Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

VÀI SUY NGHĨ VỀ THẾ GIỚI CON NGƯỜI


VÀI SUY NGHĨ VỀ THẾ GIỚI 
CON NGƯỜI

                                                         LÊ THANH LONG

Nhìn sâu vào cuộc sống con người, ta thấy nhiều điều kì lạ, nhiều sự điên rồ, nhiều điều hoang tưởng, ngớ ngẩn, thông minh, lạc hậu, hiện đại… không ai lí giải hết được mọi điều, vì đó là đời sống và cuộc sống. Thời gian trôi đi, có cái còn, cái mất, đó là văn hóa, phong tục, tín ngưỡng, niềm tin…
Có cái có ích cho đời sống con người, có cái chẳng có ích lợi gì, chưa nói là còn có hại. Sự thật và ma quái, khoa học và phản khoa học… luôn luôn song hành. Có người hiểu biết, có người mê muội, có người lợi dụng, có người bị lợi dụng. Không ai dám nói ra sự thật nhậy cảm, phức tạp, không ai muốn động chạm đến tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, quan niệm lâu đời của hàng triệu người.
Thế giới con người là một thế giới vô cùng đa dạng, phức tạp, rắc rối. Nó là kết quả và là sản phẩm của bộ óc và trí tuệ của con người. Nhiều khi chính ta lại lừa dối bản thân ta bằng trí tưởng tượng, bằng những ước muốn, ước mơ… chúng có thể bắt nguồn từ sự đau khổ, khó khăn, nghèo đói và từ ngay cả sự chủ quan của con người. Hy vọng, tưởng tượng và mơ ước sản sinh ra các sản phẩm văn hóa phong phú từ chính bộ óc con người.
Điều đúng, điều sai, việc tốt, việc xấu, điều nên làm và điều nên tránh, quan niệm về cái hay, cái dở, cái thích, cái không thích… cứ xen kẽ, hòa trộn nhau, theo sự lạc hậu, văn minh, theo lứa tuổi và sự biến động của thời gian.
Ai sẽ là người sung sướng, hạnh phúc, thanh thản hơn ai? Người giầu, người nghèo, hay người chỉ cần kiếm đủ ăn? Hạnh phúc là gì? Tình yêu là gì? Những khái niệm trìu tượng đó, tùy hoàn cảnh, mỗi người, mà được hiểu theo các cách khác nhau. Người tu luyện, người tu hành, người vô thần, vô đạo, ai sung sướng hơn ai? Có vợ, có chồng, sung sướng hay đau khổ? Lấy vợ, lấy chồng, có con là mong muốn của con người hay do quy luật của tự nhiên? Hay là do cả hai?
Cùng một sự việc, người cho là đúng, người cho là sai, người cho là khôn, người cho là dại, người bị lên giàn hỏa thiêu, người bị rơi đầu, người trở thành vĩ nhân.
Dù thế nào thì con người cũng muốn mình được tôn trọng. Thời nay người ta chú ý nhiều đến cái tôi của mình, muốn thể hiện mình, muốn mình hơn người. Con người ai cũng muốn được sung sướng, được an nhàn theo nhiều nghĩa, nhiều cách khác nhau.
Ai cũng muốn được sống tự do theo cách riêng của mình, không muốn bị ràng buộc bởi bất cứ ai, bất cứ cái gì. Nhưng trong một xã hội, con người buộc phải tuân theo một trật tự nhất định, nên sinh ra mâu thuẫn ở chính ngay trong bản thân con người, người thích nghi được, người không thích nghi được. Ranh giới giữa điều tốt, điều xấu, giữa tội ác là rất mong manh.
Cạnh tranh để tồn tại, sinh tồn, tiến lên là quy luật sống của muôn loài, ai không theo được dòng chảy đó sẽ bị thải loại.
Ngày xưa cuộc sống con người khó khăn, nhưng sống đơn giản, thanh bình. Trẻ em ít được học hành, nhưng được hồn nhiên vui chơi thoải mái. Ngày nay con người có cuộc sống đầy đủ hơn, ăn ngon, mặc đẹp, nhưng luôn bị sức ép về thời gian, tiền bạc, danh vọng, sự nghiệp. Trẻ em ít được vui chơi, luôn bị sức ép về thời gian, học hành, thi cử, đỗ đạt. Các em phải nắm được nhiều kiến thức phức tạp, vùi đầu vào nhiều trò vui trên internet, luôn bị thiếu ngủ, căng thẳng trong học hành, ít thời gian vui chơi ngoài trời… Hồi xưa sống chậm. Ngày nay sống nhanh, cái gì cũng nhanh, tốc độ là thước đo. Căng thẳng, mệt mỏi, tóc bạc sớm là cái giá phải trả cho cho cuộc sống hiện đại.
Thời gian, tiền bạc, hạnh phúc và khổ đau, đó là cuộc chơi, mà mỗi chúng ta là người tham gia.
Trăm năm một cuộc dãi dầu,
Biết đâu được mất mà sầu, mà vui!
Cái hố sâu ngăn cách giữa người giầu, kẻ nghèo ngày càng thăm thẳm. Bên cạnh cuộc sống hào nhoáng, xa hoa, lộng lẫy là những góc khuất cuộc đời, không ai muốn kể ra. Giầu - nghèo chỉ cách nhau một bước chân, một tích tắc, có thể lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục.
Con người sinh ra không phải để hưởng thụ, để sung sướng hay đau khổ. Con người sinh ra để tồn tại, sinh tồn, đấu tranh và phát triển.
Cuộc sống con người ngày nay không chỉ là sinh tồn nữa, mà là muốn giầu có, hưởng thụ, ăn ngon, mặc đẹp, đi du lịch. Cuộc sống đổi khác và con người cũng đổi khác.
Nhu cầu của con người không biết đến đâu là đủ?!
Khoa học, công nghệ hiện đại đưa con người tới tầm cao tuyệt đỉnh. Nhưng đó lại là con dao hai lưỡi, không tỉnh táo, sẽ bị chính nó hủy diệt.
Cuối cùng, dù gì đi nữa, sức khỏe vẫn là cái quý giá nhất. Không có sức khỏe là không có gì!
Trái đất của chúng ta đa dạng sinh học, đẹp mê hồn và có thể là hành tinh độc nhất vô nhị trong vũ trụ có được điều này. Chúng ta là những người vô cùng may mắn được sống trên mảnh đất tươi đẹp, mê hoặc tràn đầy hoa cỏ, muông thú, núi non, sông biển, nắng vàng, cát trắng... Chúng ta trân trọng cuộc sống trên mảnh đất cha ông đã xây dựng nên từ ngàn đời, tốn bao mồ hôi, xương máu. Chúng ta không thể để nó tàn lụi!
                                              Hà Nội ngày 20.2.2020
                                                           L.T.L.

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA TRUYỆN KIỀU VÀ HOA TIÊN TRUYỆN


SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA TRUYỆN KIỀU
VÀ HOA TIÊN TRUYỆN

                                            LÊ THANH LONG

Truyện Kiều là tác phẩm văn học nổi tiếng nhất Việt Nam và là một trong những tác phẩm văn học được dịch ra nhiều thứ tiếng. Truyện Kiều là tác phẩm văn học được nhiều người đọc nhất, được nhiều người nghiên cứu nhất, có nhiều bài viết về nó nhất, là tác phẩm có nhiều tranh luận nhất từ xưa cho đến nay và cũng là tác phẩm còn nhiều điều mơ hồ nhất.
Một tác phẩm văn học vĩ đại như vậy, cách nay chưa lâu lắm, chỉ mới trên hai trăm năm, nhưng nó được viết vào lúc nào, được truyền bá ra bên ngoài từ lúc nào, thì đến nay vẫn còn chưa biết.
Còn nhiều điều lạ lùng vẫn còn bỏ ngỏ.
Có một câu hỏi đơn giản, cần được làm rõ là “Tại sao Nguyễn Du lại chọn thể thơ Lục bát để viết Truyện Kiều?”
1.Dòng chảy thời gian của những truyện thơ
Nguyễn Du không phải là một nhà văn mà là một nhà nho, một nhà thơ. Ông thông hiểu tiếng Hán. Ông chủ yếu sáng tác thơ Đường bằng tiếng Hán. Thời Nguyễn Du văn tự viết bằng Hán ngữ. Thời Nguyễn Du thơ Cổ phong đã qua, thơ Đường không còn là đỉnh cao. Thơ Đường phát triển rực rỡ vào thời Đường (618 - 907).
Trước Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, nhà thơ trẻ viết tác phẩm nổi tiếng Chinh Phụ Ngâm bằng Hán văn theo thể thơ Cổ phong, các câu thơ dài ngắn khác nhau. Sau đó Đoàn Thị Điểm dịch Chinh Phụ Ngâm sang tiếng Việt theo thể thơ Song thất lục bát, bản dịch rất nổi tiếng. Chinh Phụ Ngâm còn được Phan Huy Ích, Nguyễn Khản dịch sang tiếng Việt theo thể Song thất lục bát. Thời đó Song thất lục bát rất thịnh hành. Song thất lục bát là sự lai ghép giữa thơ Đường của Trung Quốc và thơ Lục bát của Việt Nam, hai câu thơ 7 chữ liền sau là hai câu lục bát.
Thơ lục bát xuất xứ từ ca dao, ra đời sớm nhất cũng từ thế kỷ 14, đến thế kỷ 16 luật lục bát hoàn thành sứ mệnh của mình khi chữ thứ 6 của câu lục vần với chữ thứ 6 của câu bát. Thời đó những tác phẩm văn học bằng thể thơ lục bát còn rất khiêm tốn. Nguyễn Du đã viết “Văn tế thập loại chúng sinh” bằng thơ Lục bát.
Nguyễn Du nhận ra thể thơ Lục bát có thể truyền tải được mọi vẫn đề của cuộc sống và văn chương, không bị hạn chế, không bị giới hạn về số câu, có thể kéo dài số câu vô hạn theo ý mình, không thua kém gì văn xuôi. Thơ Lục bát xuất xứ từ ca dao, đã đi vào lòng người Việt Nam, là thể thơ của Việt Nam. Và có lẽ Nguyễn Du, hơn ai hết, biết bình có năng khiếu về loại hình thơ này và Lục bát có thể cải tiến cho hay hơn được, hơn nữa chắc hẳn ông rất mê loại thơ này. Ông muốn phát triển một loại hình thơ đặc sắc của Việt Nam và chỉ của Việt Nam. Ông muốn khai phá mảnh đất hoang màu mỡ này.
Trước Nguyễn Du, Đặng Trần Côn đã viết Chinh phụ ngâm bằng chữ Hán, một kiệt tác văn học của Việt Nam. Chinh phụ ngâm được viết theo thể thơ Cổ phong, câu thơ dài ngắn khác nhau. Năm sinh, năm mất của Đặng Trần Côn đến nay cũng không biết chính xác, các nhà nghiên cứu ước đoán năm sinh của ông vào khoảng 1710 - 1720, mất khoảng nam 1745, sống vào thời Lê trung hưng. Đặng Trần Côn quê ở làng Nhân Mục (làng Mọc), huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Nhân Chính, quân Thanh Xuân.
Chinh phụ ngâm ra đời đã gây một tiếng vang lớn trong giới nho sĩ đương thời, nhiều người tìm cách dịch nó ra chữ Nôm. Chữ Nôm là loại chữ viết để phiên âm tiếng Việt (lúc đó Việt Nam chưa có chữ viết). Có nhiều bản dịch và phỏng dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Khản, Bạch Liên Am Nguyễn, Phan Huy Ích. Bản Chinh phụ ngâm hiện nay do Đoàn Thị Điểm dịch, ban đầu có tên là Chinh phụ ngâm khúc diễn ca, là một kiệt tác dịch Nôm.
Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748), hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, bà là người được đánh giá bậc nhất về sắc đẹp và tài văn chương. Năm 37 tuổi bà mới kết hôn với tiến sĩ Nguyễn Kiều góa vợ, vừa cưới xong Nguyễn Kiều đã phải đi sứ sang Trung Quốc. Bà dịch Chinh Phụ Ngâm trong thời gian chồng là Nguyễn Kiều đi sứ Trung Quốc ba năm.
Truyện Hoa tiên, còn có tên là Hoa tiên ký hay Đệ bát tài tử Hoa tiên diễn âm; là một truyện dài bằng thơ Nôm của Nguyễn Huy Tự (1743 -1790) ra đời khoảng giữa thế kỷ 18 trong lịch sử văn học Việt Nam.
Truyện Hoa tiên được viết phỏng theo một ca bản của Trung Quốc có nhan đề là Đệ bát tài tử Hoa tiên ký. Ca bản này viết bằng thể thơ thất ngôn cổ phong liền vận, thỉnh thoảng có phụ thêm mấy chữ ở đầu câu để chuyển ý. Vì vậy, có nhiều bản chép tay truyện Hoa Tiên vẫn đề là Đệ bát tài tử Hoa tiên diễn âm.
Theo GS. Nguyễn Lộc, thì bản (nguyên tác) của Nguyễn Huy Tự có độ dài là 1.532 câu lục bát. Sau khi được một người em họ bên vợ là Nguyễn Thiện (1763-1818); con Nguyễn Điều, gọi Nguyễn Du bằng chú) sửa chữa và thêm thắt (nhuận sắc) thì bản truyện có cả thảy là 1.826 câu, và được Đỗ Hạ Xuyên khắc ván in đầu tiên vào năm Ất Hợi (1875) đời Tự Đức, với nhan đề là Hoa tiên nhuận chính, hay Hoa tiên nhuận chính tân biên.
Như vậy “Hoa tiên nhuận chính tân biên” khắc in năm 1875, còn sau cả Truyện Kiều được khắc in năm 1866.
Truyện Hoa tiên nói về cuộc tình duyên trắc trở giữa hai nhân vật chính: Lương Sinh và Dương Dao Tiên, vì hai bên viết lời thề nguyền gắn bó với nhau trên hai tờ giấy hoa tiên nên truyện mới có tên là Hoa tiên.
Theo GS. Nguyễn Lộc, Hoa tiên là một câu chuyện tình xảy ra trong cảnh lầu son gác tía. Điều đáng chú ý là trong tác phẩm này là không có một nhân vật phản diện nào cả. Mâu thuẫn giữa tình yêu và lễ giáo phong kiến ở đây không thể hiện thành hai tuyến nhân vật đối lập, như trong nhiều truyện Nôm khác cùng thời, mà là cuộc đấu tranh giữa lý trí và tình cảm ở những nhân vật chính. Tác giả một mặt tỏ ra khá say sưa với tự do yêu đương khi miêu tả mối tình của Lương sinh và Dao Tiên, nhưng mặt khác lại không muốn lễ giáo phong kiến bị vi phạm. Cho nên trong Hoa tiên, ta thấy rõ khuynh hướng điều hòa mâu thuẫn giữ tình yêu và lễ giáo. Cái hay và cái hạn chế của Hoa tiên là ở chỗ ấy.
Về phương diện nghệ thuật, mặc dù dựa khá sát vào nguyên bản (của Trung Quốc), tác phẩm của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện nhuận sắc vẫn mang được một sắc thái trữ tình đậm nét. Nội tâm của Dao Tiên được khai thác tinh tế và sinh động. Thành công của truyện Hoa tiên góp phần thúc đẩy dự ra đời của thể loại truyện Nôm trong giai đoạn này.
Theo Nguyễn Thiện, thì truyện Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự (con rể Nguyễn Khản) hãy còn có chỗ đơn sơ và thiếu sót, nên ông đã tiến hành việc nhuận sắc.
Về mặt nội dung tư tưởng, Nguyễn Thiện đã tô rõ thêm những quan niệm trung, hiếu, tiết, nghĩa của tác phẩm. Ông coi trọng việc diễn tả con người bằng hai cách: gián tiếp qua động tác, trực tiếp qua nội tâm. Do đó, ông đã góp cho Hoa tiên những nét sáng tạo đáng kể. Một điều đáng chú ý khác là Nguyễn Thiện thường đi sâu hơn vào việc diễn tả cảnh sắc thiên nhiên, nên đã phô diễn được rất khéo tâm trạng của nhân vật. Tuy nhiên, nhìn bao quát mà xét, ta thấy phần đóng góp của Nguyễn Thiện trong việc nhuận sắc thường nặng về mặt hình thức, nghệ thuật. Tán thành điều này, GS. Nguyễn Lộc cũng đã viết rằng: Bản Hoa tiên (nguyên tác) của Nguyễn Huy Tự câu văn không chải chuốt bằng bản (nhuận sắc) của Nguyễn Thiện, nhưng giữ được những cảm xúc chân thật. Bản của Nguyễn Thiện khuôn sáo, gò gẫm, nên có chỗ văn làm hại ý.
Nguyễn Huy Tự (1743-1790): còn có tên là Yên, tự Hữu Chi, hiệu Uẩn Trai; là danh sĩ và là quan nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Huy Tự sinh tháng 8 năm 1743, trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng ở làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con trai trưởng của danh sĩ Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh, và là con rể của Tiến sĩ Nguyễn Khản (anh Nguyễn Du) ở xã Tiên Điền, huyện Nghi XuânHà Tĩnh.
Năm 17 tuổi, Nguyễn Huy Tự đỗ thứ 5 kỳ thi Hương tại trường Nghệ An
Năm 1770, ông thi Hội trúng Tam trường, được bổ làm Hiến sát phó sứ xứ Sơn Nam.
Năm 1781, ông được phái làm Khâm sai Giám đằng kiêm ấn quyển ở khoa thi Hội. Năm 1782, đổi ông làm Thanh hình hiến sát sứ Sơn Tây, rồi Đốc đồng Sơn Tây, Hàn lâm viện hiệu lý, tước Uẩn Đình hầu. Cũng trong năm này, ở kinh đô Thăng Long có loạn kiêu binh. Vương triều và đất nước cùng lâm vào cảnh rối ren, loạn lạc. Nhân có tang mẹ, Nguyễn Huy Tự xin về chịu tang (1784) và ở hẳn ở nhà không ra làm quan nữa. Về lại Trường Lưu, ông giúp cha (Nguyễn Huy Oánh) chăm lo cho Phúc Giang thư viện.
Năm 1790, ông được vua Quang Trung triệu tới Phú Xuân. Ông nhận lời làm Hữu thị lang cho nhà Tây Sơn. Nhưng liền sau đó, ông mắc trọng bệnh và mất ngày 27 tháng 7 năm 1790 tại Phú Xuân, lúc 47 tuổi, thụy là Thông Mẫn.
Tác phẩm của Nguyễn Huy Tự có truyện thơ Hoa tiên (còn có tên là Hoa tiên ký) bằng chữ Nôm, được viết vào khoảng giữa thế kỷ 18.
Có lẽ Nguyễn Du có được đọc Hoa tiên. Hoa tiên được khắc in năm 1875, sau khi Nguyễn Du mất được 55 năm.
Nguyễn Thiện (1763 - 1818) mất trước Nguyễn Du. Như vậy Nguyễn Thiện đã nhuận sắc xong Hoa tiên trong thời Nguyễn Du còn sống, tức là Nguyễn Thiện đã được đọc Đoạn trường tân thanh trước khi Nguyễn Du mất.
Nguyễn Huy Tự là con rể của Nguyễn Khản, anh Nguyễn Du. Như vậy Nguyễn Du rất gần gũi với Nguyễn Huy Tự. Nguyễn Du chắc đã được đọc Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự. Hoa tiên được Nguyễn Huy Tự viết bằng thể thơ lục bát, phỏng theo một ca bản của Trung Quốc có nhan đề là Đệ bát tài tử Hoa tiên ký. Ca bản này viết bằng thể thơ thất ngôn cổ phong liền vận. Nguyễn Du khi đọc Hoa tiên có lẽ cũng rút ra cho mình những gợi ý, những kinh nghiệm nhất định, để sáng tác Đoạn trường tân thanh. Nguyễn Du cũng chọn thể thơ lục bát để viết Truyện Kiều, nhưng khác Nguyễn Huy Tự là ông chọn một tác phẩm văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân hoàn chỉnh, đa dạng về sự kiện và về nhân vật.
2.Sự tương đồng và mối quan hệ giữa Truyện KiềuHoa tiên truyện
Sự thành công của Hoa tiên có lẽ cũng giúp Nguyễn Du thêm tự tin, thêm ý chí và động lực để sáng tác Đoạn trường tân thanh. Đọc Hoa tiên giúp ích rất nhiều cho Nguyễn Du trong việc sáng tác Truyện Kiều. Truyện Hoa tiên về cơ bản gần giống với Truyện Kiều. Rất nhiều câu chữ trong hai truyện tương tự nhau.
Hoa tiên cũng như Truyện Kiều được viết ra khi nào và lưu hành khi nào thì vẫn chưa rõ. Theo PGS. TS. Lại Văn Hùng tác phẩm Hoa tiên được Nguyễn Huy Tự viết vào thời còn trẻ. Có tài liệu nói Nguyễn Huy Tự viết Hoa tiên từ năm 1759 - 1768, lúc khoảng 17 - 26 tuổi.
Việc Hoa tiên có một số câu thơ giống Truyện Kiều, có thể là Nguyễn Du đã đọc Hoa tiên và chịu ảnh hưởng của Hoa tiên, cũng có thể là Nguyễn Thiện đã được đọc Đoạn trường tân thanh, và đã thêm thắt, sửa chữa; nhuận sắc Hoa tiên thêm vào sau này.
Dương Quảng Hàm viết: “Khi ta đọc Hoa tiên, thấy có nhiều câu hoặc giống hẳn, hoặc hơi giống những câu trong Truyện Kiều, thì biết rằng tác giả Truyện Kiều đã được đọc Hoa tiên và đã chịu ảnh hưởng của truyện ấy”.
Truyện Hoa Tiên còn được Cao Bá Quát (1808 - 1855) sửa chữa thêm ít nhiều và đề tựa vào năm 1843. Cao Bá Quát cho rằng: “Đến như cái giỏi về truyện thì ta còn thấy được Hoa Tiên và Truyện Kiều... Kim Vân Kiều là lời nói hiểu đời; Hoa Tiên là lời nói răn đời vậy”.
Cách so sánh: “Kiều là tiếng nói hiểu đời, Hoa tiên là tiếng nói răn đời” là một so sánh tầm cỡ, chạm đến những giá trị tột bực của Truyện Kiều mà Hoa tiên có phần như một đối trọng, hay nói cách khác, như một ảnh hưởng trọng đại. Cao Bá Quát hàm ý Hoa tiên là “một cái gì đó” đủ khiến cho “sau đó Kim Vân Kiều sinh ra được”.
Nội dung trong Hoa tiên truyệnTruyện Kiều là những cuộc tình na ná như nhau, nên những chữ nghĩa, từ ngữ hai tác giả sử dụng cũng tương tự như nhau, kể cả các điển tích.
Nguyễn Tài Cẩn cho rằng Nguyễn Du đã tiếp thu từ Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự khi viết Đoạn trường tân thanh. Ngược lại khi nhuận sắc Hoa tiên Nguyễn Thiện đã bắt chước Truyện Kiều.
Hoa tiên truyện đạt được những thành công đáng kể thời đó, là động lực giúp Nguyễn Du tự tin, đi sâu nâng cấp thơ lục bát lên một tầm cao mới, khi sáng tác Truyện Kiều.
Hoa tiên truyện khó hiểu, khó đọc, ngay cả với những nhà nghiên cứu, nên khó đi vào quảng đại quần chúng nhân dân như Truyện Kiều.
Theo Đào Duy Anh, ông đã được tiếp cận bản Hoa tiên do ông Nguyễn Huy Cừ sao chép. Ông Nguyễn Huy Cừ nói rằng, ông sao chép lại ở một bản gốc hiện nay đã hư nát và mất tích. Bản này có độ dài 1532 câu thơ lục bát. Ông Đào Duy Anh ngờ rằng bản này là nguyên tác của Nguyễn Huy Tự, chưa trải qua Nguyễn Thiện nhuận sắc.
Bản Hoa tiên truyện dài 1826 câu thơ lục bát được dùng trong nhà trường. Nên chúng tôi sử dụng bản này để so sánh, đối chiếu với Truyện Kiều.  
Truyện KiềuHoa tiên truyện có nhiều sự tương đồng. Đọc phần mở đầu và kết luận, về nội dung thì khác nhau, nhưng cách thức thực hiện thì tương tự nhau.
Mở đầu trong Hoa tiên:
Trăm năm một sợi chỉ hồng,
Buộc người tài sắc vào trong khung trời.
Sự đời thử ngẫm mà chơi,
Tình duyên hai chữ với người hay sao?
5. Từng nghe trăng gió duyên nào,
Bể sâu là nghĩa, non cao là tình.
Người dung hạnh, bậc tài danh,
Nghìn thu để một mối tình làm gương.
Mở đầu trong Truyện Kiều:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
5. Lạ ghì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Kết thúc trong Hoa tiên:
Gót đầu bàn lại mà chơi,
Phong hoa hai chữ cõi đời ai không.
Lấy tình gặp gỡ đã xong,
1820. Trước sau vẹn một chữ tòng mới ghê.
Lời quê dù đã nhầm nghe,
Gác bên tình tứ giữ bề hiếu trinh.
Luân thường sáng để rành rành,
Chớ đem bác hẳn mà khinh làm thường.
1825. Nôm na đỡ chút canh trường,
Kể rồi dặn lại hai đường thế hay.
Kết thúc trong Truyện Kiều:
Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
3245. Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
3250. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Lời thơ, ý tứ trong Hoa tiên và trong Truyện Kiều đều tỏ ra nhã nhặn, nhưng đều toát lên vẻ tự tin. Đặt vấn đề mở đầu và kết thúc trong hai truyện đều chặt chẽ, như Cao Bá Quát đã nhận xét và đánh giá Truyện Kiều“hiểu đời” còn Hoa tiên“dạy đời”.
Đọc và so sánh hai bản truyện Truyện Kiều của Nguyễn Du và Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự đã được Nguyễn Thiện nhuận sắc, ta khó xác định được câu nào là Nguyễn Du tham khảo từ Hoa tiên và câu nào Nguyễn Thiện bắt chước Truyện Kiều để nhuận sắc Hoa tiên. Những câu thơ trong hai bản truyện tương đồng nhau rất nhiều, chúng tôi xin dẫn ra một số (theo Hoa tiên, NXB Lửa Thiêng, Quang Minh dẫn giải, năm 1958, 1826 câu, và theo Truyện Kiều, NXB trẻ, Ban Văn bản Truyện Kiều - Hội Kiều học Việt Nam hiệu khảo, chú giải, năm 2015).
1. Hoa tiên, câu 97: Thiên nhiên sẵn đúc dày dày,
Truyện Kiều, câu 1312: Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.
2.Hoa tiên, câu 166: Làm chi đem giống khuynh thành trêu ai.
Truyện Kiều, câu 258: Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi
3.Hoa tiên, câu 109: Người về khuất, kẻ trông theo,
Tuyện Kiều, câu 168: Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo.
4.Hoa tiên, câu 141: Sinh rằng: “Động khóa nguồn phong”,
Hoa tiên, câu 215: Tấc gang gác khóa lầu then
Truyện Kiều, câu 285: Tấc gang động khóa nguồn phong.
5.Hoa tiên, câu 177: Được lời sinh vội uốn lời:
Truyện Kiều, câu 1985: Dối quanh sinh mới liệu lời,
6.Hoa tiên, câu 178: “Dạo trăng ban tối, lạc vời bước sang”.
Truyện Kiều, câu 1986: Tìm hoa quá bước xem người viết kinh.
7.Hoa tiên, câu 205: Cánh hồng hãy gắng bay cao,
Truyện Kiều, câu 2247: Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,
8.Hoa tiên, câu 254: Tường đông bướm lại ong qua mặc lòng.
Truyện Kiều, câu 38: Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
9.Hoa tiên, câu 258: Bụi hồng dứt nẻo chiêm bao đi về.
Truyện Kiều, câu 250: Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao.
10.Hoa tiên, câu 411: Đã gần chi có điều xa,
Truyện Kiều, câu 1365: Đã gần chi có điều xa,
11.Hoa tiên, câu 444: Dừng chân gạn một lời này chút nao.
Truyện Kiều, câu 316: Dừng chân gạn chút niềm tây gọi là.
12.Hoa tiên, câu 447 - 448: Bấy lâu đắp nhớ, đổi mong,
Truyện Kiều, câu 383: Những là đắp nhớ đổi sầu,
13.Hoa tiên, câu: 450: Đài gương may họa rõ soi dấu bèo.
Truyện Kiều, câu 330: Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?
14.Hoa tiên, câu 477: Nghe lời Hương cũng êm tai,
Truyện Kiều, câu 683: Phải lời ông cũng êm tai,
15.Hoa tiên, câu 507: Ấp cây một mực trần trần,
Truyện Kiều, câu 328: Trần trần một phận ấp cây đã liều!
16.Hoa tiên, câu 540: Thử xem con tạo chiều người hay không?
Truyện Kiều, câu 1116: Mà xem con tạo xoay vần đến đâu!
17.Hoa tiên, câu 608: Tiếng gà đã gáy lầu cao dậy nằm.
Truyện Kiều, câu 1124: Tiếng người đâu đã mé sau dậy dàng.
18.Hoa tiên, câu 622: Gót sen nhè nhẹ dao mau về nhà.
Truyện Kiều, câu 378: Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường.
19.Hoa tiên, câu 655: Chút chi gắn bó gọi rằng,
Truyện Kiều, câu 341: Chút chi gắn bó một hai,
20.Hoa tiên, câu 663: Sóng tình sao khéo mênh mang,
Truyện Kiều, câu 499: Sóng tình dường đã xiêu xiêu,
21.Hoa tiên, câu 670: Hoa sao hoa khéo rập rềnh chào xuân.
Truyện Kiều, câu 1068: Hoa sao hoa khéo đọa đầy bấy hoa?
22.Hoa tiên, câu 672: Rủ rê gió sở mây tần bởi ai?
Truyện Kiều, câu 1180: Quyến anh rủ yến sự này tại ai?
23.Hoa tiên, câu 701: Nghĩ người lại ngắm vào ta,
Truyện Kiều, câu 417: Trông người lại ngẫm đến ta,
24.Hoa tiên, câu 715: Chữ tình thêm vẹn, chữ duyên càng nồng.
Truyện Kiều, câu 1570: Chữ tình càng mặn, chữ duyên càng nồng.
25.Hoa tiên, câu 731: Phất phơ tơ liễu buông rèm,
Truyện Kiều, câu 289: Lơ thơ tơ liễu buông mành
26.Hoa tiên, câu 737: May đây xin một hai điều,
Truyện Kiều, câu 329: Tiện đây xin một hai điều
27.Hoa tiên, câu 750: Lượng xuân đành quyết hẹp hòi chốc ru.
Truyện Kiều, câu345: Lượng xuân dù quyết hẹp hòi,
28.Hoa tiên, câu 774: Hai là mượn kể liệu bề mối manh.
Truyện Kiều, câu 342: Cho đành rồi sẽ liệu bề mối manh.
29.Hoa tiên, câu 783: Trên yên bút giá hương bình,
Truyện Kiều, câu 397: Trên yên bút giá thư đồng,
30.Hoa tiên, câu 785: Tiên thề tay thảo một chương.
Truyện Kiều, câu 447: Tiên thề cùng thảo một chương,
31.Hoa tiên, câu 814: Bên băng gác tía, bên dời song thưa.
Truyện Kiều, câu 362: Chàng về thư viện, nàng dời lâu trang.
32.Hoa tiên, câu 845: Cạn lời Lưu mới thưa rằng,
Truyện Kiều, câu 903: Cạn lời khách mới thưa rằng,
33.Hoa tiên, câu 849: Quản bao tuyết đợi sương chờ,
Truyện Kiều, câu 553: Quản bao tháng đợi năm chờ,
34.Hoa tiên, câu 888: Chưa cùng sum họp, nỡ nào chia phôi.
Truyện Kiều, câu 550: Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi.
35.Hoa tiên, câu 896: Tương tri có thế mới là tương tri.
Truyện Kiều, câu 3184: Tương tri dường ấy mới là tương tri!
36.Hoa tiên, câu 901: Mặt nhìn chẳng nỡ rời tay,
Truyện Kiều. câu 1979: Mặt trông tay chẳng nỡ rời,
37.Hoa tiên, câu 928: Trăm năm bẻ một chữ đồng vì ai.
Truyện Kiều, câu 1954: Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai.
38.Hoa tiên, câu 937: Ông tơ khéo lẽ đa đoan,
Truyện Kiều, câu 715: Cơ trời dâu bể đa đoan
39.Hoa tiên, câu 975: Rồi đây bèo nước lênh đênh,
Truyện Kiều, câu 2401: Rồi đây bèo hợp mây tan,
40.Hoa tiên, câu 995: Nỗi mình thêm rộn nỗi nhà,
Truyện Kiều, câu 633: Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
41.Hoa tiên, câu 1028: Với phu nhân vả cũng là đồng thân.
Truyện Kiều, câu: 154: Với Vương Quan trước vẫn là đồng thân.
42.Hoa tiên, câu 1032: Dọn lầu sửa chốn nghỉ ngơi thanh nhàn.
Truyện Kiều. câu 2209: Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn,
43.Hoa tiên, câu 1075: Trăng thề vẫn đó tri tri,
Truyện Kiều, câu 541: Trăng thề còn đó trơ trơ,
44.Hoa tiên, câu 1079 - 1080:
Khi sao son gác phấn lầu/ Giờ sao tan tác mặc dầu khói sương.
Truyện Kiều, câu 1235 - 1236:
Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
45.Hoa tiên, câu 1084: Một hơi giá ngắt, hai tay lạnh đồng.
Truyện Kiều, câu 758: Một hơi lặng ngắt đôi tay lạnh đồng.
46.Hoa tiên, câu 1105: Xiết bao phận mỏng như tờ,
Truyện Kiều, câu 2777: Kiều nhi phận mỏng như tờ,
47.Hoa tiên, câu 1109: Bể sầu càng vợi càng đầy,
Truyện Kiều, câu 247 Sầu đong càng khắc càng đầy,
Truyện Kiều, câu 1537: Lửa tâm càng dập càng nồng,
Truyện Kiều, câu 2806: Lửa phiền khôn dập càng khêu mối phiền
48.Hoa tiên, câu 1198: Nào ai ấm lạnh, nào ai ngọt bùi.
Truyện Kiều, câu1630: Biết đâu ấm lạnh biết đâu ngọt bùi.
49.Hoa tiên, câu 1203: Cho hay thanh khí tương cờ,
Truyện Kiều, câu 2883: Trong cơ thanh khí tương tầm,
50.Hoa tiên, câu 1209: Nghĩ người mặt sóng chân mây,
Truyện Kiều, câu 3037: Tính rằng mặt nước chân mây
51.Hoa tiên, câu 1215: Nỉ non đêm ngắn tình dài,
Truyện Kiều, câu 1369: Nỉ non đêm ngắn tình dài,
52.Hoa tiên, câu 1223: Những là vắng mặt khuất lời,
Truyện Kiều, câu 1545: Tính rằng cách mặt khuất lời,
53.Hoa tiên, câu 1226: Bên hoa dường có nẻo thông cuối tường.
Truyện Kiều, câu 390: Cuối tường dường co nẻo thông mới rào.
54.Hoa tiên, câu 1228: Cách tường văng vẳng tiếng vàng xa đưa.
Truyện Kiều, câu 379: Cách hoa sẽ dắng tiếng vàng,
55.Hoa tiên, câu 1231: Bấy lâu mưa khóa gió rào,
Truyện Kiều, câu 385: Nàng rằng: “Gió bắt mưa cầm”
56.Hoa tiên, câu 1270: “Vì ai bèo nổi mây chìm bấy lâu”.
Truyện Kiều, câu 2475: Nghĩ mình mặt nước cánh bèo,
57.Hoa tiên, câu 1281: Tình kia nào phụ chi duyên,
Truyện Kiều, câu 3089: Duyên kia có phụ chi mình,
58.Hoa tiên, câu 1284: “Đã đành chiếc bách sóng đào lênh đênh”.
Truyện Kiều, câu 1957: Nàng rằng: “Chiếc bách sóng đào,”
59.Hoa tiên, câu 1295: Họa khi trời cũng chiều lòng,
Truyện Kiều, câu 2689: Khi nên trời cũng chiều người,
60.Hoa tiên, câu 1301: Thôi thì thôi có nghĩ gì
Truyện Kiều, câu 1377: Thôi thôi đã vậy thì thôi,
Truyện Kiều, câu 1175: Nàng rằng: “Thôi thế thì thôi”
61.Hoa tiên, câu 1321: Súng đâu dậy tiếng đùng đùng,
Truyện Kiều, câu 2619: Triều đâu nổi tiếng đùng đùng,
62.Hoa tiên, câu: 1346: Hiếu tình cân lại nhắc đi cho tuyền.
Truyện Kiều, câu 2680: Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều.
63.Hoa tiên, câu 1363: Bỗng dưng mua não chuốc sầu mà chơi.
Truyện Kiều, câu 236: Bỗng không mua não chuốc sầu nghĩ nao!
64.Hoa tiên, câu: 1375: Vẻ chi một mảnh hồng quần,
Truyện Kiều, câu 669: Vẻ chi một mảnh hồng nhan,
65.Hoa tiên, câu 1378: Cũng liều má phấn cho rồi ngày xanh
Truyện Kiều, câu 2164: Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.
66.Hoa tiên, câu 1403: Phận sao, phận bạc như tờ,
Truyện Kiều, câu753:  Phận sao phận bạc như vôi,
67.Hoa tiên, câu 1404: Nợ sinh thành biết bao giờ trả xong.
Truyện Kiều, câu 878: Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong!
68.Hoa tiên, câu 1432: Biết thân mình, biết phận mình, thế thôi.
Truyện Kiều, câu 220: Biết duyên mình, biết phận mình, thế thôi!
69.Hoa tiên, câu 1446: Lần nghe văng vẳng canh chầy điểm ba.
Truyện Kiều, câu 2026: Lần nghe canh đã một phần trống ba.
70.Hoa tiên, câu 1455 - 1456:
Trông vời trời bể mênh mang/ Đem thân băng tuyết gửi hàm giao long.
Truyện Kiều, câu 2635 - 2636:
Trông vời con nước mênh mông/ Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang.
71.Hoa tiên, câu 1471: Tiếc thay trong ngọc trắng ngà,
Truyện Kiều, câu 1191: Tiếc thay trong giá trắng ngần,
72.Hoa tiên, câu 1472: Nỡ hoài chi để trôi hoa, giạt bèo.
Truyện Kiều, câu 2812: Để cho đến nỗi trôi hoa dạt bèo.
73.Hoa tiên, câu: 1488: Thà liều sóng bạc cho rồi ngày xanh.
Truyện Kiều, câu 2164: Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.
74.Hoa tiên, câu 1507: Mối sầu đòi đoạn như tơ,
Truyện Kiều, câu1265: Mối sầu đòi đoạn vò tơ,
75.Hoa tiên, câu 1516: Biết đâu tăm cá bóng chim bây giờ.
Truyện Kiều, câu 2944: Bóng chim tăm cá biết đâu mà nhìn.
76.Hoa tiên, câu 1540: Ngọn cờ ngơ ngác, trống canh trễ tràng.
Truyện Kiều, câu 2504: Ngọn cờ ngơ ngác, trống canh trễ tràng.
77.Hoa tiên, câu 1588: Đỉnh chung hầu dễ ăn ngồi được đâu.
Truyện Kiều, câu 2938: Đỉnh chung sao nỡ ăn ngồi cho an!
78.Hoa tiên, câu 1617: Chưa cầm sắt cũng tao khang,
Truyện Kiều, câu 215: Chưa chăn gối cũng vợ chồng,
79.Hoa tiên, câu 1688: Đồi dào tình trước, đền bồi nghĩa sau.
Truyện Kiều, câu 2690: Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau.
80.Hoa tiên, câu 1701: Nghìn xưa âu hẳn một người,
Truyện Kiều, câu 1907: Nghìn xưa âu cũng thế này,
81.Hoa tiên, câu 1702: Ấy ai lại dám xem ai là thường.
Truyện Kiều, câu 2186: Thân này còn dám xem ai là thường.
82.Hoa tiên, câu 1703: Vả vì chút nghĩa cũ càng,
Truyện Kiều, câu 2241: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
83.Hoa tiên, câu 1713: Khi ăn nói, lúc ra vào,
Truyện Kiều, câu 2845: Khi ăn ở lúc ra vào,
84.Hoa tiên, câu 1793: Đòi phen cợt phấn cười hồng,
Truyện Kiều, câu 1591: Những là cười phấn cợt son,
Hoa tiên truyện được Nguyễn Thiên nhuận sắc có độ dài 1826 câu thơ lục bát, còn bản Hoa tiên được cho rằng gần với nguyên tác của Nguyễn Huy Tự có độ dài 1532 câu thơ lục bát, như vậy khi nhuận sắc Hoa tiên Nguyễn Thiện đã thêm vào 284 câu thơ lục bát. Do đó ta không thể biết được câu thơ nào Nguyễn Du tham khảo từ Hoa tiên, câu thơ nào Nguyễn Thiện lấy từ Truyện Kiều. Chúng tôi đã tiến hành đối chiếu, so sánh thống kê được trong Truyện Kiều và trong Hoa tiên truyện 84 câu thơ tương tự nhau, trong đó  3 câu thơ giống nhau hoàn toàn (10, 51, 76), 11 câu thơ chỉ khác nhau một chữ (14, 26, 30, 32, 40, 64, 65, 66, 68, 74, 83).
3. Sự tương đồng về nghệ thuật thơ trong Truyện Kiều và trong Hoa tiên truyện
a. Sự lặp từ: Những câu thơ lặp từ rất hay, rất độc đáo có cả trong Hoa tiên và trong Truyện Kiều.
Trong Hoa tiên:
Câu 987: Nào gương, nào chỉ, nào kim,
Câu 558: Lạ trăng, lạ nước, lạ mây, thực là…
Câu 566: Đã sương, đã khói, đã vài năm nay.
Câu 62: Một trăng, một bóng, một người hóa ba.
Có một đoan trong Hoa tiên lặp từ Kìa đâu rất hay trong 9 cặp lục bát từ câu 1001 - 1016, xin trích dẫn 6 cặp:
1003. Kìa đâu mây tận chân ngàn,
Lưng đèo xao xác, hợp tan chợ chiều.
Kìa đâu viễn phố quạnh hiu,
Chân trời thấp thoáng con chèo về khơi.
Kìa đâu bờ bến lôi thôi,
Ngư thôn mấy móc, mặt trời tà dương.
Kìa đâu nghi ngút khói sương,
Chày khuya mấy tiếng, chuông vang bên chùa.
Kìa đâu nước lạnh trời thu,
Động đình phẳng lặng mặt hồ trăng in.
Kìa đâu ban tối đỗ thuyền,
1014. Trắng bay hoa tuyết giang thiên một màu.
Trong Truyện Kiều:
Câu 2981: Này chồng, này mẹ, này cha,
Câu 1982: Này là em ruột, này là em dâu
Câu 557: Còn non, còn nước, còn dài,
Câu 558: Còn về, còn nhớ, đến người hôm nay.
b. Nhịp điệu câu thơ
Đọc hai tác phẩm thơ Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự và Truyện Kiều của Nguyễn Du, ta còn thấy sự giống nhau về kết cấu nhịp điệu câu thơ, ví dụ:
Nhịp điệu 3/3 đối cân của câu lục, trong Hoa tiên, câu 
231: Người đài nước, kẻ lò than,
549: Người lại các, kẻ về hiên,
699: Nền thi lễ, nếp đai cân,
Nhịp điệu 4/4 đối cân của câu bát, trong Hoa tiên, câu 
74: Rặng cây khuất khuất, lưng cầu khom khom.
98: Càng tươi tỉnh nét, càng say sưa tình.
232: Kẻ lồng đệm thúy, người cài chiếu hoa.
Nhịp điệu 3/5 của câu bát, trong Hoa tiên, câu 
1106: Nợ bình sinh, nỗi tóc tơ chưa đền
722: Ngóng tin ai, những mơ màng chờ thăm.                                     
Nhịp điệu 3/3/2 của câu bát, trong Hoa tiên, câu 
218: Hoa đâu rụng, lá đâu rơi, trước rèm.
556: Bốn mùa cảnh, bốn mùa trời, xinh thay.
1244: Vẫn ghi lòng, kẻo thẹn lời với hoa.
1110: Đã đường kia, lại nỗi này, mới ghê!
Nhịp điều 2/2/2/2 của câu bát, câu 558: 
Lạ trăng, lạ nước, lạ mây, thực là.
Nhịp điệu 2/2/4, câu 566: 
Đã sương, đã khói, đã vài năm nay.
Trong Hoa tiên Nguyễn Huy Tự tuân thủ luật lục bát từ đầu đến cuối. Đặc biệt trong Hoa tiên khác với trong Truyện Kiều là có một câu bát làm theo kiểu đối cân và cũng phá vỡ luật lục bát ở chữ gầy thứ hai, có tới 5 vần trắc:
1160: Núi gầy võ vóc, sông quanh quẩn lòng.
Trong Truyện Kiều đều có tất cả các nhịp điệu câu thơ như trong Hoa tiên, ngoài ra Nguyễn Du còn phá vỡ luật lục bát, sáng tạo ra một loại lục bát mới và được các nhà thơ và nhà bình luận ngày nay công nhận. Cách đối cân trong cùng một câu lục hoặc câu bát, tức là chia câu thơ làm hai vế:
cổ thụ, có sen hồ
Khi gió gác, khi trăng sân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
Nói Nguyễn Du đã phá vỡ luật lục bát, tức là đã phạm luật lục bát, là ở chỗ chữ thứ hai câu lục đáng lẽ là vần bằng, thì Nguyễn Du lại đổi ra vần trắc, còn chữ thứ tư đáng lẽ là vần trắc, thì Nguyễn Du lại đổi ra vần bằng. Câu bát có đối cân hoặc không có đối, Nguyễn Du vẫn tuân thủ luật lục bát.
Đối chuẩn (đối chọi) trong câu lục là đối từng âm tiết, bằng trắc:
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Nền phú hậu, bậc tài danh
Người yểu điệu, kẻ văn chương.
Việc phá vỡ luật lục bát nhằm đa dạng nhịp điệu câu thơ và làm cho câu thơ mạnh mẽ hơn, vì tăng được số lương âm trắc trong câu lục:
Nước vỏ lựu, máu mào gà (4 trắc)
Hết nạn ấy, đến nạn kia (5 trắc).
Truyện KiềuHoa tiên truyện là những truyện thơ lục bát hay của Việt Nam, đã góp phần làm phong phú cho thơ Lục bát, cho văn chương và ngôn ngữ Việt.
                                                         Hà Nội ngày 2.2.2020
                                                              LÊ THANH LONG