Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Tính triết lý và ý nghĩa sâu xa của câu ca dao: "Gió đưa cây cải... "


LÊ THANH LONG                                                


TÍNH TRIẾT LÍ VÀ Ý NGHĨA SÂU XA
CỦA CÂU CA DAO
“Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”


      Cái triết lí ở đằng sau câu ca dao này là gì? Câu ca dao này muốn nói về cái gì đây? Ông cha ta muốn gửi gắm vào câu ca dao này quan điểm, nhân sinh quan gì đây?
      Ngay từ xa xưa, ông Hoài Nam Tử đã đặt câu hỏi về vấn đề sống chết và đưa ra quan điểm: “Sinh ký, tử quy”: “Sống gửi, thác về”. Nhưng chết rồi thì đi vềđâu thì ông không nói. Về đâu? Về lại chỗ đã đến! Tức là tái sinh!
Chết là trở về, con người sẽ phải trả lại cho trần gian tất cả những gì đã tạm vay mượn lúc sinh thời: tiền bạc, công danh, phú quý cùng với mọi vui buồn, sướng khổ, và hành trang duy nhất ta có thể mang theo trên đường trở về cũng chính là những gì ta đã mang vào đời, khi lọt lòng mẹ, đó là nghiệp. Cái “nghiệp” ràng buộc theo quy luật nhân duyên cá nhân với toàn thể loài người, toàn thể sinh vật. Đạo Phật quan niệm rằng: “Nếu khi còn sống ở đời này, người ta ăn ngay, ở lành, sống từ bi hỉ xả với mọi người, thì sau khi chết hồn thiêng của họ sẽ được đi về Cõi Cực Lạc”, cõi Niết Bàn. Cõi Cực Lạc của Đạo Phật cũng giống như Thiên đàng của Đạo Thiên Chúa. Thiên đàng hay Thiên đường: Cõi Trời (chữ Hán thiên là trời, tầng trời, cõi trời; đường hay đàng là cái nhà, cõi) là khái niệm về đời sau được tìm thấy trong nhiều tôn giáo và các tác phẩm triết học.
      Luồng triết học nổi tiếng của thế kỷ 20, mệnh danh là Chủ nghĩa hiện sinh, tập trung suy tư vào thân phận bi thương của kiếp người, nhấn mạnh tính hữu hạn và “dang dở” của đời người và cái chết là bằng chứng rõ nhất và cuối cùng.
      Khoa học, với tinh thần thực nghiệm, phải có bằng chứng, mắt thấy, tai nghe, sờ mó được, nên quan niệm khi chết thân xác tan rã không còn gì, đã kết luận chết là “đoạn diệt”. Đối với những người vô thần, chết là hết. Sinh ra từ cát bụi và chết lại trở về với cát bụi.
      Người ta phân biệt sự khác nhau giữa tục ngữ và ca dao ở chỗ: Tục ngữ thiên về lí trí, tục ngữ cung cấp cho người nghe những triết lí dân gian, tri thức dân gian, ca dao thiên về tình cảm, có nội dung trữ tình dân gian. Riêng câu ca dao: “Gió đưa cây cải về trời
                     Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”
thì lại có tính triết lí rất cao và đưa ra một quan điểm sống của cả một giai đoạn dài của thời đại.
      Đây là câu ca dao triết lí về cõi nhân sinh, xuất phát từ quan điểm “ cõi đời là cõi tạm”, “cõi sau khi chết mới là cõi vĩnh hằng”.
      Thời xưa, cuộc sống là quá khổ cực, thiếu thốn về vật chất, tinh thần, chiến tranh, chết chóc, đau thương chồng chất, xã hội thì bất công, kẻ giầu, người nghèo, áp bức bóc lột, vui ít buồn nhiều. Dưới con mắt của người dân nghèo, xã hội không mấy tốt đẹp. Trong cuộc sống thực tế của mỗi con người đều không được như mong muốn. Không mặt này thì mặt khác, người ta không thỏa mãn với cuộc sống hiện tại. Con người luôn luôn mơ ước có được những điều tốt đẹp hơn. Vì vậy người ta quan niệm, cõi nhân gian chỉ là cõi tạm, cái chết sẽ giải thoát cho con người “kiếp khổ nạn”, được trở về Cõi Vĩnh Hằng.
      Rau “cải” là món ăn dân dã, có vị “đắng” khi xào hay luộc, và có vị “cay” khi ăn sống loại rau cải “mào gà” thái nhỏ. Rau “răm” là món rau gia vị vừa “cay”, vừa “đắng”, không thể thiếu trong nhiều món ăn như trứng vịt lộn, canh hến, canh ngao, canh cá… Hai loại rau này, tuy khác loại, nhưng đều có vị “đắng” và vị “cay” giống nhau. Trong câu ca dao trên, “cây cải” và “rau răm” tượng trưng cho con người trong xã hội xưa, có cùng cảnh ngộ.
      Trong ca dao, người ta hay mở đầu bằng hai từ “Gió đưa…, thường để chỉ một sự việc đang hoặc đã xẩy ra như:
Gió đưa ông đội vào kinh
Bà đội thương tình cắp nón chạy theo
hay:                                   Gió đưa tờ giấy lên mây
Gió đưa cô tú vào đây ăn trầu
Trong trường hợp câu: “Gió đưa cây cải về trời” là chỉ người đã chết và được trở về Cõi Trời. Theo quan niệm xưa, trong hai vợ chồng hay hai người bạn, một người chết, coi như là được giải thoát khỏi kiếp người, được trở về cõi Vĩnh Hằng, Cõi Trời, Thiên Đàng, Cõi Niết Bàn. Còn người ở lại – “Rau răm” thì vẫn phải sống một cuộc đời khổ cực như cũ, vẫn phải chịu cuộc “đời”đắng cay” như cũ: “Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”.
      Có ý kiến cho rằng đời sống là mong manh. Nhưng thực ra, trên thực tế, sự sống là mãnh liệt và vô cùng kỳ diệu. Bất chấp mọi khó khăn về đời sống thiếu thốn, môi trường, khí hậu khắc nghiệt sự sống vẫn tồn tại, và tồn tại lâu dài theo cách riêng của mình, đó là truyền nòi giống sang thế hệ kế tiếp. Đó là luân hồi của chuỗi sinh diệt, diệt sinh vô cùng tận.
      Ở thời đại chúng ta, thời đại cuộc sống vật chất và tinh thần đã khác xưa nhiều, đã đầy đủ hơn (tuy không phải cho tất cả mọi người), vì vậy không ai muốn chết cả. Khoa học và trình độ hiểu biết của dân chúng đã khá cao, người ta tin vào khoa học hơn là những điều có tính chất thần bí. Cái chết sẽ đến là lẽ đương nhiên, quy luật không ai tránh được của tạo hóa, người ta không chờ đợi nó, nhưng người ta chấp nhận nó. Người ta tìm mọi cách để nó đến càng chậm càng tốt, bẳng khoa học, bằng sự nỗ lực của bản thân, đó là cách sống tích cực. Quan điểm sống và nhân sinh quan đã khác xưa nhiều. Trong thời đại tự do, sống như thế nào là tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Nhưng quan điểm và nhân sinh quan của câu ca dao nêu lên ở trên  vẫn còn có tính “thời sự” ở thời đại ngày nay, và đáng để cho chúng ta suy ngẫm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét