Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

"Có nỗi buồn bay qua lỗ kim"



“Có nỗi buồn bay qua lỗ kim”

      Đây là câu thơ mở đầu trong bài thơ “Buồn…” của Bằng Việt, gồm 8 câu. Một câu thơ rất sâu sắc.
      Nghĩa đen của câu thơ này ai cũng hiểu được, đó là “nỗi buồn bay qua” một cái “lỗ kim” nhỏ bé. Nhưng tại sao lại là “bay” mà không phải là “chui” hay “luồn” “qua lỗ kim”? Có bao giờ “nỗi buồn” xuất phát từ trong lòng ta mà ra không? Chắc chắn là không. Ta không buồn vô cớ. Nỗi buồn bao giờ cũng từ bên ngoài, từ nơi khác đưa đến. Có rất nhiều nguyên nhân làm ta “buồn”: Do chia tay người yêu, do thất bại trong công việc, do mất mát người thân, có khi chỉ là những cãi cọ nhỏ, không hài lòng về một câu nói, một việc gì, có khi chỉ là do xa nhà… vân vân và vân vân.
      “Nỗi buồn” không đi đến, không chạy đến một cách từ từ, nó đến một cách đột ngột, tức thời, không kể khoảng cách xa gần… tức là nó từ đâu đó ở ngoài “bay” đến làm ta “buồn”, như từ một cuộc điện thoại cách xa hàng ngàn, thậm chí hàng vạn cây số, từ một mẩu tin nhắn, từ một bài báo, từ một hình ảnh trên TV… Tác giả dùng từ “bay” thật là tài tình, nó là “thi nhãn” (mắt thơ) – tức là chữ quan trọng hay và “đắt” nhất trong câu thơ.     
      “Nỗi buồn” nó “bay qua” cái “lỗ kim” nhỏ bé. Tức là nó đến mọi ngõ ngách của cuộc đời: từ ông già bà cả, từ các em học sinh nhỏ tuổi, từ chị lao công đến ông giám đốc, từ người bần cùng nhất trong xã hội đến người có quyền lực cao nhất trên cõi đời này… Nó luồn sâu vào trong trí óc ta, trong trái tim ta, đến từng tế bào, từng dây thần kinh nhỏ bé… Có “nỗi buồn” làm tê liệt mọi suy nghĩ, mọi cử động, bóp nghẹt trái tim ta, rồi bùng lên từ sâu thẳm cõi lòng, trào ra những giọt nước mắt đau thương. Có “nỗi buồn” chảy ngược vào trong, đau đớn tột cùng, như “nỗi buồn” của những người mẹ thương nhớ những đứa con máu thịt thân yêu của mình, đã nằm lại nơi chiến trường, mà không bao giờ trở về được nữa. Thậm chí có “nỗi buồn” gây ra những hành động bi quẫn, không kiểm soát được bản thân, đó là “Có nỗi buồn lướt trên miệng vực” (câu thơ thứ hai trong bài “Buồn…” )
      Một “nỗi buồn” từng trải, qua biết bao thăng trầm trong suốt cuộc đời nhà thơ, đúc kết lại chỉ trong một câu thơ. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét