câu, ba vần bằng, nhịp 4/3 theo nhịp thơ
Đường luật.
Thơ bảy chữ, mỗi khổ 4 câu, ba vần bằng, cứ lặp lại đều
đều làm cho người đọc thấy nhàm chán. Vì vậy các nhà thơ phải thay đổi hình thức
thể hiện. Sự thay đổi nhịp điệu trong thơ bảy chữ từ nhịp 4/3 sang nhịp 3/4 là
một sự sáng tạo đáng trân trọng của các nhà thơ. Nhịp điệu trong thơ đổi khác,
sẽ làm cho thơ tươi mới hơn. Bây giờ không phải là từng khổ thơ bốn câu, mà là
liên hoàn các câu thơ 7 chữ nối tiếp nhau, có thể kéo dài vô tận. Các vần bằng
trắc kế tiếp, luân phiên nhau, làm cho nhạc điệu bài thơ lúc lên bổng, lúc xuống
trầm, thanh điệu đa dạng, khả năng diễn đạt đa dạng hơn, làm cho người đọc
không thấy nhàm chán.
Có lẽ, sự thay đổi nhịp điệu thơ bảy chữ từ 4/3 sang
3/4 bắt nguồn từ thơ song thất lục bát. Thời gian ra đời của loại hình thơ này
khó mà xác định được chính xác. Cho đến nay, cũng chưa biết ai là người làm loại
thơ này đầu tiên. Chỉ có thể phỏng đoán, loại thơ này ra đời vào khoảng nửa sau
thế kỉ 20, tức là cách nay khoảng năm, sáu chục năm. Thời gian như vậy không phải
là lâu, cho việc phát triển một loại hình thơ mới.
Thơ tám chữ
nhịp 3/5
Giống như thơ 7 chữ nhịp 3/4, thơ 8 chữ, nhịp 3/5, là
một sáng tạo mới của các nhà thơ Việt Nam . Vần rơi vào chữ thứ 8 mỗi câu.
Nếu chữ thứ 8 câu đầu là vần trắc, thì chữ thứ 8 của hai câu tiếp theo (câu 2
và câu 3) là vần bằng, và hai chữ này vần với nhau. Chữ thứ 8 của hai câu kế tiếp
vần với nhau và là vần trắc (câu 4 và câu 5). Cứ thế vần chuyển từ bằng sang trắc
rồi lại bằng, luân phiên. Chúng ta hãy đọc bài thơ Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh, rất điển hình cho loại thơ này:
Quê hương tôi / có con sông xanh biếc
Nước gương trong / soi tóc những hàng
tre
Tâm hồn tôi / là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống / lòng sông lấp loáng
Chẳng biết nước / có giữ ngày giữ tháng
Giữ bao nhiêu / kỷ niệm của dòng trôi
Hỡi con sông / đã tắm cả đời tôi
Tôi giữ mãi / mối tình mới mẻ…
Ngoài thơ 7 chữ, nhịp 4/3 cổ điển, Xuân Diệu cũng làm
thơ 8 chữ, nhịp 3/5. Nhưng ông không viết liên hoàn như Tế Hanh, mà lại chia
thành từng đoạn, như trong bài Tương tư
chiều:
Bữa nay lạnh / mặt trời đi ngủ sớm,
Anh nhớ em / em hỡi! Anh nhớ em,
Không gì buồn / bằng những buổi chiều êm
Mà ánh sáng / đều hòa cùng bóng tối.
Gió lướt thướt / kéo mình qua cỏ rối;
Vài miếng đêm / u uất lẩn trong cành;
Mây theo chim / về dãy núi xa xanh…
Trong bài Tình
thứ nhất, Xuân Diệu làm theo thể thơ 8 chữ, nhịp 3/5, nhưng lại quay về với
các khổ thơ 4 câu, vần cách theo kiểu cũ:
Thư thì mỏng / như suốt đời mộng ảo,
Tình thì buồn / như tất cả chia ly.
Giấy phong kỹ / mang thầm trong túi áo,
Mãi trăm lần / viết lại mới đưa đi…
Xuân Diệu có rất ít bài thơ 8 chữ, nhịp 3/5. Hầu hết
thơ ông là thơ 7 chữ, nhịp 4/3, theo kiểu cũ.
Cũng như Xuân Diệu, Nguyễn Bính chỉ có lác đác mấy bài
thơ 8 chữ, nhịp 3/5. Điển hình là bài Những
người của ngày mai, thơ 8 chữ, nhịp 3/5, viết vào khoảng năm 1949:
Ở chòi hẹp / nhưng hồn trùm vũ trụ
Trái tim đau / nhưng thương cả loài người
Đã nhiều hôm / không thấy bóng mặt trời
Bởi làm việc / liên miên và bí mật
Mắt quầng lại / đêm đêm ròng rã thức
Da xanh xao / vì muỗi thật là nhiều
Này của riêng / soát lại có bao nhiêu…
Bài thơ Chuyện một
con đường mòn của Anh Ngọc, thơ 8 chữ, có nhịp 3/5, nhưng câu đầu tiên 9 chữ,
nhịp 4 /5, câu thứ 6 là thơ 7 chữ, nhịp 3 /4:
Khi tôi sinh ra / con đường đã có rồi
Trôi lặng lẽ / như một dòng nước mát
Chỗ bờ tre / ông tôi ngồi chẻ lạt
Dáng lưng còng / tạc xuống tháng năm
Chuyện gợi về / sau ánh mắt xa xăm
Sống lại chàng / lực điền sôi nổi
Đường chứng kiến / mối tình ông bà nội
Có hoa xoan / hoa khế rụng trên đâu…
Anh Ngọc không làm thơ thuần chất 8 chữ, nhịp 3/5,
trong một bài có cả thơ 7 chữ, 8 chữ, nhịp 3/4, 3/5, 4/4…
Bài thơ Tản mạn
thời tôi sống của Nguyễn Trọng Tạo, đa số là thơ 8 chữ, nhịp 3/5, nhưng lẫn
cả nhịp 4/4:
Những bông hoa / vẫn cứ nở đúng mùa
Nhưng màu hoa / thời tôi thì có khác
Xe đến công trường / bay mù bụi cát
Màu hoa thường / lấm bụi suốt mùa khô…
Trần Nhuận Minh ít làm thơ 8 chữ, nhịp 3/5, chỉ có bài
Đà Lạt, Chiều xanh, Lời từ biệt, sau đây là một đoạn trong bài Thơ tình ngày không em:
Nếu biết rằng / sẽ chẳng gặp lại nhau
Anh đã chẳng / buộc em bao tội lỗi
Em đứng lặng. / Mặt úp vào bóng tối
Khổ thân em / có nói được gì đâu
Nếu biết rằng / sẽ chẳng gặp lại nhau…
Các nhà thơ đã đưa thơ 7 chữ, 8 chữ vào trong thơ tự
do, vì vậy nhịp điệu trong thơ 7 chữ, 8 chữ không còn thuần nhất nữa, mà có thể
là nhịp 4/3, 3/4, 3/5, 4/4… Ngày nay khi đọc thơ tự do, ta vẫn gặp bóng dáng của
những loại hình thơ và nhịp điệu thơ như đã nói ở trên.
Sự phát triển và sáng tạo của thơ 7 chữ, 8 chữ theo nhịp
điệu 3/4, 3/5 là một bước tiến đáng kể, trên con đường tìm kiếm cái mới của loại
hình thơ dân tộc, rất đáng trân trọng. Có thể, điều này sẽ đưa đến những khác
biệt, những nét riêng của thơ tự do Việt Nam so với thơ các nước khác. Tìm
kiếm cái mới, ngay trong lòng văn hóa dân tộc, không phải là ý tưởng không đáng
quan tâm.
tệ 1 sao
Trả lờiXóatán thành
Trả lờiXóa