Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Thử tìm hiểu ý nghĩa và tính triết lí của câu ca dao: "Gió đưa cây cải... "


LÊ THANH LONG                                                


THỬ TÌM HIỂU Ý NGHĨA VÀ TÍNH TRIẾT LÍ
CỦA CÂU CA DAO:
“Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”

      Ca dao luôn luôn được lưu truyền trong không gian và qua thời gian. Quá trình lưu truyền có thể làm cho câu ca dao bị phá vỡ, mất đi ý nghĩa cũ và thay bằng ý nghĩa mới. Sự biến đổi đó làm xuất hiện những bản khác (còn gọi là dị bản), đó là điều tất yếu. Câu ca dao: Gió đưa cây cải về trời / Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” là dị bản của câu ca dao: “Gió đưa cây cải về trời / Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”. Hai câu ca dao chỉ khác nhau một chữ “đời” thay bằng chữ “lời”. Nhưng ý nghĩa và tính tiết lí thì khác hẳn.
      “Gió đưa cây cải về trời” là cách nói hình tượng về một người nào đó đã rời bỏ thế giới này, về “cái chết”. Còn “rau răm” chỉ người ở lại.
      Người đã về “cõi trời”, đã chết, hoặc mất chức,…, trước đây đã làm điều gì sai trái, để người ở lại phải “chịu lời đắng cay”. “Đắng, cay” là bản chất của hai loại rau: “rau cải” và “rau răm”, chỉ cuộc sống của hai người ở trên cõi đời này đã phải chịu đựng nhiều nỗi khó khăn, cơ cực trong cuộc sống. Nhưng người đi rồi để lại cho người còn sống phải “chịu lời đắng cay”. Một cách chơi chữ rất thâm thúy của cha ông ta. Cuộc sống đã “đắng” đã “cay”, đã khổ rồi, bây giờ lại phải “chịu” thêm “lời đắng cay” nữa.
      “Chịu lời đắng cay” là tâm điểm của câu ca dao này. Tại sao lại phải “chịu lời đắng cay”? Người ra đi, trước đó đã làm điều gì sai trái, để người ở lại phải hứng chịu “búa rìu” của dư luận, chịu nỗi dày vò, chịu tiếng xấu cho người đã ra đi. “Chịu đời đắng cay” thì dễ dàng hơn nhiều vì chỉ là chịu nỗi khổ về thể xác, về vật chất. “Chịu lời đắng cay” là phải chịu sự dè bỉu, chua cay, mỉa mai là những chịu đựng về tinh thần, thì khó khăn và đau đớn hơn nhiều. Chịu đựng nỗi khổ về tinh thần, khó khăn gấp nghìn vạn lần nỗi khổ về vật chất: Trăm năm bia đá thời mòn / Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ!” Người đời thường nói: “Nhân nào quả ấy” là nói về sự sai trái của bản thân, mà mình phải gánh chịu. Nhưng ở đây là phải hứng “chịu” việc làm sai trái của người khác. Đó là điều không ai mong muốn, nhưng thực tế thì lại luôn luôn xẩy ra.
      Nguyễn Ánh cũng có công xây dựng đất nước, nhưng cái tiếng “Cõng rắn cắn gà nhà” thì không thể gột rửa được. Tất nhiên, khi ông ta còn làm vua, thì không ai dám nói ra điều đó, nhưng sau này con cháu của ông ta phải hứng “chịu” cái tiếng xấu đó.
      Ngày xưa một ông quan phụ trách một bộ, một tỉnh, một huyện… mà làm điều gì sai trái, phải đi tù đầy, thì cả họ phải chịu tiếng xấu, khó mà gượng dậy được. Nếu phạm vào tội nặng phải “chu di tam tộc”, thì không những một mà cả ba họ phải gánh “chịu” tội chết cùng ông ta.
      Ngày nay cũng chẳng khác mấy so với ngày xưa. Một ông Chủ tịch Hội đồng quản trị, một ông Tổng Giám đốc một Tổng Công ty lớn mà trình độ kém, thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức, tham nhũng… gây nên thua lỗ, Công ty bị giải thể (về trời), thì Tổng Công ty đó và cả những người liên quan cũng phải hứng chịu đủ điều… rồi cả người dân cũng phải gánh chịu cái “đắng cay’ của đói nghèo…! Kể ra thì vô vàn, có lẽ thế cũng là đủ. Nói ít, bạn đọc hiểu nhiều!

1 nhận xét:

  1. câu cõng rắn cắn gà nhà là câu được đưa vào sử sách thời cách mạng, nó chưa thực sự có nghiên cứu thấu đáo. Tôi vẫn cho rằng gột rửa được như thường nếu phân tích kĩ lưỡng và trung thực với lịch sử. Thời ta lệ thuộc vào Tàu, còn tệ hơn Nguyễn Ánh, bán nước thời ta tinh vi hơn nhiều

    Trả lờiXóa