Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

NIỀM SAY THƠ CỦA NGƯỜI NHÀ QUÊ CHÂN ĐẤT ĐỒNG ĐỨC BỐN

NIỀM SAY THƠ CỦA NGƯỜI NHÀ QUÊ CHÂN ĐẤT ĐỒNG ĐỨC BỐN Đồng Đức Bốn là một nhà thơ, ông bắt đầu sáng tác thơ từ cuối những năm 1980, ông mất khi mới 58 tuổi (1948 - 2006). Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Rất nhiều công trình nghiên cứu, rất nhiều nhận xét, đánh giá về thơ lục bát Đồng Đức Bốn. Ông đoạt được nhiều giải thưởng của báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Tiền Phong… Cuộc đời của Đồng Đức Bốn thật kỳ lạ. Xuất thân từ đồng đất quê mùa, nhà nghèo, ít được học hành, vốn chữ nghĩa chẳng được là bao. Vậy mà chàng trai quê Hải Phòng ấy với một túi thơ lục bát đã dám hăm hở xông thẳng vào chốn cung đình thơ ca, gõ cửa nhà những giáo sư, tiến sĩ, các nhà thơ đã thành danh với sự liều mình hiếm thấy… Những câu thơ lục bát đã đưa Đồng Đức Bốn vào đời, tranh đấu để tồn tại, đứng vững… bước lên văn đàn tự tin “Tôi là thi sĩ đồng quê/ Dám đem lục bát làm mê cung đình”. THỬ GIẢI MÃ BÀI THƠ “CHĂN TRÂU ĐỐT LỬA” Khoảng 1992-1993, Đồng Đức Bốn lúc này đang ở giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời mình. Tang cha, tang mẹ, tang con... túi rỗng không, đau đớn về tinh thần, nhưng với niềm khát khao thơ ca khôn nguôi, ông cho ra đời tập thơ thuần lục bát nhan đề “Chăn trâu đốt lửa”, lấy tựa đề theo tên một bài thơ: CHĂN TRÂU ĐỐT LỬA Chăn trâu đốt lửa trên đồng Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều Mải mê đuổi một con diều Củ khoai nướng để cả chiều thành tro. Bình bài thơ này từ những câu chữ đã lộ rõ ra thì không có gì là khó. Nhưng hiểu được những điều gì đó thực sự ẩn sau nó thì không phải dễ. Trẻ chăn trâu lấy đâu ra đủ rạ rơm đốt lửa để chống chọi với cái gió đông tràn ngập trên cánh đồng mênh mông sau mùa gặt. Đúng quá. Thật quá. “Chăn trâu đốt lửa trên đồng/ Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều”. Nếu ta đọc qua thì cũng chỉ thấy bài thơ lục bát nói về thời chăn trâu thần tiên hay hay là lạ vậy thôi. Đốt lửa trên đồng bằng rơm rạ, mà gió đông thổi ào ào thì chỉ một loáng là lửa tàn, thì làm sao khoai cháy thành tro được, có khi khoai còn chưa chin ấy chứ, nếu bỏ đấy đi đuổi diều “cả chiều”. Cặp thơ này chẳng đúng với thực tế chút nào, thậm chí hai cặp thơ lục bát còn mâu thuẫn với nhau. Cặp thơ đầu mâu thuẫn với cặp thơ sau “Mải mê đuổi một con diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”. Đồng Đức Bốn có biết hai cặp thơ về nghĩa đen mâu thuẫn với nhau không? Chắc chắn là biết. Nhưng chắc ông có chủ ý riêng của mình. Điều này buộc độc giả phải nghĩ theo hướng khác về các câu thơ, để làm sao bài thơ hợp nhất lại được một cách chặt chẽ, trọn vẹn. Câu thơ bí hiểm này, thực sự tác giả muốn nói về điều gì đây? Mải mê đuổi diều đến nỗi quên cả cái bụng đói, đó là cái tuổi thơ thần tiên của đời người. Câu thơ lột tả được một thời tuổi thơ đầy gian khó, nhưng thoải mái, vô tư, hồn nhiên, trong sáng, thời kỳ chỉ có một lần trong đời và là thời kỳ không bao giờ quên của đời một con người. Đó là ta hiểu trực tiếp câu thơ. Thực ra hai câu thơ đầu tác giả muốn giới thiệu về xuất thân của mình là từ trẻ “chăn trâu” quê mùa “rơm rạ”, đi lên từ vùng quê nghèo với “gió đông” tràn ngập miền đồng bằng duyên hải Hải Phòng “Chăn trâu đốt lửa trên đồng/ Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều”. Đó mới là ý tác giả định nói. Câu thơ thứ hai “Mải mê đuổi một con diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”. Trẻ con thả diều có bao giờ “mải mê” “đuổi” theo con diều? Trẻ con thường giong diều, thả diều, buông diều, chứ mấy khi “đuổi” theo con diều? Cái hành động có vẻ hơi ngược đời đó “Mải mê đuổi một con diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro” có lẽ còn mang một ý nghĩa khác thầm kín, riêng tư gì đây? Câu thơ không chỉ nói về cánh diều tuổi thơ, mà còn có ý nghĩa sâu sắc hơn. Chả thế mà tác giả lấy tên bài thơ này làm tiêu đề cho tập thơ in. Ta mường tượng ra hình ảnh khác, ý nghĩa khác của câu thơ này. Ở đây tác giả không phải miêu tả việc mải mê buông diều, thả diều, mà “mải mê” “đuổi” theo, theo “đuổi” một con diều, con diều mơ ước đang bay bổng trên trời xanh. “Mải mê đuổi một con diều” không phải là con diều thực, mà là con diều hình tượng, con diều thơ, mà Đồng Đức Bốn đang theo đuổi, đang “mải mê” theo “đuổi”. Thì “củ khoai nướng để cả chiều thành tro” cũng không phải là củ khoai thật. Muốn có khoai thì phải trồng trọt. “Củ khoai” là thành quả lao động của người nông dân quê, “củ khoai nướng” là thành quả lao đông của người thơ Đồng Đức Bốn. “Củ khoai nướng” tượng trưng cho tác phẩm văn chương, tác phẩm thơ. Tác phẩm thơ sinh ra từ làng quê như củ khoai, củ sắn, đã “chin” muồi rồi, mà người đời còn chưa chú ý đến, chưa được biết đến. Các tổ chức nhà nước, các Hội Nhà văn còn chưa biết đến. Câu thơ này muốn nói về nỗi buồn của Đồng Đức Bốn, khi người ta còn chưa biết đến ông, đến tác phẩm của ông, mà ông nói lái đi là “để cả” trời “chiều” cũng buồn, trời buồn chuyển “thành” màu “tro”, màu “tro” xám buổi chiều khơi gợi nỗi buồn, “Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”. “Củ khoai nướng” đó chính là tập thơ lấy chính tên bài thơ “Chăn trâu đốt lửa” làm tiêu đề. Có lẽ ở đây tác giả muốn ám chỉ về sự nghiệp văn chương của mình. “Đuổi theo con diều” bay lên trời xanh trước mặt, chỉ có thể là hình tượng “một con diều thơ ca mơ ước”. Niềm mơ ước từ tuổi thơ chân đất chăn trâu cho đến bây giờ đang trở thành hiện thực, tập thơ “Chăn trâu đốt lửa” là một cột mốc văn chương đã “chín”, mong mỏi trở thành nhà thơ có lẽ là niềm mơ ước đã có từ lâu rồi, đang âm ỉ cháy, ước mong thầm kín của tác giả muốn đạt được là có tên trong một tổ chức văn chương của đất nước, liệu người ta có biết, có hiểu được mình. Cái sự nghiệp văn chương thơ phú rực “cháy” trong trái tim và niềm mong mỏi, hy vọng luôn thường trực trong người thơ Đồng Đức Bốn. Đó là mơ ước cháy bỏng của một con người xuất thân từ trẻ chăn trâu, ít được học hành, mong muốn trở thành một nhà thơ đúng nghĩa trong làng thơ Việt Nam, vượt qua mọi khó khăn nghèo đói. Có lẽ đó mới là cái đích của bài thơ muốn hướng tới, ẩn chứa trong trái tim của nhà thơ Đồng Đức Bốn. Có một câu thơ Đồng Đức Bốn viết lúc bệnh ung thư đã chuyển rất nặng, khi đang nằm ở bệnh viện, đầu năm 2006, có liên quan đến bài thơ và tập thơ “Chăn trâu đốt lửa” và cho ta hiểu được ý của tác giả rõ hơn về bài thơ này. Đó là câu thơ ““Chăn trâu đốt lửa xong rồi/ Thì ta trả bút cho trời làm hoa…” (sự nghiệp văn chương của ta đã hoàn thành rồi, thì ta trả bút cho trời). Sau tập thơ lục bát “Chăn trâu đốt lửa”, in năm 1993, là tập thơ “Trở về với mẹ ta thôi”, in năm 2020. Nhà thơ chân đất bước lên văn đàn đầy tự tin, kiêu hãnh. Sự việc lạ nhất là thoắt một cái nhà thơ chân đất Đồng Đức Bốn trở thành Giám đốc Trung tâm Doanh nhân Văn hóa Hải Phòng… Ông thành công, vì rất năng động tiếp cận trực tiếp để tiêu thụ các sản phẩm văn hóa. Đồng Đức Bốn với com lê, ca vát, giầy đen, đăng đàn đọc diễn văn… Hai đêm thơ của ông được tổ chức hoành tráng ở nhà hát Tháng Tám Hải Phòng và Khách sạn Horison Hà Nội. Các nhạc sĩ danh tiếng phổ nhạc thơ ông, còn những ca sĩ trung ương thể hiện ca khúc… Khi ông đến giao lưu đọc thơ cho sinh viên một số trường đại học được vỗ tay hoan nghênh kéo dài hàng phút… Khi đã có tiếng tăm, có lẽ ông sợ mọi người nhìn mình vẫn là chàng trai quê chân đất, nghèo khó, nên hay "khoe" về sự giàu có của mình. Còn bạn bè của Đồng Đức Bốn thì toàn là văn nhân, người nổi tiếng, mấy chục ông Tổng biên tập, nhà văn, nhà thơ có hạng. Đã có lúc, hứng lên ông tấn phong cho mình là kẻ được giao y bát của Nguyễn Du để giữ cho thơ lục bát ở Việt Nam được trường tồn, vinh thăng mãi mãi… Có lẽ đó cũng chỉ là tâm lí thông thường của người đời, thường có chút hoang tưởng đánh giá văn chương của mình cao hơn thực tại, chứ cũng không có gì phải trách cứ nhiều. Chúng ta ai cũng mong muốn có những học trò nối tiếp được sự nghiệp văn chương Nguyễn Du. Sự giầu sang của Đồng Đức Bốn sau này không làm cho thơ ông hay hơn, nhưng có thể làm cho nhiều người biết đến ông và biết đến thơ ông nhiều hơn, thời nay là vậy. Đồng Đức Bốn làm thơ theo cảm xúc, mà không theo lý trí, bài thơ không có ý tưởng định sẵn, người yêu thơ đọc rất thích, hầu như bài thơ nào cũng có những câu thơ tài hoa, nhưng những nhà thơ, nhà văn kỳ cựu, có tiếng tăm thì khó nhận xét phê bình, tuy trong thâm tâm vẫn thấy thích, thích từng câu thơ riêng lẻ, mà khó đánh giá tổng thể toàn bài thơ một cách thật thỏa đáng. Vì vậy Nguyễn Huy Thiệp và Trần Đăng Khoa đôi khi cũng lúng túng, không nhất quán khi đánh giá thơ Đồng Đức Bốn. Tuy vậy đa số những nhà thơ, nhà phê bình, nhà văn có tiếng đều khen thơ Đồng Đức Bốn. Rất nhiều nhạc sĩ có tiếng phổ nhạc thơ ông. Bài thơ “Trở về với mẹ ta thôi” được viết năm 1986, là một bài thơ hay, gây xúc động, đầy tình nhân ái, nó đã động được đến tầng sâu tâm hồn, làm rung động trái tim người đọc “Trở về với mẹ ta thôi/ Giữa bao la một khoảng trời đắng cay/ Mẹ không còn nữa để gầy/ Gió không còn nữa để say tóc buồn/ Người không còn dại để khôn/ Nhớ thương rồi cũng vùi chôn đất mềm…” Năm 2005 Đồng Đức Bốn phát hiện ra mình bị ung thư phổi, sức khỏe giảm sút trầm trọng, đau đớn, nhưng vẫn sáng tác thơ hàng ngày. Ông ngồi lặng lẽ trầm tư nhâm nhi câu thơ mới viết ở bệnh viện “Chăn trâu đốt lửa xong rồi/ Thì ta trả bút cho trời làm hoa…”. Ngày 14.2.2006 Đồng Đức Bốn trút hơi thở cuối cùng. May mắn là trước khi nhắm mắt ngày 19.1.2006 ông đã được nhìn thấy Tuyển tập thơ “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc”; đứa con tinh thần của mình nặng đến 4 kg, dày 1.108 trang. Tuyển tập “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc” lấy theo tên một bài thơ. Đồng Đức Bốn ví mình như chim mỏ vàng và hoa cỏ độc lạ. Ông đã để lại những câu thơ đầy kiêu hãnh “Hiểu tôi là ngọn núi cao/ Thương tôi có một vì sao cuối trời”. Trong Tuyển tập thơ “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc” có câu thơ “Bên trời, bên những thần linh/ Bạn đi tìm những bình minh vô thường”. Và phần cuối của tập thơ tuyển có câu “Tôi giờ về với trăng sao/ Xin trời một trận mưa rào đón tôi…”. Đồng Đức Bốn đã “về với trăng sao”, đã yên nghỉ với cỏ cây, “chim mỏ vàng” không còn hót được nữa, nhưng lòng khát khao, say mê với thơ ca của ông thì vẫn như ngọn lửa còn rực cháy mãi mãi. Hà Nội ngày 20.4.2021 LÊ THANH LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét