GIÓ
ĐÔNG, GIÓ XUÂN HAY GIÓ MÙA…?
(Hoa
đào năm ngoái còn cười gió đông)
Câu thơ “Trước sau nào thấy
bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” được chú giải là: Dùng ý
câu thơ của Thôi Hộ để nói không thấy bóng dáng nàng Kiều ở đây, chỉ thấy hoa đào
vẫn cười với gió đông như năm xưa mà thôi. Thôi Hộ đời Đường, nhân tiết Thanh
minh, đi đến nơi kỳ ngộ, tìm người con gái đã gặp gỡ năm trước thì chỉ thấy cửa
đóng, người đi đâu vắng, nhân đó mà làm bài thơ, trong có câu: “Nhân diện bất
tri hà xứ khử, hoa đào y cựu tiếu đông phong”. Nghĩa là: “Mặt người không biết
đi đằng nào, hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ”.
Ta chú ý tới sự kết hợp chặt
chẽ, gắn bó giữa hai câu thơ lục bát trên của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. “Trước sau nào thấy bóng người” là chỉ sự
vắng vẻ, ở nơi đây không “thấy” một “bóng người” nào. “Bóng người” ở đây là ám chỉ ai? Nguyễn Du tả Kim Trọng đứng đó mà
không thấy “bóng người” xưa, không thấy
Thúy Kiều, không thấy bất cứ ai! Liên kết câu thơ trên với câu “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” rõ
ràng “hoa đào” ở đây không phải để tả
bông hoa đào mà để chỉ Thúy Kiều năm xưa; lúc Kim Trọng gặp như một bông “hoa đào” rực rỡ bung nở như “cười” với gió đông. Cô gái đẹp tuổi
trăng tròn Thúy Kiều như “hoa đào”
mùa xuân nở ra một vẻ đẹp kiều diễm, phơi phới trước “gió” đông. Cái “gió”
đông đánh thức mọi vẻ đẹp của người thiếu nữ đang tuổi dậy thì. Cái “gió” đông đó chính là chàng trai Kim Trọng
- cái luồng “gió” tình yêu say đắm,
cũng như hoa đào khi có gió đông thì bung nở.
“Gió đông” hay là “gió
xuân”? Trong văn chương và nhất là trong thơ người ta hay nói một cách hình tượng
thì dùng “gió xuân” là cách nói hay chung chung, dễ được chấp nhận, người đọc
muốn hiểu “gió xuân” thổi từ đâu tới, thổi từ hướng nào tới thì hiểu, cần gì phải
nói cụ thể ra là “gió đông”. “Gió đông” người đọc có thể hiểu là “gió” từ hướng
“đông” thổi tới, hay “gió” mùa “đông” và trong thực tế liệu gió ở Trung Quốc
vào mùa xuân , khi hoa đào nở, có phải là “gió đông” chỉ thổi theo một hướng
“đông” hay không? Vậy tại sao Thôi Hộ cứ phải khăng khăng nói “Đào hoa y cựu tiếu
đông phong” (Hoa đào còn cười với gió đông như cũ).
Về phái gió xuân tìm thấy ở
sách Đường Thi của cụ Lệ Thần. Cụ Lệ Thần đã chép rất rõ là xuân phong ở cả hai
dạng Quốc ngữ và chữ Nho. Tuy nhiên khi dịch bài thơ của Thôi Hộ bằng thể thơ lục
bát cụ Lệ Thần vẫn dịch là: “Hôm nay, năm
ngoái, cửa cài/ Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi/ Mặt người chẳng biết đâu rồi/
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.
Ta lại có dịp liên hệ đến
câu thơ của Nguyễn Du “Tường đông ong bướm
đi về mặc ai”. Trai thanh, gái lịch - “ong
bướm” chẳng có thể đi qua được bức “tường
đông” cái bức “tường” vô hình, mà muốn vào đến chỗ phòng các cô gái ở phía “đông” thì đều buộc phải đi qua cổng
chính. “Tường đông” là cách nói hình
tượng, vậy “gió đông” cũng chỉ là
cách nói hình tượng, cái “gió” thổi đến
căn phòng của các cô gái ở phía “đông”,
mà ở đây là chỉ cô Thúy Kiều - cái cô “hoa
đào năm ngoái” “còn cười” với “gió đông” là anh Kim Trọng đã tìm đến
cái phía “đông” chỗ cô Kiều ở.
Trong truyện Tam quốc diễn
nghĩa Gia Cát Lượng nói với Chu Du: Muốn
đánh Tào Công/ Phải dụng hỏa công/ Muôn việc đã đủ/ Chỉ thiếu gió đông.
Trận Xích Bích là một trận
đánh lớn cuối thời Đông Hán có tính chất quyết định đến cục diện chia ba thời
Tam Quốc. Trận đánh diễn ra vào mùa đông năm Kiến An thứ 13 (tức năm 208) giữa
liên quân Tôn Quyền - Lưu Bị với quân đội lấy danh nghĩa triều đình của Tào
Tháo. Trận Xích Bích kết thúc với chiến thắng quyết định của phe Tôn - Lưu, tạo
cơ sở cho việc hình thành hai nước Thục Hán và Đông Ngô. Vị trí chính xác của
trận Xích Bích cho đến nay vẫn là điều gây tranh cãi. Phần lớn các học giả cho
rằng Xích Bích nằm ở đâu đó trên bờ nam Trường Giang giữa Tây Nam Vũ Hán ngày
nay và Đông Bắc Ba Khâu (nay là thành phố Nhạc Dương)
Trước khi
lâm trận trong một đêm đông ở thủy trại, Tào Tháo ngồi uống rượu và nhân hứng
làm bài thơ “Đoản ca hành kỳ 1” (Bài hát ngắn kỳ 1) có đoạn: “Trước rượu nên hát/ Đời người bao lâu?/ Giống
như sương sớm/ Ngày qua khổ đau/ Nghĩ tới ngậm ngùi/ Buồn lo suốt đời/ Lấy gì
quên được?/Chỉ rượu mà thôi/ Xanh xanh áo ai/ Lòng ta bồi hồi/ Chỉ vì ai đó…”
Thời điểm diễn ra trận Xích Bích là vào thời tiết
mùa đông rõ rệt, khi đó chỉ có gió Tây - Bắc, nên Tào Tháo hết sức an tâm. “Thời điểm rét nhất chỉ có gió Tây Bắc chứ
làm gì có gió Đông Nam. Quân ta ở hướng Tây Bắc, quân địch ở bờ nam, nếu chúng
châm lửa chẳng phải tự đốt quân mình hay sao, ta sợ gì?”
Mọi sự
chuẩn bị cho trận Xích Bích đã sẵn sàng nhưng chỉ thiếu gió đông. Một hôm, Chu
Du đứng quan sát động tĩnh quân Tào thì gió Tây - Nam nổi lên, đập cả cờ phướn
vào mặt.
Chu Du vì
quá lo lắng nên thổ huyết mà ngã xuống bất tỉnh. Nghe tin, Gia Cát Lượng mượn cớ
đến thăm và viết mật thư 16 chữ: “Dục phá Tào công, nghi dụng hỏa công; Vạn sự
cụ bị, chỉ kiếm đông phong”. Câu này có nghĩa là muốn đánh bại Tào tháo thì nên
dùng hỏa công, mọi sự chuẩn bị đã xong, chỉ chờ gió đông.
Vui mừng vì Gia Cát Lượng
hiểu được nỗi lo lắng của mình, Chu Du hỏi xem Lượng có kế gì hay. Gia Cát Lượng
tự tin nói mình có tài “hô phong hoán vũ”, mượn gió đông 3 ngày 3 đêm để giúp
Đông Ngô đánh Tào Ngụy.
Theo yêu cầu của Gia Cát
Lượng, Chu Du cho người lập Thất tinh đàn ở phía nam Tịnh Sơn, tạo điều kiện để
Lượng hàng ngày cầu khấn. Mặt khác, Chu Du cũng ra lệnh cho Hoàng Cái chuẩn bị
sẵn 20 thuyền nhẹ chất đầy vật dễ cháy để chuẩn bị đánh Tào. Nhiều ngày trôi
qua mà thời tiết chưa có dấu hiệu biến chuyển khiến Chu du lo lắng. Nhưng đến một
ngày, gió Đông Nam bỗng nhiên thổi mạnh. Chu Du chỉ chờ có vậy phất cờ tấn
công. Hoàng Cái soái lĩnh đội thuyền hỏa công, vờ ra hàng Tào Tháo để tìm cách
đến gần rồi bất ngờ phóng hỏa, thiêu cháy chiến thuyền Tào Ngụy. Gió đông càng
thổi mạnh khiến lửa bén nhanh, chỉ trong chốc lát, hàng trăm chiến thuyền chìm
trong biển lửa.
Trên thực tế, Gia Cát Lượng không phải là người
giỏi trong việc dự báo thời tiết, ông chỉ có thể đoán ngày nào có gió đông chứ
không “mượn” được gió. Gia Cát Lượng là người am hiểu về Kinh Dịch, nên lợi dụng
sự biến đổi định kỳ của thời tiết để giúp quân sĩ có sức chiến đấu tốt nhất.
Theo cách lý giải khoa học,
Xích Bích là khu vực nằm ở phía đông, gần khu vực sông Trường Giang. Vào mùa
đông, vùng đất này hạ nhiệt độ nhanh hơn ở trên sông, tạo thành các khối khí áp
cao, giúp cho xuất hiện gió Đông Nam trong từng khoảng thời gian nhất định.
Theo các học giả Trung Quốc,
Gia Cát Lượng có thể dự đoán sự xuất hiện của gió Đông Nam nhờ khả năng tinh
thông địa lý và thiên văn, ông có thể nhận ra những hiện tượng bất thường để biết
được dấu hiệu thời tiết thay đổi.
Cũng có thể gió đông giúp
thiêu cháy chiến thuyền Tào Tháo trong trận Xích Bích chỉ là lời thêu dệt. Nếu
không có gió, liên minh Lưu Bị - Tôn Quyền vẫn có thể sử dụng các yếu tố về địa
hình để dùng hỏa công.
Sau này, khi đọc Kinh Dịch,
Tào Tháo đã ngộ ra nguyên nhân thất bại của mình là bởi yếu tố thời tiết và chỉ
còn biết cười lớn.
Như vậy trong trận Xích
Bích Gia Cát Lượng và Chu Du đợi gió Đông - Nam chứ không phải gió Đông. Trong
thực tế không có gió thổi chính hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mà thường là gió mùa
theo hướng Đông - Nam, Đông - Bắc… Trong văn chương người ta chỉ nói hướng gió
chính, nói một cách biểu trưng. Ví dụ gió Đông là gió mùa Đông - Bắc vào mùa xuân, mùa hè có gió mùa
Đông - Nam… Nói Đông phong phải hiểu là gió mùa Đông Bắc, chứ không có gió chỉ thổi theo chính hướng
Đông. Vào mùa Đông ở Trung Quốc có gió Tây - Bắc, vào mùa xuân có gió mùa Đông
- Bắc, thổi từ vùng lạnh phía Bắc xuống. Còn vào mùa hè có gió nồm Nam; gió
nóng thổi từ vùng Xich Đạo Đông - Nam lên, giống như ở Việt Nam.
Gió đông không phải là gió
xuân; gió mùa xuân. Gió mùa xuân là gió Đông - Bắc. Gió mùa đông là gió Tây - Bắc. Gió mùa hè là gió nồm
Nam, thực tế gió mùa hè là gió Đông - Nam. Gió chuyển từ Tây - Bắc sang Đông -
Bắc rồi Đông - Nam, thời tiết sẽ chuyển dần từ mùa đông, sang xuân, rồi sang
hè.
Điều gì tạo ra mùa? Nói một
cách ngắn gọn Trái Đất có các mùa khác nhau là do trục nghiêng của Trái Đất; trục
quay của Trái Đất nghiêng một góc 23° 27’ so với trục thẳng đứng (trục thẳng đứng là trục
vuông góc với mặt phẳng chuyển động quanh mặt trời của trái đất), nên vào mùa
hè thì Bắc bán cầu nhận được nhiều ánh sáng hơn, ngược lại vào mùa đông thì ít
nhận được ánh sáng hơn. Nếu trục quay của trái đất không nghiêng thì sẽ không có các mùa.
Khí hậu sẽ không thay đổi. Thời tiết các mùa còn do vị trí của Trái Đất chuyển
động so với Mặt Trời, được quyết định bởi sự tiếp nhận năng lượng Mặt Trời nhiều
hay ít.
Người ta chia một năm ra bốn
mùa. Các nước theo dương lịch ở bán cầu Bắc lấy bốn ngày: xuân phân (21/3), hạ
chí (22/6), thu phân (23/9) và đông chí (22/12) là bốn ngày khời đầu của bốn
mùa. Ở bán cầu Nam, bốn mùa diễn ra ngược với bán cầu Bắc.
Trái đất quay
quanh mặt trời tạo ra các mùa.
|
Nước ta và một số nước
châu Á quen dùng âm - dương lịch, thời gian bắt đầu của các mùa được tính sớm
hơn khoảng 45 ngày :
- Mùa xuân từ 4 hoặc 5/2 (lập xuân) đến 5 hoặc
6/5 (lập hạ).
- Mùa hạ từ 5 hoặc 6/5 (lập hạ) đến 7 hoặc 8/8 (lập
thu).
- Mùa thu từ 7 hoặc 8/8 (lập thu) đến 7 hoặc 8/11
(lập đông).
- Mùa đông từ 7 hoặc 8/11 (lập đông) đến 4 hoặc
5/2 (lập xuân).
Ở Trung Quốc do vị trí các khu vực ở phía bắc,
có khu vực xa biển, có khu vực gần biển, có khu vực là bình nguyên, có khu vực
là núi cao, có khu vực gió thường thổi theo hướng này nhưng cũng có khu vực gió
thổi theo hướng kia. Như thế trong cùng một thời gian, khí hậu ở các khu vực là
khác xa nhau. Ví dụ vào tháng 1 ở Cáp Nhĩ Tân băng tuyết phủ đầy mặt đất nhưng ở
Quảng Châu lại toàn nhìn thấy hoa đỏ lá xanh. Để biểu thị các mùa vốn có ý
nghĩa thực tế người ta đã ứng dụng sự cao thấp về nhiệt độ để phân chia. Phương
pháp phổ biến ở Trung Quốc là lấy nhiệt độ bình quân 10°C của mỗi hậu (5 ngày là một hậu) làm nhiệt độ phân chia ấm lạnh. 22°C là nhiệt độ phân chia ấm nóng. Dưới 10°C là mùa đông, giữa 10°C - 22 °C là mùa xuân, trên 22°C là mùa hè. Căn cứ vào tiêu chuẩn này để chia mùa, chính vì thế độ
dài ngắn của 4 mùa ở các khu vực khác nhau thì sẽ khác nhau.
Mùa xuân ở miền bắc Trung Quốc tương đối ngắn,
nói chung không đến hai tháng. Ví dụ ở Bắc Kinh mùa xuân từ 1-5/4 đến 21-25/5, ở
Thẩm Dương mùa xuân từ 21-25/4 đến 10-14/6, ở Cáp Nhĩ Tân mùa xuân từ 26-30/4 đến
20-24/6.
Chiết Giang là một tỉnh ven biển phía đông của Trung Quốc. Tên gọi Chiết Giang lấy theo tên cũ của con sông Tiền Đường chảy qua Hàng Châu - tỉnh lỵ Chiết Giang, nơi có lầu Ngưng Bích.
Tên gọi tắt của tỉnh này là Chiết.
Chiết Giang giáp giới với tỉnh Giang Tô và thành phố Thượng Hải về phía bắc, An Huy và Giang Tây về phía tây và Phúc Kiến về phía nam, phía đông giáp biển Hoa Đông. Trong tiếng Việt, Chiết
Giang hay bị viết nhầm thành Triết Giang.
Chiết Giang nằm ở vùng
chuyển tiếp khí hậu giữa đại lục Âu-Á và vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, có khí hậu cận nhiệt đới
gió mùa điển hình, bốn mùa rõ rệt. Mùa xuân từ tháng 3 đến tháng 5, mưa nhiều
và khí hậu cũng biến đổi lớn; mùa hè từ tháng 6 đến tháng 9, mưa kéo dài và nhiệt
độ rất nóng, ẩm; mùa thu có khí hậu ấm áp và khô; mùa đông không kéo dài song
nhiệt độ lạnh. Nhiệt độ trung bình năm là 15 °C-18 °C, nhiệt độ trung
bình tháng 1 (tháng lạnh nhất) là 2°C - 8°C và có thể xuống thấp đến -2,2°C đến
-17,4°C, nhiệt độ trung bình tháng 7 (tháng nóng nhất) là
27°C-30°C và có thể lên cao đến 33°C - 43°C.
Do chịu ảnh hưởng của gió
mùa Đông Á, nên hướng gió và lượng mưa có sự thay đổi đáng kể giữa mùa hè và
mùa đông. Lượng giáng thủy hàng năm là 980 - 2000 mm, số giờ nắng trung bình năm là
1.710-2.100 giờ. Vào đầu mùa hè có lượng mưa lớn, thường gọi là "Mai vũ
quý tiết" (mùa mưa gió mùa Đông Á), song tỉnh thường chịu ảnh hưởng của
các cơn bão nhiệt đới từ Thái Bình Dương vào cuối hè. Vào mùa hè, gió đông nam
chiếm ưu thế. Vào mùa đông, hướng gió lại chuyển thành hướng tây bắc, nhiệt độ
cao dần từ bắc xuống nam.
Do nằm trên vùng chuyển tiếp
giữa vùng có vĩ độ thấp và trung bình, nằm ở ven biển, kết hợp với việc có địa
hình nhấp nhô lớn, lại phải chịu ảnh hưởng kép của gió mùa nhiệt đới và khối
khí lạnh lục địa, Chiết Giang là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm
trọng nhất của các cơn bão tại Trung Quốc.
Hàng Châu có khí hậu cận nhiệt đới ẩm với 4 mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình hàng năm của Hàng Châu là 16,2 °C.
Mùa hè nóng ẩm, trong khi mùa đông mát mẻ và khô hanh. Vào tháng 7, tháng nóng
nhất trong năm, nhiệt độ trung bình xấp xỉ 33,8 °C; vào tháng 1 nhiệt độ trung
bình khoảng 3,6 °C. Lượng mưa hàng năm là 1450 mm. Vào giữa mùa hè, Hàng Châu
và nhiều thành phố khác của tỉnh Chiết Giang phải hứng chịu khá nhiều cơn bão từ
biển Hoàng Hải, nhưng hiếm khi bị các cơn bão tấn công trực tiếp.
Viết đến đây, không biết cụ
Thôi Hộ và cụ Nguyễn Du nếu đọc những dòng này, sẽ nghĩ gì? Không biết các cụ
có nổi cáu lên không? Dù thế nào, cũng đến lúc phải hạ bút rồi, tác giả xin được
kết thúc bài viết bằng hai câu thơ:
Lang thang trong “cõi người ta”
Đi tìm, liệu có tìm ra cái gì!
Hà Nội ngày 25.3.2017
LÊ THANH LONG