Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

"Chìa khóa" để "mở" bài thơ "Đây thôn vĩ dạ" của Hàn Mặc Tử



ĐÂY THÔN VĨ DẠ

Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Lời bình của LÊ THANH LONG

      Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Hàn Mặc Tử cùng với Mùa xuân chín…
      Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ có một số câu khó hiểu, nhiều nhà phê bình đã đưa ra những ý kiến khác nhau, đặc biệt câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” đã tốn nhiều giấy mực và tâm huyết của những nhà phê bình muốn làm sáng tỏ. Có những câu bị bỏ qua như “Áo em trắng quá nhìn không ra”…
      Đã có nhiều người bình bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” như bài của Mã Giang Lân (1,2), của Trần Văn Lý (3), của Trần Ngọc Hưởng (4)…Nhưng tôi vẫn chưa thỏa mãn về những bài bình đó, mặc dù bài bình của Mã Giang Lân công phu và đã sưu tầm được những tư liệu quý. Sau đây tôi xin đưa ra một số ý kiến cá nhân về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, những vấn đề chưa thấy đề cập tới và đưa ra cái “chìa khóa” mà mình dựa vào để “mở” bài thơ này.
      Thi sĩ họ Hàn làm bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ sau khi nhận được tấm bưu ảnh chụp phong cảnh bến Vĩ Dạ. Trong thư trả lời nhà thơ Quách Tấn ngày 15.4.1971 bà Hoàng Thị Kim Cúc nói rõ: Theo sự gợi ý của người em thúc bá, bạn của Hàn Mặc Tử, “để an ủi một tâm hồn vô cùng đau khổ” bà gửi cho nhà thơ một tấm bưu ảnh chụp phong cảnh có mây, nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước, kèm theo mấy lời thăm hỏi nhà thơ lúc này đang mắc bệnh hiểm nghèo, thăm hỏi nhưng không ký tên. Sau khi nhận được tấm bưu ảnh và mấy lời thăm hỏi của Hoàng Cúc, Hàn Mặc Tử viết mấy hàng chữ gửi Hoàng Cúc: “Túc hạ , có nhận được bức ảnh: Bến Vĩ Dạ lúc hừng đông ( hay là một đêm trăng?) và mấy hàng chữ của túc hạ gửi thăm. Muôn vàn cảm tạ. Túc hạ còn nhớ tới mười năm xưa, thế là phúc hậu lắm rồi. Mong ơn trên xuống lộc cho túc hạ thật đầy đẫy. Và mong rằng một mùa xuân nào đấy được gặp lại túc hạ mới phỉ tình cho. Thăm túc hạ bình an vui vẻ” (1,2).
      Để hiểu rõ hơn về bài thơ, ta cần biết một vài tư liệu liên quan. Hồi làm nhân viên Sở Đạc điền Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử thầm yêu trộm nhớ một cô gái Huế tên là Hoàng Thị Kim Cúc, con ông chủ Sở Đạc điền (một tình yêu đơn phương). Một thời gian sau Hàn Mặc Tử vào Sài Gòn làm báo, khi trở lại Quy Nhơn thì Hoàng Cúc đã theo gia đình về ở Vĩ Dạ. Thôn Vĩ Dạ nằm ngay bên bờ sông Hương thơ mộng.
      Bức ảnh thi sĩ họ Hàn nhận được từ Hoàng Cúc là ảnh chụp cảnh thôn Vĩ Dạ và con sông Hương. Bức bưu ảnh và mấy lời thăm hỏi của Hoàng Cúc là nguồn cảm hứng và khơi dậy “tình yêu đơn phương” mười năm về trước để thi sĩ nẩy sinh những câu thơ tài hoa làm nên tuyệt tác “Đây thôn Vĩ Dạ” (11.1939).
      Tôi xin nói ngay chiếc “chìa khóa” tôi dựa vào để “mở” bài thơ này là tấm Bưu ảnh của Hoàng Thị Kim Cúc gửi thi sĩ Hàn Mặc Tử, thư của bà Cúc gửi nhà thơ Quách Tấn (15.4.1971) với mô tả của bà về tấm bưu ảnh và mấy hàng chữ thi sĩ họ Hàn gửi Hoàng Thị Kim Cúc sau khi nhận được bức bưu ảnh (1,2). Ta thử đứng ở góc độ Hàn Mặc Tử khi xem bức bưu ảnh bến Vĩ Dạ mới nhận được và dựa trên bức bưu ảnh đó để sáng tác bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, như thế sẽ hiểu được ý nghĩa sâu xa của từng câu thơ, vấn đề sẽ trở nên rõ ràng và dễ dàng hơn.
      Thi sĩ họ Hàn không chắc tấm bưu ảnh chụp “Bến Vĩ Dạ lúc hừng đông” hay “một đêm trăng?”. Nên khổ thơ đầu tiên ông tả cảnh thôn Vĩ Dạ lúc “hừng đông”:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
      Khi nhận bức bưu ảnh của người “yêu trong mộng” gửi đến , thi sĩ họ Hàn chắc là mừng lắm, trong thâm tâm mong mỏi có một lời mời. Tấm bưu ảnh này có phải là một lời mời “ngầm” không?: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Nhưng thực ra đó chỉ là câu tự vấn lòng mình (thi sĩ biết rằng chẳng có một lời mời nào cả): “Sao anh không về chơi thôn Vĩ” đi?  Để: “ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên / Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc”.
 “Nắng mới lên” không phải là nắng buổi sáng hàng ngày, mà sau suốt một mùa đông lạnh giá, sang xuân những tia nắng đầu mùa hiếm hoi sưởi ấm mùa xuân, cái “nắng mới lên” đầu mùa làm cây cối nẩy mầm xanh lá, cây cối như bừng tỉnh “Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc”. Cái ý “ngầm” ở đây là sau một thời gian dài mười năm thi sĩ không nhận được  bất kỳ một tin tức nào của “người yêu trong mộng tưởng”, trái tim nhà thơ dường như đã “băng giá”  như mùa đông dài lạnh lẽo và bây giờ nhận được tấm bưu ảnh “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”. Cái “nắng mới lên” ấm áp ấy bừng dậy trong lòng, sưởi ấm trái tim muôn vàn đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần của thi sĩ, một hy vọng mới mẻ, mơ hồ, thức dậy trong tâm hồn dường như đã bị “đóng băng”.
      Tiếp câu thơ sau: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” thì lạ quá. Đang tả những hàng cau thẳng tắp, nắng mới chiếu lên lấp lánh trên những tàu lá, “vườn ai” đó xanh “mướt” “như ngọc”, cái “lá trúc” ở đâu mà lại “che ngang mặt chữ điền”. Vì câu thơ này mà nhiều nhà phê bình đã tốn bao giấy mực, tâm huyết để phân tích, tìm hiểu nó. Có người cho rằng “mặt chữ điền” là gương mặt tác giả đang “thập thò” nhìn ngắm “Vườn ai” bị “lá trúc che ngang” (“Vườn ai” là từ mở đầu của câu thơ: “Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc”). Có người cho rằng “mặt chữ điền” là chữ “điền’ vẫn được khắc lên ở cổng nhà và bị “lá trúc che ngang”. Có người cho rằng Hàn Mặc Tử chiết tự chữ “điền”. Có người bình luận: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” là có con người xuất hiện, thiên nhiên bỗng trở nên sinh động hẳn lên. Cảnh đẹp, người đẹp.
      Theo tôi, câu thơ này đơn giản thôi, nó không phức tạp như chúng ta từng suy đoán, nếu chúng ta chú ý đọc kỹ nội dung tấm bưu ảnh Hoàng Cúc mô tả và mấy dòng trả lời Hoàng Cúc của Hàn Mặc Tử.  Đồng thời chú ý đến từ “Nhìn” trong câu “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”.Tại sao lại “nhìn”? Ai nhìn? Tất nhiên là thi sĩ họ Hàn rồi. Vì ông tự vấn mình: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?/ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. Không biết thi sĩ họ Hàn đã bao giờ đến thôn Vĩ Dạ chưa? Hay ông chỉ “nhìn” vào tấm bưu ảnh mà tưởng tượng ra tất cả? Cứ cho là như thế đi. “Nhìn” vào bức bưu ảnh không thấy “người yêu trong mộng” mà ông mong mỏi ao ước muốn thấy, nhưng chỉ thấy “một khóm tre” trước mặt “che ngang”, nên ông đã dùng hình ảnh rất “thơ” để diễn tả điều đó: “Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc / Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Điều này cho thấy một nỗi nhớ nhung da diết muốn thấy hình ảnh “nàng” đến mức như thế nào? Ta muốn “nhìn” thấy hình bóng “em”, nhưng trước mặt ta đã bị “lá trúc che ngang” mất “hình bóng em”, mọi thứ đã bị một tấm màn vô hình chắn ngang mất rồi! Trong trường hợp “cụ thể” của Hàn Mặc Tử lúc đó chỉ có thể nói “xa xôi” như vậy thôi.
      Khổ thơ thứ hai là những câu thơ triết lí về cuộc đời:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay;
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
     Lẽ thường “mây” phải theo “gió”, gió thổi mây bay, nhưng đó là trường hợp mây gió gần nhau, cặp kè bên nhau. Còn ở đây “gió” một phương “mây’ một nẻo, xa nhau vời vợi, nên “gió theo lối gió, mây đường mây”. Mỗi người một phương trời, mỗi người do hoàn cảnh, nên phải đi theo những hướng khác nhau mà cuộc đời tạo nên. “Em” “theo lối” “em”, “anh” theo “đường” “anh”. Cảnh đời thật trớ trêu. Buồn thật! “Dòng nước” trong tấm bưu ảnh “em” gửi cũng “buồn thiu”, chỉ thấy “hoa bắp lay” phơ phất.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
      Đọc hai câu thơ này, một lần nữa cho thấy thi sĩ Hàn Mặc Tử đã nhìn vào tấm bưu ảnh để sáng tác bài thơ. Bây giờ trong tâm tưởng thi sĩ họ Hàn cảnh vật trong tấm bưu ảnh ở bến Vĩ Dạ là một đêm trăng, chứ không phải lúc hừng đông. Như trong mấy hàng chữ ông gửi Hoàng Cúc: “Túc hạ, có nhận được bức ảnh: “Bến Vĩ Dạ lúc hừng đông (hay là một đêm trăng)”… “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó” thì rõ rồi. Đó là chiếc đò ngang với cô chèo đò, có mây nước trong tấm bưu ảnh. Còn câu “Có chở trăng về kịp tối nay?” là “chở trăng về” đâu? Và “chở” ai? “Trăng” là ai? “Trăng” là đặc trưng của thơ họ Hàn không lẫn vào đâu được, ông viết về trăng rất hay, trăng trong thơ ông biến ảo vô cùng. Ông là “thi sĩ trăng”, thơ ông có rất nhiều bài viết về trăng như: Uống trăng, Đà Lạt trăng mờ, Sáng trăng, Trăng vàng trăng ngọc, Ngủ với trăng, Say trăng, Rượu trăng, Trăng tự tử, Chơi trên trăng, Một miệng trăng, Một nửa trăng, Vầng trăng, Ưng trăng…
Trăng, Trăng, Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
                                                       (Trăng vàng trăng ngọc)
Ta đuổi theo trăng
Trăng bay lả tả ngã lên cành vàng
Tới đây là tôi được gặp nàng
                                               (Rượu trăng)
Đêm qua trăng vướng trong cành trúc
Cô láng giềng bên chết thật rồi
                                                 (Cô gái đồng trinh)
Tôi ưng quá! Tôi ưng nàng,
Nàng xa xa lắm, ơi nàng Trăng ơi!
                                             (Ưng trăng)
“Trăng” là “nàng”, là “em”, là “người yêu trong mộng” của thi sĩ. Bây giờ ta biết “trăng” là ai rồi.“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó / Có chở trăng về kịp tối nay?”. “Chở trăng về kịp tối nay”cho ai? Còn ai vào đây nữa, “chở trăng về”, chở “em” về cho “người thơ”, cho thi sĩ họ Hàn chứ còn ai nữa.
      Đến khổ thơ thứ ba, khổ thơ cuối cùng:
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Mộng và đời, mơ và thực cứ hòa quyện với nhau trong khổ thơ này. Một giấc “mơ” xa vời, vô vọng, đau đớn, “mơ” về người “yêu trong mộng” ở thôn Vĩ Dạ xa xôi, “mơ” một cuộc gặp mặt với “khách đường xa”. Thi sĩ “mơ” về cái thời “nàng” còn là học sinh “áo trắng”, lúc mới gặp “em” cách đây mười năm. “Áo em trắng quá” là nói về thời học sinh trong trắng, tinh khiết, lóng lánh như pha lê của “nàng”, mà thi sĩ trong lòng vẫn “tôn thờ” bấy lâu nay. Nhưng “Áo em trắng quá nhìn không ra” là sao? Tại sao “Áo em trắng quá” lại “nhìn không ra? Thi sĩ “nhìn không ra” cái gì? Thực ra lúc này thi sĩ đang nhìn bức bưu ảnh, trên bức bưu ảnh Hoàng Cúc gửi tặng, thi sĩ họ Hàn chỉ nhìn thấy cô lái đò, mà hình ảnh thi sĩ muốn thấy là “nàng” thì lại không “nhìn” thấy, “nhìn không ra”. Tại sao không có hình ảnh “em” trong bức bưu ảnh này, anh “nhìn” không thấy “em’. “Ở đây” (ở trong bức bưu ảnh) “sương khói mờ nhân ảnh”, “sương khói” của cuộc đời, của trầm luân kiếp người, của những thăng trầm, chìm nổi, cảnh đời đau khổ, hình ảnh con người mờ mịt trong “sương khói”, trong nỗi ly tán, trong đau khổ, dằn vặt,  hình ảnh của “em” cũng mờ mịt, xa vời…
      “Ai biết tình ai có đậm đà?”, chỉ là một “mối tình đơn phương” của chàng “thi sĩ đa tình”, chẳng có ước hẹn, không hẹn hò, đã mười năm trôi qua, thế mà vẫn tự vấn lòng mình, hỏi mình, hỏi người: “Ai biết tình ai có đậm đà?”. “Tình yêu đơn phương” càng tha thiết, càng nặng lòng, thì càng đau khổ thất vọng đến khốn khổ.
      Để hiểu đến tận cùng của bài thơ là điều không dễ dàng gì. Bài thơ khép lại, để lại trong lòng người đọc một nỗi buồn man mác, xen lẫn xót xa, cảm phục và cũng thật buồn cho số phận con người.

1.Thơ Quê hương và những lời bình, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009, trang 189.
2.Mã Giang Lân, Thơ hiện đại Việt Nam những lời bình, NXB Giáo dục, 2005, trang 85.
      3.Trần Văn Lý, Cảm nhận thi ca, NXB Thanh niên, 2006, trang 9.
4.Trần Ngọc Hưởng, Đến với thơ hay, NXB Đồng Nai, 2004, trang 94.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét