HAI
KINH ĐÔ THỜI GIA TĨNH TRONG TRUYỆN KIỀU
VÀ
KIẾN TRÚC SƯ TRƯỞNG
NGƯỜI VIỆT NAM
XÂY
DỰNG TỬ CẤM THÀNH
LÊ THANH LONG
Trong Truyện Kiều Nguyễn Du giới
thiệu về thời gian câu chuyện xẩy ra có câu thơ:
9. Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững
vàng
Sau đó trong lời kể của lại già họ Đô với Kim Trọng, về sự lưu lạc của
Thúy Kiều, Nguyễn Du còn nói rõ kinh đô đó là Bắc Kinh trong câu thơ:
2889. “Tú Bà cùng Mã Giám Sinh,
Đi mua người ở Bắc Kinh đưa về,”
Có người cho rằng thời Gia Tĩnh hai kinh là Kim Lăng và Yên Kinh chứ không
gọi là Nam Kinh và Bắc Kinh như sau đó và ngày nay. Không ít người còn chưa hiểu
rõ, nên khi viết về Truyện Kiều cũng
hay gọi hai kinh đô là Kim Lăng (Nam Kinh) và Yên Kinh (Bắc Kinh). Nói như thế
chẳng hóa ra là Nguyễn Du viết sai.
Vậy hai kinh thời Gia Tĩnh, lúc sự việc xẩy ra trong Truyện Kiều, thực sự tên là gì và được xây dựng vào lúc nào?
Gia Tĩnh là niên hiệu vua Thế Tông nhà Minh (1522 - 1566). Nhà Minh (1368
- 1644). Năm 1368 Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lập ra Đại Minh, đăng quang tại
phủ Ứng Thiên, đổi tên Kim Lăng thành Nam Kinh. Minh Thành Tổ (1402 - 1424) cho
dời đô từ Nam Kinh lên Yên Kinh, đổi tên thành Bắc Kinh. Tử Cấm Thành ở Bắc
Kinh được xây dựng từ năm 1406 - 1420 thì hoàn thành.
Như vậy Kim Lăng được Chu Nguyên Chương đổi tên thành Nam Kinh vào năm
1368. Còn Yên Kinh được Minh Thành Tổ đổi tên thành Bắc Kinh vào năm 1402 và
xây dựng xong Tử Cấm Thành vào năm 1420.
Như vậy tên Nam Kinh (1368) và Bắc Kinh (1402) có trước cả thời Gia Tĩnh
triều Minh (1502 - 1566). Nguyễn Du hoàn toàn chính xác khi nói về hai kinh là
Nam Kinh và Bắc Kinh thời Gia Tĩnh.
Minh Thành Tổ mất sau khi Bắc Kinh xây xong được 4 năm. Năm 1421 hoàng đế
Vĩnh Lạc chuyển vào sống trong quần thể cung điện và Bắc Kinh trở thành thủ đô
mới. Từ đây, Tử Cấm Thành lần lượt được cai trị bởi 24 vị vua (giữa nhà Minh đến
cuối nhà Thanh). Năm 1912, hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc thoái vị
Minh Thành Tổ khi lên ngôi dời kinh đô lên phía bắc, ông muốn xây dựng một
Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh thật hoành tráng chưa từng có, sánh ngang trời đất, chỉ
trong một thời gian ngắn. Các công trình sư bị một sức ép rất lớn về thời gian
và quy mô là phải xây dựng một Tử Cấm Thành rộng lớn hoành tráng và nhanh nhất.
Minh Thành Tổ muốn vua chư hầu đến Bắc Kinh nhìn thấy sự hùng tráng của Tử Cấm
Thành, để tạo cho họ ấn tượng là bản thân mình thật nhỏ bé và Đại Minh thật vĩ
đại. Ngày nay những người đến tham quan chiêm ngưỡng Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh đều
có ấn tượng, là cảm thấy mình thật nhỏ bé trước khung cảnh mênh mông rộng lớn
và vĩ đại của nó.
Thành Tổ (1402 - 1424) đời Minh cho dời đô từ Nam Kinh lên Yên Kinh đổi
tên thành Bắc Kinh. Tử Cấm Thành Bắc Kinh được xây dựng trong 14 năm, từ năm
1406 - 1420 thì hoàn thành.
Tử Cấm Thành có diện tích là 720.000 m2, gồm 800 cung, 9999 phòng, số nhân
lực xây dựng ước khoảng 1 triệu người.
Thành Bắc
Kinh có
lịch sử lâu đời và phong phú, nó được thành lập từ cách nay 3.000 năm, trước
khi Tần
Thủy Hoàng thống nhất Trung
Hoa vào năm 221 TCN. Bắc Kinh là thủ đô của nước Kế rồi nước Yên trong hàng thế kỷ. Nhà Đường năm 759
và nhà Nguyên năm 1215 gọi là Yên Kinh, đến nhà Minh năm 1406 gọi là Bắc Kinh.
Tử Cấm
Thành được thiết kế bởi nhiều kiến trúc sư và nhà thiết kế. Các kiến trúc sư
trưởng là Sái Tín, Trần Khuê, Ngô Trung và thái giám Nguyễn An (một người
Việt Nam),
còn các tổng công trình sư là Khoái Tường và Lục Tường.
Năm
1407, hoàng đế Vĩnh Lạc nhà Minh sang xâm lược Việt Nam, đánh bại nhà Hồ. Tướng nhà Minh là Trương
Phụ,
ngoài việc bắt cha con Hồ Quý Ly cùng toàn bộ triều đình nhà Hồ đem về Trung Quốc, còn tiến hành lùng bắt các thanh thiếu niên
trai trẻ tuấn tú của Việt Nam mang sang Trung Hoa, chọn để hoạn làm Thái giám
phục vụ trong cung vua nhà Minh. Trong số này có nhiều người sau trở nên nổi tiếng
vì tài giỏi như: Nguyễn An, Phạm
Hoằng,
Vương Cấn,...
Theo "Minh Sử", Nguyễn An (1381 - 1453) người vùng Hà Đông (Hà Nội,
Việt Nam ngày nay) là người có công lớn trong việc xây dựng Tử Cấm Thành.
Năm Vĩnh Lạc 14 (1416) theo lệnh của Minh Thành Tổ, Nguyễn An khi ấy mới ngoài
30, đã được giao trọng trách làm kiến trúc sư trưởng xây dựng thành Bắc Kinh mới
(Cố Cung). Ông cùng với các kiến trúc sư trưởng khác xây dựng Tử Cấm Thành. Hàng triệu
nhân công đã làm việc trong suốt 14 năm để hoàn thành công trình phức tạp và tốn
kém này. Năm 1421, hoàng đế chuyển vào sống trong quần thể cung điện và Bắc
Kinh trở thành thủ đô mới.
Nguyễn An (1381-1453), còn gọi là A
Lưu tên gọi ở Trung Hoa, kiến trúc sư thời xưa, người Việt. Ông cùng với Sái Tín, Trần Khuê, Ngô Trung là những kiến
trúc sư trưởng xây dựng Tử Cấm Thành Bắc Kinh, Trung Quốc.
Nguyễn An sinh
năm Tân Dậu (1381), quê ở vùng Hà Đông, nay thuộc địa phận thành phố Hà Nội. Năm 1407, nhà Minh sang đánh bại nhà Hồ, ngoài việc bắt cha
con Hồ Quý Ly cùng
toàn bộ triều đình nhà Hồ đem về Trung Quốc,
còn tiến hành lùng bắt các thanh thiếu niên trai trẻ tuấn tú của Việt Nam mang
sang Trung Hoa, Nguyễn An bị bắt sang
làm Thái giám phục vụ trong cung vua nhà Minh.
Nguyễn An không những
tham gia xây dựng Tử Cấm Thành thời Minh Thành Tổ (1402-1424) mà còn tham gia
trùng tu sửa chữa, xây mới nhiều công trình về sau này.
Năm Chính Thống thứ
hai (1437), ông xây dựng Thành
nội tức là Hoàng thành (thêm hai cung, ba điện, năm phủ, sáu bộ, và dinh thự
công sở các ty), Thành ngoại với 9 cửa kinh sư: cửa Chính Dương (có 1 chính lầu
và 3 gian Nguyệt thanh lâu), và các cửa: Sùng Văn, Tuyên Vũ, Triệu Dương, Phụ
Thành, Đông Trực, Tây Trực, An Dinh, Đức Thắng (mỗi cửa này đều có 1 chính lầu
và 1 Nguyệt thanh lâu (lầu ngắm trăng)). Công việc trên được ông chỉ huy thực
hiện hoàn thành trong hơn hai năm, rút ngắn tiến độ được gần một năm, mà lại chỉ
dùng hết một vạn nhân lực để thi công. Tháng 3 năm Chính Thống
thứ 5 (1440), ông lại được nhà
vua giao cho 7 vạn thợ và lệnh cho xây dựng và trùng tu ba điện: Phụng Thiên,
Hoa Cái, Cẩn Thân, cùng hai cung: Càn Thanh, Khôn Ninh (hai cung, ba điện này
được xây xong năm 1420, nhưng năm 1421 lại bị sét đánh hư hại). Đến tháng 10
năm sau (1441) thì công việc này
xong, vua nhà Minh thưởng cho Nguyễn An: 50 lạng vàng, 100 lạng bạc, 8 tấn thóc và 1 vạn quan tiền. Đến tháng 10 năm Chính Thống 10 (1445), ông lại được giao xây dựng lại tường thành Bắc Kinh, vốn
trước bên ngoài xây bằng gạch nhưng ở trong đắp đất nên hễ mưa là sụt.
Nguyễn An
còn xây dựng các công trình trị thủy hệ thống sông Hoàng Hà
Các công trình do Nguyễn
An thiết kế và xây dựng ở Trung Quốc
+ Cửa Chính Dương, còn
gọi là Tiền Môn, ở phía Nam quảng trường Thiên An
Môn, ngày nay vẫn còn tồn
tại, là cửa chính trong 9 cửa của Ngoại thành (thành ngoài) đều do ông xây dựng
năm 1437 - 1439.
+ Ba điện Phụng Thiên,
Hoa Cái và Cẩn Thân, được xây năm 1417 - 1420, trùng tu 1440 - 1441, đến triều đại nhà Thanh được
đổi tên lần lượt thành Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa.
+ Dinh thự công sở các
cơ quan triều đình: phủ Tôn Nhân, Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công, Hồng Lô Tự, Khâm
Thiên Giám, Viện Thái Y, Viện Hàn Lâm và Quốc Học (Quốc Tử Giám)... Trong các
công trình này, nay còn lại Quốc Học tức là Thư viện Thủ đô Bắc Kinh ngày nay.
+ Thành trì Bắc Kinh
thời đó có chu vi 68 dặm. Những năm Vĩnh Lạc
(Minh Thành Tổ (1403-1424)) và Tuyên Ðức (Minh Tuyên Tông (1426-1435)) được xây phía ngoài bằng gạch, nhưng bên
trong tường thành vẫn còn làm bằng đất, nên gặp phải khi mưa dầm lụt lội, tường
thành thường hay sụp đổ. Nguyễn An xây dựng, tu sửa lại cả phía trong và phía ngoài,
tường thành Bắc Kinh từ đó cao đến 3 trượng 5 thước (dưới triều nhà Minh mỗi
thước dài 31,1 cm, nên 3 trượng rưỡi tức là bằng 10,885 m), nền tường thành dày 6 trượng 2 thước (19,280 m), mặt
thành rộng 5 trượng (15,550 m).
Minh sử quyển 304 - Liệt truyện
192 - Hoạn quan nhất chép về ông rất
ngắn (sau Trịnh Hòa, Hầu Hiển,
Kim Anh, Hưng An, Phạm Hoằng, Vương Cấn), nhưng có đề cập tới việc xây dựng
thành trì, cung điện, các sở quan tại Bắc Kinh cũng như trị thủy…
Năm 1453, niên hiệu Cảnh Thái thứ tư, đời vua Minh Đại Tông (Cảnh Đế) (1450 - 1456), sông
Trương Thu ở Sơn Đông vỡ đê, tu sửa
mãi không xong, ông lại được vua nhà Minh cử đến đó để trị thủy rồi mất ở dọc
đường.
Nguyễn An là người hết
lòng vì công việc, tận tụy, cần mẫn, thanh bạch, liêm khiết, trước khi mất,
Nguyễn An trăn trối: đừng xây lăng mộ cho ông như những người có công thời ấy
thường làm, mà nên đem toàn bộ của cải của ông góp vào quỹ công, để phát chẩn
cho dân bị lụt ở Sơn Đông, những nơi ông đang
đi mà chưa tới.
Nhà sử học Trương Tú Dân (Trung Quốc) đánh giá về công lao và đức độ của
Nguyễn An và nỗi buồn nhân thế đối với một con người phải lưu lạc tha hương:
"Từ xưa đến
nay, người tốt trong hoạn quan trăm ngàn người không được một. Còn An hết lòng
vì công việc, thanh bạch, liêm khiết, khắc khổ, khi lâm chung không có nén vàng
nào trong túi, là một con người cao thượng, chỉ để lại công đầu ở Bắc Kinh.
Nguyễn An là người kiệt xuất trong hoạn quan, công với quốc gia không thể phai
mờ. Ngày nay tên Tam Bảo thái giám, đàn bà trẻ con đều tỏ tường, còn tên nhà đại
kiến trúc Nguyễn An - A Lưu thì ngay học giả, chuyên gia ít ai hay biết. Thật bất
hạnh thay. Tôi nghĩ, với An không chỉ riêng giới công trình đáng ngưỡng mộ mà
thị dân Bắc Kinh cũng nên uống nước nhớ nguồn, kỷ niệm chớ quên."
Sách Thủy đông nhật ký của Diệp
Thịnh đời Minh có chép: "Nguyễn An, cũng gọi là A Lưu, người
Giao Chỉ, thanh khiết, giỏi tính toán, có biệt tài về kiến trúc. Trong các công
trình xây dựng thành trì Bắc Kinh và chín cửa thành lầu, hai cung, ba điện, năm
phủ, sáu bộ ở Bắc Kinh và nạo vét sông Trạch Chư ở thôn Dương, đều có nhiều
công lao to lớn. Các nhân viên thuộc hạ của Nguyễn An ở Bộ Công chẳng qua chỉ
là những người thừa hành phận sự, thực hiện những công trình do Nguyễn An quy
hoạch, thiết kế ra đó thôi".
Hà Nội ngày
8.01.2020
LÊ THANH LONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét