Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Thăm thẳm cõi người

Thăm thẳm cõi người

                         LÊ THANH LONG


T
ừ khi Thi đàn Bình thơ Trường Xuân Việt Nam thành lập đến nay thấm thoát đã gần năm năm, năm năm trôi qua như cánh hạc bay! Tập san Trường Xuân đã ra được 14 số, để ghi lại dấu mốc này chúng tôi xin điểm lại thơ văn của các bạn bè xa gần yêu mến Trường Xuân đã gửi bài đăng trong 14 tập Trường Xuân.
   Thời gian như dòng sông chảy qua bao thăng trầm của thời cuộc. Những cốt lõi của gia đình, cuộc sống, xã hội  thay đổi, cuộc sống cũ, trào lưu mới xen kẽ với những đổi thay mất mát, nuối tiếc và hy vọng, những biến đổi quê hương, làng xóm, những còn mất, những rêu phong của suy tàn bụi phủ và cả những đổi thay nhanh chóng của thời cuộc, những biến đổi gập ghềnh của xã hội, những phát minh kỳ diệu của nhân loại… và cả sự đổi thay của bản thân các nhà thơ, nhà văn, trong những bối cảnh đó thơ ca, văn chương là công cụ hữu hiệu thể hiện được tâm tư, tình cảm, nỗi lòng và suy tư để các nhà thơ, nhà văn  gửi vào những tác phẩm - những đứa con tinh thần của mình.
   Để nói lên được cái thăm thẳm của nỗi lòng, của tâm tư thầm kín, những vui buồn mất mát, những yêu thương trăn trở, những gánh nặng cuộc đời, những trầy trật, trắc trở chông gai… không phải dễ dàng gì. Nhưng để đáp lại tấm thịnh tình của những bạn thơ, văn đã yêu mến Trường Xuân tôi cũng xin cố gắng điểm lại những nét cơ bản nhất trong 14 tập thơ, văn của Trường Xuân đã in.


   Dù muốn dù không cũng không tránh được những con số, 14 tập Trường Xuân, bao gồm 202 lượt tác giả đăng chân dung với 892 bài thơ, tổng số những bài thơ đăng riêng là 846 bài, 101 bài bình thơ, 19 bài trao đổi về nghệ thuật thi ca, 17 bài giới thiệu các tập thơ, 14 trang thơ màu của 14 lượt tác giả với 38 bài thơ, 4 bài tản văn, tùy bút, 3 bài nhàn đàm. Với tổng số 1.773 bài thơ - một con số không hề nhỏ, chứng minh một cách thuyết phục cho sự đam mê, yêu mến và say thơ ca của người yêu thơ biết là nhường nào!      
   Thơ là không gian đa chiều của thế giới nội tâm thăm thẳm, mênh mông không bờ không bến, có lúc nó sâu lắng, êm đềm, có lúc lại cuồn cuộn ào ạt như thác lũ, mưa nguồn, có lúc rả rich như mưa đêm dai dẳng không dứt trong nuối tiếc và hoài vọng…
   Để dễ theo dõi tôi xin điểm thơ theo các chủ đề: Quê hương, đất nước, tình yêu, gia đình, sự đổi thay, mong muốn, hoài vọng và cả những thất vọng khổ đau…
   Quê hương đất nước được đông đảo các nhà thơ đề cập đến với tấm lòng sâu nặng, nhớ thương, hoài vọng, vời vợi, da diết, chân thành:
Muốn làm một chiếc lá xanh
Trải lên đất mẹ dệt thành hồn quê
Muốn làm vạt cỏ triền đê
Nghe sông hát khúc nhạc quê yên bình
              (Muốn làm…, Nguyễn Văn Thích)
   Đại sứ Trần Trọng Toàn tả “Khoang Xanh - Suối Tiên” như “tiếng ru hoài ngàn năm” của quê hương, đất nước làm “ngẩn ngơ” du khách mà “quên lối về”:
Núi đồi cây xanh ngát
Cổ thụ đứng mặc trầm
Suối nước trong lạnh mát
Tiếng ru hoài ngàn năm…
Thác đổ tung bọt nước
Ánh bảy sắc cầu vồng
Vòm cây vương giọt nắng
Từ nôi trời mênh mông
… Đắm say lòng lữ khách
Ngẩn ngơ quên lối về…
   Cảnh xưa ở làng quê đã đổi thay theo thời cuộc, nhưng ký ức thì vẫn vẹn nguyên trong tâm tưởng những người con xa quê:
Cảnh xưa giờ đổi thay rồi
Sông sâu còn đó núi đồi còn đây
Lũy tre vẫn thế ken dày
Bóng đa lẫn với trời mây một màu
Và em vẫn mảnh áo nâu
Sớm chiều đồng cạn đồng sâu cấy cày
(Cảnh cũ người xưa, Nguyễn Ngọc Chiến)
   Nỗi lòng của những người “gần đất xa trời” như một lời nhắn nhủ chân thành với bạn bè, với quê hương trong thơ Phạm Văn Thết:
Hạc xuân chắc chẳng còn dài
Cha về với bạn kẻo mai khó tìm
Quê hương thổn thức con tim
Cha về tạ lỗi tổ tiên đôi lời
         (Về cố hương, Phạm Văn Thết)
   Tạ Duy Phán “uống ân tình”, “uống” trời đất, “uống” quê hương đất nước  như một cách bày tỏ nỗi lòng mình rất độc đáo:
Ngửa mặt thì uống áng mây
Cúi lưng lại uống đất dày màu xanh
Uống ân tình đã vây quanh
Nằm ngồi đi đứng đã thành hồn tôi
Xuống sông thấm nỗi lở bồi
Lên rừng uống cả sương rơi gió ngàn
                 (Uống và say, Tạ Duy Phán)
   Người mẹ là chủ đề được nhắc đến trong rất nhiều bài thơ gây xúc động, để lại nhiều ấn tượng cho người đọc:
Dòng đời lớp lớp sóng triều
Tình người thổn thức bao điều ngày xưa
Mẹ từng năm nắng mười mưa
Tóc con giờ cũng bạc phơ bóng chiều
Ru con mẹ khóc phận Kiều
Ru đời; Mẹ cũng bấy nhiêu phong trần
(Thanh minh nhớ mẹ, Nguyễn Khắc Khoan)
   Nguyễn Đình Triển “thắp nén hương trầm”, mà rưng rưng một nỗi nhớ thương người mẹ đã khuất:
“Rưng rưng… thắp nén hương trầm
Gửi về cõi mẹ muôn phần nhớ thương
Biết đời là cõi vô thường
Mà sao vẫn nghẹn nỗi buồn cách xa.
(Thắp nén hương tâm, Nguyễn Đình Triển)
   Dù có đi cuối đất cùng trời, cuối cùng người ta cũng hướng về nơi “chôn nhau cắt rốn”, thời thơ ấu, nơi bố mẹ mình an nghỉ với nỗi nhớ khôn nguôi:
Bao năm sống ở phương xa
Vẫn đau đáu nhớ quê nhà khôn nguôi
        (Về quê tảo mộ, Phạm Nhật Minh)
   Con người ta trong cuộc đời có lúc thăng, lúc trầm, có lúc lên cao, có lúc sa cơ, lỡ bước… nhưng “bến nhân gian” bao giờ cũng mở rộng vòng tay thân thương đón những đứa con lỡ bước quay về:
Trăm năm mấy cuộc đổi dời
Bến nhân gian, đó là nơi của mình
             (Bến nhân gian, Lê Thanh Long)
   Vũ Duy Hưởng nói về cái “Chợ quê”  cũng là nói về cuộc sống nghèo khổ của người dân xưa một cách rất chân thực, giản dị nhưng gây được ấn tượng cho người đọc:
Chợ quê mua bán cái nghèo
Con cua cũng óp, con heo cũng gầy
Nắm rau lang, mớ bèo tây
Người mua, người bán đong đầy nỗi lo
   Con người, cuộc sống, làng quê đổi thay, những hồ ao sông ngòi bị san lấp, có những con sông vẫn còn nhưng coi như đã chết vì bị ô nhiễm nặng nề, Xuân Thật luyến tiếc những kỷ niệm từng gắn bó với bao nỗi niềm vui buồn xen lẫn:
Tôi ngồi khóc một dòng sông
Dòng sông đang chết bởi không tình người
(Tôi ngồi khóc một dòng sông, Xuân Thật)
   Ta hãy nghe Đàm Quyên nói về những người thơ như cười cợt với chính mình, chị cười một cách hóm hỉnh, vui vẻ:
Tiêu xài bằng mấy câu thơ
Bán thời gian bán cả giờ nghĩ suy
… Sóng đời như thể từng cơn
Lô xô từng khúc dập dồn từng giây
Có khi phẳng lặng bàn tay
Chân không buồn bước nhíu mày cũng không
Tiêu xài ai có mua không
Câu thơ lội cạn vớt dòng ưu tư
                            (Tiêu xài, Đàm Quyên)
   Có một điều lạ trên đời là có người thơ   lại uống rượu “nhắm” với thơ nữa đấy:
… Ta tìm nhắm lại lời thơ
Làm mồi cho rượu, lơ mơ những chiều
… Người làm rơi ánh mắt cười
Ta đem gói lại, giấu người cất đi
Bây giờ nước mắt tràn mi
Ta đem ra nhắm cùng ly rượu đầy
                      (Rượu sầu, Nguyễn Thị Bình)
   Nguyễn Thị Bình nói về thơ như đôi tình nhân bên nhau không thể tách rời:
Ta cùng thơ mỗi chiều mơ
Đắm vào nhau nỗi mơ hồ thực hư
Niềm vui nếm trải mơ hồ
Những gì dẫu mất, riêng thơ vẫn còn!
Đêm dài cùng ngắm trăng non
Thơ cùng ta, mặc mất còn, cứ say!
   Lê Đức Trưởng nói về cái “chiếu văn chương” của những người thơ:
Tươi giòn rồi cũng tàn hoa
Thấp cao rồi cũng chỉ là khói sương!
Đã ngồi chung chiếu văn chương
Thì dù dưới đất trên giường vẫn vui
         (Thơ hai câu, Lê Đức Trưởng)
   Nói về con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, Trần Duy Quý ví dáng lan như dáng mỹ nhân, hay mỹ nhân đẹp như hoa lan:
Thăm vườn lan sáng xuân nay
Muôn hồng ngàn tía đắm say tình người
Hương thơm quyến rũ tuyệt vời
Dáng lan như cả một trời mỹ nhân
             (Thăm vườn lan, Trần Duy Quý)
   Nói về những thăng trầm lịch sử, những rêu phong thành quách một thời với nỗi lòng hoài cổ, với nỗi buồn, hụt hẫng như chính mình mất mát đi một cái gì thiêng liêng, sâu đậm.
   Nguyễn Văn Doanh nói về thành đá Nhà Hồ rêu phong, đổ nát:
Hỏi đá! Đá im lời
Vẹt đêm ngày thương nhớ
Quyền uy rồi sụp đổ
Thành mờ trong sương rơi
         (Đừng làm đau phiến đá, NVD)
Người vùi bãi bể nương dâu
Kẻ nằm gửi xác hang sâu suối ngàn
Ta về mờ mịt nhân gian
Chùa xa cứ đổ chuông tàn giọt rơi…
   Trong cuộc sống vui ít, buồn nhiều, con người nhiều lúc cô đơn, cô đơn trong tâm tưởng và cả trong cuộc sống, mùa đông gió lạnh xạc xào, nỗi trống trải lại càng xâm chiếm tâm hồn:
Đêm đông gió lạnh tràn về
Mong manh áo mỏng, ta về nhà ta
Nhà ta gần với người ta
Cách vài con ngõ mà xa vời vời
          (Đêm đông, Nguyễn Thị Bình)
   Nguyễn Thị Tuấn Uyển nói về một tình yêu đã xa vời vợi, nhưng vẫn còn thổn thức trong ký ức hôm nay:
Gió đồi mua miên man ai gọi
Lại rung lên nhịp đập ban đầu
Gối ký ức để lên lồng ngực
Hoa sữa lại bay về ngập khoảng trời riêng
(Bâng khuâng gửi gió,
                         Nguyễn Thị Tuấn Uyển)
   Quỳnh Mai nói về nỗi cô đơn của hai hồn người; của “một mảnh trăng nghiêng” “Ghé thăm hồn cô quạnh”:
Có một mảnh trăng nghiêng
Ghé thăm hồn cô quạnh
Nhớ người, lòng tê điếng
Ta, một mảnh trăng nghiêng
                (Viếng mộ, Quỳnh Mai)
   Còn Phạm Văn Thết lại nói về kỷ niệm xưa với “một khóm hoa hồng”:
Đường đời còn lắm chông gai
Say tàn cơn mộng, hồng ai vẫn còn
           (Khóm hoa hồng, Phạm Văn Thết)
   Trần Duy Quý tâm sự về sự chia ly, mất mát, cô đơn của người phụ nữ trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại:
Bằng lăng tím sẫm một màu
Chiến tranh qua vẫn trên đầu mình em
Bao mùa lá rụng bên thềm
Bao mùa trăng đổ bạc trên tóc gầy
   (Bằng lăng tím, Trần Duy Quý)
   Thời gian trôi đi, con người và xã hội  đổi thay, Bành Phương Lan nói về một thực trạng xã hội ngày nay trong bài “Đám cưới mẹ”:
Thêm lần bước xuống đò ngang
Bồng theo cả tiếng ru sang nhà người
Mẹ đi tìm lại nụ cười
Con về nhặt tiếng à… ơi của bà…
   Vũ Thị Minh Thu trong bài “Hoa cỏ may” nói về cô gái xưa đi lấy chồng như giọt mưa rơi, như con đò “sang sông” nhìn bông cỏ may mà nghĩ đến phận mình làm thân con gái 12 bến nước biết bến nào đục, bến nào trong, may thì được nhờ, rủi thì phải chịu, như kiếp cỏ hoa “Loài trong bình quý, kẻ hòa gió sương”:
Cỏ may hoa dại ven đường
Người qua, người lại chẳng vương tơ lòng
Hôm nay có khách má hồng
Sang sông nhìn thấy mà lòng xót xa
Cũng là một kiếp cỏ hoa
Loài trong bình quý… kẻ hòa gió sương
          (Hoa cỏ may, Vũ Thị Minh Thu)
   Tình yêu luôn luôn hiện hữu trong thơ ca, một đề tài muôn thuở, không có tận cùng, không có kết thúc:
Anh nghe tiếng nước sông Cầu
Lơ thơ… như lời em hát
Câu ca dao nào xanh mát
Cho anh thương đến bây giờ
            (Sông Cầu, Nguyễn Đình Triển)
   Phùng Tường trong bài “Về miền thương nhớ” nghĩ về Đông Côi, chợ Hà, về “cô hàng xén” ở cái thời như đã quá xa vời:
Đã lâu rồi không về Đông Côi
Sông Đuống xuôi trôi, chợ Hà thầm nhắc
Anh có về với tiếng gọi Luy Lâu
Những cô hàng xén bây giờ ở đâu?!
Và:
Em lấy chồng rồi ở tận mãi đâu đâu…
Chỉ còn mình sông Đuống -
           Đôi bờ vẫn ngát nương dâu…!
   Mảng thơ thế sự, được nhiều người quan tâm, rút ra từ trong chính cuộc sống của  mình từng trải qua và những điều mắt thấy tại nghe:
Tôi trở về nghe tiếng mẹ đưa nôi
Câu hát ru cánh cò bay trong nắng
Ngôi nhà xưa vẫn còn… giờ trống vắng
Dòng sông xưa trẻ nhỏ vẫn đùa vui
Mà trong tôi lòng dạ bùi ngùi
Năm tháng qua đi giờ tôi trở lại
Ngô xanh mướt trên bãi bờ thoai thoải
Tiếng ai xa… Vọng lại gọi đưa đò.
      (Có một dòng sông, Đào Kim Quy)
   Mai Văn Hoan trong bài “Rượu quê” lấy rượu để nói về cái “chất men quê nhà”, về thế sự, về nỗi lòng mình:
… Đã từng nếm rượu trăm miền
Vẫn không quên được chất men quê nhà
… Men quê đã ngấm vào hồn
Rưng rưng còn mất, chập chờn hợp tan…
Mặc đời bao nỗi bi hoan
Gặp nhau ta cứ say tràn cung mây!
Khi nào về với cỏ cây
Chỉ xin rưới một chén đầy… rượu quê!
            (Rượu quê, Mai Văn Hoan)
   Quá khứ, hoài niệm trong kí ức xa xôi nhiều lúc nổi lên cồn cào trong tâm tưởng những người thơ một nỗi buồn luyến tiếc khôn nguôi:  
Ta về tìm lại bóng ta
Của ngày xưa ấy còn là hôm nay
… Về tìm sợi tóc trên đầu
Hoa tầm xuân nở trắng phau cả rồi
(Tìm lại ngày xưa, Nguyễn Văn Doanh)
   Quy luật tự nhiên là vô cùng khắc nghiệt, cái cũ mất đi để cái mới ra đời, ta phải chấp nhận, không có gì cưỡng lại được:
Cái mất nuôi sống cái còn
Giầu nghèo rồi cũng bước mòn thời gian
Anh đem tuổi trẻ tặng nàng
Em đem hoa trái nở vàng muôn sau
        (Lê Thanh Long, Em và anh)
   Trong bài “Tiễn Xuân” Trần Đức Trí nói về cái xuân thì, xuân sắc, tuổi thanh xuân - mùa xuân cuộc đời đang dần trôi đi, mất đi, không gì cưỡng lại được quy luật của tạo hóa, hình ảnh “hoa đào” là vẻ đẹp tuổi xuân của con người, “chôn hoa đào” là cách nói hình tượng về sự mất mát của tuổi thanh xuân:
Ai ngồi đếm tiếng chuông rơi
Vẳng nghe tiếng nhạn lạc trời mà đau
Xa xôi đứt mấy nhịp cầu
Vườn xưa còn ngát hương cau quê nhà
Áo em mờ tím hoa cà
Mẹ già ngả bóng như là hoàng hôn
Xuân đi lành lạnh trong hồn
Mưa phùn gió bấc về chôn hoa đào
   Vẫn còn rất nhiều bài thơ, câu thơ mà  tác giả bài viết muốn điểm qua, muốn nói tới, nhưng bài viết đã dài, để kết thúc xin được gửi đến bạn đọc bài thơ “Trường Xuân gửi bạn xa gần” như một lời tri ân, một lời cảm ơn chân thành:
Trường Xuân đứng giữa cõi đời
Bao người gửi gắm, bao người mến yêu
Câu thơ bay dọc ngọn triều
Bài văn ấp ủ một chiều thoát thai

Em như hoa bưởi hoa nhài
Gửi người nắng ấm ban mai mặn nồng
Trường Xuân cuồn cuộn tóc bồng
Còn như cô gái tuổi hồng đang xuân

Nắng vàng nâng nhẹ bước chân
Đã yêu thì đến chớ ngần ngại xa
Trường Xuân trong ngọc trắng ngà
Xuân em mãi mãi vẫn là mãi Xuân

Trường Xuân kết bạn xa gần
Dắt tay nhau đến cõi thần tiên thơ.
                  Hà Nội ngày 02/4/2017
                         Lê Thanh Long

Chủ tịch Thi đàn Bình thơ Trường Xuân Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét