Thứ Ba, 5 tháng 11, 2019

SÁCH MỚI RA "Gió sương ấm lạnh Truyện Kiều"


SÁCH MỚI RA
“Gió sương ấm lạnh Truyện Kiều”
Truyện Kiều ra đời cách nay 200 năm, thời gian như nước chảy mây trôi, đã có biết bao nhiêu sự biến đổi về lịch sử, văn hóa, con người… Truyện Kiều như một cây tùng xanh vẫn sừng sững bên trời.
Hai trăm năm - một tác phẩm với hàng ngàn công trình nghiên cứu khen chê lớn nhỏ, trải dài trong suốt hơn hai trăm năm từ khi ra đời cho đến nay. Không ai có thể nói hết được cái hay, cái huyền bí, kỳ lạ của Truyện Kiều. Sự tranh luận khen chê làm nên sự hấp dẫn của nó.

Cuốn sách “Gió sương ấm lạnh Truyện Kiều” nội dung chủ yếu nêu lên sự khác biệt giữa Kim Vân Kiều truyệnTruyện Kiều trên phương diện ngôn ngữ thơ và trả lời ông Đổng Văn Thành, Trung Quốc về những đánh giá không đúng của ông về một số câu thơ trong Truyện Kiều.


Trong những năm gần đây có cuộc tranh luận giữa giáo sư Đổng Văn Thành với các học giả Việt Nam. Cuộc tranh luận bắt đầu nổ ra khi giáo sư văn học Trung Quốc tại trường đại học Liêu Ninh cho công bố lần đầu tiên trên Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng, số 4 (tháng 6.1986) và số 5 (tháng 9.1987) bài viết “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam”. Bài viết này đã được nhà nghiên cứu PGS. Phạm Tú Châu dịch sang tiếng Việt. Bản dịch lúc đầu chỉ được lưu hành dưới dạng bản thảo đánh máy và sau đó mới được in trong cuốn “200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều”, NXB Giáo dục, Hà Nội 2005. Mặc dù không được công luận văn học rộng rãi biết đến, bài viết của học giả Trung Quốc này đã gây ra những chấn động lớn trong giới nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu về Truyện Kiều ra đời trong thời gian này ở Việt Nam là những “đối thoại ngầm” với tác giả Đổng Văn Thành.
Từ khi ông Đổng Văn Thành đưa ra vấn đề so sánh Kim Vân Kiều truyện với Truyện Kiều đến nay cũng đã 32 năm trôi qua (1986 - 2018) và bài viết này cũng phải qua 19 năm mới được công bố chính thức ở Việt Nam (1986 - 2005). Qua đó ta thấy vấn đề này khá tế nhị, có nhiều điều phải đắn đo, lo ngại, thận trọng…
Đến nay các công trình nghiên cứu mới đã làm sáng tỏ được nhiều vấn đề và góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng nghiên cứu giá trị đích thực của Truyện Kiều và Nguyễn Du. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều vấn đề cần được bàn thảo thêm.
Do đây là cuốn sách viết có tính chất phổ thông cho rộng rãi quần chúng yêu Truyện Kiều và Nguyễn Du đọc, nên tác giả chỉ trich dẫn những tài liệu chính.
Cuốn sách được chia làm 18 chương.
Trong đó chương I nói về tác giả và tác phẩm Thanh Tâm Tài Nhân và Nguyễn Du.
Chương II nói về bài viết của ông Đổng Văn Thành và chương IV là những trả lời của tác giả về những câu thơ trong Truyện Kiều mà ông Đổng Văn Thành hiểu không đúng.
Mười bốn chương còn lại nói về nghệ thuật Truyện Kiều. Đó là phần chính của cuốn sách, phần này là những nghiên cứu riêng của bản thân tác giả về Truyện Kiều và Nguyễn Du.
Sự khác biệt giữa Kim Vân Kiều truyệnTruyện Kiều, nếu nói một cách hình ảnh, thì Nguyễn Du chỉ lấy bộ khung của Kim Vân Kiều truyện, rồi đắp thêm da, thêm thịt, thay bộ não mới để thành một Truyện Kiều toàn mỹ. Cũng tương tự như thế, cô Kiều trong Kim Vân Kiều truyện được thay hình đổi dạng, bồi đắp thêm tri thức, tấm lòng nhân văn yêu mến con người và nội tâm đa dạng, để thành một cô Thúy Kiều mới đa diện của Truyện Kiều Nguyễn Du.
Nghệ thuật Truyện Kiều là nghệ thuật của thơ lục bát, những đặc trưng ngôn ngữ thơ của riêng Nguyễn Du. Thơ lục bát Nguyễn Du là thơ tả thực, thơ tượng trưng, ước lệ, ẩn dụ, câu chữ tinh diệu, cảnh có tình, phân tích tâm lý nhân vật và miêu tả nội tâm một cách tài tình…
Hai khác biệt quan trọng nhất là diễn tả nội tâm và ngôn ngữ thơ của Nguyễn Du so với Thanh Tâm Tài Nhân.
Đọc Truyện Kiều ta nhận ra, bất kỳ loại hình nào từ tả cảnh, tả tình, miêu tả tâm lý nhân vật, miêu tả hình dáng, tính cách nhân vật, độc thoại, kể chuyện, trần thuật… không nhiều thì ít, Nguyễn Du đều dùng phương pháp tượng trưng, ước lệ, ẩn dụ tu từ, vì vậy đọc hết 3254 câu thơ lục bát ta không hề thấy chán, từ đầu đến cuối luôn thấy mới và hấp dẫn.
Nguyễn Du là bậc thầy phân tích tâm lý. Thơ độc thoại miêu tả nội tâm, tâm trạng, nỗi lòng nhân vật thần diệu trong Truyện Kiều tràn ngập khắp nơi, lên tới 578 câu, chiếm trên 17,76%; một tỉ lệ rất cao và hết sức đặc biệt trong một truyện thơ.
Nguyễn Du đã sáng tạo ra một loại hình thơ lục bát mới. Ông là một thiên tài thơ - một đại thi hào dân tộc. Truyện Kiều đã tồn tại 200 năm và sẽ còn tồn tại mãi mãi là minh chứng cho giá trị đích thực của Truyện Kiều - một kiệt tác văn chương.
Thơ lục bát là loại hình thơ của riêng dân tộc Việt Nam được Nguyễn Du nâng lên tầm cao tuyệt đỉnh. Nguyễn Du xứng đáng được UNESCO vinh danh danh nhân văn hóa thế giới.
Ngoài ra, đời thực và nội tâm sâu kín của Nguyễn Du qua những vần thơ chữ Hán cũng được tác giả phân tích làm sáng rõ những nội dung ẩn chứa sau những con chữ.
Cuốn sách ra đời, mong có thêm một vài món ăn tinh thần khác khẩu vị. Độc giả sẽ được đọc những điều mới mẻ bổ ích, lý thú, chưa từng được đọc.
“Gió sương ấm lạnh Truyện Kiều”
Thời gian mới tỏ sáng điều ẩn sau.
Trăm năm mấy cuộc bể dâu
Những điều Người thấy còn đau đến giờ!

Liên hệ: Lê Thanh Long 0822098772

Sau đây chúng tôi đăng tóm tắt một đoạn trong cuốn sách:

CHỮ NGHĨA TRONG TRUYỆN KIỀU
                                                                      
Truyện Kiều ra đời cách nay 200 năm, thời gian như nước chảy mây trôi, đã có biết bao nhiêu sự biến đổi về lịch sử, văn hóa, con người… Truyện Kiều như một cây tùng xanh vẫn sừng sững bên trời.
Hai trăm năm - một tác phẩm với hàng ngàn công trình nghiên cứu khen chê lớn nhỏ, trải dài trong suốt hai thế kỉ từ khi ra đời cho đến nay. Không ai có thể nói hết được cái hay, cái huyền bí, kỳ lạ của Truyện Kiều. Sự tranh luận khen chê làm nên sự hấp dẫn của nó.
Trong phạm vi bài viết này tôi xin đưa ra ý kiến riêng của mình về một vài câu chữ đang còn có nhiều ý kiến khác nhau. Đó là các từ ngậm gương, dàu dàu, áy, các câu thơ “Khi khóe hạnh khi nét ngài”, “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”.
1. Ngậm gương là gì?
Các từ ngữ Nguyễn Du sáng tạo trong Truyện Kiều hết sức độc đáo, vẫn làm cho người đọc ngày nay ngỡ ngàng, thán phục, như câu thơ:
1091. Chim hôm thoi thót về rừng
Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành
Chữ “thoi thót” cho đến ngày nay chưa có ai dùng.
Hai câu thơ trên Nguyễn Du tả thời khắc Thúy Kiều đợi Sở Khanh đến đón đi trốn khỏi lầu Ngưng Bích.
 “Thoi thót” chỉ sự vội vã, lẻ tẻ, rời rạc từng con, từng đôi chim đang gấp gáp bay về tổ. “Thoi thót” chỉ buổi chiều hôm chập choạng, ánh sáng sắp tắt, đêm tối sắp ập đến, ánh ngày sắp tắt.
Thúy Kiều đợi Sở Khanh từ lúc hoàng hôn, khi “Chim hôm thoi thót về rừng”, đến lúc trăng mọc, lên cao dần và đến khi “Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành”.
Câu thơ này không phải là câu thơ dễ hiểu. “Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành” là thế nào? “Đóa trà mi” làm sao có thể “ngậm” được “gương nửa vành” - tức là vành trăng khuyết.
Thúy Kiều đợi Sở Khanh từ chiều hôm, cho đến tối, rồi trăng mọc từ chân trời, nhô dần lên. Trước mặt Thúy Kiều có một khóm trà mi, nhô lên cao là một bông hoa trà mi. Khi trăng từ từ nhô lên, đến một lúc nào đó, mắt Thúy Kiều, đóa trà mi và mặt trăng hạ huyền nằm trên một đường thẳng, lúc này Thúy Kiều nhìn thấy “đóa trà mi đã” nằm lọt trong “gương nửa vành”, tức là đóa trà mi đã che khuất một phần ánh sáng mặt trăng “nửa vành”. Nguyễn Du muốn diễn tả trăng nửa vành mới ló lên ở chân trời, Thúy Kiều nhìn thấy ngang với đóa trà mi.
Nguyễn Du dùng từ “ngậm gương” với ý nghĩa là “che khuất ánh sáng” của mặt trăng. Gương nga là hình ảnh ánh sáng mặt trời phản chiếu từ mặt trăng xuống trái đất, mặt trăng như một cái gương phản chiếu ánh sáng.
Sau đây là những câu thơ Nguyễn Du dùng từ “ngậm gương” với ý nghĩa là che khuất.
1119. Đêm thâu khắc lậu canh tàn
Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương
Câu thơ này nằm trong đoạn Sở Khanh đang đưa Thúy Kiều đi trốn. Thúy Kiều và đoàn người ngựa đang đi ở bìa rừng. “Lậu” là đồng hồ nước nhỏ giọt, bên trong chứa nước, có mũi tên khắc độ, xem đó biết thời khắc của ngày.
Ở đây “trăng ngàn” không phải là trăng ở rừng núi, từ ghép. “Trăng ngàn ngậm gương” là trăng đã bị rừng núi “ngậm gương”, tức là trăng đã bị rừng núi che khuất, hay trăng đã lặn xuống dưới núi.
425. Ngày vui ngắn chẳng đầy gang,
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài
Ác là mặt trời. Mặt trời đã lặn xuống dưới dãy núi phía tây, hay dãy núi phía tây đã che khuất ánh sáng mặt trời.
1370. Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương
Thỏ là mặt trăng. Mặt trăng đã lặn xuống dãy núi phía tây, hay là dãy núi phía tây đã che khuất ánh sáng mặt trăng.
2. Dàu dàu
Nguyễn Du mô tả mộ Đạm Tiên:
57. Sè sè nấm đất bên đàng,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
Dàu dàu được chú thích: Trạng thái cỏ bị héo úa tàn tạ.
Sè sè và dàu dàu là hai từ láy song đôi. Sè sè là nấm đất (nấm mồ) thấp lè tè, hơi nhô lên khỏi mặt đất. Dàu dàu là cỏ mới mọc, mới nhô lên còn thấp lè tè lá nửa đã xanh nửa còn vàng nõn chuối (còn non), chứ không phải cỏ bị héo úa, tàn tạ, đã héo úa tàn tạ thì làm gì còn “nửa vàng nửa xanh” nữa.
Ở phần trên Nguyễn Du tả quang cảnh lễ tảo mộ và hội đạp thanh:
41. Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Nguyễn Du tả rõ ràng cả một vùng là “cỏ non”.
Sau đó khi Kim Trọng trở lại chỗ gặp Thúy Kiều thì giờ đã:
261. Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu.
Một vùng chỉ có “cỏ non”, rồi “cỏ mọc xanh rì”, làm sao trên nấm mộ lại lẫn vào một đám cỏ bị héo úa, tàn tạ được.
3.Áy
97. Một vùng cỏ áy bóng tà,
Gió hiu hiu thổi một và ngọn lau
Các sách chú thích: Cỏ áy là cỏ úa vàng.
Theo ý chúng tôi, “Cỏ áy” là cỏ bị ánh chiều tà (bóng tà) chiếu vào ánh lên một màu vàng nhợt nhạt. “Một vùng cỏ áy bóng tà” là cả một vùng cỏ bị ánh chiều tà chiếu vào làm ánh lên một màu vàng nhợt nhạt. Và “gió hiu hiu thổi” làm lay động “một và ngọn lau”. Nguyễn Du vẽ nên một quang cảnh buồn hiu hắt, lúc chiều tà.
4. Khi khóe hạnh, khi nét ngài
Câu thơ này đã tốn khá nhiều giấy mực của các nhà khảo cứu và chú giải Truyện Kiều, nhưng đến nay cũng chưa thể thống nhất ý kiến được.
Câu thơ này nằm trong đoạn bí quyết Tú Bà dạy cho Thúy Kiều và các cô gái lầu xanh.
Các nhà bình luận thắc mắc tại sao bí quyết dạy làm tình của Tú Bà lại lọt vào một câu thơ hay như vậy?
Đoạn thơ đó như sau:
1205. Mụ rằng: “Ai cũng như ai,
Người ta ai mất tiền hoài đến đây.
Ở trong còn lắm điều hay,
Nỗi đêm khép mở nỗi ngày riêng chung.
Này con thuộc lấy làm lòng,
Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề.
Chơi cho liễu chán hoa chê,
Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời.
1213. Khi khóe hạnh, khi nét ngài,
Khi ngâm ngợi nguyệt khi cười cợt hoa”.
Câu thơ “Khi khóe hạnh khi nét ngài”, chia hai vế: khi… thế này, khi… thế kia.
Vậy “khi khóe hạnh” là gì?
Theo cách viết của Nguyễn Du, ta có thể hiểu từ “khóe hạnh”, nó là từ ghép của hai từ “mánh khóe” và “đức hạnh”. Vậy “khi khóe hạnh” là “khi mánh khóe đức hạnh”.
Vậy “khi mánh khóe đức hạnh” là gì? Đây không phải là hành động chinh phục khách làng chơi, mà là thủ đoạn chinh phục. “Khi mánh khóe đức hạnh” tức “khi khóe hạnh” là cách đóng kịch, dùng lời nói, dùng hành động của mình, dùng tài ứng biến, thuyết phục khách làng chơi rằng mình là con nhà lành, đức hạnh, thùy mị, lỡ cơ, bị ép buộc bán vào lầu xanh, làm mủi lòng, làm mê hoặc những kẻ giầu có, nhẹ dạ cả tin, giống như ngày nay các cô cave đóng giả là sinh viên, nghệ sĩ, hoa khôi, á hậu…
Còn cụm từ “khi nét ngài” lại là phương thức hành động, cách thức hành động. Đó là cách dùng đường nét cơ thể, cử động cơ thể, những bộ phận cơ thể nhậy cảm… để chinh phục khách làng chơi. “Nét ngài” là hình dáng, đường nét cơ thể, sẽ được trình bày trong câu thơ “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” ở mục 5 bên dưới.
Câu thơ:
“Khi ngâm ngợi nguyệt khi cười cợt hoa”
Là khi đàn hát, ngâm thơ dưới trăng, khi nở nụ cười làm duyên, nụ cười đẹp như hoa. Khi đàn hát, ngâm thơ là thể hiện người có học thức, có kiến thức, có tài năng, thể hiện phẩm chất xuất thân từ con nhà quyền quý, con nhà lành, khi các cô gái tiếp đón khách làng chơi con nhà giầu có quyền quý, có học vấn. “Khi cười cợt hoa” là hành động quyến rũ khách làng chơi bằng nụ cười xinh xắn, đẹp đẽ.
5. Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Câu thơ này Nguyễn Du không tả khuôn mặt và lông mày Thúy Vân, mà ông tả hình thể của cô Thúy Vân.
“Khuôn trăng” là chỉ cặp vú đẹp, tròn trĩnh như nửa vầng trăng. “Khuôn trăng đầy đặn” là chỉ cặp vú vừa “đầy đặn” thôi, vừa đẹp của cô gái mới lớn; tuổi trăng tròn (15 tuổi - cái tuổi được cài trâm). “Khuôn trăng đầy đặn” là Nguyễn Du tả bộ ngực của cô Thúy Vân.
Con ngài có cái eo thon nhỏ, có cái bụng phình to, giống như con ong. “Nét ngài” là chỉ hình dáng, đường nét uốn lượn của eo và hông Thúy Vân giống như đường nét con ngài, từ “nở nang” trong trường hợp này mới hợp với từ “nét ngài” và bổ sung cho từ “nét ngài”. Như vậy, “nét ngài nở nang” là chỉ hình dáng uốn lượn cái eo thon nhỏ, cái mông nở nang của cô Thúy Vân rất đẹp. Theo từ ngữ thời hiện đại ngày nay thì Nguyễn Du tả hình thể cô Thúy Vân: vòng 1: cặp vú “khuôn trăng đầy đặn”, vòng 2: cái eo thon nhỏ như con ngài, con ong, vòng 3: cặp mông nở nang như nét con ngài “nét ngài nở nang”. Nhan sắc của cô Thúy Vân này chắc phải đứng vào hàng ngũ các hoa hậu.
Truyện Kiều hấp dẫn, lôi cuốn là ở sự kì bí của văn chương, những câu chữ có thể ví như những kì hoa dị thảo và cũng chính điều đó kích thích sự nghiên cứu tìm hiểu và tranh luận kéo dài hàng thế kỉ nay.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét